Nghệ sĩ Ngô Hồng Quang: Mỗi lần về Việt Nam, tôi được tiếp thêm năng lượng

Thứ Tư, 13/02/2019, 10:32
Ngô Hồng Quang sống ở Hà Lan nhưng anh luôn giữ sự kết nối sâu sắc với Việt Nam. Năm 2019, anh trở về bằng một dự án mới - album "Nhìn lại" - một sản phẩm độc đáo mang màu sắc văn hóa Việt trong sự kết nối với đương đại.

- Chào Ngô Hồng Quang, hình như năm nào anh cũng về Việt Nam đón Tết?

+ Tôi đi học và làm việc ở Hà Lan nhiều năm nay nhưng năm nào tôi cũng về Việt Nam đón Tết, tôi thích không khí của những ngày Tết ở quê tôi, bình yên và ấm cúng bên gia đình. 

Dù có lịch bay sang biểu diễn ở một nhà thờ cổ ở Hà Lan vào những ngày giáp Tết nhưng tôi vẫn trở về Việt Nam kịp đón Tết cổ truyền. Mỗi lần về Việt Nam, tôi được tiếp thêm năng lượng cho những chuyến đi tiếp theo. Tết cũng là thời điểm ký ức tuổi thơ ùa về, chỉ nghĩ tới đã thấy tràn đầy hưng phấn, hân hoan.

- Mỗi lần trở về, Quang lại giới thiệu với khán giả những dự án mới. Năm nay là album "Nhìn lại" phổ thơ Giáo sư Phan Lê Hà. Anh có thể chia sẻ về album này?

+ Album "Nhìn lại" phổ thơ của Phan Lê Hà. Tôi và chị Hà gặp nhau ở Hawaii, có nhiều đồng cảm về mặt tư duy nên chị mời tôi làm dự án này. Đây là sản phẩm tôi làm hoàn toàn về âm nhạc, từ phối khí, hòa âm đến phổ nhạc. 

Tôi mix điện tử với chất ca trù, chất Mông và Tây Nguyên. Có một số bài hoàn toàn đương đại, như bài "Cầu xin", chỉ dùng đàn tranh, sáo trúc và tiếng gõ, tạo ra một không gian rất lạ, còn bài "Đi qua sợ hãi, đi qua ngập ngừng" cũng là một không gian khác lạ và thú vị.

- Với album "Nhìn lại", Quang muốn gửi gắm gì?

+ Về âm nhạc, đó là sự nhìn lại, nhìn xung quanh mình và nhìn về tương lai, quá khứ - hiện tại. Tôi lấy chất liệu truyền thống như ca trù, xẩm, âm nhạc của người Mông, vẫn là những chất liệu dân tộc thiểu số và đồng bằng Bắc Bộ, có những bài là không gian âm nhạc riêng do tôi tự tạo ra. Nó có kết nối với đương đại rất mạnh, tôi mix truyền thống với âm nhạc điện tử để tạo ra một không gian âm nhạc mới. 

Về mặt ngôn từ, đó là sự kết hợp tình cờ và đầy hồn nhiên giữa Phan Lê Hà và Ngô Hồng Quang, một sự khám phá không định trước về mối nhân duyên giữa thơ hiện đại và các dòng nhạc dân gian. Album mang những suy ngẫm đa chiều, đa sắc và đa diện về thời gian, không gian, nơi chốn, cũng như những phức cảm trong dòng chảy không ngừng của sự tương tác thơ nhạc.

- Kết nối với đương đại bằng những sáng tạo mới trên nền truyền thống, có vẻ như con đường của Ngô Hồng Quang càng rõ nét sau "Hanoi duo", "Nam nhi" và bây giờ là "Nhìn lại"?

+ Tôi đang theo đuổi con đường đó, phải kết nối đương đại mình mới có cơ hội đi ra thế giới. Nếu chơi nguyên bản nhạc dân tộc thì rất Việt Nam và thuần túy, nhưng khán giả nghe nhiều sẽ nhàm. 

Kết nối đương đại sẽ tạo ra ấn tượng mạnh. Tôi quan niệm âm nhạc phải đa dạng hơn là chỉ một màu, các bài dân gian phần lớn chậm rãi, đều đều, trầm trầm, chất nhạc như vậy chỉ biểu hiện 1, 2 dạng cảm xúc. Tôi nghĩ nhiều đến việc chạm vào cảm xúc của khán giả bằng nhiều thể loại, hình thức âm thanh khác nhau như đàn môi lạ về âm sắc, tạo ra nhịp điệu vừa lạ vừa tung tẩy, hay với đàn bầu, tôi cũng tạo ra một kiểu chơi nhảy hẳn ra ngoài ngũ cung. 

Ngày xưa tôi diễn nhạc dân tộc nhiều hơn còn bây giờ, tôi ưu tiên biểu diễn các sáng tác mới vì tôi cảm nhận được, khán giả phương Tây họ thích nhạc dân tộc nhưng chỉ mức độ vừa vừa, họ cần những cảm xúc mạnh mẽ hơn, những sáng tạo mới.

Ngô Hồng Quang mang âm nhạc Việt Nam đi khắp nơi trên thế giới.

- Nhạc sĩ Quốc Trung từng nói với tôi rằng, nhạc Việt đi ra thế giới không nên chỉ bằng sự lạ tai. Nhưng thực tế, hình như nhạc Việt hiện nay ra thế giới mới chỉ dừng lại ở sự lạ mà thôi?

+ Nghệ sĩ Việt Nam thường đi theo kiểu giao lưu văn hóa, ngoại giao, biểu diễn dăm ba bản nhạc truyền thống. Điều đó mới chỉ dừng lại ở việc giới thiệu văn hóa cổ truyền của mình mà thôi. Còn việc dùng nhạc cụ truyền thống chơi những bài Tây, nếu lạm dùng nhiều cũng sẽ tạo ra sự phản cảm. Nhạc cụ dân tộc nên làm gì đó thiên về chất dân tộc, thuần túy hay cải biên nhưng phải mang hồn cốt dân tộc.

- Có vẻ anh không ủng hộ xu hướng dùng nhạc cụ truyền thống chơi nhạc nước ngoài, thậm chí chơi cả những bản giao hưởng kinh điển?

+ Đi theo cách đó chỉ đạt được sự giao thoa, giao lưu, có thể kết nối khá tốt giữa nhiều thể loại, khán giả khác nhau. Nhưng nó chỉ dừng lại ở mức độ đó thôi chứ không phải là một sản phẩm âm nhạc, đương đại hay dân tộc thì nó vẫn phải là một sản phẩm độc lập và nghiêm túc. 

Tôi luôn đề cao những sản phẩm mới, độc lập, là những sáng tạo mới trên nền dân tộc của nghệ sĩ. Một là thuần túy hẳn hai là đương đại mix truyền thống và tôi tin cái đương đại, nếu làm tốt nó vừa góp phần bảo tồn vừa phát triển văn hóa dân tộc. Tôi xác định con đường đó và cứ thế làm thôi. Tôi quan niệm bảo tồn phải thuần túy. Tôi muốn làm những sản phẩm sáng tạo mang dấu ấn cá nhân, kết nối với đương đại, kết nối giữa người nghệ sĩ nói chung và người nghe trên toàn thế giới. 

Với tôi, đi con đường đó sẽ có nhiều cơ hội kiếm tiền hơn, show diễn nhiều hơn. Nó sẽ làm người nghệ sĩ phong phú và giàu có hơn về mặt tư duy, kinh nghiệm. Và cuối cùng vấn đề cốt lõi vẫn là sự cởi mở của mình với xung quanh và với thế giới như thế nào. Điều đó rất quan trọng đối với người nghệ sĩ, mình sẽ tạo ra sự kết nối, chia sẻ những giá trị của mình với người khác.

- Nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng từng mơ về một dàn nhạc giao hưởng mang tên Bách Việt, còn anh thì sao?

+ Âm nhạc Việt Nam bây giờ mới chỉ dừng lại ở sự mix, trộn nhiều loại nhạc với nhau và chúng ta coi đó là mới. Nhưng thực ra nó quá cũ so với thế giới. Nó phải là đương đại, nên là đương đại.

Ngô Hồng Quang và giáo sư Phan Lê Hà trong buổi ra mắt album tại TP Hồ CHí Minh.

- Rõ ràng, âm nhạc Việt Nam đang quá lạc hậu so với thế giới? 

+ Chúng ta quá lạc hậu, chúng ta đang làm những thứ mà thế giới đã làm cách đây 20-30 năm. Tôi không chê nhạc cổ điển nhưng bây giờ làm cổ điển tôi không đánh giá cao, cổ điển nghe hợp tai, dễ chịu nhưng âm nhạc không chỉ dừng ở cổ điển, nó là một thế giới sáng tạo vô cùng. 

Tôi nghĩ điều quan trọng của người nghệ sĩ là ứng xử của họ với thế giới âm thanh, tạo ra như thế nào và có đi đến tận cùng không. Người nghệ sĩ có tạo ra một thế giới âm thanh với những chiều kích khác nhau hay không. Trên thế giới bây giờ họ không làm thế nữa. Họ chỉ chơi cổ điển thuần túy hoặc làm những thứ mới mẻ hẳn.

 - Gần đây anh về Việt Nam nhiều hơn. Anh có định về hẳn?

 + Về Việt Nam vui mà, có lẽ do tôi làm văn hóa, cần sự kết nối gần gũi hơn, mạnh hơn. Gần đây tôi về nhiều hơn vì muốn thu gom chất liệu, kết nối với người Việt nhiều hơn, với nghệ sĩ Việt và khán giả Việt bằng sáng tạo của riêng mình. 

Đợt trước tôi đi Tây Nguyên, các dân tộc thiểu số vùng Đồng bằng sông Cửu Long, tôi muốn thâm nhập vào văn hóa của họ sâu hơn, sống cùng họ và hiểu họ. Phải làm công tác thu gom chất liệu trước đã. Công việc còn nhiều, vì chất liệu âm nhạc của các vùng dân tộc thiểu số của ta rất phong phú. Cứ đi thôi. Mình phải thu gom, làm việc có ý thức, sâu sắc chứ không hời hợt được

Bìa album “Nhìn lại”.

- Dự định trong năm 2019 của anh là gì?

+ Năm 2019 tôi muốn mời các nghệ sĩ nước ngoài về diễn cùng.  Năm ngoái tôi làm show "Nam nhi" cùng nghệ sĩ beat box Trung Bảo rất thú vị. Ngôn ngữ âm nhạc bây giờ đã thay đổi và tôi muốn mời nhiều nghệ sĩ quốc tế, nghệ sĩ Việt Nam ở nước ngoài trở về Việt Nam. Đó là những người có chung niềm đam mê sáng tạo những cái mới, kết nối đương đại và luôn có khát vọng về sự mới mẻ. 

Đôi lúc tôi thấy mình đơn độc, nhưng không sao, sự sáng tạo vẫn luôn đơn độc. Cứ thư thả đi thôi vì mình đã có một con đường, tôi quan trọng hành trình đi chứ không phải kết quả mình đạt được.

- Cảm ơn cuộc trò chuyện của anh!

V. Hà (thực hiện)
.
.
.