Nguyễn Mạnh Dũng và bi kịch “quý tử “ đá bóng

Thứ Bảy, 20/06/2020, 15:57
Có những cầu thủ trẻ chỉ vì vài trăm triệu đồng trước mắt mà mất cả tương lai. Có những trường hợp vì gia đình quá khó khăn mà bất chấp… gian lận vài tuổi chỉ để tìm kiếm miếng sinh nhai từ bóng đá. Nguyễn Mạnh Dũng thì không như thế. Anh đủ giàu có để chẳng phải dãi nắng dầm mưa trên sân cỏ. Nhưng bóng đá, như một cái nghiệt duyên, cứ bám lấy anh để rồi tạo nên những bi kịch đau đớn.


Thủ môn lót tay 12 tỷ, đi siêu xe

Những người ở quận Hồng Bàng vẫn giật mình khi Nguyễn Mạnh Dũng muốn đi đá bóng. Không bất ngờ sao được khi anh sinh ra và lớn lên trong một gia đình giàu kếch xù ở Hải Phòng. Bản thân anh cũng được trời phú cho tài năng kinh doanh mát tay của bố mẹ. 22 tuổi, anh đi siêu xe Lexus giá 2 tỷ đồng.

23 tuổi, anh cùng vợ tiếp quản vị trí lãnh đạo một công ty từ gia đình, xây dựng các khu du lịch sinh thái ở Quảng Ninh, Hải Phòng, Thanh Hóa… Đã giàu lại còn giàu hơn, 24 tuổi, khi những chàng trai cùng trang lứa vẫn còn đau đáu tìm một công việc thoát nghèo thì anh được thừa kế gia sản mà bố mẹ để lại.

Vụ chuyển nhượng sang Vissai Ninh Bình từng biến Dũng thành thủ môn đắt giá nhất lịch sử Việt Nam.

Rất trẻ, Mạnh Dũng đã có trong tay những thứ mà cả đời của nhiều người mơ cũng chẳng đến. Nếu cứ theo con đường doanh nhân thì có lẽ Mạnh Dũng đã là một thế lực cực lớn ở đất Cảng ở thời điểm hiện tại. Đấy là mới chỉ quy ra con số khổng lồ về tài chính mà anh có thể kiếm được từ đôi tay cứ như của ông vua Midas.

Nhưng Mạnh Dũng không muốn mình cứ theo con đường doanh nhân của bố mẹ. Đôi tay chạm đâu cũng ra vàng ấy được anh chọn lựa để bắt… bóng. Người ta gọi anh là Dũng "ngố", có lẽ cũng vì cái quyết định quái đản của mình. "Nếu không theo nghề bóng đá, có lẽ giờ tôi đã trở thành một đại gia. Cả nhà kinh doanh nhưng mình tôi lại thích bắt bóng", Dũng "ngố" cứ cười hềnh hệch khi nói về lựa chọn của cuộc đời mình.

Mạnh Dũng long đong với nghề bóng đá ở giai đoạn đầu tiên thật. Năm 18-20 tuổi, anh được gọi lên U19 và U23 Việt Nam nhưng chẳng thể hiện được nhiều. Ở Thể Công, anh mài đũng quần trên băng ghế dự bị. Sang Hòa Phát Hà Nội, Mạnh Dũng cũng chỉ thể hiện được ít nhiều ở mùa 2006 - 2007, khi HLV Vương Tiến Dũng tạo điều kiện để anh liên tục ra sân bắt chính.

Mạnh Dũng từng cứu Hòa Phát Hà Nội tránh khỏi xuống hạng năm ấy. Nhưng một năm sau, anh bất lực chứng kiến đội bóng của mình xuống hạng. Dũng lại trở lại đội bóng cũ Thể Công thăng hạng. Oái oăm thay, Thể Công thi đấu đúng 1 mùa giải rồi giải tán khiến Mạnh Dũng phải phiêu bạt đến xứ Thanh.

Nhưng mảnh đất Thanh Hóa lại là nơi đổi đời cho nghề bóng đá của Mạnh Dũng. Trong cái năm chơi theo dạng… trách nhiệm cho LS Thanh Hóa, Dũng "ngố" lại hoá giải được những tình huống tưởng chừng như chỉ có trời mới cứu được.

Thủ môn quê Hải Phòng làm việc với HLV Henrique Calisto.

Chín chắn trong sinh hoạt, trách nhiệm trong chuyên môn, Mạnh Dũng trở thành ngôi sao trong khung gỗ được nhiều đội bóng săn đón. "Bầu" Hiển trải thảm đỏ mời Mạnh Dũng về Hà Nội T&T. Nhưng chung cuộc, lời đề nghị với lót tay 12 tỷ đồng từ Ninh Bình mới thuyết phục được doanh nhân kiêm thủ môn Mạnh Dũng về đầu quân.

Vậy là không cần đến kinh doanh, cũng chẳng nhờ đến nền tảng vốn quá chắc chắn mà bố mẹ cho mình, Mạnh Dũng cũng đã là tỷ phú nhờ chính cái quyết định ngược đời của anh.

Nhưng… 

12 tỷ là con số kỷ lục đối với khoản lót tay dành cho chuyển nhượng thủ môn tại Việt Nam. Đến hiện tại, cũng chẳng thủ môn nào của V.League cưỡng được con số ấy. Mạnh Dũng cũng đã chứng minh rằng mình xứng đáng đến từng xu của Ninh Bình như thế nào ở phần đầu tiên của bản hợp đồng. Tại đây, anh chơi sáng và trở thành thủ môn số 1, góp công lớn giúp đội bóng cố đô đoạt Cúp Quốc gia và Siêu Cúp 2013.

Nói về năng lực chuyên môn, nhiều cầu thủ đá ở V.League đều nói Mạnh Dũng là thủ thành tốt nhất Việt Nam khi ấy. Thậm chí anh còn có những điểm hơn cả Dương Hồng Sơn. Liên tục được triệu tập lên đội tuyển quốc gia, đó là sự khẳng định về chuyên môn cho thủ môn này.

Ở một khía cạnh khác, đó là tầm ảnh hưởng trong phòng thay đồ thì sau khi Như Thành rồi Tiến Thành rời đi, HLV Nguyễn Văn Sỹ từng kỳ vọng Mạnh Dũng trở thành thủ lĩnh ở Ninh Bình. Mạnh Dũng lành ở so với Như Thành và mức độ ảnh hưởng nói người khác nghe cũng hơn Tiến Thành. Vừa chơi bóng, vừa làm doanh nhân; vừa có tiền, vừa có tiếng, cuộc sống cá nhân của Mạnh Dũng khi ấy có thể xem là viên mãn.

Sự nghiệp bóng đá đang phất lên cao thì Mạnh Dũng lại rơi vào tai ương trời ơi đất hỡi mà chính anh không nghĩ mình bị liên đới. Ngày 15-3-2014, trước khi CLB Ninh Bình gặp đối thủ Kelantan (Malaysia) trong khuôn khổ giải AFC Cup, Trần Mạnh Dũng đã rủ các cầu thủ khác gồm, Lê Quang Hùng, Phạm Xuân Phú; Chu Ngọc Anh, Nguyễn Gia Từ; Phan Anh Tuấn; Nguyễn Văn Hưng; Lê Văn Duyệt và chính Nguyễn Mạnh Dũng để họp bàn và thống nhất tham gia cá độ bóng đá trận đấu giữa Xi măng The Vissai Ninh Bình với đội Kelantan, với hình thức cá độ là bắt kèo "tài ba hòa", số tiền cá độ là 2 tỷ đồng.

Đến phút chót, "nhà cái" chỉ nhận cá độ với số tiền 1,02 tỷ đồng. Trận đấu này, Ninh Bình thắng Kelantan với tỷ số 3-2, các đối tượng trên thắng cá độ được tổng số tiền 800 triệu đồng. Thủ môn Nguyễn Mạnh Dũng được chia 75 triệu đồng cùng các đồng đội khác.

Nguyễn Mạnh Dũng, "cậu ấm" một thời của bóng đá Việt Nam.

Phi vụ đen tối bại lộ. Mạnh Dũng chịu án treo với thời hạn 27 tháng. Đau đớn hơn, anh bị Liên đoàn Bóng đá châu Á cấm thi đấu vĩnh viễn. Hình ảnh đẹp về một thủ môn giàu có, tài năng bị xóa bỏ hoàn toàn. Thực tế, 75 triệu nhận được từ vụ dàn xếp tỷ số ấy chẳng là gì so với hàng tỷ đồng mà Mạnh Dũng có được.

Nhưng anh lại "chết" vì chính sự nghĩa hiệp của bản thân. Cầu thủ ở Ninh Bình vẫn truyền miệng nhau rằng đừng bao giờ nói chuyện tiền bạc với Mạnh Dũng. Nhưng riêng tình cảm thì anh luôn sống hết mình vì anh em.

Và cũng chính vì "hết mình vì anh em" nhưng lại không đúng hướng như thế, Mạnh Dũng rơi vào thảm cảnh. "Thực sự tôi cá độ trận ấy không phải vì tiền, mà để giúp một số anh em đang gặp khó khăn nên tham gia. Trận đó tôi chỉ ngồi dự bị và cũng không nhận tiền thắng độ. Tuy nhiên, khi đã chót nhúng chàm, giờ có nói gì cũng chỉ là bao biện. Tôi có lỗi nên phải chấp nhận, vụ việc ấy luôn là nỗi ám ảnh lẫn ân hận nhất trong cuộc đời cầu thủ của tôi", Mạnh Dũng kể lại trong một sự đau đớn đến khôn cùng.

Từ một thủ môn có tất cả, anh tự mình vứt đi tất cả chỉ vì một sai lầm không đáng có. Để rồi ngồi trước màn hình tivi xem V.League hay đội tuyển Việt Nam, bàn tay của Mạnh Dũng nhiều lúc vẫn run lên. Giá như, thật sự giá như không có biến cố ấy thì giờ đây, người ta đã nhìn Mạnh Dũng như một huyền thoại trong cầu môn….

Cứ đến đội nào, đội ấy bị… xóa sổ

Thực tế trước khi nhúng chàm, Mạnh Dũng cũng đã tính đến việc sẽ giải nghệ ở Ninh Bình khi mùa giải 2014 kết thúc. Nhưng trời không chiều lòng người. Biến cố dàn xếp tỷ số ấy đã khiến anh phải chia tay bóng đá theo một cách chẳng thể nhục nhã hơn. Ninh Bình cũng là đội bóng thứ 4 bị xóa sổ khỏi bản đồ bóng đá Việt Nam mà Mạnh Dũng đầu quan. Bởi trước đó, lần lượt Thể Công, Hòa Phát Hà Nội và kể cả Thanh Hóa cũng đã có một giai đoạn "bay màu". Bản thân Mạnh Dũng còn tự dằn vặt rằng "số" của anh "nặng vía" với bóng đá, khiến cho các CLB sở hữu anh có một kết cục bi thảm. 

Sau cú vấp đau đớn ấy, Mạnh Dũng luôn nhắc các con về bài học cuộc đời. Anh dạy 3 đứa con của mình về sự suy nghĩ, để đừng bao giờ phải rơi vào cảnh ân hận vì một giây phút thiếu tỉnh táo mà lầm lỡ cả một chặng đời người. Bóng đá "bạc" với Mạnh Dũng. Nhưng đến giờ, anh vẫn không muốn chối bỏ hay quay lưng với môn thể thao từng khiến anh đưa ra một quyết định khiến cả gia đình ngỡ ngàng.

Anh chia sẻ rằng, nhìn Văn Quyến, Quốc Vượng, Quốc Anh… tham gia công tác huấn luyện, đôi lúc anh chợt nghĩ liệu có cơ hội nào để bản thân quay lại với bóng đá đỉnh cao, trong vai trò một trợ lý hay xa hơn nữa là HLV trưởng. Biết đâu đấy, người ta sẽ thấy Mạnh Dũng hiện diện trong cabin huấn luyện tại một CLB V.League. 

Chắc chắn với một người đã trải qua sương gió cuộc đời, anh sẽ biết cách để hướng những thủ môn trẻ của Việt Nam không đi lầm đường lạc lối.

Ngọc Lam
.
.
.