Nghỉ đông: Câu chuyện không hồi kết

Thứ Hai, 11/01/2016, 21:00
Khi các giải VĐQG khác nghỉ ngơi, Premier League vẫn thi đấu, thậm chí với cường độ dày đặc hơn. Mùa đông chẳng có nghĩa lý gì với bóng đá Anh, bởi đó là một ngành công nghiệp phục vụ, một thế giới trình diễn mà các diễn viên tham gia không thể dừng lại. Và câu chuyện về mùa đông được đề cập để phân định, đâu là nơi bóng đá thực sự ở đâu bóng đá là nơi được coi là nghề giải trí.
1. Có một điều không thể phủ nhận rằng, sức công phá của Premier League quá lớn. Nó không chỉ dừng ở chuyện bóng bánh mà là một ngành giải trí mang lại siêu lợi nhuận, bên cạnh đó là ý nghĩa về nhiệm vụ của nó với xã hội.

Trong khi toàn châu Âu yên ắng, việc bóng đá ở Anh vẫn thi đấu không chỉ đáp ứng thói quen xem Ngoại hạng, mà còn giúp họ nâng cao vị trí. Tuy nhiên, họ cũng phải đánh đổi rất nhiều vì sự “cống hiến” này, với rất nhiều hệ lụy kéo theo. Đó là thành tích của ĐTQG mỗi năm có EURO hay World Cup, các cầu thủ kiệt sức sau một mùa giải lê thê, mệt nhoài. Đó là những chấn thương không đáng có, là chất lượng không đảm bảo…

Mọi thứ đều có giá của nó, vấn đề là mỗi giải đấu lựa chọn cho mình con đường nào. Ví dụ như ở Bundesliga, họ đã mất vài chục năm để hoàn thiện hệ thống thi đấu, các khoảng thời gian nghỉ đông sao cho phù hợp nhất. Bởi ở đó bóng đá là bóng đá, không chỉ là giải trí mà còn là thàn tích, là những tính toán khoa học mà cầu thủ là người lao động chứ không phải ngôi sao showbiz có nhiệm vụ phục vụ giải trí như ở Anh.

Hình ảnh quen thuộc ở những trận đấu tại Anh.

Ngày 29/1/1977, đó là một ngày đặc biệt ở Đức. Hôm ấy có trận đấu tại Bundesliga. Thời tiết khá thuận lợi, không mưa, cũng chẳng có tuyết. Thế nhưng hầu hết các mặt sân đều lầy lội, gập ghềnh, ẩm ướt mùa đông. Trong 9 trận đấu của ngày hôm đó, có 17 ca chấn thương, chất lượng các trận đấu suy giảm, số lượng bàn thắng chỉ đạt trung bình 1,9 bàn/trận. Bắt đầu từ đó, một cuộc nghiên cứu tập trung vào việc Bundesliga có nên đá bóng vào thời gian tháng 1 hay không?

Rồi nhiệt độ giảm thấp, sân ngập tuyết sẽ ảnh hưởng thế nào đến cầu thủ và trận đấu. Các trận đấu được nghiên cứu là trận Bayern gặp Eintracht Frankfurt vào ngày 1/1/1958, trận đấu với Offenbach ngày 3/1/1958 tại giải vô địch bang, và trận gặp Dortmund và ngày 2/1/1966 ở cúp QG Đức. Những ngày lễ và lạnh hoàn toàn không phù hợp. Và đó cũng là những trận đấu cuối cùng Bayern và các

CLB Đức phải thi đấu vào những ngày Tết dương lịch.

Sau một thời gian, Bundesliga khẳng định sẽ không thi đấu vào tháng 1, số ngày nghỉ sẽ trung bình vào khoảng 35 ngày. Đỉnh cao của ngày nghỉ đông Bundesliga là mùa giải 1986/87, năm mà mùa đông châu Âu khắc nghiệt nhất trong nhiều thập kỉ. Khi ấy họ nghỉ đá bóng tới 77 ngày. Đúng 10 năm sau, Bundesliga lại nghỉ đông mùa 1996/97 kéo dài tới 70 ngày.

Mười năm sau nữa, mùa 2006/2007, giải đấu nghỉ 42 ngày. Sở dĩ số ngày nghỉ của Bundesliga ngày càng giảm vì họ tính toán rằng, nếu để các cầu thủ nghỉ quá lâu họ sẽ mất nhiều thời gian để thích nghi, giống hệt như kì nghỉ mùa hè. Hơn nữa, việc chuẩn bị cho các giải đấu như EURO hay World Cup cũng cần một thời gian khoảng 30 ngày. Nếu kì nghỉ đông kéo dài sẽ đồng nghĩa với kì nghỉ hè ngắn đi.

Thi đấu mùa đông khiến khả năng chấn thương của cầu thủ tăng cao.

2. Vậy trong hoàn cảnh ĐTQG có tham dư EURO hay World Cup vào mùa hè, giải VĐQG sẽ phải xáo trộn lịch thi đấu và lịch nghỉ như thế nào? Ví dụ điển hình nhất cũng chính là Bundesliga. Cách tổ chức bố trí lịch khoa học của họ cũng gặp vấn đề, với mục tiêu làm tất cả để phục vụ ĐTQG dự World Cup 1970. Do lịch nghỉ đông dài nên họ phải sắp xếp lại toàn bộ các khung thi đấu trong nước.

Ngày 31/5/1969, Bundesliga công bố lịch mùa giải 1969/70, nhưng họ chỉ đảm bảo lịch của nửa mùa, tức là giai đoạn lượt đi. Nếu ĐT Đức lọt vào World Cup 1970, Bundesliga sẽ kết thúc vào đầu tháng 5/1970, bởi World Cup sẽ khai mạc sớm nhất trong lịch sử: ngày 31/5/1970. Nếu không có quyền tham dự thì thời điểm diễn ra vòng cuối Bundesliga sẽ vào ngày 30/5. Kết quả là Đức giành quyền dự World Cup 1970, họ rút ngắn kì nghỉ đông (thi đấu ngày 10/1/1970), các trận đấu vòng tứ kết cúp QG Đức kéo xuống cuối tháng 3, bán kết vào tháng 4 và chung kết giữa tháng 5.

Nhưng một điều tồi tệ đã xảy ra khi năm ấy châu Âu lạnh chưa từng thấy. Đêm giao thừa năm mới, nhiệt độ ở Berlin là -17 độ C. Một tuần sau, tuyết dày trung bình 31cm, và tình trạng này kéo dài đến giữa tháng 3. Toàn bộ các trận đấu lại bị hoãn. Tính ra mùa đông năm ấy Bundesliga hoãn 37 trận. Giải pháp là cúp QG Đức bị hoãn, và trận chung kết lần đầu tiên trong lịch sử diễn ra vào ngày đầu của mùa giải mới, ngày 29/8/1970.

Sự hỗn loạn đã diễn ra không chỉ ở Đức mà còn ở hầu hết các giải bóng đá lớn khác tại châu Âu. Nó nghiêm trọng đến mức các LĐBĐ đã phải làm việc liên tục với UEFA, FIFA để thống nhất lịch thi đấu cả năm, tránh chuyện vỡ lịch kiểu như ở Bundesliga. Nhưng câu chuyện cho ngày nghỉ đông cũng vì thế mà nóng. Hầu hết đều tuân thủ và cho rằng việc nghỉ đông là cần thiết, nhưng ở Anh lại khác.

Dù cầu thủ và HLV đều mong muốn được thư giãn, nhưng LĐBĐ Anh lại không nghĩ như vậy. Họ phải chơi bóng dù đó có là ngày Giáng sinh, lễ tặng quà, năm mới hay ngày lễ nào đi nữa. Nó tạo ra sự hỗn loạn, tranh cãi, thậm chí phản bác lẫn nhau về chuyện mùa đông nghỉ hay đá, xếp lịch thế nào. La Liga, giải đấu tương tự Premier League cũng nghỉ đông, nhưng họ chỉ nghỉ có 2 tuần, cũng chẳng đáng kể.

Dù có bàn bạc hay nghiên cứu mất khá nhiều thời gian thì “công thức” nghỉ đông cũng chỉ thực sự được áp dụng đầu thập kỉ 80 của thế kỉ trước. Bởi đó cũng là lúc yếu tố kinh tế được tính đến. Ngoại trừ Ngoại hạng Anh kinh doanh kiểu “tranh thủ” lúc thiên hạ đóng cửa hàng để “độc quyền” chơi bóng, thì những thống kê cho thấy, những trận đấu diễn ra vào thời điểm nhiệt độ dưới 5 độ C, cộng với tuyết rơi sẽ suy giảm khoảng 30% khán giả. Nhiệt độ càng giảm, lượng khán giả cũng giảm theo. Cùng với cực hình chơi bóng dưới lớp tuyết dày, và cả rủi ro thiệt hại tài chính nếu trận đấu buộc phải hoãn, hủy, nhiều nền bóng đá đã quyết định phải nghỉ đông, với thời gian lí tưởng nhất là hết tháng 1.

3. Việc nghỉ đông với nhiều người còn quan trọng hơn nghỉ hè. Ví dụ như Hoàng đế Beckenbauer. Ông cho rằng, có thể kéo dài kì nghỉ đông và giảm ngày nghỉ hè, thậm chí là không cần nghỉ hè cũng được để dành thời gian tránh rét. Từ đó, giải pháp của các nước Bắc Âu, Đông Âu cũng được tính tới, mùa giải kéo dài từ tháng 3 đến tháng 12. Khi ấy, nếu các ĐTQG thi đấu giải quốc tế vào mùa hè thì đó chính là quãng thời gian tuyệt vời nhất, ổn định nhất của cầu thủ. Tuy nhiên, đề xuất ấy vấp phải phản đối từ chính các CLB lớn, bởi nếu theo lịch này thì họ sẽ thiệt hại rất lớn về tài chính liên quan đến hoạt động kinh doanh.

Và thế là những tranh cãi, đấu đá về chuyện ghỉ đông cứ kéo dài mà không ai có thể đưa ra kết luận cuối cùng. Và bóng đá châu Âu cứ đi theo lối mòn của riêng mình. Ai nghỉ cứ nghỉ, ai đá cứ đá, ai kiếm tiền được vào mùa đông thì cứ kiếm. Sau những chuyến du đấu mùa hè, một số CLB lớn còn có cả du đấu mùa đông. Ví dụ Bayern Munich, mùa đông nào họ cũng tránh rét bằng cách đến Trung Đông tập huấn, du đấu. Sau khi trở lại, Bayern thường có được năng lượng như hồi đầu mùa, và đó là sự lí giải cho thành công của họ.

Trong bóng đá, người ta có thể thống nhất mọi thứ, kể cả những quy định phức tạp nhất như luật chuyển nhượng, quy tắc tài chính, kinh doanh, luật việt vị… duy chỉ có chuyện nghỉ đông thì châu Âu vẫn chưa thể đồng nhất. Âu thì cũng là do đặc trưng mục đích và quan điểm bóng đá của mỗi nơi. Và xét cho cùng cũng phải cảm ơn Premier League, vì có họ chúng ta mới được xem bóng đá vào những ngày lễ, Tết.

Đá bóng mùa đông tác hại và lợi nhuận ra sao?

Nghiên cứu của Viện Khoa học thể thao Đức, việc đá bóng ở nhiệt độ dưới 5 độ C sẽ khiến cầu thủ có khả năng dính chấn thương tăng 15 đến 25%, tùy theo mặt sân. Ở Anh trong vòng 20 mùa giải gần đây, tính ở mọi giải đấu chính thức, trung bình mỗi mùa có khoảng 59 trận đấu phải hoãn vì thời tiết. Đó là con số rất lớn, gây thiệt hại khoảng 20 triệu bảng. Riêng ở Premier League, mỗi năm trung bình có khoảng 7 trận đấu phải hoãn và chi phí cho việc hoãn, hủy trận đấu có thể lên tới 2 triệu bảng cho mỗi trận.

Tuy nhiên bù lại, nếu tính khoảng 6 vòng đấu của Premier League trong thời điểm cuối tháng 12 và tháng 1, họ thu về số tiền gần gấp đôi so với những vòng đấu còn lại của mùa giải về doanh thu gia tăng, phí dịch vụ… Số lượng khán giả theo dõi các vòng đấu ở thời điểm này của Premier League cũng tăng lên gấp 2,6 lần. Đó cũng là một thành công của bóng đá Anh.

Lê Giang
.
.
.