Nguyễn Huy Hoàng: Một màu áo, một cuộc đời, ba lát cắt

Thứ Năm, 27/09/2012, 16:05
Nhìn hình ảnh Nguyễn Huy Hoàng nhắm nghiền mắt, lè lưỡi múa may theo kiểu "thăng thiên" sau chiếc vô lăng xế hộp - cái xế hộp gây tai nạn trên đường phố Thanh Hóa trong buổi chiều ngày 7 tháng 9 vừa rồi mà những ký ức hoặc là tột cùng ngưỡng mộ, hoặc là tột cùng căm tức  về Huy Hoàng bỗng trào dậy trong tôi. Và tôi tự hỏi: Nếu bây giờ ngồi điềm tĩnh đặt tay lên trán mà suy nghĩ, chiêm nghiệm lại về cuộc đời tuyển thủ của mình, không hiểu Huy Hoàng có thấy xót xa, nuối tiếc nhiều không?

Lát cắt thứ nhất: Trận cầu định mệnh và chiếc tang cha

Asiad Busan (Hàn Quốc) năm 2002, dưới sự dẫn dắt của ông thầy xứ Nghệ Nguyễn Thành Vinh, Huy Hoàng dù còn rất trẻ nhưng đã được nhìn nhận như một nhân tố không thể thiếu của ĐT U.23 Việt Nam. Ngày cả đội rời Việt Nam sang Hàn Quốc đá giải, ông Vinh đã không ngừng khen ngợi  lối đá đầu óc của cậu học trò xứ Nghệ, và theo ông chỉ sau 1,2 năm nữa, cầu thủ này hoàn toàn có thể trở thành một thủ lĩnh trong màu áo ĐTQG. Huy Hoàng khi ấy còn rất bẽn lẽn với truyền thông, người hâm mộ, và trong không nhiều những "tâm sự bẽn lẽn" ngày lên đường, Hoàng từng bẽn lẽn nói rằng: "Đây là chuyến xuất ngoại mà em đặt nhiều kỳ vọng".

Không may cho Hoàng khi ĐT đặt chân tới Busan, và chuẩn bị cho trận ra quân với "kèo trên" UAE thì Hoàng nhận được hung tin cha mất. Cả đội chia buồn với Hoàng, còn HLV trưởng Nguyễn Thành Vinh cho biết Hoàng có thể ngồi ngoài trong trận đấu ra quân. Hồi ấy dù còn rất trẻ nhưng Hoàng vẫn rất đàn ông và rất bản lĩnh với câu nói: "Dẫu điều gì xảy ra thì cháu vẫn xin đá như thường".

Và thế là trận đấu ấy Hoàng cùng các đồng đội ra sân với một chiếc băng đen trên cánh tay của mình. Nhiều khán giả Hàn Quốc cảm động đến rơi nước mắt khi nhìn vào chiếc băng đen và biết đến câu chuyện một cầu thủ đã vượt lên nỗi đau mất cha để quyết bảo vệ màu cờ sắc áo của mình, của ĐT mình, của đất nước mình. Trận đấu ấy, cả ĐT cắn răng đá trước một đối thủ mạnh hơn rất nhiều, và cuối cùng đã có trận hòa 0-0 ngoài dự kiến.

Huy Hoàng (trái) và Vũ Như Thành là cặp trung vệ thép của ĐTQG một thời.

Cho đến tận bây giờ, "ông già" Nguyễn Thành Vinh rất cảm động đặc biệt mỗi khi nhớ lại trận đấu này. Trong cuộc trò chuyện qua điện thoại với chúng tôi ngày hôm qua, ông cho biết: "Tôi nhớ là sau trận ra quân hòa 0-0, Huy Hoàng vừa phấn chấn vì đã cùng cả đội đạt được một kỳ tích vào thời điểm đó, vừa đau buồn vì nhớ đến tang cha mình ở quê nhà. Nhưng rồi Hoàng lại tự nhủ vẫn sẽ ra sân trong những trận đấu tiếp theo, và chính vì quá cảm động và khâm phục Huy Hoàng mà ĐT U.23 năm đó đã cắn răng thi đấu như những cảm tử quân trong tất cả các trận đấu của mình".      

Nói lại câu chuyện này để thấy, trong màu áo QG, Hoàng đã có một xuất phát điểm rất tốt, và đã để lại những ấn tượng cực kỳ sâu đậm về tinh thần, ý chí của mình. Cái ý chí của một con người đã biết nén lại nỗi đau riêng để sống và chiến đấu vì cái chung.

Lát cắt thứ hai: Giã từ ĐT rồi trở về ĐT

AFF Cup 2007, Huy Hoàng không còn là một cầu thủ trẻ như ở Busan Hàn Quốc 5 năm về trước nữa, mà đã trở thành một thủ lĩnh đúng nghĩa trong màu áo Tuyển. Hồi ấy, mỗi lần vắng Huy Hoàng là HLV trưởng ĐT Alfred Riedl lại lo sốt vó, thế nên sau AFF Cup 2007, khi Hoàng quyết định giã từ màu áo QG thì ông Riedl đã nói rằng ở ĐT sẽ diễn ra một mất mát lớn, không dễ gì bù đắp.

Hồi ấy có người nói rằng quyết định giã từ ĐT của Hoàng đến từ trận bán kết AFF Cup mà BĐVN tin và rất tin vào một cú "vượt đèo" Thái Lan nhưng rốt cuộc lại thua như vẫn thua trước đó. Và chính cái thua ấy đã khiến những trụ cột của ĐT như Hoàng tràn trề thất vọng.

Lại có người nói rằng Hoàng giã từ ĐT vì dỗi hờn với cái cách mà dân làng bóng đối xử với mình khi mà năm đó Hoàng đã không được lọt vào danh sách những ƯCV cho danh hiệu Quả Bóng Vàng trong năm. Nhưng bất luận vì lý do gì thì quyết định giã từ ĐT của Hoàng cũng được tôn trọng, và thời điểm ấy đã có nhiều cảm phục, tiếc nuối cho một cầu thủ mà mỗi lần ra sân trong màu áo Tuyển đều thi đấu đến "cháy mình".

Nhưng vấn đề là chỉ vài tháng sau khi tuyên bố giã từ ĐT Huy Hoàng lại lớn tiếng cho biết mình sẵn sàng trở lại để tham dự VCK Asian Cup trên sân Mỹ Đình. Và sau đó, Hoàng còn giã từ ĐT thêm một lần nữa, để rồi trở lại thêm một lần nữa. Đến lúc này thì rất nhiều người dị ứng với cách ứng xử được cho là "trẻ con, thiếu hiểu biết" của Huy Hoàng.

Bởi nói như chính một đồng đội của Huy Hoàng thời đó thì: "ĐTQG là một giá trị thiêng liêng, chứ không phải là chỗ mà thích thì người ta nói "giã từ", đến khi không thích lại nói "tôi sẵn sàng quay lại". Rõ ràng là trong màu áo ĐT U.23 QG 5 năm về trước, Huy Hoàng khiến nhiều người cảm động và ngưỡng mộ bao nhiêu thì đến lúc này, trong màu áo ĐTQG Hoàng lại khiến người ta thất vọng, buồn bã bấy nhiêu.

Vậy thì điều gì đã khiến cho Huy Hoàng chỉ sau 5 năm đã trở thành một… con người khác? Phải chăng, trước đây Hoàng là một cầu thủ trẻ, cần phải phấn đấu nên đã phấn đấu mọi nơi mọi lúc, còn bây giờ, đã là một thủ lĩnh, đã hiểu được "giá trị chuyên môn" của mình trong màu áo Tuyển, nên Hoàng tự cho phép mình cái quyền dỗi hờn, đùa giỡn cùng ĐT? Và nếu đúng như thế thì không riêng gì Huy Hoàng, mà chính những người ở gần Huy Hoàng, chính cái môi trường đào tạo, dung dưỡng Huy Hoàng cũng "góp phần" không nhỏ vào sự trượt dốc của Hoàng chỉ trong vòng 5 năm?

Lát cắt thứ ba: Nghi án "phê" thuốc lắc

Chiều tối ngày 7/9 vừa rồi, khi Clip Huy Hoàng múa máy như một con nghiện được tung lên Internet thì nhiều người nghi ngờ rằng Hoàng đã ở trạng thái…phê thuốc lắc. Ở trạng thái nguy hiểm, mất kiểm soát như vậy mà Hoàng còn "dũng cảm" ngồi sau vô lăng thì việc chiếc xe gây ra chỉ một tai nạn duy nhất xem ra vẫn còn quá may đối với Huy Hoàng.

Những ngày vừa qua thì cả thành Vinh đã sôi lên với câu chuyện này, và ngay cả khi những người có trách nhiệm ở CLB Sông Lam Nghệ An cố trấn an dư luận theo kiểu: "Huy Hoàng chỉ say rượu, chứ không phải phê thuốc lắc" thì chắc chắn là hình ảnh của Huy Hoàng cũng xuống thấp tới mức không thể được cứu rỗi.

Điều đáng nói nằm ở chỗ, mặc dù đã chính thức chia tay ĐTQG sau AFF Suzuki Cup 2010, nhưng Hoàng vẫn thường xuyên mặc màu áo đỏ truyền thống của ĐT, màu áo mà như thừa nhận của chính Huy Hoàng thì đấy là màu áo đã để lại trong Hoàng rất nhiều thương nhớ.

Huy Hoàng (trái) luôn lăn xả trong những lần khoác áo QG.

Và khi "say rượu" (thôi thì cứ tin là Hoàng chỉ say rượu, chứ không say cái khác…) rồi múa may, uốn éo hết sức phản cảm trong chiếc xế hộp riêng của mình, Hoàng cũng vẫn mặc màu áo đỏ truyền thống của ĐTVN, chứ không phải màu áo vàng của CLB Sông Lam, hay một màu áo bình thường của những thứ trang phục bình thường khác. Và dĩ nhiên hình ảnh một cựu tuyển thủ QG đang mặc trên mình chiếc áo QG nhưng lại đang múa may điên loạn đã khiến cho hình ảnh của ĐTQG không ít thì nhiều cũng bị ảnh hưởng một cách tiêu cực. 

Từ một cầu thủ đã từng vượt lên nỗi đau mất cha để bảo vệ màu áo Tuyển đến một cầu thủ dám đùa giỡn với màu áo ấy bằng những tuyên bố "giã từ" rồi lại "không giã từ", và "phát triển tới đỉnh cao" bằng hành động múa máy, lắc lư khi vẫn mang trên mình màu áo ấy, rõ ràng Huy Hoàng đã trượt quá nhiều và quá thảm.

Buồn cho một cầu thủ đã đánh mất những giá trị tốt đẹp mình từng tạo được ở một màu áo thiêng liêng, hay buồn cho chính màu áo thiêng liêng khi đã được một cầu thủ như vậy khoác lên người?. 

Văn hóa vô - lăng: Có hay không có?

Năm 2007, thời điểm Hoàng mới sắm xế hộp và vi vu với con xế hộp đặt tiền giữa thành Vinh, tôi đã vô tình gặp Hoàng ở một quán café, và sau đó thực hiện một cuộc đối thoại ngoài kịch bản, đăng trên Báo Thể thao & Cuộc sống. Trong vô số những câu hỏi tôi đặt ra cho Huy Hoàng, có một câu: "Bây giờ thì Hoàng đã có ôtô, nhưng Hoàng có nghĩ rằng mua một chiếc ôtô thì dễ, chứ mua cái văn hóa của kẻ ngồi sau vô lăng thì không dễ?". Lúc ấy Hoàng trả lời rằng trước khi lái xe mình cũng đã có bằng lái đàng hoàng, và từ khi lái xe tới giờ, chưa bao giờ gây ra tai nạn đáng tiếc nào.

Bây giờ thì Hoàng lại lái xe trong trạng thái "uống rượu quá mức cho phép…" rồi gây tai nạn, và cho đến 4 ngày sau khi gây tai nạn Hoàng vẫn chưa có những lời thăm hỏi đầu tới với nạn nhân của mình. Cảm giác như đã điều khiển vô lăng 5,6 năm, nhưng Hoàng vẫn chưa có được cái văn hóa của kẻ ngồi sau vô lăng như mình vẫn tưởng?.

Kiểm tra doping cầu thủ - ai lo?

Sau sự kiện Huy Hoàng bị tình nghi sử dụng thuốc lắc, một vấn đề đáng quan tâm là công tác kiểm tra doping đối với các cầu thủ Việt Nam đã được triển khai ra sao? Theo thừa nhận của chính TTK VFF Ngô Lê Bằng thì hiện tại, VFF chưa có tiểu ban y tế phụ trách vấn đề này giống như những giải bóng đá chuyên nghiệp khác.

Việc kiểm tra doping cầu thủ trước đây chỉ được thực hiện nhờ sự giúp đỡ của bệnh viện thể thao, và nó cũng chỉ diễn ra hết sức ít ỏi. Còn theo trưởng BTC V.League Trần Duy Ly thì mùa giải vừa rồi, vì mới ra đời, còn có quá nhiều vấn đề cấp thiết phải giải quyết mà VPF đã không thể kiểm trang doping các cầu thủ dự V.League và giải hạng Nhất, mà chỉ căn cứ vào giấy khám sức khỏe của các cầu thủ được các đội bóng gửi lên.

 Rõ ràng là hơn lúc nào hết, công tác kiểm tra, phòng ngừa doping cần phải được VFF và VPF thực sự quan tâm, vì chỉ có như thế chúng ta mới có thể phát hiện và loại bỏ kịp thời những "con sâu" làm ảnh hưởng tới cả một nền bóng đá nói chung.

Phan Đăng
.
.
.