Ngọt - âm nhạc của "thị dân mới" Hà Nội

Thứ Hai, 30/05/2016, 14:22
Mang trong mình những “nhàu nhĩ phố phường”, âm nhạc của Ngọt có vẻ gì đó vừa ngây thơ, bồng bột, vị kỉ, lại vừa kỳ lạ, thẳng thắn, không ngại ngần bày tỏ. Thứ âm nhạc ấy sinh ra từ phố.


Phố của những dòng chảy di cư ồ ạt, của những gã trai hai mươi tuổi nhiều mộng mơ, thích phiêu bồng. Phố ấy, đi xa lại thấy nhớ; khi về rồi, làm gì thì làm nhưng thể nào cũng phải ăn một bát phở rồi cùng nhau uống trà đá vỉa hè.

Những ngày tháng 5 vừa qua, Ngọt đã có một màn trình diện khá ấn tượng trong lần phát hành “Ngọt” - album đầu tay của mình, ở cả 2 miền Nam – Bắc. Chỉ sau vài ngày ra mắt, album này đã được bán hết veo và nhóm đang hoàn tất những khâu cuối cùng trong việc in tái bản đĩa và phát hành phiên bản digital qua các trang nghe nhạc trực tuyến.

Một số sáng tác được yêu thích của Ngọt: “Cá hồi”, “Em dạo này”, “Quan điểm”, “Xanh”, “Không làm gì, “Cho tôi đi theo với”…

Tất nhiên, đây không phải là lần đầu tiên cộng đồng yêu nhạc biết ban nhạc của 4 chàng trai đất Hà thành này. Trong vài năm trở lại đây, mặc dù hiếm khi có cơ hội xuất hiện trên các sân khấu chính thống nhưng Ngọt là một cái tên không hề xa lạ trong giới underground.

Tên ban nhạc là “Ngọt” nên các bạn yêu nhạc của Ngọt được gọi là “kẹo”. Nếu như khán giả của những ban nhạc hoặc nghệ sỹ khác được trải đều theo nhiều lứa tuổi thì với Ngọt dường như hẹp hơn. Nói một cách khác, khán giả của Ngọt là các “kẹo” trong độ tuổi từ 16 – 25 và dư âm lác đác theo một số “kẹo” ở độ tuổi những năm cuối cùng của tuổi 20.

Hiếm thấy một người lớn tuổi nào nghe nhạc của Ngọt. Để kiếm một 7x biết và thích nhạc của Ngọt như nhạc sỹ Đỗ Bảo hay Trần Toàn K300 đã phải đếm trên đầu ngón tay rồi. Mới nghe qua, có vẻ đối tượng khán giả của Ngọt bị thu hẹp nhưng thực ra cộng đồng này không hề nhỏ chút nào.

Mặc dù là một ban nhạc mới nổi nhưng trên fanpage của nhóm, lượng người quan tâm và tương tác lên đến con số hơn 10.000 người. Và ai yêu Ngọt rồi thì hẳn nhiên biết, đây không phải là một con số ảo.

Trong lần trình diện này, Ngọt cũng trưng ra lớp vỏ “thị dân mới” mang tên Hà Nội khá thú vị của mình. TS. Nguyễn Thị Hậu trong một bài viết nào đó có cho rằng, đô thị là của thị dân. Khi nói cụm từ “thị dân mới” nghĩa là đã có một lớp thị dân cũ.

Trong văn chương 10 năm trở lại đây, chúng ta có thể tìm thấy bóng dáng thị dân qua những trang viết của các nhà văn như Nguyễn Việt Hà, Đỗ Phấn... hay gần đây có thêm Nguyễn Trương Quý.

Không giống như tầng lớp thị dân cũ (đã có tuổi) đang sống với những trạng thái chông chênh, lạc lõng, nuối tiếc những “vang bóng một thời” bên mép rìa thời gian, những “thị dân mới” nhập cuộc dễ dàng hơn. Họ đang dần được nhận diện như một đối tượng hướng đến của đô thị.

Phong cách của Ngọt luôn được các bạn trẻ yêu thích.

Họ có thể là dân Hà Nội gốc hoặc Hà Nội đời thứ 2, thứ 3. Họ cũng có thể là những người từ tỉnh lẻ dạt về đây học hành rồi “theo đời cơm áo/ mai ra cùng phố xôn xao” (nhạc Trịnh Công Sơn). Dù thế nào, họ cũng đều rất trẻ và đang sống, gắn bó tại thành phố này.

Các thành viên của Ngọt bao gồm Vũ Đinh Trọng Thắng, Nguyễn Hùng Nam Anh, Trần Bình Tuấn, Phan Việt Hoàng đều là dân Hà Nội đời thứ 2, thứ 3, và đều một lứa 9x. Trong những sáng tác của Ngọt (ít ra tính đến thời điểm này), chúng ta có thể nhận ra bóng dáng của họ, những “thị dân mới” của Hà Nội.

Đó có thể là những gã trai mới lớn tập tành điếu thuốc lá trên môi, thích lê la trà đá vỉa hè. Đó có thể là những cô nàng nghiện shopping, ăn vặt. Những người ưa xê dịch, thích phiêu du, để rồi khi đi xa lại thấy nhớ Hà Nội.

Những người đang học cách để khôn lớn, luôn tự hỏi mình “bao giờ cho tôi nên người, bao giờ cho tôi hết lười, bao giờ cho tôi khôn lớn như tôi từng hứa”(Be cool). Họ học hành, theo đuổi đam mê, hẹn hò, yêu đương, chia tay cũng tại nơi này, nơi có “âm thanh của thành phố/ ngày càng lên cao” (Cho tôi đi theo với).

Ngọt thú nhận, Ngọt yêu Hà Nội. Hoàng kể, sau khi tốt nghiệp trường Đại học Kinh tế quốc dân, cậu qua Anh du học. Mặc dù có điều kiện ở lại Anh làm việc nhưng sau khi tốt nghiệp, cậu về nước luôn.

Ngọt - ban nhạc Indie mới nổi trong thế giới underground.

Nguyên do cũng chỉ vì: “Ở bên đó, làm gì có ngồi vỉa hè uống trà đá, hút vài điếu thuốc với người anh em”. Còn Thắng, đi đâu xa lại thấy nhớ Hà Nội. Khi về rồi, muốn làm gì thì làm nhưng trước tiên, cậu phải ăn một bát phở rồi ngồi trà đá Hồ Gươm. Các cậu bảo, ở Hà Nội có một thứ văn hóa gọi là “văn hóa rảnh”.

Thứ văn hóa đó, ngày trước, nhà văn Vũ Bằng trong “Thương nhớ mười hai” cũng đã nhiều lần đề cập, tất nhiên theo một cách diễn giải khác ở thời đó.

Âm nhạc của Ngọt phản ánh những cái thực tế, gần gũi và được xem là quan trọng với các cậu nhất. Ngọt không đưa ra lời khuyên phải thế này hay thế kia mà chỉ đơn thuần hát lên những trải nghiệm trong tuổi trẻ của mình. Những chuyện đó có thể đúng có thể sai. Dù như thế nào đi chăng nữa cũng không quan trọng bằng việc sau mỗi vấp ngã, các cậu có được những gì.

Và mặc dù khán giả của Ngọt chủ yếu là các bạn “teen”, âm nhạc của họ mang dáng dấp điều này điều kia nhưng khi bắt đầu viết nhạc, chơi nhạc, Ngọt không hướng mình đến một đối tượng nào cả.

Âm nhạc của Ngọt là những tự sự về tuổi trẻ nhiều mơ mộng, biếng lười, đang học cách trở thành người lớn. Trong đó có cả những nuối tiếc rất đời khi phải giã từ tuổi nghịch dại: “Tôi phóng xe ra, hôm nay đi học/ Nếu tôi còn bé thì tôi sẽ khóc/ Nhưng đã hai mươi hai mươi hai mươi” (Không làm gì).

Ta cũng bắt gặp trong đó nỗi cô đơn của những năm đầu hai mươi thiết tha quá đỗi, chỉ muốn “Cho tôi đi theo với/ Nơi anh đi về/ Về nơi đẹp trời hơn/ Toàn đầy đam mê/ Tôi quên đi năm tháng/ Yêu thương không còn/ Cần thêm mùi rượu vang/ Và đồ ăn ngon” (Cho tôi đi theo với).

Ngọt tưng tửng đi vào những hay, dở; nán lại ở ranh giới đó để nhìn mình, nhìn đời. Và thay vì chọn ma túy, các cậu chọn âm nhạc để đam mê. Ai đó nói thế hệ các cậu một màu, nhợt nhạt, không cá tính. Các cậu bày tỏ quan điểm: “Sống trên đời thuận lời người khác/ Sống thế chẳng mấy mà thành một cái xác chết trôi/ Sống thế thì sống làm gì/  Giời ơi, nói thế thì nói làm gì” (Quan điểm).

Ngọt cũng tin rằng các cậu không cần phải có cho riêng mình một thể loại nhạc nào cố định. Cũng không đặt bản thân vào trách nhiệm âm nhạc hay sứ mệnh nào. Ngọt chỉ muốn làm âm nhạc hay thôi. Và việc các cậu thuộc về sân khấu chính thống hay không chính thống, điều đó cũng không quan trọng lắm.

Âm nhạc của Ngọt gần gũi, tưng tửng, rất đời.

Thắng nói, có một dạo, khi viết bài hát, cậu sẽ đưa mọi người nghe trước xem thử phản hồi ra sao, họ thích thì mới hát tiếp. Có dạo, Ngọt hát cho một mình mình nghe trong bóng tối vì không có nhu cầu chia sẻ lắm. Có một số bài, cậu không quan tâm đến điều đó nữa.

Một số bài được in thẳng vào album và chia sẻ ở chế độ công khai như là một ca khúc tiềm năng, xem thử mức độ cạnh tranh truyền thông cũng như sự lan tỏa bình đẳng với những bài khác ra sao. Cậu bảo, điều đó cũng vui vì “cuối cùng, để làm cho người khác hạnh phúc thì mình phải hạnh phúc cái đã.

Phải chiều lòng bản thân cái đã”. Như thế có phải vị kỉ quá không? – Thắng cười, Ngọt đã thử làm điều đó và thấy rằng nhiều bạn khá thích. Có lẽ, sự vị kỉ của Ngọt gặp gỡ với sự vị kỉ chung của nhiều người chăng?

Ở Ngọt, mỗi người chơi đúng vị trí của mình. Khi vào tông vào điệu, Ngọt thăng hoa, “bung lụa” hết mình (một từ quen thuộc của các bạn trẻ để diễn tả trạng thái thoải mái và thư giãn hoàn toàn). Âm nhạc của Ngọt gần gũi, đời thường, giản mộc và trẻ trung.

Thắng cười: “Mọi người hay có thói quen nói đến những điều lớn lao. Điều đó cũng hay nhưng những điều nhỏ bé cũng hay chứ. Có ai đó nói về những điều to tát thì cũng nên có một ai đó khác nói về điếu thuốc lá Thăng Long, về những sở thích tủn mủn, vặt vãnh… Cuộc sống thế mới thú vị. Thậm chí, có lúc, nhạc của Ngọt chẳng nói về cái gì. Không gì cả, cũng hay mà”.

“Ngọt”, cái tên quá ư là nữ tính đối với một ban nhạc toàn cánh mày râu. Nam Anh lém lỉnh: “Đàn ông thích ngọt mà. Đàn ông thích phụ nữ. Mà phụ nữ thì ngọt. Phụ nữ thì khác. Họ thích đắng cay nhiều hơn”. Chẳng biết điều các bạn Ngọt nói đúng không, nhưng âm nhạc của Ngọt đượm mùi rượu vang.

Đậu Dung
.
.
.