Nghèo nàn sân khấu kịch cho thiếu nhi

Chủ Nhật, 23/08/2020, 11:18
Mới đây nhất, nhà hát Tuổi trẻ (Hà Nội) công diễn vở nhạc kịch “Trại hoa vàng” được chuyển thể từ tác phẩm của nhà văn chuyên viết cho trẻ em Nguyễn Nhật Ánh. Ngay trong buổi tổng duyệt, vở diễn đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của các em học sinh tuổi teen, cũng như giới truyền thông. Bởi lẽ rất lâu, rất hiếm hoi mới có một tác phẩm sân khấu thực sự mới mẻ cả về nội dung và thể loại để các khán giả tuổi học trò được thưởng thức.


Sân khấu kịch dành cho thiếu nhi trên cả nước đang vô cùng nghèo nàn. Vào những dịp nghỉ hè, nhiều gia đình muốn tìm những vở diễn sân khấu phù hợp cho con em mình tới xem nhưng rất khó. Giới sân khấu không còn đầu tư vào các tác phẩm cho thiếu nhi, điều này là một thiệt thòi vô cùng lớn cho các em.

Chưa có một nhà hát kịch cho thiếu nhi

Nhìn lại thời điểm thập kỷ 80, 90 của thế kỷ 20, ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh có khá nhiều trung tâm, câu lạc bộ, nhóm kịch phục vụ thiếu nhi, hoạt động quy mô và tần suất diễn liên tục được các em học sinh yêu mến. Chẳng hạn CLB kịch, rối "Tuổi Ngọc", "Tuổi Xanh", đội kịch, rối "One - Two - Three", đội múa rối "Búp Bê", đội "Tò Tí Te", nhóm "Cá Cơm Con", nhóm "Si Si"… Ở Hà Nội thì có đội kịch, ca múa nhạc của Cung Thiếu nhi Hà Nội, rồi Nhà hát Tuổi trẻ… Nhưng trong khoảng một thập kỷ trở lại đây, những câu lạc bộ, trung tâm, các đội, nhóm kịch hoạt động phục vụ thiếu nhi ngày càng mất dần đi.

Vở “Ngày xửa ngày xưa” của Sân khấu Indecaf TP Hồ Chí Minh.

Ở Hà Nội, muốn tìm kiếm các vở diễn sân khấu cho các con, gần như các bậc phụ huynh chỉ còn biết tìm đến 1 địa chỉ duy nhất, đó là Nhà hát Tuổi trẻ. Đây là đơn vị sân khấu còn “chăm chỉ” dựng vở diễn phục vụ các khán giả nhí vào những dịp như ngày quốc tế thiếu nhi, nghỉ hè, Trung thu, dù số lượng vở diễn cũng không phải là nhiều và cũng tùy từng thời điểm. Tại TP Hồ Chí Minh, chục năm gần đây cũng chỉ có sân khấu kịch Idecaf là nơi để khán giả nhí lựa chọn mỗi khi có nhu cầu đi xem kịch.

Chuỗi chương trình “Ngày xửa ngày xưa” đã trở thành truyền thống của sân khấu xã hội hóa này và cho tới nay đã kéo dài được hơn 30 mùa. Nội dung các vở diễn của “Ngày xửa ngày xưa” là những câu chuyện cổ tích, huyền thoại xa xưa được các nghệ sĩ tài năng thể hiện lại thu hút nhiều thế hệ trẻ em. Dù phong trào xã hội hóa sân khấu rầm rộ ở TP Hồ Chí Minh, nhưng ngoài Idecaf, không thấy đơn vị nào bỏ công sức  đầu tư, dựng vở phục vụ khán giả nhỏ tuổi. Các câu lạc bộ, các nhóm kịch lừng lẫy một thời không còn hoạt động.

Giờ đây, sân khấu cho trẻ em khắp hai miền Nam Bắc đều ở trong một tình trạng chung là rất đìu hiu, vắng vẻ. Anh Nguyễn Tiến Bắc, phụ huynh có con em học tại trường Trưng Vương (Hà Nội) chia sẻ: “Tôi là người rất yêu sân khấu. Sân khấu là một hình thức giải trí tuyệt vời, không chỉ vậy nó còn nuôi dưỡng đời sống tinh thần cho người xem, làm giàu có tinh thần của người xem.

Một vở diễn hay cũng như một cuốn sách hay, có thể mang đến cho chúng ta nhiều suy ngẫm. Trẻ em mà được thường xuyên xem sân khấu, nhất là những vở diễn phù hợp lứa tuổi thì tôi tin là các con sẽ có sự phát triển tích cực về tâm hồn. Nhưng rất tiếc là hiện nay những vở diễn cho các con rất ít. Muốn nuôi dưỡng tình yêu với các môn nghệ thuật truyền thống cho các con nhưng tôi thực sự không biết tìm các vở diễn sân khấu phù hợp với tuổi của con ở đâu”.

Nhìn vào đời sống sân khấu nhiều năm qua, chưa có một đạo diễn nào được biết tới với việc thường xuyên dựng vở thiếu nhi, đam mê, tâm huyết với khán giả thiếu nhi. Cũng chưa từng có một cuộc thi sáng tác kịch bản sân khấu về đề tài thiếu nhi. Liên hoan sân khấu cho thiếu nhi càng không dám mơ tưởng. Nghĩa là hàng triệu học sinh, sinh viên của chúng ta đang bị “bỏ đói” món ăn sân khấu- một loại hình nghệ thuật không kém phần quan trọng trong giáo dục giới tính, nhân cách, thẩm mỹ cho lớp trẻ.

Trẻ em luôn khao khát những vở diễn sân khấu hay.

Nhà nước cần đầu tư cho sân khấu kịch thiếu nhi

Ở nhiều nước trên thế giới, một tỷ lệ lớn các vở diễn sân khấu được dàn dựng trong năm là dành để phục vụ thiếu nhi, thanh, thiếu niên. Nhiều đoàn nghệ thuật có thể đi lưu diễn hàng năm, đến các trường học diễn lưu động để thanh niên, học sinh được tiếp cận các loại hình sân khấu nhiều hơn. Các nghệ sĩ cũng sẵn sàng giao lưu, giải đáp mọi thắc mắc của giới trẻ về từng loại hình nghệ thuật, từng nội dung vở diễn.

Nhờ thế tình yêu dành cho sân khấu, cho nghệ thuật truyền thống được hình thành trong các em sớm, khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Ở ta, cũng đã có một số dự án của Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam phối hợp với ngành giáo dục mang tên “Sân khấu học đường” nhưng hiệu quả từ những hoạt động này vẫn còn cầm chừng, các trích đoạn sân khấu đưa đến trường học vẫn tập trung vào một số vở kinh điển quen thuộc mà ai cũng biết từ lâu, thiếu sự đổi mới, mở rộng nhằm khơi gợi sự tò mò, học hỏi của lớp trẻ.

Nghệ sĩ Huỳnh Anh Tuấn, chủ của sân khấu kịch Indecaf từng chia sẻ: “Làm sân khấu cho thiếu nhi không đơn giản, thậm chí còn khó hơn rất nhiều sân khấu cho người lớn. Bởi để giữ chân, hấp dẫn khán giả nhí, ngoài câu chuyện kịch, các yếu tố phụ trợ rất cần được quan tâm đưa vào vở diễn, chương trình. Ngay công tác quản lý, nếu người đứng đầu ngành không am hiểu thì rơi vào tình trạng "đánh trống bỏ dùi". Giao hết cho sân khấu xã hội hóa làm nhưng thiếu định hướng, không có sự hỗ trợ, không có chiến lược đầu tư của nhà nước, cứ mạnh ai nấy làm thì dễ dẫn đến tan rã". 

Một cái khó nữa hiện nay, là các đơn vị sân khấu quá thiếu kịch bản hay, kịch bản vở diễn cho đối tượng trẻ em còn thiếu trầm trọng hơn nữa. Một số đạo diễn sân khấu cho rằng, làm vở diễn cho thiếu nhi thì tiền đầu tư thậm chí còn cần nhiều hơn cả vở diễn cho người lớn. Là vì để đạt tới sự bay bổng, tính hiệu quả cao, lại phù hợp với sự tiếp nhận của thiếu nhi thì cảnh trí, ánh sáng, đạo cụ, âm thanh, phục trang… phải hoàn mỹ nhất có thể.

Cảnh trong vở nhạc kịch “Trại hoa vàng” vừa được Nhà hát Tuổi trẻ cho ra mắt khán giả tuổi teen.

Nếu làm không bay bổng, không thu hút, không khơi gợi tò mò của trẻ em thì việc ế vé là dễ hiểu. Các em có nhiều thứ lựa chọn giải trí hấp dẫn mời gọi hơn. Việc kể chuyện cho các em trên sân khấu cũng phải tự nhiên, đúng tâm lý, nếu không cũng dễ dàng bị các em tẩy chay. Trong khi đó, trẻ em lại là đối tượng chưa làm ra tiền nên việc bán vé các vở diễn cũng không ổn định. Đây là lý do vì sao trong sự tính toán của nhiều đoàn nghệ thuật, dựng một vở diễn hoành tráng cho thiếu nhi vẫn còn là một sự mạo hiểm.

Vậy đâu là giải pháp cho vấn đề này? Trong không ít cuộc thảo luận, hội thảo về sân khấu, khi bàn đến vấn đề dựng vở diễn cho thiếu nhi, nhiều nhà chuyên môn đồng ý rằng, cần phải có một cơ chế đầu tư đặc thù cho các vở diễn chất lượng hướng đến đối tượng khán giả nhỏ tuổi. Theo đó Nhà nước có thể đặt hàng các đơn vị theo hình thức đấu thầu.

Đơn vị nào có kịch bản tốt, tiến độ dựng vở đúng thời gian, hiệu quả nghệ thuật được đánh giá cao thì sẽ được nhận tài trợ của Nhà nước. Mỗi năm cần phải có một số lượng vở diễn nhất định để phục vụ khán giả nhí, chỉ có như vậy mới xóa được vùng trắng kịch cho thiếu nhi hiện nay.

Một giải pháp nữa là nhà nước có thể trợ giá vé cho học sinh, sinh viên. Bởi vì với mức giá vé chung cho các vở diễn sân khấu hiện nay, rất khó để các em có thể thường xuyên đi xem được. Phải xem việc bồi dưỡng kiến thức về nghệ thuật truyền thống qua sân khấu cũng là một nhiệm vụ quan trọng của giáo dục phẩm chất, nhân cách cho thanh, thiếu nhi. Chỉ có như vậy thì khoảng trống sân khấu cho thiếu nhi hiện nay mới dần được lấp đầy, và những lo lắng về những thế hệ tương lai giỏi về công nghệ nhưng lại xa lạ với nghệ thuật truyền thống mới dần được xóa bỏ.

Bảo Bình
.
.
.