Ngổn ngang thơ giữa xập xoè tạp kỹ

Thứ Năm, 07/03/2013, 16:34

Với một Ngày thơ Việt Nam đặc trưng, một không gian của sự sáng tạo, sau 11 năm vẫn chỉ là những sự ồn ào, bề nổi và nhàm chán thì có nên tiếp tục?

Ngày thơ Việt Nam lần thứ XI năm 2013 đi qua, nhưng dư âm đọng lại của nó không nhiều, nếu không nói là những khoảng trống nhạt nhẽo. Nhiều người cho rằng, có nên tiếp tục tổ chức ngày thơ, khi chỉ lấy sự vui là chính. Bởi đất nước ta vốn đã có quá nhiều lễ hội để vui (hơn 8.000 lễ hội).

Nhưng với một Ngày thơ Việt Nam đặc trưng, một không gian của sự sáng tạo, sau 11 năm vẫn chỉ là những sự ồn ào, bề nổi và nhàm chán thì có nên tiếp tục?

1. Vẫn những màn thả thơ, vẫn sân thơ trẻ và  sân thơ truyền thống, vẫn chỉ là sự ồn ào và đơn điệu lặp lại hàng năm. Vẫn là sự pha trộn của những âm thanh tạp kỹ. Ngày thơ Việt Nam lần XI đã trôi tuột trong cảm xúc của nhiều người bởi sự nhàm chán, đơn điệu. Thực tế, Ngày thơ Việt Nam lần thứ XI được chuẩn bị và tổ chức công phu. Về nhân lực, đây là một ngày thơ huy động được số lượng người tham gia đông đảo nhất từ trước đến nay, chủ yếu là người trẻ.

Với chủ đề "Tuổi trẻ và Tổ quốc" làm điểm nhấn, sợi chỉ đỏ xuyên suốt các hoạt động và tiết mục tham gia dự thi, nhằm khơi gợi lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc và quyết tâm bảo vệ Tổ quốc, mà điểm nhấn là thanh niên. Tuy nhiên, chỉ thấy phần đông là áp đảo. Mà thiếu đi phần chìm lắng, thực sự rung động người yêu thơ.

Hầu hết các bạn trẻ tham gia theo kiểu phong trào. Thế nên, một chương trình được chuẩn bị khá công phu của Ban thơ trẻ và nhóm Link hương cửu kiếm gồm chín nhà thơ trình diễn thơ bị đẩy lùi lại phía sau, mà thay vào đó là phần ca nhạc, tạp kỹ luộm thuộm rườm rà. Một nhà thơ trẻ tham gia trình diễn nói rằng: "Sân thơ trẻ đã bị nhạt nhòa khi thơ vắng mặt mà thay bằng những hát hò, múa lượn. Trong khi đáng lẽ, hãy để cho thơ được vang lên".

Sân thơ trẻ thiếu vắng những gương mặt trẻ và mới. Còn các bạn trẻ, họ đến hội thơ để chụp ảnh nhiều hơn là kiên nhẫn ngồi nghe thơ, bởi Văn Miếu - Quốc Tử Giám ngày khai mạc được trang hoàng rực rỡ, lòe loẹt hơn ngày thường. Còn đối với những tác giả, những nhà thơ, Ngày thơ Việt Nam có lẽ cũng chỉ là nơi họ gặp gỡ, giao lưu và vui thơ cùng nhau.

Có lẽ, Ngày thơ chỉ còn làm được một việc duy nhất là dịp cho các nhà thơ, những người yêu thơ giao lưu, gặp gỡ nhau. Nhưng chỉ để gặp nhau với tiêu chí vui là chính thì có cần phải tổ chức rầm rộ với một khoản kinh phí từ ngân sách nhà nước như thế.

Tại khu vực của các câu lạc bộ thơ, các bạn thơ gặp nhau còn hồ hởi lập chiếu rượu ngay bên cạnh "lán thơ". Còn micro, loa đài để đọc thơ trong khu vực này thì không lúc nào được rỗi, dù các màn trình diễn thường không phải là thơ… Cách trình diễn thơ năm nay có thay đổi hơn, với mong muốn để lại những khoảng lặng của cảm xúc, nhưng sự đơn điệu, sơ sài, và khoảng lệch giữa các tiết mục, gây nhàm chán cho khán giả. Sân thơ truyền thống, bị lấn sân bởi những ''bài giảng'' quá dài dòng của các cụ mà quên mất họ đến đây để đọc thơ.

Và tôi cũng giật mình, với một Ngày thơ Việt Nam, nơi tôn vinh những câu thơ hay, những bài thơ đẹp lại chọn những câu thơ như thế này để thả lên trời. Những câu thơ mà nhà thơ Bùi Hoàng Tám không biết gọi là "Thơ hay hay thơ gay": Đêm ôm vợ thấy lòng giật thót/Thương con thuyền đầu bãi đứng chơ vơ.

2. Có lẽ đã đến lúc phải nhìn lại, có nên tiếp tục Ngày thơ Việt Nam khi nó chỉ thỏa mãn sự giao lưu, gặp gỡ mà thôi. Khi rất nhiều người yêu thơ tìm đến ngày thơ để thấy thất vọng vì sự ồn ào và bề nổi (những thuộc tính vốn dĩ không thuộc về thơ). Ngày thơ Việt Nam chưa đạt đến tầm vóc của lễ hội vì nghèo nàn ý tưởng. Mặt khác, ngày thơ thiếu đi một tổng đạo diễn am hiểu những giá trị của thơ ca và nghệ thuật trình diễn.

Sự sáng tạo mới mẻ (về hình thức) mà Ban tổ chức thông báo sẽ kéo theo một khoản kinh phí không nhỏ, gây lãng phí, nhất là trong thời buổi kinh tế suy thoái hiện nay. Nên chăng, hàng năm chúng ta vẫn tổ chức Ngày thơ với chủ đề phù hợp, nhưng chỉ với quy mô vừa phải, và cứ 5 năm một lần, vào các năm chẵn như 5, 10, 15, 20… mới làm hội lớn. Đừng cố làm lấy được mà hãy tích lũy thi ca và tổ chức một lễ hội cho ra tấm ra món.

PGS.TS Văn Giá, Trưởng khoa Viết văn - Báo chí (Đại học Văn hóa) cho rằng Ngày thơ Việt Nam nên giãn cách tần suất tổ chức với quy mô toàn quốc và rầm rộ như thế này, khoảng 2 -3 năm tổ chức một lần, những năm còn lại thì chỉ làm lễ dâng hương hoặc tổ chức hội thảo, hoặc đưa về các tỉnh. Khi năm nào cũng tổ chức thì sẽ dẫn đến tình trạng dễ bị nhàm chán, lặp đi lặp lại.

Nhà thơ Vũ Quần Phương: Có còn hơn không

Hội thơ lần thứ XI có phát triển hơn nhiều so với những hội thơ trước đây, như lực lượng tham gia rộng rãi hơn, có nhiều hình thức biểu diễn như ca múa nhạc chứ không chỉ mỗi thơ, lượng người tham gia cũng đông đảo hơn, chứng tỏ Ngày thơ Việt Nam đã được xã hội chấp nhận. Tuy nhiên, đó là về mặt hình thức.

Ngày thơ nếu không coi là một hình thức thuần túy về thơ thì chỉ cần vui. Đây sẽ là một lễ hội mang tính dân gian là chính, và có độ mở nên giảm nhẹ yếu tố chiều sâu. Chúng ta không nên đòi hỏi những giá trị hàn lâm, những câu thơ hay, tiêu biểu ở đây mà nên có sự châm chước, bởi đây không phải là một công việc hàn lâm mà chỉ là sự công nhận của lúc đó, năm đó mà thôi và năm sau nó lại đã khác rồi. Vậy với một lễ hội thơ có tính dân gian, có tính đại chúng với những tiêu chuẩn như vui vẻ, và rộng lượng hơn thì theo tôi, nên có lễ hội thơ còn hơn là không có.

Tuy nhiên, về lâu dài, tôi có mong muốn, Hội Nhà văn không nên đứng ra chủ trì lễ hội thơ mà chỉ tham gia với vai trò cố vấn chuyên môn. Hãy để cho nhân dân tự làm như những lễ hội dân gian. Một việc nữa, là không nên lấy kinh phí nhà nước để phục vụ cho những lễ hội như thế này mà để kinh phí đó xây dựng bệnh viện, trường học. Thứ 2, Hội Nhà văn nên có 1, 2 hình thức sinh hoạt có tính hàn lâm như bàn về thơ, bình thơ song song với việc tổ chức lễ hội để làm thỏa mãn yêu cầu của các đối tượng tham gia lễ hội thơ khác nhau, cho có tính chiều sâu. 

Nhà phê bình Ngô Thảo: Nên đi từ truyền thống

Cái được nhất của Ngày thơ năm nay đó là đã biết chọn chủ đề và huy động được lớp trẻ. Cũng không còn những màn trình diễn, sắp đặt như tấu hài của các năm về trước. Nhưng trông đi trông lại thì vẫn cũ kĩ nghèo nàn, cũng chỉ là ngày vui, ngày họp mặt của các bạn thơ. Muốn lôi kéo được sự chú ý của công chúng thì phải thay đổi, phải làm khác đi. Kể ra điều đó cũng không phải dễ khi mà thời điểm bây giờ ai cũng muốn hướng đến sự tân tiến, hiện đại trong khi thơ hiện đại lại được rất ít người chấp nhận. Nhưng nếu đã thế thì chúng ta phải chấp nhận thực tế, phải sử dụng thơ truyền thống. Cứ xem màn rước với bài "Nam quốc sơn hà" thì biết, âm hưởng của bài thơ thực sự lay động vào đến tâm can của từng người cho dù họ thuộc lứa tuổi nào. Vậy thì nên chăng chúng ta chọn cách làm để công chúng đón nhận thay cho sự đổi mới, sáng tạo ngưng vụng về, nhàm chán.

Nhà thơ, dịch giả Thụy Anh: Đừng để người ta chán mình

Ngày thơ VN là một lễ hội. Mà một lễ hội để thành hình hài và truyền thống phải có thời gian, cả mấy chục năm, cả trăm năm. 11 năm còn là rất ít so với cả một chiều dài văn hóa, thậm chí, với một đời người. Đến nay đã bắt đầu thành một "lệ" và cứ đến hẹn lại lên, người ta bắt đầu nói đến nó và chờ đợi nó, đó chẳng phải là thành công nho nhỏ hay sao? Còn việc tổ chức ngày hội có khen, có chê là chuyện bình thường. Tôi cho rằng, khen chê chỉ để làm sao các năm sau tổ chức được hay hơn, trọn vẹn hơn thôi chứ không phải để vùi dập và dẹp bỏ nó. Và nói chung là mỗi người đều có quyền lựa chọn, ai thấy vui thấy thích thì đến, ai không thấy ý nghĩa, không thấy thú vị thì có thể bỏ qua. Nhìn đám đông "trảy hội" ở sân Văn Miếu mấy năm qua, tôi nghĩ rằng, những người thích đến hội Thơ không hề ít.

Người đến Ngày thơ vừa xem thơ nghe thơ, vừa có nhu cầu giao lưu, chơi hội, nếu các nhà thơ bắt họ nghe nhiều quá cũng không ổn, thời lượng trên sân thơ phải vừa đủ để lôi cuốn, đừng để người ta chán mình. Cá nhân tôi cho rằng, thơ vang lên trên sân thơ Trẻ năm nay là vừa đủ và có liều lượng, đủ để làm nên một lễ hội, đủ để khán giả vấn vương.

Sân thơ truyền thống hay sân thơ trẻ đều quan trọng như nhau. Những người yêu thơ, chung thủy với thơ, đến sân thơ truyền thống để ngắm những thần tượng từ thời trẻ của mình, những tác giả của các câu thơ từng chép trong sổ tay ngày nào, lại được nghe các nhà thơ đọc thơ, mỗi năm một lần, là một niềm vui. Còn sân thơ trẻ lại là sân chơi cho những người viết trẻ, là cơ hội để đọc thơ "quảng trường", một hình thức trình diễn thơ, cống hiến cho bạn đọc và thể hiện mình mà trên thế giới đã quen thuộc cả mấy trăm năm rồi!

Nhà văn Vương Tâm: Nếu không thay đổi thì nên dừng lại

Năm nay, lễ hội thơ có mở rộng sân chơi cho những người nghiệp dư. Nhưng dường như, Ngày thơ bị đóng khung trong chủ đề Tuổi trẻ và Tổ quốc nên thiếu sự tìm tòi, sáng tạo, nếu không nói là khô cứng. Sân thơ trẻ còn nhạt lắm, những gương mặt không mấy nổi bật, cũng chẳng tạo được dấu ấn gì.

Tuy không bị nhí nhố, làm trò như những lần trước. Tôi nghĩ, nếu tổ chức tiếp Ngày thơ, chúng ta xã hội hóa nó, trở thành một ngày của văn chương, mở rộng các sân chơi, bởi nếu chỉ có sân thơ trẻ và truyền thống thì đơn điệu và nhàm chán lắm. Nên có các lều thơ, tôn vinh những người sáng tạo hơn nữa. Cũng đừng làm cái kiểu mang tính tạp kỹ, nào hát, múa, trình diễn mà không đến nơi đến chốn, thành dở, vẫn nghiệp dư lắm. Thậm chí tôi thấy đôi khi tổ chức cho có ấy mà.

Những người tổ chức cũng cũ lắm, 11 năm nay họ vẫn thế, chỉ là sự lắp ghép cho có nội dung chứ thiếu đi sự bài bản, kết nối. Nó thiếu đi sự sâu sắc trong tâm cảm mà chỉ đi vào những hình thức màu mè. Nếu cứ làm thế này không thay đổi thì không nên tổ chức lễ hội thơ nữa.

Linh – Hà
.
.
.