Kevin Bruyne: Ngôi sao không màu mè

Thứ Sáu, 09/10/2015, 09:00
Ba trận liên tiếp tại Premier League, ghi 3 bàn và kiến tạo 2 bàn thắng khác, cái tên Kevin de Bruyne đang dậy sóng ở Anh, thậm chí còn trở nên nóng hơn cả Anthony Martial, hiện tượng 19 tuổi của Man Utd. Kevin de Bruyne là ai, và chặng đường trở thành cầu thủ đắt giá nhất lịch sử Man City như thế nào? Đó là một câu chuyện dài.

1.Cách đây mới 3 năm, có một cậu bé mặt búng ra sữa xuất hiện ở Đức, trong màu áo CLB Werder Bremen. Hai mươi mốt tuổi, gương mặt ngây ngô, Kevin de Bruyne chẳng được ai chú ý, ngoại trừ nơi mà anh tới: Chelsea. Tuy nhiên, khi lật lại hồ sơ của cầu thủ người Bỉ này, cái tên tương đối rắc rối kia bị đẩy ra ngoài bộ nhớ của các CĐV. Suốt 2 năm trời thi đấu cho Chelsea, Kevin chỉ có 3 trận vào sân từ ghế dự bị, không có bất kì ấn tượng gì. Thậm chí, hình ảnh quá màu mè như một tay chơi của Kevin còn khiến không ít người tưởng lầm là người mẫu thời trang.

Kevin de Bruyne những ngày sóng gió ở Chelsea.

Cao 1m82, mái tóc vàng luôn được vuốt vô cùng sành điệu, trang phục thể thao, nghịch ngợm với đôi giày trắng, Kevin de Bruyne bắt đầu cuộc sống bóng đá ở Đức trong một hình hài chẳng khác gì một ngôi sao điện ảnh. Có lẽ, sự màu mè đó đã được khoác lên từ những ngày sóng gió ở London cùng Chelsea. Đó là những ngày đáng nhớ nhưng lại chẳng đẹp đẽ gì với Kevin.

Xuất thân từ CLB Genk, đội bóng giàu truyền thống ở Bỉ, Kevin de Bruyne nằm trong loạt "sản phẩm" đầu tiên của hệ thống đào tạo trẻ mà Bỉ áp dụng từ đầu những năm 2000, cùng với những E.Hazard, T.Courtois, Benteke… Giá trị của de Bruyne thể hiện ở thành tích không phải ai cũng có: chưa đầy 18 tuổi đã ra sân và ghi bàn trong trận đấu tại giải VĐQG Bỉ, rồi ngay sau đó được Chelsea mua về với giá 7 triệu bảng Anh vào năm 2012.

Đây được coi là bước đi làm thay đổi cuộc sống của Kevin de Bruyne, bởi dù là người Bỉ nhưng anh hoàn toàn có thể được coi là người Anh bởi mẹ Kevin sinh ra tại Burundi, nhưng di cư đến London, sống tại đây từ bé tại ngôi nhà nhỏ ở Ealing, chỉ cách sân vận động Stamford Bridge của Chelsea khoảng 10km.

Thế nhưng, số phận Kevin de Bruyne ở Chelsea cũng giống hầu hết các cầu thủ trẻ khác. Giấc mơ sụp đổ nhanh chóng, nhất là khi ở đó lại có Mourinho, một HLV cá tính đến mức điên rồ. Chỉ sau một thời gian ngắn, chính Mourinho đã gạt phăng de Bruyne khỏi kế hoạch, với lời buộc tội gọn lỏn: "Cậu ta tập luyện không đủ chăm chỉ". Thế là Kevin de Bruyne bị mang sang cho Bremen mượn. Và cũng lại giống như những cầu thủ trẻ bị Chelsea ruồng bỏ, de Bruyne tỏa sáng rực rỡ khi ra đi đến đội bóng khác. Anh trở thành trụ cột ngay mùa đầu tiên khoác áo Bremen. Ấy thế mà Mourinho vẫn không tin vào tài năng của cầu thủ này. Ông còn lớn tiếng nói rằng: "Bundesliga khác Premier League, Bremen cũng khác Chelsea. Cậu ấy chưa đủ lớn để tôi phải thừa nhận sai lầm".

Để khẳng định mình đúng, Mourinho và Chelsea đã chính thức bán de Bruyne cho Wolfsburg với mức giá "cắt cổ": 18 triệu bảng. Có nghĩa Chelsea đã lãi trên 10 triệu bảng, dù rằng họ chẳng hề sử dụng de Bruyne.

De Bruyne và bạn gái hiện tại Michele Lacroix.

Tại Wolfsburg, de Bruyne thực sự chứng minh Chelsea và Mourinho thật sự chỉ biết mua ngôi sao mà không biết nuôi dưỡng tài năng. Mùa giải năm ngoái, de Bruyne có 16 bàn thắng và 28 pha kiến tạo thành bàn, trở thành chân chuyền bóng xuất sắc nhất châu Âu. Thành tích đó giúp Wolfsburg vô địch cúp QG Đức, đoạt danh hiệu Á quân Bundesliga. Đến lúc này, cả Mourinho lẫn Chelsea câm lặng. Họ đã biết rằng mình đã sổng mất một tài năng siêu việt.

2.Một ngày cuối tháng 7, Patrick de Koster, đại diện của Kevin de Bruyne tiếp liền 2 đoàn thương lượng của CLB Man City và Paris Saint Germain, sau khi Wolfsburg đồng ý chuyển nhượng cầu thủ này. Chỉ trong ngày hôm đó, mức giá của Kevin de Bruyne tăng từ 20 triệu bảng lên 45 triệu bảng, chẳng khác gì một phiên đấu giá.

Điều đáng nói là trong hợp đồng với Wolfsburg, số tiền giải phóng hợp đồng của Kevin de Bruyne gần như không đáng là bao. Đến cuối tháng 8, khi thị trường chuyển nhượng mùa hè đi đến những "phút bù giờ", Man City tức tốc đưa ra mức giá cuối cùng: 55 triệu bảng cộng với mức lương gần 200.000 bảng/tuần, số tiền chuyển nhượng phá mọi kỉ lục mua sắm của CLB này, vượt qua tất cả những bản hợp đồng bom tấn gây chấn động châu Âu trước đây, từ Sergio Aguero đến David Silva hay Raheem Sterling.

Vài tiếng sau khi nhận được lời đề nghị đắt đỏ này, Wolfsburg gật đầu. Và đó cũng là lúc Mourinho và Chelsea hiểu rằng thực ra họ đã "lỗ vốn" với Kevin de Bruyne chứ không lãi như họ tưởng.

Đáp lại những ngày tháng khổ sở ở Chelsea, de Bruyne không ngại chĩa mùi dùi về phía Chelsea và Mourinho: "Tôi đã giảm 3kg và 2% chất béo khi tập luyện ở Chelsea. Ở đó Mourinho chỉ nói chuyện với tôi đúng 2 lần. Tôi không thấy vui vẻ gì ở đó. Tôi đã nghe ông ấy (Mourinho) nói rằng tôi không tập luyện đủ tốt, nhưng đó không phải là tôi. Những nhận xét đó hoàn toàn sai, và hình ảnh của tôi lúc ấy không thể thay đổi được. Vì thế, tôi đã nói rằng: hãy vui lòng để tôi đi. Và hành trình tôi trải qua, dù vất vả nhưng là con đường đúng đắn".

Vậy, de Bruyne đã làm gì ở Đức để khi quay về Premier League lại khiến Chelsea và Mourinho tẽn tò đến vậy?

Từ 18 tuổi, de Bruyne đã chuyển ra sống riêng bất chấp cuộc cạnh tranh trên sân cỏ rất khốc liệt ở thời điểm anh chỉ nhận mức lương đủ sống, khoảng 15.000 bảng/tuần. Đúng thời điểm đó, một số CLB của Nga đã mời de Bruyne với mức lượng cao gấp 4 lần, nhưng anh từ chối với lời giả thích: "Tôi muốn đá bóng, kiếm tiền và gìn giữ cho cuộc sống sau này, chứ không phải ra đi để biến mất".

Chính vì quan điểm đó, de Bruyne đã ra sức làm việc khi bị Chelsea "tống" sang Bremen. Tại đây, de Bruyne, từ một tiền vệ đã tập luyện để thi đấu tốt ở 6 vị trí trên hàng công, học và nói thành thạo 4 thứ tiếng (Anh, Hà Lan, Pháp, Đức). De Bruyne không chỉ tự rèn mình trong các buổi tập hàng ngày, "cậu bé" này còn tự làm mọi việc nhà để thích nghi với mọi hoàn cảnh sống. Hiếm có một cầu thủ nào tự lau nhà, dọn nhà, tự cơm nước cho mình, tự giặt quần áo, thậm chí còn tự giặt cả trang phục thi đấu và luyện tập.  De Bruyne nói rằng, đó không phải là sự "hành xác" mà là sự rèn luyện và tự thích nghi.

Ngày trở lại Premier League đã nằm trong kế hoạch của de Bruyne. Không giấu giếm và không trăn trở. Quãng thời gian ngắn ngủi ở Chelsea dạy cho de Bruyne cách ứng phó với tin đồn và truyền thông. Suốt 3 năm ở Đức, de Bruyne chỉ có 5 cuộc phỏng vấn riêng, và trước mọi cuộc phỏng vấn, anh luôn giao hẹn trước: không khai thác chuyện riêng tư.

Có một lần, trong cuộc phỏng vấn, phóng viên đã khéo léo lồng ghép, dẫn dắt về chuyện tình cảm riêng tư, lập tức de Bruyne đứng dậy, rời khỏi phòng, và phải nhờ đến người đại diện can thiệp, cuộc phỏng vấn mới lại được tiếp tục sau 15 phút gián đoạn. Khi ấy, de Bruyne là một trong số những ngôi sao hiếm hoi không có scandal đời tư, không có bất cứ xì xào nào về cuộc sống. De Bruyne nói rằng, đó là sự chuẩn bị tốt nhất cho ngày trở lại Anh, cùng với việc tập luyện điên cuồng.

So sánh với những Martial, Sterling… những ngôi sao mới nổi của Premier League, thông tin và những chuyện bên lề của de Bruyne gần như chẳng có gì. Mãi khi đã đến Man City, cánh nhà báo mới chụp được vài bức hình anh đưa bạn gái Michele Lacroix di ăn tối. Và mới đây, hồi giữa tháng 9, phải qua Instagram cá nhân với bức ảnh siêu âm, người ta mới biết de Bruyne sắp có con trai đầu lòng. Ngay cả khi được tin sắp làm cha, dù ghi bàn liên tục cho Man City nhưng de Bruyne cũng chẳng ăn mừng kiểu "tôi sắp có con" như những ngôi sao khác thường làm.

Cuộc tình tay ba: de Bruyne-Caroline-Courtois.

3.Kevin de Bruyne nhìn qua chẳng có gì đặc biệt. Một cậu bé ngây thơ với khuôn mặt búng non choẹt. Thế nhưng, phía sau đó là một cá tính đặc biệt. Khẳng khái, không che đậy, de Bruyne từng thừa nhận, việc đến Đức khoác áo Bremen và Wolfsburg là điểm dừng chân tạm thời để anh chứng minh khả năng, chứ không phải nơi anh gắn bó sự nghiệp. Điều đó đương nhiên đúng với một tài năng cần nền tảng để thăng hoa, mặc dù rất nhiều người không hài lòng với câu trả lời thiếu tính xã giao như vậy. Đến khi Man City đưa ra đề nghị chuyển nhượng, de Bruyne cũng thẳng thắn, để dành quyền quyết định mức giá cho Wolfsburg.

Hơn ai hết de Bruyne biết mình sẽ mang lại món hời lớn cho CLB đã đưa mình lên hạng ngôi sao, và đó là những gì anh có thể làm để cảm ơn Wolfsburg. Và sau thương vụ bán de Bruyne cho Man City, Wolfsburg lãi gần 40 triệu bảng.

Không phải là một tình yêu đặc biệt, cũng chẳng giả tạo, thứ tình cảm mà de Bruyne thể hiện thực tế hơn, chân thật hơn và chẳng hề vụ lợi, điều mà giới cầu thủ (đặc biệt là những ngôi sao) thường lấy ra để tô vẽ cho hình ảnh của mình.

Courtois và de Bruyne, chuyện Bridge-Terry thứ hai

Có thể bản tính của de Bruyne khá trầm và kín mồm kín miệng, nhưng cũng có thể đó là dư chấn của câu chuyện tình tay ba. Tại Chelsea đã từng xảy ra "chuyện tình đồng đội" kiểu như vậy khiến dư luận chấn động. Đó là "thiên tình sử" nổi tiếng, đội trưởng John Terry cướp Vanessa Perroncel, người yêu của đồng đội Wayne Bridge, khi họ còn cùng khoác áo Chelsea, bất chấp Vanessa Perroncel đã có con với Bridge. Chuyện này nổi tiếng đến mức nó trở thành đề tài bình luận nóng bỏng của báo chí Anh suốt một thời gian dài. Cũng vì vụ này mà Bridge phải chuyển sang Man City thi đấu, và khi họ gặp lại nhau trên sân cỏ, Bridge không thèm bắt tay Terry. Thậm chí, Bridge từng không thèm lên ĐTQG Anh vì không muốn gặp mặt Terry ở đó.

De Bruyne cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự. Khi còn khoác áo Chelsea, de Bruyne và Caroline Lijnen là một cặp. Nhưng sau 3 năm, de Bruyne phát hiện ra bạn gái mình đã phản bội để yêu đồng đội ở ĐTQG Bỉ là thủ thành Thibaut Courtois. May mắn cho Chelsea là ngay sau khi vụ việc vỡ lở thì họ đã mang cả 2 cầu thủ này đi cho mượn (de Bruyne đến Bremen còn Courtois đến Atletico Madrid). Khi Courtois trở lại Chelsea thì de Bruyne lại về Man City. Tuy nhiên, số phận không thể tách rời họ khi cả hai cùng là tuyển thủ quốc gia Bỉ. Dĩ nhiên, đến giờ họ vẫn chẳng buồn nhìn mặt nhau, bất chấp lúc này Courtois đã bỏ Caroline để cặp kè với siêu mẫu, Hoa hậu Bỉ Emily Vanhoutte.

Lê Giang
.
.
.