Nghệ sĩ trẻ viết tự truyện: Cần sự trải nghiệm

Thứ Năm, 29/03/2018, 07:32
Với nhiều nghệ sĩ, viết tự truyện là nhu cầu, nhưng để có một cuốn tự truyện hay, mang ý nghĩa giáo dục, lại đòi hỏi cả tài năng, bản lĩnh và kinh nghiệm sống của người nghệ sĩ.


Viết tự truyện không còn xa lạ trong giới showbiz hiện nay. Với nhiều nghệ sĩ, viết tự truyện là nhu cầu để chia sẻ về những thăng trầm trong cuộc đời, những gian nan vất vả trên con đường khẳng định tên tuổi, thành công của bản thân. 

Những chi tiết đáng giá, những câu chuyện “thâm cung bí sử” về cuộc đời, về sự nghiệp của họ lần đầu tiên được tiết lộ sẽ đem đến cho khán giả sự tò mò. Thế nhưng để có một cuốn tự truyện hay, mang ý nghĩa giáo dục, mang giá trị nghệ thuật cao lại đòi hỏi cả tài năng, bản lĩnh và kinh nghiệm sống của người nghệ sĩ.

Viết tự truyện dễ nhưng không phải ai cũng có thể viết hay, viết tốt, ngay cả khi người nghệ sĩ có sự chắp bút của các nhà văn, nhà báo. Một cuốn tự truyện hay không chỉ mang nhiều thông tin, mà phải mang cả giá trị văn chương, mang ý nghĩa giáo dục sâu sắc. 

Không phải cứ kể lể dài dòng về cuộc đời, về những chuyện ít ai biết đến, mà động chạm, ảnh hưởng đến người khác, cùng những phát ngôn trần trụi, gây sốc thì sẽ có một cuốn tự truyện hay, bán chạy. Viết tự truyện cũng đòi hỏi phải có nghệ thuật. Nghệ thuật kể chuyện, nghệ thuật xây dựng hình tượng nhân vật, nghệ thuật sắp xếp chi tiết… 

Hoàng Thùy Linh và Đức Phúc vừa ra mắt tự truyện về cuộc đời mình.

Không thể phủ nhận, viết tự truyện đang là một trào lưu trong giới nghệ sĩ. Một nghệ sĩ nổi tiếng luôn nhận được sự quan tâm của đông đảo khán giả cả về đời tư lẫn hoạt động nghệ thuật. Tất nhiên mỗi nghệ sĩ một quan điểm khác nhau khi viết hồi ký. 

Có người muốn kể lại những câu chuyện về đời mình, những đóng góp của mình với nghệ thuật nói chung, nếu được viết lại, có thể giúp ích nào đó cho các thế hệ làm nghệ thuật mai sau. 

Có người viết hồi ký chỉ để thỏa mãn những ẩn ức riêng, những bức xúc mình gặp phải trong đời sống. Có người viết hồi ký mục đích là để làm nóng tên tuổi của mình, thậm chí giật gân câu khách, khêu gợi trí tò mò của độc giả. 

Thế nhưng dường như nhiều người vẫn đang lầm lẫn giữa tự truyện với hồi ký hay nhật ký. Nhật ký là cho riêng mình, còn tự truyện hoặc hồi ký là cho người khác đọc, trong đó có tính chất nghệ thuật và tính xã hội. 

Viết tự truyện/hồi ký nên cẩn trọng bởi không phải cứ câu chuyện của mình, mình thích thì mình kể mà nó sẽ liên quan đến rất nhiều người khác. Những người chưa đủ trải nghiệm, chưa đủ độ chín trong nhận thức, chưa có chiêm nghiệm về cuộc đời để thẩm định những gì mình nói… đã vội vàng ra tự truyện sẽ tạo ra những mặt trái khó lường trước. 

Khi người nghệ sĩ có đủ những trải nghiệm, có những va đập, sóng gió trên con đường khẳng định tên tuổi của mình thì họ sẽ có những cái nhìn sâu sắc, chín chắn hơn về cuộc đời, về nhân tình thế thái. Và đương nhiên chất liệu cuộc sống phong phú sẽ tạo nên những đề tài hay, hấp dẫn độc giả trong cuốn tự truyện của chính họ.

Ở Việt Nam, để tìm một cuốn tự truyện hay, thực sự mang tính giáo dục cao là rất hiếm. Dường như người nghệ sĩ chỉ chú tâm vào “kể câu chuyện đời mình” (nghĩa là: viết cái gì), chứ không chú tâm vào nghệ thuật viết (viết như thế nào). 

Trên thế giới, các tác giả được mời chắp bút thường rất bản lĩnh trong nghệ thuật viết tự truyện - hồi ký nên dù câu chuyện trần trụi, thô tục vẫn được thể hiện giàu tính văn chương. Không ít cuốn tự truyện gây sốt cả về nội dung lẫn hình thức. 

Ví dụ như Britney Spears cũng từng phát hành cuốn "Heart to Heart" viết chung cùng cô em gái Lynne kể về hành trình đưa cô đến sự nổi tiếng cũng như những cuộc chiến chống lại ánh hào quang của chính mình. 

Cuốn sách "Moon Walk" của Michael Jackson mất 4 năm để hoàn thành, ngay lập tức giành vị trí quán quân danh sách best seller của The New York Times khi ông kể rất nhiều về cuộc đời mình, về cha Joe và những trận đòn roi thời niên thiếu phải sống và làm việc như trong địa ngục... Thế nhưng họ cũng chỉ dám dừng lại ở việc viết nhật kí hay hồi kí chứ không dám dùng hai từ tự truyện.

Lướt lại những cuốn tự truyện ở Việt Nam, độc giả chỉ lắc đầu ngán ngẩm vì những câu chuyện “xâm phạm” đời tư một cách trắng trợn, động chạm, ảnh hưởng đến người khác. 

Thậm chí là những chi tiết dung tục, trần trụi được phô bày bằng cách kể lể dài dòng, văn nói nhiều hơn văn viết. Việc viết tự truyện phần nào giúp nghệ sĩ đến gần hơn với công chúng, người đọc hiểu được tính cách, những góc khuất, sóng gió người nghệ sĩ đã trải qua, nhưng ranh giới giữa được - mất cũng rất mong manh. 

Nếu không đủ bản lĩnh, không đủ tài năng, kinh nghiệm, người viết sẽ tự biến mình thành trò cười, bị nghi ngờ dùng quá khứ để PR, làm mới tên tuổi của mình khi tiếng tăm đang dần nguội lạnh.

NSND Thái Bảo: Viết tự truyện khi còn trẻ có thể sẽ thiếu những chi tiết hay

Về việc viết tự truyện của các bạn nghệ sĩ trẻ tôi cũng ủng hộ. Hiện nay, nhiều bạn trẻ làm nghệ thuật có thể tự sáng tác cho mình hát cũng là điều rất tốt, vì không ai hiểu mình hơn chính mình. 

Và tự truyện cũng vậy, đó là một cách để họ kể về cuộc đời mình, với những điều mà không thể hoặc chưa thể chia sẻ với ai, họ sẽ viết vào đó. Mỗi người có một cuộc đời riêng, con đường riêng nên không thể nói trước cuốn tự truyện có hay hay không. 

Tuy nhiên, khi họ quá trẻ có lẽ sẽ hơi thiếu những đề tài hay trong cuốn tự truyện đó, bởi thành công, thất bại họ gặp phải có lẽ không nhiều cũng như tuổi nghề vậy. Họ nên viết khi đủ độ chín về mọi thứ, cả công việc và cuộc sống. Khi đó cuốn tự truyện sẽ phong phú hơn rất nhiều.

Ca sĩ Bảo Trâm: Viết tự truyện là một cách để người nghệ sĩ đến gần hơn với độc giả

Cuộc sống của người nghệ sĩ thật ra rất nhiều nước mắt và thăng trầm sau ánh hào quang mà khán giả không thể biết được! Đôi khi người bình thường chỉ thấy những sự lấp lánh thành công của người nghệ sĩ mà ko thể biết tới những thăng trầm của họ! 

Cho nên Trâm nghĩ, viết tự truyện là một cách để người nghệ sĩ nói ra, chia sẻ và đến gần hơn với độc giả. Trâm nghĩ việc đó là quyền tự do chia sẻ của mỗi người, là cách để nghệ sĩ mở lòng. 

Sau này, có thể là 5 hoặc 10 năm nữa biết đâu Trâm cũng viết tự truyện để kể về con đường nghệ thuật và những nốt trầm nốt lặng trong cuộc sống của mình.

Ca sĩ Phương Anh: Tự truyện phải có nhiều màu sắc

Theo ý kiến cá nhân tôi, đã là một cuốn tự truyện thì sẽ phải có nhiều màu sắc, giống như cuộc đời con người có nhiều thăng trầm, cảm xúc. Như những lúc rơi xuống tận đáy vực và tìm được đường thoát. 

Tự truyện cũng là một cuốn sách, tôi cũng là một người thích đọc và có thói quen đọc những quyển sách hay, nổi tiếng nên tôi nghĩ một cuốn sách nên có nhiều tình tiết cuốn hút người đọc. 

Nhưng để viết ra một cuốn tự truyện sẽ cần nhiều yếu tố và quan trọng khi xuất bản sẽ có sự chú ý của cộng đồng, được mọi người quan tâm. Việc viết tự truyện cũng là quyền tự do của con người, nếu cảm thấy cuộc đời mình có đủ những màu sắc, có thể gây tiếng vang, tạo sự lắng đọng thì hãy viết. 

Còn với những nghệ sĩ trẻ, cuộc đời chưa từng trải, tuổi nghề chưa nhiều, chưa trải qua nhiều biến cố thì tôi nghĩ nên cân nhắc khi chuẩn bị viết một cuốn tự truyện. Có thể sau này, khi nhìn lại cuộc đời mình, họ sẽ nghĩ lại rằng sao mình lại viết một cuốn tự truyện như vậy hay sao mình không để đến lúc này mới viết.

Nhạc sĩ Hoàng Thu Trang: Viết sách là công việc vô cùng khó

Viết tự truyện là quyền tự do cá nhân của mỗi người. Mỗi người có một cách để đến gần hơn với độc giả, với công chúng. Tự truyện cũng là cách để nghệ sĩ chia sẻ những góc khuất cuộc đời, những khó khăn, gian nan trên con đường khẳng định tên tuổi của mình. 

Một cuốn tự truyện hay về cả hình thức và nội dung càng giúp tăng giá trị của người nghệ sĩ trong mắt công chúng. Và đương nhiên sẽ tạo được tiếng vang, có chỗ đứng trong giới văn nghệ.

Mình chưa bao giờ có ý định viết tự truyện và cũng không bao giờ có ý định viết tự truyện. Viết sách thực ra rất khó. Bản thân mình là dân ngôn ngữ, viết lách cũng khá nhưng tự truyện cũng giống như viết văn, người viết cũng phải là người có năng khiếu văn chương bẩm sinh. Mình thì chắc chắn không thể viết văn, viết truyện hay được rồi (cười). 
Ngọc Mai-Ngọc Minh
.
.
.