Nghịch cảnh của phim Nhà nước khi ra rạp

Thứ Năm, 09/10/2014, 09:30

Chưa bao giờ, câu chuyện một bộ phim do nhà nước đầu tư tiền tỷ lại trở thành đề tài "hot" như thế này. Không may mắn như những bộ phim nhà nước khác, "Sống cùng lịch sử" bị truyền thông bủa vây và rơi vào tâm bão dư luận. Nhưng thực chất, nó chỉ là "giọt nước tràn ly" cho một thực trạng bê trễ mà đã đến lúc, những nhà quản lý cần phải nhìn nhận một cách nghiêm túc và thẳng thắn!

Từ những phim nhà nước "biết trước sẽ chết"

"Phim 21 tỷ đồng không bán nổi một vé", "Phim triệu đô 'Sống cùng lịch sử' chết ngay khi chưa ra rạp", hay "Phim lịch sử là khúc xương khó nhằn"... và rất nhiều tiêu đề bài báo nữa, xem ra không có gì hay ho (nếu không muốn nói là đau đầu) với đoàn làm phim "Sống cùng lịch sử". Tên bộ phim cũng như những người làm phim, từ đạo diễn đến biên kịch xuất hiện trên tờ báo này sang tờ báo nọ với tần suất... chóng cả mặt. Bộ phim "hot" và rơi vào vòng xoáy của truyền thông không phải vì chất lượng (có ai đi xem đâu mà dám bảo nó dở). Cũng không phải vì nó khô cứng như nhiều báo đã tuyên tội cho nó (chỉ vì nó là phim lịch sử mà vơ đũa cả nắm). Bộ phim này theo một người yêu phim cho biết hoàn toàn có đầy đủ những yếu tố cơ bản để ăn khách. Phim có ý tưởng hay ho, nữ diễn viên chính xinh đẹp, phim dạo đầu bằng cảnh nóng, tình tay ba, trào lưu phượt. Tất cả theo chuẩn chung của giới trẻ. Nó "hot", chỉ vì là bộ phim được Nhà nước đầu tư tới 21 tỷ đồng mà lại không bán nổi một vé. Đơn giản chỉ có thế!

Tất nhiên, truy nguyên nhân của cái không bán được vé kia cũng có tới dăm bảy đường nguyên nhân; mà nguyên nhân nào cũng được khoác bởi cái áo có vẻ... khá hợp lý (kể cả lời biện hộ của những người trong cuộc). Và báo đài cũng đã lần lượt mổ xẻ đến tận gốc gác ngọn ngành rồi, thậm chí nếu không muốn nói là hơi quá. Căn bệnh đám đông, bây giờ không còn là sự phô diễn riêng mà là một phô diễn đồng dạng khá buồn cười ở cái thời buổi mà con chíp thẩm mỹ đều na ná nhau, bệ thẩm mỹ còn hạn hẹp, loanh quanh mấy chiêu trò, cảnh nóng, mấy cô diễn viên chân dài tới nách nhưng không diễn nổi một tự sự của đời sống.

Một cảnh trích trong phim "Sống cùng lịch sử" (đạo diễn Nguyễn Thanh Vân, biên kịch: Đoàn Minh Tuấn).

Thật ra, "Sống cùng lịch sử" là một ví dụ trong rất nhiều ví dụ khác bi hài của giới làm phim nước ta. Nó là "giọt nước tràn ly" cho một sự thật có phần  phũ phàng của nhiều bộ phim được Nhà nước đầu tư tiền bạc nhưng lại "đắp chiếu", "ế chỏng ế chơ". Nó là vấn đề cơ chế, "khi mà tính mục đích về cơ bản đã đạt được ngay khi dự án được ký duyệt ngân sách, với một cá nhân/đơn vị nào đó", như lời của nhà biên kịch, cũng là người viết phê bình phim Châu Quang Phước chia sẻ.

Và cũng vì tâm thế được "bao cấp" ấy, nên đầu vào, đầu ra không còn là vấn đề lưu tâm của những người sản xuất phim nhà nước. Miễn sao phim ra đúng thời hạn. Đúng tôn chỉ, mục đích. Còn việc khán giả mua vé đến xem hay không, không quá áp lực như các hãng phim tư nhân phải chạy đua từng giờ từng phút, thậm chí không ngại ngần chiêu trò nếu cần thiết để kéo khán giả vào rạp. Nếu vậy, tính cạnh tranh bị "thủ tiêu" ngay từ ban đầu.

Đạo diễn Nguyễn Thanh Vân trên phim trường "Sống cùng lịch sử".

...đến sân chơi mới?

Để không chết từ trứng nước, để khán giả không "hãi" khi nghe nói mấy chữ "phim nhà nước", phải chăng các dự án phim nhà nước - chính nó cần có một cuộc cách mạng?

Hiện nay, chúng ta tạm gọi có 3 dòng phim đang tồn tại song song: nhà nước, tư nhân, độc lập. Phim nhà nước thì không phải nói nữa. Phim tư nhân, tự sản xuất rồi phát hành, quảng cáo rầm rộ, hòng lôi kéo khách mua vé đến xem. Còn những người làm phim độc lập, "tự biên tự diễn" rồi xin kinh phí từ các quỹ hoặc dự án nước ngoài. Nói chung, dòng nào cũng cần tiền để làm phim.

Tuy nhiên, hiện nay đang có một thực tế là, phim được Nhà nước đầu tư  sẽ do một đơn vị sản xuất phim cũng thuộc nhà nước làm. Liệu đã thật sự công bằng chưa khi các dự án phim nhà nước chỉ là sân chơi của những đơn vị nhà nước?

Các nhà làm phim bên ngoài cần kinh phí để làm phim không? Sao lại không! Nếu có cơ hội, sẽ chẳng có bất cứ ai từ chối cả, kể cả việc các dự án phim ấy được làm ra với mục đích tuyên truyền. Nếu có sự cạnh tranh, lựa chọn, thì sản phẩm cuối cùng có thể chưa phải là tốt nhất nhưng nó chắc chắn sẽ là tốt nhất trong số những sản phẩm tham gia cùng nó.

Bộ phim "Mộ gió" cũng vắng khách khi ra rạp.

Khi đặt vấn đề này, nhà biên kịch Châu Quang Phước lo ngại: "Cơ chế xét duyệt kiểu gì, từ những con người "cầm cân" nào, cho các dự án phim hay/ tốt (trên cơ sở kịch bản...)? Hiện tại, điều đó là không tưởng với nhân lực/tầm nhìn quy hoạch của các đơn vị chức năng chuyên ngành như Cục/Hội. Vì có những vấn đề nhỏ lẻ hơn nhiều mà bao nhiêu năm vẫn chưa có chưa làm xong, nói chi chuyện tạo lập quỹ tầm cấp qui mô quốc gia kiểu vậy. Hơn nữa, làm vậy cũng chẳng khác nào là một hình thức "bao cấp" khác, thậm chí còn là bao cấp vĩ mô hơn, vì tính cạnh tranh chỉ có ở đầu vào xét duyệt, sẽ lại "đi đêm" hơn hiện tại. Sau đó các khâu tiếp theo thì vẫn bỏ trống, lủng lỗ như tai nạn đắm tàu"!

Một điều khác nữa, theo anh Phước, "các hãng phim tư nhân cũng chẳng rảnh để theo đuổi bất kỳ cơ chế nào khiến họ mất quyền tự quyết". Giải pháp duy nhất để chấm dứt tình trạng "cha chung không ai khóc" đó là xóa sổ điện ảnh bao cấp kiểu Nhà nước.

Giải pháp mà nhà biên kịch Châu Quang Phước đưa ra có phần hơi cực đoan và tuyệt vọng. Vấn đề cần nhìn công bằng hơn, chẳng hạn đầu tư như thế nào cho có hiệu quả, tránh tình trạng lãng phí tiền bạc của dân.

Nhà biên kịch Đoàn Minh Tuấn, cha đẻ của "Sống cùng lịch sử" tỏ ra vô cùng bức xúc vì cho rằng phim phát hành quá yếu kém nên "chết tức tưởi". Ông bảo: "Để hoàn thành bộ phim đó, chúng tôi đã tốn không biết bao nhiêu công sức. Tuy nhiên, đến khâu cuối cùng là PR, phát hành, quảng cáo, tất cả chỉ là không, không và không. Không băng rôn, không truyền hình, không họp báo, không tờ rơi. Không làm gì cả. Làm phim giữa thời buổi kinh tế thị trường nhưng mà cứ bê nguyên si cách làm phim của thế kỷ trước".

Phải có một quy trình bị lệch và bung ra khỏi "đường ray", cho nên người làm phim, người phát hành phim mới không có một tiếng nói chung, dẫn đến việc phim ra rạp "vắng hơn chùa Bà Đanh" rồi mới đánh quả bóng trách nhiệm qua lại như thế. Chỉ một "Sống cùng lịch sử" thôi, cũng đủ để chúng ta thấy phim Nhà nước hiện nay đang tồn tại những bất cập cần giải quyết như thế nào. Đã đến lúc, trước khi quyết định "rót" kinh phí, những nhà quản lý, cần vạch ra một lộ trình khác cho con đường đi của mình

Đậu Dung
.
.
.