Ngành nghệ thuật biểu diễn lao đao vì COVID-19

Chủ Nhật, 30/08/2020, 06:29
Đời sống của các nghệ sĩ biểu diễn vừa hồi phục chút ít sau khi dịch COVID-19 đợt 1 tạm lắng xuống thì lại phải tiếp tục chịu nhiều tổn thất nặng nề hơn với làn sóng thứ 2. Từ giữa tháng 7 đến nay, nhiều show diễn đã bị hủy bỏ, một số sân khấu phải tạm đóng cửa. Nghệ sĩ và các cán bộ công nhân phục vụ trong ngành biểu diễn đang phải chịu cảnh thất nghiệp, cuộc sống gặp muôn vàn khó khăn.


Hủy show, sân khấu đóng cửa

Tại Thành phố Hồ Chí Minh, địa phương diễn ra các hoạt động sân khấu sôi động nhất liên tiếp các diễn biến xấu. Nhà hát Múa rối Rồng Vàng, một địa điểm quen thuộc với khách du lịch trong hơn 2 thập kỷ vừa qua, mới đây đã tuyên bố đóng cửa. Du lịch ngừng trệ vì dịch đã khiến cho cơ sở biểu diễn có trung bình 800 suất diễn/ năm phải chịu cảnh đìu hiu, vắng vẻ. Đóng cửa sân khấu này đồng nghĩa với việc rất nhiều nghệ sĩ, nhân viên của Nhà hát phải nếm trải cảnh thất nghiệp, chới với tìm việc để kiếm thu nhập đảm bảo cuộc sống.

MC Quyền Linh rao bán hàng tiêu dùng trên trang cá nhân.

Nghệ sĩ Hồng Vân cũng vừa ngậm ngùi tuyên bố đóng cả hai sân khấu mà chị làm chủ, là sân khấu Phú Nhuận và sân khấu Chợ Lớn. Dịch bệnh khiến cho hoạt động của các địa điểm sân khấu này phải ngừng trệ, thấp thỏm “đóng-mở” với lượng khán giả không ổn định dẫn đến thua lỗ triền miên nên “bà bầu” chẳng còn cách nào để duy trì sự tồn tại của những địa chỉ quen thuộc với giới mộ điệu sân khấu nữa. Ngừng công việc biểu diễn, Hồng Vân cũng ngừng luôn các lớp đào tạo diễn viên sân khấu, do lo ngại dịch bệnh bùng phát. Các học trò của lớp học được Hồng Vân khuyến khích về quê, đợi khi dịch lắng xuống thì quay trở lại để tiếp tục.

Các sân khấu quen thuộc khác ở Thành phố Hồ Chí Minh như sân khấu Hoàng Thái Thanh, sân khấu 5B Võ Văn Tần, sân khấu Idecaf hiện vẫn cố gắng cầm cự bằng một suất diễn vào cuối tuần nhưng lượng khán giả rất lèo tèo, nhiều khả năng sẽ sớm phải ngừng hoạt động. Bên cạnh những đơn vị sân khấu  phải tuyên bố đóng cửa thì nhiều chương trình nghệ thuật lớn cũng bị hoãn lại, ảnh hưởng đến đời sống của nhiều anh em nghệ sĩ. Nhà hát Giao hưởng nhạc vũ kịch TP.Hồ Chí Minh (HBSO) buộc phải hủy các chương trình trong tháng 8, gồm vở múa đương đại “Café Saigon”, vở múa ba-lê “Kiều” và chương trình hòa nhạc kỷ niệm 250 năm ngày sinh của nhà soạn nhạc Beethoven.

Ca sĩ Hòa Minzy rao bán nhà để có tài chính trang trải cuộc sống trong mùa dịch.

Cả ba chương trình đã được các nghệ sĩ dốc sức tập luyện trong mấy tháng liền và Nhà hát thì đã tốn tiền tỷ đầu tư dàn dựng, chỉ đợi đến ngày phục vụ khán giả. Chương trình “ArtsCon Hội An 2020”, một sự kiện được công chúng chờ đợi quy tụ hơn 30 nghệ sĩ đương đại nhiều thể loại từ múa đương đại, âm nhạc, sắp đặt, thị giác, nhiếp ảnh, trình diễn nghệ thuật, phim ngắn tại Hội An đầu tháng 8 cũng bị hoãn vì diễn biến xấu của tình hình dịch bệnh. Các show diễn thời trang của các nhà thiết kế Chung Thanh Phong, Nguyễn Minh Công mặc dù đã bán vé nhưng cũng phải dừng lại trong Tháng 8.

Ở lĩnh vực âm nhạc, “chi chít” chương trình phải hủy bỏ hoặc tạm hoãn vô thời hạn do dịch bệnh quay trở lại. Hai chương trình tưởng nhớ Trịnh Công Sơn “Qua phố Trịnh” và “Nhật ký Huế” buộc phải dời lịch sang năm 2021. Các show diễn của nhiều ca sĩ như Nam Cường, Thái Trinh, Đàm Vĩnh Hưng, Noo Phước Thịnh, Quách Tuấn Du, Lân Nhã - Nguyên Hà, Lê Hiếu, Hòa Minzy, Chí Tài, Tăng Phúc, Nguyễn Trần Trung Quân…cũng đã phải hủy trong tháng 8.

Điều đáng nói là phần lớn các chương trình này đã chuẩn bị xong hết các khâu, chỉ chờ đến ngày biểu diễn. Hủy bỏ show diễn ở thời điểm như vậy, các ca sĩ phải chịu thiệt hại vô cùng lớn. Một số ca sĩ chỉ còn biết ngửa mặt kêu trời vì số tiền đầu tư rất lớn mà không thể lấy gì bù lại được, trong khi vé bán cho khán giả rồi phải trả lại tiền.

Có thể thấy bức tranh chung của đời sống biểu diễn là vô cùng ảm đạm. Liên tục các show diễn lớn phải hủy bỏ, các đơn vị sân khấu phải đóng cửa kéo theo đời sống nghệ sĩ trở nên chật vật. Chỉ một số ít nghệ sĩ tên tuổi có tích lũy để sống, còn lại phần nhiều trong số họ phải vật lộn tìm cách mưu sinh, đảm bảo miếng cơm manh áo hàng ngày.

Làm đủ nghề để tồn tại

Những người nghệ sĩ sân khấu khi đã thành nghề, gắn bó với sân khấu mấy chục năm, họ dường như chỉ biết đến công việc biểu diễn, ngoài ra không biết làm thêm gì để kiếm sống. Nhưng khi đại dịch xảy đến, đối mặt với nguy cơ thất nghiệp, họ buộc phải tìm cách bươn chải để có thu nhập dù tối thiểu, còn lo cho gia đình. Khi Nhà hát Múa rối Rồng Vàng (TP. Hồ Chí Minh) đóng cửa, phần lớn các nam nghệ sĩ của nhà hát đi bán hàng online, còn các nghệ sĩ nữ thì may đồ thuê, đóng gói hàng hóa cho một số cơ sở để nhận đồng lương ít ỏi tùng tiệm đảm bảo bữa cơm hàng ngày của gia đình.

Nghệ sĩ Lê Giang bán nước trái cây kiếm thêm thu nhập trong mùa dịch bệnh bị hủy show diễn.

Bán hàng online trở thành công việc lựa chọn của phần lớn nghệ sĩ biểu diễn khi phải ở nhà không có show, đồng nghĩa với thu nhập không có. Đây là công việc có phần lợi thế với các nghệ sĩ, vì họ là những người có tên tuổi, có lượng fan nhất định theo dõi và đó chính là khách hàng tiềm năng của họ trên mạng.

Nghệ sĩ Lê Giang bán nước cam, nước chanh mật ong, xôi gà, cá khô. Nghệ sĩ Don Nguyễn cùng bạn thì livestream hàng ngày bán chân gà sốt, kim chi, bánh sầu riêng, dưa lưới organic. Diễn viên, người mẫu Cao Thái Hà bán cơm, mì kèm vịt quay, heo quay. Nữ ca sĩ Pha Lê bán patê, kim chi. Ca sĩ Chế Nguyễn Quỳnh Châu bán sữa chua và mật ong rừng.

Danh hài Mạc Văn Khoa sẵn sàng ship bún đậu mắm tôm đến tận nhà cho thực khách. Diễn viên Nguyệt Ánh miệt mài ship dưa lưới, dưa lê cô tự trồng ở vườn cho ai có nhu cầu. Diễn viên Minh Cúc làm thêm đồ da hanmade để bán trên mạng. Nghệ sĩ múa Nguyễn Văn Cường cùng vợ kinh doanh online các sản phẩm thức ăn cho mèo…

Các nghệ sĩ ngôi sao khó khăn là vậy nhưng dù sao họ còn có thể xoay xở nhờ vào tài sản có trước đó hoặc ít nhất là nhờ lượng fan đông đảo mà dễ bán hàng online. Chật vật nhất phải kể đến các nghệ sĩ múa tự do, các nghệ sĩ xiếc, và đặc biệt là các công nhân lo phần hậu đài trong các đoàn nghệ thuật. Họ là những người đứng phía sau sân khấu, cả đời sống bằng thu nhập từ việc phục vụ công việc hậu trường cho các nghệ sĩ.

Khi các sân khấu đóng cửa, các công nhân không biết bám víu vào đâu. Họ thuộc nhóm lao động tự do, nhiều khi không có hợp đồng và cũng không có bảo hiểm. Nhiều người đang phải ở nhà trọ, cuộc sống bấp bênh khi không còn đồng lương được chi trả hàng tháng, mà cũng không biết phải kiếm sống ra sao. Theo tìm hiểu, một số công nhân hậu đài của đoàn cải lương Minh Tơ (TP. Hồ Chí Minh) phải đi phụ hồ, bán vé số cầm cự qua ngày chờ ngày nhà hát sáng đèn trở lại.

Vợ chồng diễn viên Lê Khánh- Tuấn Khải cùng quay clip bán hàng trên mạng.

 Thấu hiểu hoàn cảnh của các công nhân, những ngày vừa qua NSND Lệ Thủy và NSND Hoa Hạ đã tổ chức quyên góp thực phẩm, gạo, mì, tiền để giúp các anh chị em thuộc đối tượng này sống qua mùa dịch. Còn NSND Kim Cương thì lo lắng bày tỏ: “Lúc này vai trò của Hội Sân khấu cần quyết liệt hơn trong việc rà soát, lập danh sách những người lao động hoạt động trong ngành sân khấu biểu diễn trình các cấp các ngành có liên quan để người lao đông có thể nhận được sự hỗ trợ trong gói cứu trợ 62.000 tỷ đồng của nhà nước, vì họ cũng là những người lao động thất nghiệp cần được chia sẻ”.

Cơn “bão” COVID-19 đã và sẽ còn gây ra những hậu quả sâu sắc cho nền kinh tế và mọi thành phần trong xã hội, trong đó có cả giới nghệ sĩ. Tuy nhiên, trong những thời điểm khó khăn cũng đã lóe sáng tấm lòng “lá lành đùm lá rách” trong những người làm nghề. Cùng nhau vượt qua lao đao để đợi ngày được trở lại rực rỡ với ánh đèn sân khấu là mong muốn của tất cả các nghệ sĩ và những người làm trong lĩnh vực biểu diễn.

Bảo Bình
.
.
.