Nghề môi giới cầu thủ không còn đất sống ở V.League

Chủ Nhật, 23/08/2020, 12:20
Có một thời, "cò" cầu thủ trở thành công việc béo bở nhất được một vài nhân vật có máu mặt của thể thao Việt Nam nhắm đến. Tuy nhiên theo thời gian, số người hoạt động trong lĩnh vực này ngày càng thưa thớt dần đi. Điều gì khiến những người đại diện từ bỏ công việc hái ra tiền một thời của họ?


Được và mất

Cho đến giờ người hâm mộ bóng đá Hải Phòng vẫn chưa từng nguôi ngoai nỗi nhớ Leandro, cầu thủ được đánh giá là ngoại binh hay nhất nhì lịch sử V.League. Câu chuyện Leandro cập bến đội bóng thành phố Cảng cũng đầy tình tiết ly kỳ, với những con số bạc tỷ xung quanh anh và "cò" Mauro. Bên cạnh Leandro, Mauro từng môi giới cho rất nhiều ngoại binh Brazil đến Việt Nam thi đấu để nhận tiền hoa hồng béo bở.

Tuy nhiên đó chỉ còn là chuyện của những ngày xưa cũ. Bất chấp việc FIFA giờ đây không còn yêu cầu nhà môi giới cầu thủ phải có chứng chỉ quốc tế, số lượng "cò" ở V.League ngày một giảm sút theo thời gian. Xét về mặt bản chất, việc làm người đại diện cầu thủ không quá liên quan đến bóng đá. Nó gần hơn với ngành quản lý tài chính, với vô vàn rủi ro phải nhận về khi một "cò" quyết định đưa cầu thủ đến Việt Nam.

Người đại diện Nguyễn Minh Châu nay đã bỏ nghề.

Một vài nhà môi giới cầu thủ chuyên nghiệp từng có thân chủ đến Việt Nam thi đấu nói mảnh đất hình chữ S thực sự là mảnh đất dữ với họ. Một lần đưa ngoại binh đến Việt Nam thử việc, người đại diện sẽ mất khoảng 6.000 USD gồm tiền vé máy bay, chi phí ăn ở, đi lại... Nếu cầu thủ không được CLB nào chiêu mộ, họ coi như mất trắng số tiền đó. Nhưng cầu thủ đồng ý ký hợp đồng thì rắc rối cũng chưa chấm dứt.

Khi Bruno Cunha Cantanhede đặt chân tới Việt Nam, CLB đầu tiên muốn ngỏ ý nhận anh là Quảng Nam. Nhưng trong vài ngày sinh hoạt, làm quen với đội bóng xứ Quảng, cầu thủ này lại một mực đòi chuyển sang một nơi tốt hơn. Thế là người đại diện của Bruno lại mất công đưa thân chủ Bắc tiến, thử việc ở một vài CLB khác trước khi ký hợp đồng với Viettel. Người đại diện thường sẽ hưởng phần trăm tiền lương và lót tay của cầu thủ, dù vậy, ở Việt Nam lại là câu chuyện khác.

Góc khuất nghề môi giới

Từng chơi bóng ở Việt Nam nhiều năm trước khi trở thành "cò" môi giới cầu thủ V.League, "Lê Phu" Achilefu nói bí quyết thành công ở Việt Nam là phải biết "gọi dạ bảo vâng" với người có tiếng nói trong các CLB. Thẳng thắn hơn, "cò" Jernej Kamensek nói người đại diện và cầu thủ phải chấp nhận chia sẻ tiền lót tay với lãnh đạo CLB và HLV nếu muốn được ký hợp đồng. Nếu không chấp nhận "gửi quà" cho cấp trên, cầu thủ đó sớm muộn sẽ phải bán xới.

Claudecir đến và rời Hải Phòng chỉ sau nửa mùa bóng như nhiều ngoại binh khác.

Câu chuyện ồn ào nhất về việc tranh chấp tiền lót tay từng xảy ra tại V.League vài năm trước, với nhân vật chính là tiền đạo Errol Stevens. Chân sút chủ lực của CLB Hải Phòng vào thời điểm đó liên tục phàn nàn với người đại diện vì việc anh chưa nhận đủ tiền lót tay từ đội bóng theo hợp đồng đã ký kết từ trước. Cực chẳng đã, anh đem vụ việc lên FIFA để đòi bằng được số tiền CLB còn thiếu, ước tính lên tới vài chục ngàn USD.

"Tôi may mắn vì có người đại diện lo mọi thứ liên quan đến vấn đề pháp lý lẫn tài chính. Công việc của tôi chỉ là ra sân thi đấu, ghi bàn rồi về nhà chăm lo cho gia đình", Stevens giãi bày trong ngày nói lên thực trạng ở CLB Hải Phòng. "Nhưng các đồng nghiệp của tôi không may mắn như thế. Mỗi lần tôi gợi ý về việc tìm một người đại diện tốt để làm việc cùng, họ lại khước từ và bảo đó không phải cách vận hành của bóng đá Việt Nam".

Ngay cả Kamensek cũng từng có thời gian phải tuân theo "luật im lặng" tại V.League trước khi trở về quê hương kiếm kế sinh nhai. Ngày ra đi, ông bộc bạch chia sẻ mỗi cầu thủ ký hợp đồng giúp ông có khoảng 10.000-15.000USD tiền lót tay từ người đó, nhưng đương nhiên là không được cầm hết. Kamensek mất khoảng 5.000-6.000USD đón cầu thủ đến Việt Nam, rồi lại phải chi thêm vài ngàn USD cho lãnh đạo CLB. Tính ra ông chỉ cầm về 2.000-3.000USD với mỗi thương vụ thành công.

Chuyện "cắt phế" tiền hoa hồng và môi giới lý giải một phần nguyên nhân vì sao các ngoại binh ở V.League thường xuyên tìm bến đỗ mới chỉ sau 6 tháng đến 1 năm. Chỉ có cách luân chuyển cầu thủ từ CLB này sang CLB khác mới sinh thêm tiền lót tay, qua đó những người được hưởng lợi sẽ thu về nhiều hơn. Đó cũng là lý do trước thềm mùa giải 2020 CLB Hải Phòng từ chối ký hợp đồng với Sekou Sylla, một trong những ngoại binh hay nhất giải VĐQG Myanmar trong 2 năm qua.

Sylla từng ghi đến 41 bàn trong 59 trận thi đấu ở Myanmar giai đoạn 2018-19, nhưng CLB thành phố Cảng lại bỏ qua anh để chiêu mộ Claudecir Junior. Đáng chú ý là trong năm 2019, Cladecir chỉ ghi đúng 1 bàn và tỏ ra vô cùng chậm chạp trước khung thành đối phương. Lý giải về điều này, Kamensek nói ông không hề ngạc nhiên. Các CLB ở V.League sẵn sàng ký hợp đồng với ngoại binh kém, nhưng "ngoan" trong chuyện cắt phế tiền lót tay.

Môi giới thứ cấp là gì?

Nhiều tay "cò" bất lương lừa gạt thân chủ theo những phương pháp vô cùng tinh vi. Chúng đến dụ dỗ gia đình những thanh niên nghèo ở châu Phi rồi ba hoa về cơ hội đổi đời nhờ đá bóng ở Việt Nam, đổi lại họ phải chi tiền cho chúng để đến đó. Dĩ nhiên khi những nạn nhân xấu số đặt chân tới Việt Nam, tên "người đại diện" kia lập tức ôm tiền cao chạy xa bay. Vô vàn những người như thế đang sống lay lắt ở "phố Tây" giữa Sài Gòn.

"Cò" Đại nổi tiếng với tài “thổi giá” cầu thủ ở V.League.

Thông minh hơn và tử tế hơn những tay cò bất lương kia, một vài người đại diện thực thụ phải tìm cách hạn chế rủi ro trong việc môi giới cầu thủ tại V.League. Họ trở thành trung gian giữa các CLB Việt Nam với một người đại diện quốc tế để đưa cầu thủ ngoại đến V.League chơi bóng. Nhưng qua thêm một kênh thứ ba cũng đồng nghĩa với việc chi phí bị đội thêm, vì vậy nhiều người môi giới đang dần tìm cách bỏ nghề để chuyển qua lĩnh vực khác.

Năm 2006, bóng đá Việt Nam bất ngờ trước thông tin bà Mae Mưa, một Việt kiều Anh vượt qua kỳ thi sát hạch cấp chứng chỉ môi giới cầu thủ bóng đá của FIFA. Bà cũng sẵn sàng chi tới 150.000 euro phí bảo hiểm để được cấp chứng chỉ hành nghề. Vài năm sau, đến lượt ông Nguyễn Minh Châu tiếp tục ghi tên mình trên bảng vàng những "cò" chân chính. Tuy nhiên theo thời gian, họ dần ít hiện hữu trên bản đồ bóng đá Việt Nam.

Ông Châu bây giờ đã chính thức nghỉ làm nhà môi giới cầu thủ để điều hành một công ty du lịch. Thân chủ duy nhất ông còn làm việc cùng là Phan Lê Isaac, cầu thủ nhập tịch từng khoác áo Ngân hàng Đông Á, Long An, Hòa Phát Hà Nội... Mang trong mình trọng bệnh, lại không thể về cố hương vì sai lệch thông tin trên giấy tờ, Isaac chỉ biết trông chờ vào số tiền được ông Châu chu cấp cho để đợi ngày về nước.

Khi "cò" kiêm lãnh đạo đội bóng

Đó là trường hợp của ông Trần Tiến Đại, còn được giới bóng đá biết đến với cái tên "cò" Đại. Thời còn trẻ ông Đại là một cầu thủ khoác áo đội Công an TP. Hồ Chí Minh nhưng chưa bao giờ chen chân được vào đội hình chính thức. Giải nghệ sớm, ông chuyển sang làm kinh doanh và dần lấn sân qua lĩnh vực bóng đá. Cũng từ đây, cái tên "cò" Đại ra đời với rất nhiều thương vụ chuyển nhượng bom tấn từ những cầu thủ do ông nhận làm người đại diện.

Tự nhận mình là người đại diện quyền lực nhất V.League, nắm trong tay vận mệnh của nhiều cầu thủ lớn, nhưng thực chất "cò" Đại chưa bao giờ là một agent đúng nghĩa. Ông cùng tham gia bài kiểm tra kiến thức bóng đá cùng bà Mae Mưa ở kỳ sát hạch đăng ký làm người đại diện quốc tế, và bị loại ngay vòng đầu tiên. Chính việc trở thành "cò" không chính danh như vậy giúp ông Đại từ một nhà môi giới cầu thủ chui dần leo lên vị trí quản lý cấp cao tại một vài CLB Việt Nam.

Theo luật FIFA thì người đại diện không được kiêm chức danh ở bất kỳ CLB nào, nhưng "cò" Đại vẫn ngang nhiên tung hoành. Năm 2010, "cò" Đại được bổ nhiệm làm Giám đốc điều hành CLB Xi măng The Vissai Ninh Bình. Vừa đá bóng vừa thổi còi trên thị trường chuyển nhượng cầu thủ, ông liên tục đưa nhiều cầu thủ về với lời giới thiệu "nhận lót tay trên 10 tỷ", dù thực tế con số họ cầm về chẳng được bao nhiêu. Đến giai đoạn 2012-2013, "cò" Đại còn làm Giám đốc điều hành kiêm HLV trưởng tại CLB Sài Gòn Xuân Thành. Năm 2018, ông bất ngờ trở thành Chủ tịch CLB Sài Gòn.

Dấu ấn lớn nhất "cò" Đại để lại ở những nơi ông từng làm việc cùng là số phận lay lắt của đội bóng đó. Ninh Bình, Sài Gòn Xuân Thành đều đã giải thể. CLB Sài Gòn cũng trải qua giai đoạn vô cùng bất ổn thời "cò" Đại làm chủ tịch, và mọi thứ chỉ dần đi vào quỹ đạo khi ông chính thức rời ghế. Nhiều người chịu ơn ông Đại vì tài thổi giá, giúp họ nhận về hợp đồng tiền tỷ dù thực chất tài năng chỉ đáng giá vài trăm triệu, nhưng người ghét ông cũng không ít vì phải "cắt phế" lên đến vài tỷ đồng.

Đơn Ca
.
.
.