Ngành giải trí mượn đồng tính để "câu cơm"

Thứ Năm, 08/01/2015, 14:30
Khi xã hội ngày càng có cái nhìn thoáng hơn về những người thuộc giới tính thứ 3 thì showbiz Việt cũng rất "thức thời" bởi đã nhân hiện tượng này để gây chú ý trong các sản phẩm của mình. Từ người nổi tiếng đến kẻ chân ướt chân ráo mới vào nghề, chẳng cần biết đúng sai, hợp lý hay không hợp lý, các sản phẩm tung ra đều muốn mượn người đồng tính để "kiếm khách". Nó thậm chí tạo thành trào lưu, cho dù, hành động này vô hình trung đang làm ảnh hưởng và méo mó con mắt nhìn về thế giới của những người "kém may mắn".

"Thành công nhưng không thành nhân"

Chẳng ai khảo mà xưng, ê kíp của đoàn phim "Để Mai tính 2" vừa công bố với báo chí và khán giả khi bộ phim của họ chỉ với vài ngày ra rạp đã thu về cả triệu đô la. Giành được thành công vang dội là vậy nhưng "Để Mai tính 2" cũng lập tức phải hứng chịu một làn sóng chỉ trích từ phía cộng đồng LGBT (những người đồng tính, song tính, chuyển giới).

Trên trang Facebook của cộng đồng LGBT có tên "Tôi đồng ý" quy tụ hơn 82.000 thành viên, trong những ngày qua liên tiếp đăng tải những thông điệp và ý kiến không hài lòng về bộ phim "Để Mai tính 2". Các quản trị viên của trang này đưa ra nhiều lý luận cho rằng, bộ phim đã làm xấu hình ảnh của người đồng tính, gây phản cảm trong dư luận và sử dụng người đồng tính làm công cụ để chọc cười, thu lợi nhuận. Một trong những cảnh phim bị trang này lên án nhất là khi chị Hội bị tạm giam. Đang đòi hỏi được chuyển sang buồng giam nữ, nhưng chị Hội lập tức đổi ý khi phát hiện ra trong phòng còn có một nhân vật nam điển trai, vạm vỡ khác.

Mượn chuyện đồng tính, chuyển giới để gây chú ý gần đây trở thành trào lưu, nó phổ biến tới mức, nếu như chương trình nào dù là phát trên truyền hình, hay chỉ là biểu diễn ở sân khấu đời thường, nếu như yếu tố đồng tính hay chuyển giới không được đưa vào thì chương trình bị cho là nhạt nhẽo, là… không bình thường. Ngay cả các chương trình phát trên truyền hình, từ kênh Trung ương cho tới địa phương, bất chấp được ủng hộ hay không ủng hộ, cứ phải giả gái hoặc giả trai cái đã, chọc cười cái đã rồi thì tính sau, bất cần biết tiếng cười mà khán giả bật ra là vô duyên nhạt nhẽo, hay là sự đồng cảm, sẻ chia.

Tina Tình cùng bạn diễn tình đồng tính trong MV Góc khuất của MR Đàm.

Công bằng thì chuyện đồng tính là một đề tài mới mẻ, gợi  nhiều tò mò, tưởng tượng, vì thế sẽ có nhiều đất để các nghệ sĩ tung hoành và sáng tạo, chỉ có điều đây cũng là vấn đề khá nhạy cảm nên để nó có được sự đồng cảm giữa nghệ sĩ, các tác phẩm và người xem thì lại không dễ chút nào. Đặc biệt là sự đồng cảm từ những người thuộc cộng đồng LGBT lại càng khó. Nếu không muốn nói, với cái nhìn thiên kiến và bóp méo, nhiều tác phẩm đã khiến cho mọi người khi nghĩ về những người đồng tính chỉ còn đọng lại cảm giác rùng mình, sởn da gà.

Cn công bng vi cng đng LGBT?

Điện ảnh, với các tác phẩm từ trực diện cho tới liếc qua, như "Để Mai tính", "Lạc giới", "Nàng men chàng bóng"… âm nhạc ngập ngụa những MV về đề tài đồng tính, thậm chí ca sĩ còn chẳng ngại ngần ôm ấp, vuốt ve nhau luôn cả trên sân khấu trực tiếp để minh họa cho ca khúc của mình, sân khấu kịch vốn dĩ hiền hòa và bình lặng cũng nở rộ các tác phẩm về đề tài thế giới thứ ba: "Phận làm trai", "Chuyện của Sao", "Đỏ, Cam, Vàng, Lục"… Và người ta chẳng ngại ngần thừa nhận, đây là đề tài dễ câu khách, dễ kiếm tiền trong lúc thị trường có quá nhiều khó khăn. Không hề né tránh, Ngọc Hùng (quản lý nghệ thuật) của sân khấu Thế giới trẻ thẳng thắn phát biểu, vì sân khấu của mình còn mới nên phải có cái gì để gây ấn tượng mạnh với khán giả, thế nên đề tài đồng tính sẽ được sân khấu này khai thác triệt để.

Trương Nam Thành với cảnh đồng tính trong phim thảm họa.

Cần công bằng với cộng đồng LGBT (người đồng tính, song tính và chuyển giới) là lời yêu cầu của rất nhiều người sinh hoạt trong cộng đồng những người thuộc thế giới thứ 3. Để được thừa nhận và bình đẳng như những người dị tính trong các sinh hoạt và tồn tại xã hội, những con người này đang ngày càng có nhiều hoạt động ý nghĩa, những việc làm cần thiết để xã hội cởi mở hơn với họ. Những tác phẩm điện ảnh, những MV ca nhạc, và cả những vở kịch lột tả số phận đầy bi kịch, nhưng ẩn chứa những thông điệp nhân văn về thế giới của những người "kém may mắn" luôn khiến cho cộng đồng LGBT nức nở, biết ơn vì đã giúp họ nói lên tiếng lòng, những uẩn khúc trong đời sống nội tâm, tuy nhiên, nó phải là những sản phẩm "vị nhân sinh" đúng nghĩa. Trái lại, nếu cứ ồ ạt tung ra sản phẩm, nhưng mục đích chính là để “câu” sự chú ý, coi cộng đồng LGBT như một chiếc cần câu, chiếc phao cứu sinh thì đó lại là hành vi rất thiếu văn minh và công bằng đối với họ. Và sự thật, những nghệ sĩ "sáng tạo" trên nền chất liệu này không phải vô can, hay không bị trả giá cho sự toan tính và cái nhìn thiếu nhân văn của mình.

Ngọc Tình diễn cảnh đồng tính trong một MV ca nhạc.

Và s tr giá

Các nghệ sĩ có thể hả hê vì sản phẩm của mình được chú ý, có người thậm chí còn tự hào khi sản phẩm của mình bán chạy, nhưng… với những người làm nghề chuyên nghiệp, họ lại cho rằng, phải lạm dụng người đồng tính để "kiếm cơm" thì có lẽ nghệ sĩ đã chột nghề, hay bế tắc khi không thể sáng tạo trong các tác phẩm của mình. Đây đồng thời cũng là nhận định của rất nhiều người sau khi xem xong phim "Để Mai tính 2".

Quách Ngọc Ngoan và ông hoàng nhạc Việt cũng có cảnh diễn đồng tính rất sến súa.

Thật khó để đòi hỏi showbiz Việt có những tác phẩm điện ảnh kinh điển như "Brokeback Mountain" (Mỹ), "Lan Vũ" (Trung Quốc) hay "Bangkok love story" (Thái Lan). Những bản nhạc lay động lòng người như  Loving strangers trong phim "Room in Rome", My love trong "Fingersmith" hay The Wings - soundtrack của "Brokeback Mountain"… vì sự chênh lệch về tài năng, đầu tư tiền bạc, cũng như vô vàn những lý do khác nữa. Nhưng, chỉ cần những người yêu nghệ thuật sống chết vì nghệ thuật, có cái nhìn nhân văn, chính xác và sâu sắc hơn, thay vì mục đích lấy đề tài đồng tính ra để toan tính những mục đích thực dụng và đẫm mùi tiền bạc thì không lý gì các nghệ sĩ Việt nói riêng và showbiz Việt nói chung lại thiếu thốn tài năng hay chất liệu đến mức phải dựa vào một cộng đồng người nào đó để xây dựng "thành công", để kiếm sống cho qua ngày.

Chị Hội đang bị ném đá dữ dội.


Những tác phẩm và cá nhân "chết đuối" vì lạm dụng đề tài nhạy cảm - Đồng tính.

Cao Thái Sơn và Long Nhật là hai nam ca sĩ dũng cảm, cũng như hay lạm dụng chủ đề này nhất trong đời sống, trong các tác phẩm của mình. Nếu như Cao Thái Sơn từng có chuyện tình ồn ào về đề tài đồng tính với một nhân vật nam Việt kiều, đồng thời gây nụ hôn cũng như màn vuốt ve trên sân khấu với nam vũ công, để bây giờ mặc định với biệt danh "Chuẩn men" của showbiz như một cái nhìn nhạo báng và chê trách, thì Long Nhật cũng có màn giả gái trong hàng loạt tác phẩm âm nhạc gần đây. Là đàn ông, nhưng Long Nhật lại có biệt danh "Bà tám", một cái tên ẩn chứa nhiều thông điệp… không bình thường về giới tính.

Bộ phim "Cảm hứng hoàn hảo" sản xuất năm 2011 của đạo diễn Nguyễn Lê Dũng lấy đề tài đồng tính nam, nhưng đã bị chê bai thậm tệ. Phim đã khiến người xem có cái nhìn lệch lạc về người đồng tính, đạo diễn thậm chí còn sai lầm tới mức, dẫn dụ người xem coi đồng tính như thể một căn bệnh có thể chữa chạy bằng thuốc là… tình dục

"Nàng men chàng bóng" của đạo diễn Võ Tấn Bình năm 2012, cũng mượn đề tài đồng tính để gây cười, nhưng với cách diễn thô thiển, ngô nghê của Ngô Kiến Huy, cộng với sự tung hứng không ăn nhập của Đinh Ngọc Diệp, bộ phim đã xếp vào bảng phim thảm họa năm 2012.

Mỹ Xuân
.
.
.