Người Việt Nam có yêu bóng đá?

Thứ Năm, 23/03/2017, 11:00
Theo nhiều tài liệu khảo cứu thì bóng đá theo chân người Pháp du nhập vào Việt Nam từ năm 1896. Ban đầu, bóng đá phát triển tại Nam Kỳ, sau đó lan ra Bắc Kỳ và Trung Kỳ.


Từ đó đến nay, giống như hầu hết các quốc gia trên thế giới, bóng đá luôn được coi là môn thể thao số 1 ở Việt Nam. Thậm chí, chúng ta còn thường tự vỗ ngực người Việt Nam là những CĐV nhiệt thành nhất thế giới. Nhưng thực tế liệu có phải như vậy?

Yêu thì có yêu

Nếu chứng kiến bầu không khí nóng hừng hực trên các khán đài trong một trận đấu trên sân nhà của ĐT Việt Nam ở AFF Cup hay biển người sôi động hò hét ăn mừng chiến thắng trên đường phố, người ta rất dễ đi đến kết luận người Việt Nam rất yêu bóng đá. Thật ra, nhận định ấy không sai. Bởi nếu không yêu thì người ta không phải dựng lều, quấn chăn, ngủ trên đường trong đêm đông giá lạnh để chờ săn được vé vào xem một trận cầu "hot" nào đấy.

Điều đáng nói là trong dòng người vô tận ấy không thiếu những bà cụ lọ mọ đêm hôm đi xếp hàng hay những người bế cả con thơ để chờ mua vé. Nếu không yêu thì càng chẳng có chuyện, các CĐV tìm đủ mọi cách, kể cả là trèo lên nóc nhà hay cây cao để theo dõi một trận đấu, khi không có vé vào sân hoặc khi sân đấu bị cấm cửa khán giả.

Trong quá khứ, khi các giải đấu lớn chưa thể đến với khán giả Việt Nam qua sóng truyền hình và internet, người Viêt Nam chỉ yêu một thứ bóng đá hoàn toàn thuần Việt với những tên tuổi vang bóng một thời như Thể Công, Tổng cục Đường sắt, Cảng Sài Gòn…

Nhưng trong thời kì hội nhập, với sự phủ sóng của bóng đá đỉnh cao, thì ngoài tình yêu với bóng đá nội, người Viêt còn yêu cả bóng đá quốc tế. Cứ đến mỗi mùa EURO hay World Cup thì y như rằng đó sẽ là mùa gặt của các siêu thị điện máy. Vì nhà nào cũng muốn rinh một chiếc tivi mới để theo dõi bóng đá cho đã.

Mọi chuyển động của giải đấu đều được người hâm mộ Việt Nam theo sát. Đến mức trong giai đoạn này ngay cả một bà nội trợ cũng có thể trở thành một chuyên gia bóng đá quốc tế.

Cũng chỉ có tình yêu mới có thể tạo ra một hiện tượng từng khiến truyền thông thế giới dậy sóng như running man. Một chàng trai nhỏ bé bình thường nếu không có động lực mang tên tình yêu chắc chắn sẽ chẳng thể bền bỉ chạy theo chiếc xe buýt chở những thần tượng trong vô vọng tới vài kilômét, cho đến khi phép màu bất ngờ xảy ra.

Không phải tự nhiên mà các đội bóng tên tuổi sang Việt Nam từ Juventus cách đây hơn 2 thập kỷ cho đến Arsenal, Manchester City hay Olympic Brazil đều nhận được sự quan tâm đặc biệt.

Các trận đấu giữa họ với đội tuyển Việt Nam đều chật kín không còn một chỗ trống. Có thể nói, các CĐV Việt Nam thực sự đã sống cùng, đã cùng tận hưởng niềm vui và gặm nhấm chung một nỗi đau với những cầu thủ, những đội bóng xa cách tới nửa vòng trái đất.

Nếu nhìn những hình ảnh này sẽ rất dễ có ý nghĩ người Việt Nam rất hâm mộ bóng đá.

Nhưng là một tình yêu có điều kiện

Người Việt có yêu bóng đá. Nhưng có lẽ nó là thứ tình yêu dị biệt, khác hẳn với chuẩn mực chung của thế giới túc cầu. Xưa nay, tình yêu luôn là một phạm trù phức tạp rất khó định nghĩa. Tình yêu túc cầu không nằm ngoài quy luật đó, nếu không muốn nói là còn phức tạp hơn. Vì nó đôi khi giống như một thứ tôn giáo, một đức tin.

Tình yêu với môn thể thao vua đủ để người ta làm những điều điên rồ nhất. Này nhé, các cô nàng nóng bỏng sẵn sàng thoát y để ăn mừng chiến thắng của đội bóng con cưng. Rồi còn có một anh chàng người Anh chẳng ngại ngần tuyên bố sẵn sàng tặng vợ của mình cho đội bóng yêu thích.

James Haggerty, một anh chàng người Anh khác, CĐV của Manchester cũng khiến cả thế giới phải sốc với lời khẳng định: "Tôi ghét bọn Man Xanh đến mức độ không bao giờ thèm ngước mắt lên nhìn bầu trời". Ấy là do áo đấu của Man City có màu xanh da trời.

 Rồi thì, hàng ngàn người Argentina từng tụ tập bên ngoài bệnh viện tại Thủ đô Buenos Aries để cầu nguyện cho huyền thoại sống, vị thánh của lòng họ Diego Maradona vượt qua cơn bạo bệnh.

Và tất nhiên bên cạnh những sự ngọt ngào, tình yêu còn song hành cùng sự điên cuồng, mù quáng. Điển hình như việc trung vệ Andres Escobar của đội tuyển Colombia đã phải trả giá bằng cả mạng sống của mình vì pha đá phản lưới nhà trong trận gặp Mỹ ở vòng bảng World Cup 1994.

Tình yêu bóng đá oái oăm, rối rắm như thế. Nhưng nhìn chung trên thế giới, nó vẫn tồn tại dưới một mẫu số chung. Đấy là hâm mộ, ủng hộ CLB hoàn toàn vô tư, không phải vì đó là một CLB lắm tiền nhiều của, giàu truyền thống, cũng chẳng phải vì theo phong trào. Yêu đơn giản là yêu thế thôi. Chỉ cần thấy và được cổ vũ đội bóng của mình thi đấu hàng tuần đã là niềm hạnh phúc mà chẳng cần phải bận tâm đến danh hiệu hay chiến tích. Chính vì thế mà các đội bóng nhỏ, chẳng bao giờ có thể mơ với đến những chiếc Cúp hoành tráng trên khắp thế giới cũng chẳng thiếu các CĐV trung thành.

Các sân đấu của bất kì CLB nào tại Bundesliga cũng luôn đầy ắp khán giả. Bất chấp một sự thật là ngay từ khi giải đấu này chưa bắt đầu thì người ta đã mường tượng ra viễn cảnh Bayern Munich sẽ đăng quang vào cuối mùa. Cũng bởi thứ tình yêu nguyên thủy, trong trẻo ấy mà tại World Cup 2014 đã có hàng trăm nghìn CĐV Argentina vượt quãng đường chừng 7.000km đến Brazil, ăn ngủ trong lều chỉ để… đứng ngoài sân hát cổ vũ cho các cầu thủ nhà (vì không có vé vào sân).

Đấy là ở nước ngoài, còn ở Việt Nam là một câu chuyện khác. Không chỉ rất hiếm những câu chuyện hâm mộ bóng đá xúc động, đẹp đẽ như đã đề cập ở trên. Tình yêu bóng đá tại nước ta dường như gắn liền với các điều kiện, đôi khi là tinh thần, và đôi khi là cả vật chất.

Việc hội CĐV được tài trợ một phần kinh phí nhất định để hoạt động là phổ biến trên thế giới. Nhưng có lẽ chẳng có ở đâu có chuyện các CĐV được thuê để cổ vũ như ở nước ta. Đấy là chuyện thường ở huyện với những CLB đóng quân trên địa bàn Thủ đô thời hiện đại như Hòa Phát Hà Nội hay Hà Nội T&T. Tình yêu thứ tưởng chừng như vô giá lại được đinh giá rất cụ thể bằng tiền. Chừng hơn trăm nghìn mỗi trận, rất rẻ mạt và hài hước.

Một điều chẳng giống ai nữa của người hâm mộ Việt Nam, đấy là sự nhiệt thành phải gắn liền với thành tích. Những hình ảnh rực lửa trên các chảo lửa như Lạch Tray, Vinh hay Thanh Hóa… ở môt thời điểm nào đó rất dễ tạo ra ấn tượng người Việt Nam hâm mộ bóng đá chẳng kém nơi nào trên thế giới. Nhưng nếu đừng để những khoảnh khắc hào nhoáng ấy ru ngủ. Bạn sẽ thấy ngay cả những chảo lửa ấy cũng có không ít lần rơi vào cảnh đìu hiu.

Chẳng đâu xa, trận đấu giữa Sông Lam Nghệ An và Hoàng Anh Gia Lai ở vòng 10 V-League vừa qua đã diễn ra trên một sân đấu rất ít khán giả. Cho dù sân Vinh đã từng được biết đến như một sân đấu "nóng" nhất Việt Nam. Còn Hoàng Anh Gia Lai và Công Phượng cũng từng là một thương hiệu rất hút khán giả (đến mức có giai đoạn VTV truyền hình trực tiếp tất cả các trận đấu cùa Hoàng Anh Gia Lai).

Bất kì đội bóng nào ở Việt Nam kể cả đội tuyển quốc gia cũng có thể bị người hâm mộ quay lưng nếu không duy trì được một thành tích tốt. Chỉ cần vài ba trận lạc nhịp là các cầu thủ sẽ phải thi đấu trong sự ghẻ lạnh của khán giả. Nó khác hẳn với sự trung thành đôi khi đến cực đoan của các fan bóng đá thế giới.

Liverpool dù đã trải qua gần 3 thập kỷ, nhưng các CĐV của CLB này vẫn hát vang You'll never walk alone (bạn sẽ không bao giờ cô đơn) và sân Anfield thì luôn là một sân bóng cuồng nhiệt nhất nước Anh. Manchester United tuy vẫn đang đi tìm lại vinh quang trong thời kỳ hậu Alex Ferguson nhưng vẫn là CLB được yêu mến nhất thế giới.

Tất nhiên, bóng đá Việt Nam có đặc thù riêng. Những kết quả không tốt thường đi kèm với những dấu hỏi về sự tiêu cực nơi hậu trường. Nó cũng là yếu tố khiến khán giả có tâm lý hoài nghi, bỏ rơi đội bóng. Nhưng xét cho cùng đã yêu thì phải tin. Nếu không thể ở bên, động viên, cổ vũ các cầu thủ khi thất bại, thì cũng chẳng xứng đáng tận hưởng thành quả của đội bóng.

Những “chảo lửa” như Lạch Tray cũng rất dễ rơi vào cảnh đìu hiu.

Yêu nhưng không có chuyện hi sinh cho tình yêu?

Trong sơ đồ 5-3-2 của Liên đoàn Bóng đá châu Á (AFC) về chiến lược phát triển nền bóng đá các quốc gia thành viên, CĐV cùng truyền thông được ví như cặp tiền đạo. Điều này khẳng định tầm quan trọng của các CĐV trong sự phát triển của bóng đá.

Về bản chất của bóng đá chuyên nghiệp, CĐV chính là khách hàng, là người mang đến doanh thu cho các đội bóng. Nhưng ở Việt Nam thì nguồn thu từ các CĐV là rất hạn chế. Đơn giản vì dù mang danh là yêu, nhưng rất hiếm có chuyện người hâm mộ Việt Nam chấp nhận hi sinh vì tình yêu ấy (cụ thể ở đây là chi tiền).

Doanh thu một đội bóng có được từ các CĐV có thể qua nhiều hình thức: Phí hội viên, doanh thu bán vé, doanh thu bán áo đấu, sản phẩm lưu niệm… Những khoản chi này của người hâm mộ được coi là một cách đóng góp cho CLB mình yêu thích, đồng thời cũng là để nuôi dưỡng tình  yêu của mình.

Nhưng người hâm mộ Việt Nam với thói quen dùng chùa thì rất khó trông chờ các thượng đế chịu móc hầu bao. Thế mới có những chuyện dở khóc dở cười. VFS - một nhóm CĐV của ĐT Việt Nam được chính VFF tài trợ, từng tẩy chay phản đối trận giao hữu giữa Việt Nam và CHDCND Triều Tiên vì… chê giá vé đắt.

 Kappa hãng thể thao hiếm hoi tài trợ cho các CLB Việt Nam đã từng phải cắt hợp đồng với Sông Lam Nghệ An chỉ sau 1 mùa đồng hành. Lí do là do công ty mẹ tại Italia yêu cầu phải chấm dứt hợp đồng, do trên thị trường các CĐV Sông Lam Nghệ An dùng quá nhiều áo nhái mang thương hiệu Kappa. Điều này làm ảnh hưởng đến uy tín, thương hiệu của nhà tài trợ.

Người Việt Nam có thể rất yêu bóng đá. Nhưng đấy hẳn phải là một thứ tình yêu được định nghĩa rất khác so với các nền bóng đá khác. Tình yêu của chúng ta thường được thể hiện theo một cách riêng. Ngoài tính chất có điều kiện và chuyện không sẵn lòng chi tiền, tình yêu bóng đá của người Việt dường như chỉ được phát tiết theo từng giai đoạn, thời kì và theo hiệu ứng đám đông. Ví dụ như tình yêu với đội tuyển quốc gia chỉ được thể hiện mạnh mẽ từ vòng bán kết của AFF Suzuki Cup chẳng hạn.

Trước đó, các trận đấu vòng bảng hay giao hữu thường bị đón nhận tương đối thờ ơ và lạnh nhạt. Rồi sự hâm mộ đội bóng nào đó cũng thường chỉ được bộc lộ ở các VCK Euro hay World Cup khi cả xã hội nóng lên cùng trái bóng. Lúc ấy, một cô gái có khi không hiểu việt vị là gì cũng có thể trở thành fan của 1 đội tuyển nào đó.

Các nhà quản lý bóng đá Việt Nam vẫn thường xuyên bị chỉ trích là làm bóng đá theo cách không giống ai. Đấy là nguyên nhân được cho rằng khiến bóng đá Việt Nam không thể phát triển. Nhưng có lẽ đã đến lúc chính người hâm mộ cũng phải học cách yêu bóng đá một cách bình thường.

Tất Đức
.
.
.