Ghi chép từ một ngày đặc biệt ở sân Hàng Đẫy:

Người thắng cắp sách học kẻ thua?

Thứ Hai, 04/05/2015, 16:30
Thứ Bảy vừa rồi là một ngày đặc biệt của bóng đá Hà Nội, khi chủ nhà Hà Nội T&T "tiếp" Hoàng Anh Gia Lai trong khuôn khổ vòng 11 V.League 2015. Và thế là lần đầu tiên trong mùa giải có khoảng 2 vạn khán giả ùn ùn đổ vào sân Hàng Đẫy, xóa tan không khí quạnh hiu cố hữu của cái sân này. Như thừa nhận của chính HLV trưởng Hà Nội T&T Phan Thanh Hùng thì: "Hôm nay, người Hà Nội tới sân để xem cầu thủ Hoàng Anh Gia Lai, chứ không phải xem đội bóng địa phương mình".

Người Hà Nội cổ vũ người phố núi

Ông Hùng nói không sai, vì từ trước lúc bóng lăn nhiều khán giả vừa xếp hàng vào sân vừa rôm rả bàn tán về việc: "Hôm nay Công Phượng liệu có ghi bàn được không?", "Tuấn Anh, Xuân Trường liệu có đá không?", "Hoàng Anh Gia Lai liệu có giành chiến thắng không?".

Nên nhớ, trong đội hình Hà Nội T&T đang có cả Quả bóng vàng Việt Nam 2014 Phạm Thành Lương lẫn Quả bóng bạc Nguyễn Văn Quyết, và xét ở cả góc độ chuyên môn lẫn góc độ thương hiệu thì Thành Lương, Văn Quyết cũng chẳng kém cạnh gì so với Công Phượng, Tuấn Anh. Thế mà lạ thay, người Hà Nội chẳng nhắc gì tới Lương, Quyết, mà chỉ nhắc, thậm chí là nói vanh vách về các cầu thủ đến từ phố núi.

Khán đài A sân Hàng Đẫy kín người một cách hiếm hoi.

Nhưng đấy mới chỉ là cái lạ đầu tiên, khi bóng lăn thì sự lạ còn tiếp tục được nhân lên, mà lạ nhất là việc khi Hà Nội T&T dẫn 1-0, 2-0 rồi 3-0 dường như chỉ có một nhúm các (cổ động viên CĐV) ruột của đội này ngồi ở cửa số 10, khán đài B là hò reo ăn mừng. Không khó nhận ra nhóm CĐV này, vì họ mặc áo vàng truyền thống của CLB, và những tiếng kèn, những bài hát cổ vũ của họ vốn đã được duy trì từ thời Thể Công sang tới thời Hà Nội T&T những năm qua.

Hẳn nhiên, khi Hoàng Anh Gia Lai bất ngờ gỡ 1-3, nhóm CĐV này im lặng. Thế nhưng cái nhóm nhỏ ấy im lặng thì tứ phía sân Hàng Đẫy lại xốn xang, rộn ràng. Những cái vỗ tay, những tiếng hò reo, những lời khích lệ cứ thế nổ tung cầu trường. Trước trận và sau trận, nhiều CĐV, trong đó có cả những CĐV tuổi trung niên không ngừng hướng về phía HLV trưởng Hoàng Anh Gia Lai Guillaume Graechen và các cầu thủ Hoàng Anh để bày tỏ sự ngưỡng mộ và xin chữ ký.  

Cầu thủ Hoàng Anh Gia Lai gây ấn tượng mạnh với người Hà Nội.

Cần phải nhắc lại rằng sau một vài trận đấu đầu mùa giải, lứa U.19+ Hoàng Anh Gia Lai đã không còn gây sốt nữa. Vòng đấu thứ 10, ngay cả khi Hoàng Anh Gia Lai đá ở sân nhà Pleiku người ta cũng thấy trên sân còn rất nhiều chỗ trống, và trong suốt trận đấu Hoàng Anh Gia Lai - Đồng Nai hôm ấy, đây đó đã xuất hiện những tiếng trách móc thầy trò Graechen.

Thế nên khi Hoàng Anh Gia Lai ra Hàng Đẫy tái ngộ khán giả Hà Nội, lần tái ngộ đầu tiên kể từ giải U.19 Đông Nam Á mở rộng năm 2014 trên sân Mỹ Đình, rất nhiều người tin rằng họ không còn là một viên nam châm, tạo nên một lực hút đặc biệt với người Hà Nội. Thế mà mọi thứ diễn ra khác hẳn. Người Hà Nội vẫn ào ào đến sân, ào ào cổ vũ, thậm chí quây kín xe ôtô chở các cầu thủ Hoàng Anh Gia Lai sau trận, bất chấp việc đấy là trận đấu Hoàng Anh Gia Lai thất bại.

Sự tương phản toàn diện

Chẳng phải đợi tới khi kết thúc hiệp 1, chỉ sau khoảng 10 phút đầu tiên khán giả Hà Nội đã nhận ra lứa U.19 + Hoàng Anh Gia Lai không phải là đối thủ của những cầu thủ chủ nhà thuộc diện đàn anh, đàn chú. Chỉ cần sử dụng duy nhất ngoại binh Cyrus càn quét vòng tròn trung tâm là Hà Nội T&T đã khiến các tiền vệ Hoàng Anh Gia Lai "tắt điện". Cyrus cao, khoẻ, có sải chân dài, và thế là trong tất cả những pha tranh chấp, phát động, tăng tốc Cyrus đều dễ dàng vượt qua các cầu thủ áo xanh vốn chỉ cao chưa đến mang tai mình.

Cyrus cướp bóng, rồi cứ thế đua tốc độ một cách thô sơ trước khi tạt bổng vào trong cho ngoại binh Gonzalo hoặc cầu thủ ngoại nhập tịch Hoàng Vũ Samson bật cao dứt điểm là Hà Nội T&T ăn bàn. Có thể nói, với sự vượt trội của ba nhân tố ngoại, Hà Nội T&T ăn nhanh, ăn dễ và đẩy các học trò của HLV Guillaume Graechen vào tình trạng bất lực thấy rõ. Vậy nên chẳng ai bất ngờ khi sau hiệp 1, tỷ số đã là 4-1.

Không chỉ thua về mặt con người, Hoàng Anh còn thua luôn về tư tưởng đánh trận. Đơn cử như việc trong hiếm hoi những lần có cơ hội phản công, thay vì thực hiện những pha phối hợp, đột phá nhanh gây bất ngờ cho đối thủ, cầu thủ Hoàng Anh thường xuyên giữ bóng lại vài nhịp, đợi người lên thực hiện những miếng ban bật, đan lát sở trường.

Mà khi người của họ kịp lên thì người của Hà Nội T&T đã kịp lùi về, và trong những cuộc chiến mà hai bên "đủ người", dĩ nhiên Hoàng Anh Gia Lai gục ngã. Sang đến hiệp 2, sở dĩ họ gỡ được 2-4 rồi 3-4 vì cầu thủ Hà Nội T&T đá chùng lại, và vừa đá vừa thong dong, kẻ cả theo đúng tư tưởng chủ quan.

Hai điểm sáng

Thua lấm lưng trắng bụng, thua tâm phục khẩu phục như vậy, vì sao cầu thủ Hoàng Anh Gia Lai vẫn nhận được sự cổ vũ đặc biệt của khán giả Hà Nội? Nhìn từ quá khứ, dĩ nhiên, lứa U.19 Hoàng Anh Gia Lai đã để lại trong lòng người Hà Nội nhiều kỷ niệm đẹp, trong đó đẹp nhất là trận khai màn giải U.19 Đông Nam Á mở rộng năm 2014, đánh bại U.19 Australia 1-0. Những kỷ niệm ấy, dù ít dù nhiều cũng là một cứu cánh cho hiện tại. Nhưng ngay trong chính cái hiện tại không như ý mình, cái hiện tại mà họ bị chủ nhà đè ngửa ra đá ngay từ khi nhập cuộc thì họ vẫn để lại hai điểm sáng.

Thứ nhất, thua 3-4 bàn nhưng các cầu thủ tuyệt đối không nản chí. Nhìn cái cách HLV trưởng Graechen hò hét ngoài đường piste, và cái cách những Công Phượng, Văn Toàn hò hét, thúc giục nhau trên khắp mặt sân người xem có thể cảm nhận rõ điều này. Và bàn thắng đến từ cú đánh đầu của Đức Lương ở phút thứ 90+1 có thể nói là phần thưởng xứng đáng cho tinh thần chiến đấu hết mình trong bất cứ hoàn cảnh nào của họ.

Và chỗ này thì họ đã tạo ra sự tương phản rõ rệt với đội chủ nhà. Sau 45 phút đầu tiên thắng đậm và thắng dễ, cầu thủ chủ nhà đã tỏ ra chủ quan, khinh địch ở 45 phút tiếp theo. Và đấy chính là lý do mà ngay sau khi tiếng còi kết trận vang lên, ông Đỗ Quang Hiển - người được cho là có sự ảnh hưởng tối cao ở Hà Nội T&T đã lao xuống sân trách móc các thành viên đội mình.

Thứ hai, khi một cầu thủ Hoàng Anh được thay ra sân, điều đầu tiên họ thực hiện là chạy về phía Ban huấn luyện Hà Nội T&T cúi đầu chào. Hình ảnh này đã nhận được những tràng vỗ tay nồng nhiệt của những khán giả thủ đô. Có lẽ lâu lắm rồi, người ta mới được chứng kiến một hình ảnh giàu tính văn hoá như vậy trên sân Hàng Đẫy.

Hà Nội T&T thắng, nhưng ông Đỗ Quang Hiển không hài lòng.

Ai học ai?

Nhìn từ khuôn khổ một trận đánh, rõ ràng những cầu thủ trẻ Hoàng Anh phải học hỏi rất nhiều từ các cầu thủ đàn anh Hà Nội N.T&T giàu kinh nghiệm. Nhưng nhìn từ cái hiện tượng người Hà Nội đổ xô đến sân vì Hoàng Anh Gia Lai, cổ vũ nhiệt tình cho Hoàng Anh Gia Lai, bất chấp việc Hoàng Anh Gia Lai bại trận thì người ta lại buộc phải có những suy nghĩ khác.

Ai cũng biết, trong 5 năm qua, Hà Nội T&T đã 2 lần vô địch V.League, và luôn được đánh giá là một đại gia trên bản đồ bóng đá Việt Nam. Lãnh đạo Hà Nội T&T cũng tìm đủ mọi cách để kêu gọi người Hà Nội tới sân xem đội bóng này thi đấu, từ việc cố đưa vào sân nhiều cầu thủ gốc Hà Nội tới việc mời những người con Hà Nội như nghệ sĩ Chí Trung làm Chủ tịch Hội CĐV đội nhà.

Thế nhưng tất cả những điều đó vẫn không thể giúp họ thực sự trở thành một đội bóng ruột già, một niềm kiêu hãnh có thật của người hâm mộ bóng đá thủ đô. Trong suốt 5 năm qua, phần lớn các trận đấu của Hà Nội T&T, kể cả những trận đánh quan trọng, có ý nghĩa quyết định ngôi vô địch mùa giải  thì sân Hàng Đẫy vẫn luôn trong cảnh trống trải.

Phải chăng bên cạnh việc tạo ra một kết cấu bền vững, hướng tới mục tiêu thành tích, Hà Nội T&T cũng cần thực hiện một cuộc cách mạng về tư duy tổ chức, giống như điều mà bầu Đức đã làm được với Hoàng Anh? Và phải chăng bên cạnh yếu tố chuyên môn thông thường thì đội bóng của người Hà Nội cũng phải tạo được những giá trị cộng thêm về mặt hình ảnh, được biểu hiện ở những tình tiết nhỏ nhặt nhất, cụ thể nhất trong từng trận đấu?

Rõ ràng, nhìn cái cảnh người Hà Nội ào ào tới sân để xem và cổ vũ cho đối thủ của Hà Nội T&T, những người có tâm huyết với bóng đá thủ đô không tránh khỏi cảm giác chạnh lòng.

Niềm tin Graechen, niềm tin bầu Đức

Ngay sau trận thua Hà Nội T&T, HLV trưởng Hoàng Anh Gia Lai  Guillaume Graechen đã bị chất vấn nhiều quanh câu hỏi: "Ông có từ chức hay không?". Rất từ tốn và bản lĩnh, nhà cầm quân người Pháp khẳng định "không", với lý do: "Từ chức bây giờ là thất bại". Ông tin rằng với sự bổ sung một trung vệ nội và một tiền đạo ngoại cừ khôi, Hoàng Anh Gia Lai sẽ vươn lên mạnh mẽ ở giai đoạn 2.

Trong khi ông Graechen tin tưởng lớn vào sự quật khởi của đội nhà thì cấp trên của ông, ông bầu Đoàn Nguyên Đức cũng không ngại đặt niềm tin tuyệt đối vào ông. Trả lời phỏng vấn báo chí, bầu Đức khẳng định: "Ở thời điểm hiện tại, tôi không nghĩ đến chuyện cách chức ông ấy, vì theo tôi, ông ấy vẫn đang làm rất tốt công việc của mình".

Và như thế, V.League đang diễn ra một chuyện lạ khi đội đầu bảng Bình Dương vừa chấm dứt hợp đồng với người đứng tên Giám đốc kĩ thuật (nhưng thực chất chẳng khác gì HLV trưởng) Lê Thụy Hải, còn đội bóng đang thua liểng xiểng, đối diện với nguy cơ xuống hạng Hoàng Anh Gia Lai lại tuyệt đối tin tưởng vào HLV hiện tại của mình.

Phan Đăng
.
.
.