Nghệ sĩ điện ảnh Việt kiều: Tìm mình trong văn hóa dân tộc

Thứ Năm, 06/09/2018, 10:58
Khán giả trong nước vừa được xem bộ phim của nghệ sĩ Việt Kiều Leon Lê, một bộ phim cảm động về nghệ thuật cải lương và tình người nghệ sĩ trong những hoàn cảnh khó khăn, ngặt nghèo.


Dù không thể cạnh tranh với các phim giải trí ngoài rạp, nhưng phim “Song Lang” tìm được nhiều tri kỷ, nhiều tâm hồn đồng điệu, bởi những thước phim chứa đựng tâm huyết của một người đạo diễn trẻ thuộc thế hệ Việt kiều thứ 3, luôn đau đáu đi tìm mình trong văn hóa, muốn trả lời cho câu hỏi, mình là ai, mình đến từ đâu. 

Trước Leon Lê, một số nghệ sĩ Việt kiều như Nguyễn Võ Nghiêm Minh, Trần Anh Hùng, Tony Bùi, Hồ Quang Minh đã đóng góp vào đời sống điện ảnh Việt những bộ phim nghệ thuật nghiêm túc và sâu sắc về những vẻ đẹp có nguy cơ biến mất của văn hóa Việt, nhất là các giá trị văn hóa truyền thống.

Năm 13 tuổi, Leon Lê sang Mỹ cùng gia đình. 21 tuổi, Leon trở thành diễn viên của sân khấu kịch Broadway tại New York. Anh còn là một nhiếp ảnh gia thời trang với những bộ hình ấn tượng thực hiện cho các tạp chí nổi tiếng ở nước ngoài. 

Tham gia vào đời sống nghệ thuật từ rất sớm, từng là diễn viên thủ vai cho một số phim trong và ngoài nước, nhưng Leon Lê vẫn khát khao công việc của một đạo diễn. Bởi đó là một vị trí cho phép anh được kể những câu chuyện mà anh yêu mến, về văn hóa Việt. Leon Lê vốn đau đáu một tình yêu với nghệ thuật cải lương. 

Từ nhỏ anh đã sống trong không khí nghệ thuật cải lương Nam Bộ và trót mang nặng một tình yêu với nghệ thuật này, dù đã cùng gia đình sang định cư ở một đất nước khác.

Cảnh trong phim “Mùa len trâu” của đạo diễn Nguyễn Võ Nghiêm Minh.

Chúng ta thấy, thế hệ Việt kiều đầu tiên thường lo làm kinh tế. Họ phải vượt qua rất nhiều khó khăn để hội nhập, để sống. Nhưng các thế hệ Việt kiều sau, khi sinh trưởng và lớn lên trong một nền văn hóa khác, họ thường tự hỏi mình là ai, đâu là nguồn cội của mình. Và những cuộc hành hương tìm về cội nguồn văn hóa trở thành nhu cầu thiết yếu. 

Nghệ thuật là một phương thức để họ quay về với các giá trị văn hóa dân tộc, tắm đẫm trong nền văn hóa của mình và trả lời với bạn bè thế giới rằng mình là ai, mình từ đâu đến. Leon Lê cũng vậy. Anh có thể diễn kịch bằng tiếng Anh trên sân khấu nổi tiếng Broadway, nhưng anh vẫn thấy mình là một người “ở ngoài”. 

Chỉ có quay về với cội nguồn dân tộc anh mới thấy mình thực sự “ở trong” văn hóa. Dự án làm phim “Song Lang” được bắt đầu từ thôi thúc đó. Nó bắt nguồn từ tình yêu mãnh liệt với cải lương trong Leon. Nếu không di cư sang Mỹ cùng gia đình, có lẽ Leon đã trở thành nghệ sĩ cải lương. 

Thần tượng của anh là những tên tuổi của sân khấu cải lương như Thanh Nga, Kim Cương, Bạch Tuyết, Ngọc Giàu… Bị nhấc ra khỏi giấc mơ cải lương để đặt chân đến đất nước xa lạ từ sớm, Leon Lê từng rất đau khổ. Anh mang theo bao nhiêu cuốn băng cassette để không xa rời giấc mơ của mình. 

Tiết kiệm tiền, quay về Việt Nam tìm cộng sự để làm phim, Leon Lê có chút băn khoăn, thời buổi này làm phim về cải lương thì có ai xem không. Nhưng đạo diễn trẻ vẫn không ngừng hy vọng. Thế giới từng có nhiều bộ phim nói về các đề tài không hot nhưng vẫn ăn khách. Và dù cho nếu không thành công về mặt tài chính thì Leon Lê vẫn cứ theo đuổi giấc mơ nghệ thuật của mình. 

Anh muốn đưa tới khán giả một tiếng nói riêng, một lời nhắc nhở về việc gìn giữ nghệ thuật dân tộc. Nhắc nhở những người trẻ tuổi trong nước về trách nhiệm giữ gìn nghệ thuật truyền thống của dân tộc. Không chỉ những Việt Kiều như Leon Lê tìm về, mà ngay cả những người trẻ trong nước cũng phải tiếp cận tinh thần này. 

Bởi sự thật là, người Việt có thể chưa bằng các nước khác về kinh tế, nhưng trong văn hóa là bình đẳng. Và văn hóa là tấm hộ chiếu quan trọng giới thiệu về anh, khi anh đi trong lòng thế giới. Văn hóa là thứ khiến anh có thể tự hào, cho anh cảm giác giàu có, ngang bằng với bạn bè các nước. 

Nữ diễn viên Ngọc Hiệp trong phim “Ba mùa” của đạo diễn Tony Bùi.

Trước Leon Lê, trong số các đạo diễn điện ảnh Việt kiều, chúng ta nhớ đến Trần Anh Hùng với những bộ phim đầy chất thơ.  Trần Anh Hùng là tác giả của những phim nổi tiếng như “Thiếu phụ Nam Xương”, “Hòn vọng phu”, đặc biệt là phim “Mùi đu đủ xanh”. 

Những phim của Trần Anh Hùng thường không chú trọng quá nhiều về câu chuyện kể, mà chú trọng đến không gian của bộ phim. Thế mạnh của anh là về cảm xúc. Bằng tài năng của mình, anh mang đến cho công chúng những câu chuyện Việt Nam nhất có thể. 

Phim “Mùi đu đủ xanh”ngay từ khi ra đời đã tạo một tiếng vang lớn khi ra mắt tại Liên hoan phim quốc tế Cannes năm 1993. Những hình ảnh và ngôn ngữ điện ảnh duy mĩ và duy cảm của Trần Anh Hùng chinh phục những khán giả vốn đã quá thừa mứa với những câu chuyện kể nhiều kịch tính, lắm xung đột hay thứ điện ảnh duy lý. 

Sau Trần Anh Hùng là Hồ Quang Minh, nổi tiếng với những phim “Con thú tật nguyền”, “Trang giấy trắng”, “Bụi hồng”. Phim của Hồ Quang Minh thường mang nặng triết lý về Phật giáo, nhắc nhiều đến tiếng nói hàn gắn của người Việt sau chiến tranh. Đạo diễn luôn hướng về quê hương bằng cái nhìn phương Đông đặc trưng, dù sống ở phương Tây. 

Cùng thời điểm với Hồ Quang Minh, còn có Tony Bùi- người được nhắc đến nhiều với phim “Ba mùa” (Three Seasons). “Ba mùa” nổi tiếng vì nó là bộ phim Mỹ đầu tiên hợp tác với Việt Nam, được làm bởi một đạo diễn gốc Việt, quay hoàn toàn tại Việt Nam, sử dụng ngôn ngữ tiếng Việt trong phim, thời điểm sau khi Tổng thống Mỹ Bill Clinton xóa bỏ lệnh cấm vận Việt Nam.

Đạo diễn trẻ Leon Lê.

Một đạo diễn Việt kiều không thể không nhắc đến nữa là Nguyễn Võ Nghiêm Minh. Ông chính là người đã làm phim “Mùa len trâu” chuyển thể từ truyện ngắn của nhà văn Sơn Nam. “Mùa len trâu” là một bộ phim đậm chất Nam Bộ, đề cập tới thời điểm Việt Nam vẫn đang còn là thuộc địa của Pháp. 

Ngay từ khi mới xuất hiện, “Mùa len trâu” đã gây một tiếng vang khá lớn ở trong nước và tại một số liên hoan phim quốc tế, vì những hình ảnh của bộ phim gây ấn tượng mạnh về mặt thị giác, đúng như những trang viết sống động của nhà văn Sơn Nam. 

Nguyễn Võ Nghiêm Minh xuất thân là một tiến sĩ vật lý ở Mỹ. Nhưng tình yêu với điện ảnh, và đặc biệt là tình yêu dành cho văn hóa Việt đã dẫn dắt ông để làm phim “Mùa len trâu”.

Đạo diễn Trần Anh Hùng.

Đặc điểm chung của những nhà làm phim Việt kiều là họ thường chọn dòng phim nghệ thuật để theo đuổi. Điều này cũng dễ hiểu, vì những phim làm về văn hóa, lại là các giá trị văn hóa truyền thống, những giá trị Việt thì vấn đề đầu tiên là tình yêu của người nghệ sĩ dành cho văn hóa. 

Những phim của các đạo diễn Việt kiều không mang nặng vấn đề doanh thu, dù cho có phim rất ăn khách, mà họ nặng lòng với việc tìm kiếm sự đồng cảm của công chúng. 

Leon Lê chia sẻ: “Khi làm phim “Song Lang”, tôi không có mục đích tạo dựng tên tuổi. Thực chất cũng như bao nhiêu người nghệ sĩ khác, khi họ theo đuổi một điều gì đó chỉ vì đam mê chứ họ không nghĩ tới những điều ngoại lệ như là tiền hay sự nổi tiếng, tôi cũng với tinh thần đó. Vì nếu tiền và sự nổi tiếng là điều mà tôi muốn, có lẽ tôi đã chọn một dự án thương mại hơn”. 

Thế mạnh của các đạo diễn phim Việt kiều là họ sống xa Tổ quốc nên có điều kiện nhìn thấu đáo và sâu sắc hơn về văn hóa trong nước. Họ cũng được tiếp xúc với công nghệ điện ảnh ở các thị trường phát triển nên dễ dàng tiếp cận với những phương pháp làm phim hiện đại. Ngoài ra là tư duy tiếp cận vấn đề, thái độ rành mạch trong đánh giá các dòng phim để không hoang mang, dao động với lựa chọn làm phim nghệ thuật của mình. 

Leon Lê nói: “Các nhà làm phim Việt Nam hay chạy theo trào lưu, ví dụ phim remake thắng thì đổ xô làm remake, phim về chủ đề tuổi thanh xuân ăn khách thì ai cũng làm thanh xuân. Mọi người thường không thấy được cái tổng thể, cứ thấy lợi là lao theo đến mức vắt kiệt đề tài. 

Về lâu dài, những phim kém chất lượng như vậy sẽ gây một tác hại không hề nhỏ cho ngành điện ảnh, khiến khán giả mất niềm tin và mọi thứ rơi vào vòng luẩn quẩn. Ở các nước có nền điện ảnh phát triển, họ cũng làm phim giải trí nhưng đa dạng về thể loại, chủ đề chứ không đơn điệu, ăn theo giống Việt Nam. 

Nền tảng về diễn xuất của nghệ sĩ Việt  cũng yếu hơn thế giới rất nhiều. Chúng ta thậm chí còn chưa theo nổi Thái Lan. Diễn viên đa phần lại thiếu kỷ luật, thích nổi tiếng nhanh bằng chiêu trò chứ không muốn học tập, đầu tư lâu dài cho nghề. Không có kỷ luật, nghệ sĩ không thể đạt đỉnh cao dù tài năng đi nữa. Tình trạng này cũng có ở các nhân viên đoàn phim, dẫn đến thỏa hiệp dễ dàng, lười biếng trong từng khâu nhỏ, nước đến chân mới nhảy. 

Ở nước ngoài, trong những môi trường làm phim tôi trải qua, họ làm việc kinh khủng lắm. Có thể phim không hay là do năng lực, chứ nhất định không phải do thái độ làm việc. Người nghệ sĩ bị lòng tự trọng thúc đẩy phải làm ra thứ tốt nhất có thể”.

Cảnh trong phim “Song Lang” của đạo diễn Leon Lê.
Quay về bằng tình yêu văn hóa, bằng nhu cầu tìm kiếm mình trong văn hóa, những nghệ sĩ điện ảnh Việt kiều không chỉ làm giàu có nền điện ảnh trong nước, mà còn tạo ra cảm hứng để ít nhiều thay đổi thái độ, tư duy, cách làm nghệ thuật theo chiều hướng tích cực hơn, đối với các nghệ sĩ trong nước. 
Lệ Chiến
.
.
.