Nghệ thuật nude: Đã hết “nhạy cảm”?

Thứ Hai, 09/10/2017, 11:42
Vì sao đến bây giờ, nude vẫn là một đề tài bị coi là “nhạy cảm” trong mỹ thuật, nhiếp ảnh Việt Nam? Và tại sao đến tận đầu tháng 9 vừa rồi, mới có một triển lãm ảnh khỏa thân được cấp phép chính thức? Nó có phải là một đề tài cấm kỵ, xét về mặt lịch sử văn hóa chung của thế giới và truyền thống văn hóa Việt?

Ranh giới nhục cảm và mỹ cảm

Trong một tọa đàm gần đây tại Hà Nội, “Nude trong Mỹ thuật Việt Nam” tổ chức trong khuôn khổ triển lãm “Nét” của họa sĩ Lưu Công Nhân, họa sĩ Lê Thiết Cương đã chia sẻ những kiến thức về nghệ thuật nude từ góc nhìn của họa sĩ và của công chúng.

Điểm lại trong lịch sử Mỹ thuật Thế giới và Việt Nam, đề tài nude chưa bao giờ là một đề tài cấm kỵ hay nhạy cảm, thậm chí lịch sử đã có những cái nhìn cởi mở về đề tài này và có những tác phẩm đỉnh cao.

Tranh nude của họa sĩ Lưu Công Nhân.

Nhiều họa sĩ phương Tây khai thác đề tài này từ tượng David của Michelangelo, “Người phụ nữ với trái dừa của Gauguin, “Những cô gái trẻ” ở Avignon của Picasso. Ở phương Đông, họa sĩ Nhật Bản Hokusai sống ở thế kỷ XVIII-XIX cũng để lại nhiều tác phẩm tranh khắc gỗ xuân họa cùng thời kỳ là nhiều tranh vẽ của Trung Quốc hay tiểu họa của Ấn Độ lấy cảm hứng từ đề tài khỏa thân.

Tại Việt Nam, cùng với tín ngưỡng phồn thực (thờ sinh thực khí của nam nữ) thì trong các đình làng, những cảnh tắm sen, cảnh sinh hoạt tình dục được chạm khắc tương đối nhiều. Nghệ thuật khỏa thân trong lịch sử tạo hình Việt Nam cũng là một truyền thống.

Hình ảnh nam nữ trên nắp thạp đồng Đào Thịnh thuộc văn hóa Đông Sơn cách đây 2.500 năm, hình ảnh những người phụ nữ tắm ao sen trên đĩa gốm Chu Đậu thế kỷ XV, điêu khắc gỗ đình làng thời Lê, Mạc cũng có nhiều mảng chạm lấy cảm hứng từ phụ nữ khỏa thân. Những nữ thần hở ngực trong nghệ thuật điêu khắc Chăm, những cầu thang nhà sàn của các tộc người thiểu số ở cao nguyên miền trung và vùng Tây Nguyên.

Hội họa Việt Nam hiện đại 100 năm nay gần như không thiếu một họa sĩ nào không thể nghiệm đề tài này từ các bậc thầy Nghiêm, Liên, Sáng, Phái (Nguyễn Tư Nghiêm, Dương Bích Liên, Nguyễn Sáng, Bùi Xuân Phái)  đến các họa sĩ lớp sau Trần Lưu Hậu, Lưu Công Nhân cho đến những họa sĩ hiện thời như Đỗ Sơn, Lê Thị Minh Tâm, Phương Bình, Trịnh Thái, Trịnh Tú.

Họa sĩ Lê Thiết Cương khẳng định: “Họ đều có vẽ thể nghiệm, tìm mình qua đề tài khỏa thân”. Đặc biệt họa sĩ Lưu Công Nhân, nude chiếm một khối lượng tác phẩm lớn trong sự nghiệp sáng tác của ông, với phong cách vẽ phóng khoáng, tôn vinh vẻ đẹp người phụ nữ.

Vậy vì sao đề tài này ở Việt Nam luôn bị coi là “nhạy cảm” và các đơn vị cấp phép luôn khắt khe với nó. Cách đây hơn 1 tháng, một triển lãm tranh tượng khỏa thân của một nhóm họa sĩ Hải Phòng tại Bảo tàng Mỹ thuật đã buộc phải đổi tên để ra mắt triển lãm. Hay trước đó, khá nhiều triển lãm nude đã bị dừng cấp phép. 

Họa sĩ Phương Bình.

Vấn đề đặt ra là, đề tài nude có khác các đề tài khác hay không? Và vì sao nó luôn bị đưa vào vùng “nhạy cảm”.

Theo họa sĩ Lê Thiết Cương, nên coi đề tài nude bình đẳng như các đề tài khác, như tranh phong cảnh, chân dung, tĩnh vật. Tuy nhiên, điều quan trọng, giới hạn làm nên sự thành công hay thất bại của một bức tranh nude đó là: “Tôi cho rằng, điểm duy nhất khác là các họa sĩ phải có năng lực biến nhục cảm thành mỹ cảm. Nếu họa sĩ ngồi trước một cô người mẫu mà không có nhục cảm, không có rung động nam nữ thì đừng bao giờ vẽ đề tài này. Nhưng quan trọng hơn, họa sĩ phải có một năng lượng, phông văn hóa đủ vững, hiểu biết về mỹ thuật để biến nhục cảm đó thành mỹ cảm. Nếu vẽ nude quá thanh cao thì nên đi vẽ tranh phong cảnh”.

Đồng tình với quan điểm sáng tạo này, họa sĩ Phương Bình, một họa sĩ đương đại gần như chung thủy với đề tài đàn bà nude chia sẻ: “Tranh nude thực chất cũng là cách thể hiện cảm xúc của người nghệ sĩ trước cái đẹp. Và nude trong mắt nhìn từng người khác nhau. Có người nhìn người đàn bà trong sáng, thuần khiết, kể cả trong sự lam lũ, chợ búa, tôi vẫn nhìn họ đẹp thuần khiết.

Người đàn bà luôn đáng được mọi người tha thứ, bao dung. Nhưng có nhiều họa sĩ họ phơi bày người đàn bà một cách tội nghiệp, trần trụi. Khi đứng trước một người đàn bà đẹp, tôi cũng có cảm xúc, thèm muốn cái đẹp đó của họ, còn người đàn ông có cảm xúc nhục dục. Phải có khát khao trong đó mới vẽ được, chụp được”.

 Vì thế, để vẽ tranh khỏa thân, họa sĩ Lê Thiết Cương nói: “Nghệ thuật cuối cùng vẫn phải là cái đẹp, nhưng cái đặc biệt của đề tài này chỉ đẹp thôi chưa đủ. Đặc biệt phải có dục cảm và mỹ cảm, nhưng dục cảm phải đặt dưới mỹ cảm. Nếu vẽ một người khỏa thân trước mặt mà không có dục cảm thì làm sao có cảm xúc để vẽ hay được. Nếu muốn vẽ tranh khỏa thân thì bất cứ họa sĩ nào cũng phải dung hòa được hai yếu tố dục cảm và mỹ cảm”.

Xem tranh nude cũng phải học

Thực tế, nhiều người đã lợi dụng ranh giới mỏng manh giữa nghệ thuật nude và tranh khiêu dâm để tạo scandal, đánh bóng tên tuổi. Và cũng trên thực tế, rất nhiều họa sĩ nhân danh nude, phơi bày người đàn bà một cách dung tục, thậm chí bệnh hoạn.

Họa sĩ Phương Bình thẳng thắn: “Đó chính là lý do khiến các nhà quản lý luôn kiểm soát chặt chẽ những triển lãm liên quan đến đề tài này”. Phương Bình chuyên vẽ nude, chị cũng có rất nhiều triển lãm chung và cá nhân về đề tài này, nhưng chưa khi nào bị cấm, thậm chí một số tác phẩm của chị còn giành giải thưởng ở các triển lãm.

Tranh sơn mài nude của Bùi Trọng Dư được công chúng hội họa yêu thích.

Chị cho rằng: “Cái đẹp nude rất tự nhiên và đầy cảm xúc. Nó tục nhưng không trần trụi. Ranh giới đó mong manh nhưng rất rõ ràng. Cái tài của người nghệ sĩ là đạt được điều đó. Nó cũng thể hiện bản chất của người nghệ sĩ. Nó là hội họa, chất hội họa khác với tranh khiêu dâm. Nhiều họa sĩ vẽ nude phản cảm, dung tục, trần trụi, thế nên mới bị cấm. Có lý do nên các nhà quản lý cấm”.

Chị cũng lo ngại, khi đề tài nude trong mỹ thuật và nhiếp ảnh được chính thức cấp phép, sẽ khuyến khích các nghệ sĩ công bố tác phẩm của mình một cách danh chính ngôn thuận. Nhưng mặt trái của sự rộng đường đó chính là sự trà trộn của những thứ nhân danh nghệ thuật, nhân danh cái đẹp, làm ô nhiễm cách nhìn của mọi người về những giá trị đích thực của vẻ đẹp nude.

Còn họa sĩ Lê Thiết Cương khẳng định, việc cấp phép hay không cấp phép không quá ảnh hưởng đến sáng tạo của nghệ sĩ khi tác phẩm của họ hướng tới cái đẹp.

Nhưng có một vấn đề rất quan trọng trong việc tiếp cận nghệ thuật nude đó chính là công chúng. Họa sĩ Lê Thiết Cương cho rằng, công chúng xem tranh nude phải thấy được cái hay của đề tài này là có yếu tố nhục cảm.

“Tôi phản đối tất cả mọi ý kiến cho rằng, khi xem tranh ảnh khỏa thân không có yếu tố nhục cảm. Phương Đông có một câu rất hay, dục tính sinh ra nhân tính. Nếu không có mỹ cảm thì chỉ xem ảnh khỏa thân thôi, còn nếu vẽ để chỉ thấy thanh cao thì nên vẽ phong cảnh”.

Họa phẩm “đàn bà” của họa sĩ Phương Bình.

Họa sĩ Lê Thiết Cương chia sẻ. Anh cho rằng: “Muốn thưởng thức nghệ thuật cũng cần phải học, phải tự học. Khi xem nude đừng bao giờ nhăn mặt, bởi khi trong đầu đã có định kiến về dục cảm thì làm sao có thể thưởng thức được một tác phẩm nghệ thuật theo đúng nghĩa. Hãy xem những bức tranh khỏa thân đó là một tác phẩm nghệ thuật thì khi đó, bạn mới có được cái nhìn đa chiều về một tác phẩm hay, đẹp, ý nghĩa”.

Nghệ thuật nude đã hết “nhạy cảm”? Câu hỏi đó, tôi nghĩ không nằm ở giấy phép triển lãm mà ở chính sáng tạo của người nghệ sĩ. Bởi nude hay những đề tài khác, cũng chỉ là cách người nghệ sĩ thể hiện cảm xúc, sự trân trọng của mình trước đời sống mà thôi. Và chỉ có một lý do duy nhất để tác phẩm sống, đó là nó mang tới cảm xúc về cái đẹp, của chân thiện mỹ.

“Đứng trước một bức tranh hay ảnh tĩnh vật, phong cảnh hay nude thì hãy xem nó là những tác phẩm nghệ thuật bởi vì dù là vẽ gì đi chăng nữa thì cũng chính là các nghệ sĩ đang thể hiện mình. 

Qua một bức tranh, ảnh quan trọng nhất là phải xem cách tác giả thể hiện đề tài đó như thế nào tức là phong cách của họ chứ không phải xem bản thân đề tài đó.

Điều cốt lõi của một tác phẩm nghệ thuật khỏa thân nằm ở liều lượng giữa tục và thanh. Nếu thanh hoàn toàn, chỉ có thanh thôi thì không cần đến loại nghệ thuật này, nếu ngược lại phần dục, phần tục nhiều hơn phần thanh thì không còn nghệ thuật nữa. Một nghệ sĩcó tài bao giờ cũng biết cách thoát hiểm, khi đi qua cửa tử này, anh ta luôn biết cách đi trên cái lằn ranh mong manh thanh - tục ấy”. Họa sĩ Lê Thiết Cương

Lan Tường
.
.
.