Nguyễn Văn Đương và chiến công lịch sử

Thứ Bảy, 21/03/2020, 10:07
Vượt qua tượng đài quyền anh Thái Lan Chatchai Decha Butdee tại tứ kết hạng cân dưới 57kg nam ở vòng loại boxing Olympic Tokyo 2020 khu vực châu Á – Thái Bình Dương, võ sĩ Nguyễn Văn Đương đã trở thành vận động viên Việt Nam thứ năm giành vé dự Olympic Tokyo 2020. Với võ sĩ sinh năm 1996, đó thực sự là một kỳ tích trong bối cảnh boxing Việt Nam vẫn còn nhiều khó khăn.


"Gà con" phục hận

Nguyễn Văn Đương bắt đầu tập boxing từ năm 2009 khi đã 13 tuổi. Cùng năm đó, Chatchai đã là vô địch SEA Games. 4 năm sau, khi võ sĩ Việt Nam vẫn còn là ngụp lặn ở các giải trẻ thì đối thủ Thái Lan có tấm Huy chương Đồng Boxing nghiệp dư thế giới. Thành tích của Chatchai còn gồm 4 tấm Huy chương Vàng SEA Games và 1 lần lên ngôi vô địch châu Á. Những so sánh đó đủ để thấy sự chênh lệch giữa Văn Đương và Chatchai trước trận đấu quyết định tấm vé đến Tokyo.

Lịch sử đối đầu cũng hoàn toàn nghiêng về võ sĩ Thái Lan. Tại trận chung kết SEA Games 30 cuối năm ngoái, Văn Đương đã thua tâm phục khẩu phục Chatchai, một phần cũng bởi những chấn thương mà tay đấm Việt Nam gặp phải ở trận bán kết trước đó.

Nguyễn Văn Đương, niềm tự hào của boxing Việt Nam.

Lợi thế duy nhất của Văn Đương chỉ là tuổi trẻ và sự táo bạo khi anh kém đối thủ tới 11 tuổi. Sự táo bạo ấy thể hiện ngay khi trận đấu bắt đầu. Võ sĩ Việt Nam nhập cuộc đầy hứng khởi khi liên tục tung ra những cú đấm hóc hiểm, mạnh mẽ. Chỉ sau có 47 giây, Chatchai đo sàn lần đầu và ít lâu sau, tay đấm Thái Lan loạng choạng gục xuống lần thứ hai.

Theo luật thi đấu boxing nghiệp dư mới được áp dụng từ năm 2019, trọng tài sẽ xử thắng bằng điểm RSC (tương đương knock-out kỹ thuật ở quyền Anh chuyên nghiệp) nếu một võ sĩ cho đối phương nằm sàn (knock-down) hai lần trong một hiệp đấu và đúng như luật, trọng tài tuyên bố chiến thắng thuộc về võ sĩ Việt Nam.

Đó là một chiến thắng quá thuyết phục của Nguyễn Văn Đương, và nó cũng phản ánh lối chơi sở trường của tay đấm sinh năm 1996. Văn Đương luôn vào trận với sự chủ động, dù thể hình của anh có bất lợi hơn đối thủ.

Sự nhanh nhẹn của Văn Đương là một phần nguyên nhân anh có biệt danh “gà con”. Ít người biết rằng khi mới bắt đầu tập boxing năm 13 tuổi, tay đấm sinh năm 1996 này chỉ nặng… 32 kg. Ở tuổi của một học sinh trung học cơ sở, cân nặng ấy thuộc loại… suy dinh dưỡng.

Võ sĩ quê Bắc Giang kể lại anh đến với boxing là vì bố mẹ thường xuyên làm việc xa nhà, gia đình ít có dịp sum họp, bản thân lại là một đứa trẻ hiếu động nên khi biết đến boxing thì lập tức bị lôi cuốn. Không có thể trạng tốt bẩm sinh nhưng bằng niềm đam mê và ý chí mãnh liệt, Văn Đương đã vươn lên mạnh mẽ để trở thành một tay đấm có hạng.

Trước khi bước vào vòng loại Olympic Tokyo 2020, Văn Đương không phải là người được đặt nhiều hy vọng nhất. Ngay cả trong hạng cân của mình, Văn Đương cũng được biết đến muộn hơn Nguyễn Văn Giới và Trần Phú Cường. Mặc dù vậy, vượt qua nghịch cảnh để bước vào trận đấu với sự tự tin cao độ luôn là yếu tố giúp Văn Đương tạo nên bất ngờ.

Tại SEA Games 30, anh đã bị rách mắt sau trận bán kết nhưng vẫn bước vào trận chung kết với tinh thần cao nhất. Hay trước đó tại giải Victory 8 mang tên "Legends of Hoan Kiem", Văn Đương bị võ sĩ đẳng cấp Jenel Lausa áp đảo cả trận và chỉ đến ván cuối mới vùng lên để knock-out đối thủ.

“Ở mọi trận đấu, tôi chỉ có duy nhất mục tiêu đó là chiến thắng, chiến thắng các đối thủ” – Văn Đương khẳng định.

Chiến công đáng ghi nhận

Vòng loại hạng cân dưới 57kg nam khu vực châu Á – Thái Bình Dương lấy 6 võ sĩ dự Olympic Tokyo 2020 nên sau khi vượt qua vòng tứ kết, Văn Đương đã có suất đến Nhật Bản. Trước võ sĩ sinh năm 1996, boxing Việt Nam từng có võ sĩ Đặng Hiếu Hiền dự Olympic Seoul 1988 nhưng theo diện đặc cách. Vì thế Văn Đương là võ sĩ đầu tiên trong lịch sử của boxing Việt Nam dự Olympic sau khi vượt qua vòng loại kể từ khi môn thể thao này được khôi phục tại Việt Nam năm 1982.

Ngay sau khi trở về từ Jordan, Văn Đương đã phải… cách ly 14 ngày vì đi qua các quốc gia có dịch Covid-19. Sau vòng loại, tay đấm này cùng đội tuyển bay quá cảnh Thái Lan trước khi về tới TP. Hồ Chí Minh. Ngay sau khi về đến Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia ở Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh, anh được Giám đốc Võ Quốc Thắng thông báo cách ly tại chỗ 14 ngày. Trong thời gian cách ly, Văn Đương cho biết điều bất tiện nhất là anh không thể tập luyện.

Tình hình COVID-19 cũng ảnh hưởng đến quá trình chuẩn bị của Nguyễn Văn Đương. Trưởng bộ môn boxing Việt Nam Vũ Đức Thịnh cho biết ngành thể thao đang lên kế hoạch hỗ trợ tay đấm này để giành thành tích tốt nhất có thể tại Olympic Tokyo 2020. Có hai phương án được đưa ra: Thuê chuyên gia về Việt Nam huấn luyện hoặc đưa anh sang nước ngoài tập huấn. Nhưng với diễn biến hiện tại của dịch bệnh, cả hai phương án này đều phải trì hoãn.

Nguyễn Văn Đương và đồng đội Mạnh Cường hiện vẫn trong thời gian cách ly và chỉ được hoạt động trong phòng. Hằng ngày sẽ có nhân viên Trung tâm mang thức ăn và kiểm tra tình hình sức khỏe của cả hai. Theo tiết lộ, khẩu phần ăn của Nguyễn Văn Đương có tiêu chuẩn rất cao, khoảng 400.000 VND/bữa.

Mặc dù vậy bữa ăn của tay đấm này hoàn toàn không có sơn hào hải vị mà chỉ gồm toàn những món quen thuộc được chọn lựa kỹ càng với chế độ dinh dưỡng được kiểm soát chặt chẽ. Bên cạnh đó, Văn Đương không được ăn quá mặn hay dùng mỳ chính, vì thế với võ sĩ sinh năm 1996, bữa ăn đắt đỏ nhiều khi còn “khó nuốt” hơn đối thủ trên sàn đấu.

Vòng loại boxing Olympic bị hoãn

Sau ngày 17-3, vòng loại boxing khu vực châu Âu đã chính thức bị hoãn do diễn biến dịch COVID-19 tại Anh. Vòng loại tại châu Âu được tổ chức tại nhà thi đấu Copper Box thuộc thành phố London. Các trận đấu được tiến hành trong nhà thi đấu không khán giả. Mặc dù vậy để đảm bảo an toàn cho các võ sĩ, IOC đã quyết định hoãn mọi hoạt động thi đấu dự kiến sẽ kết thúc vào ngày 24-3. Bện cạnh đó, IOC cũng đã xác nhận vòng loại tại châu Mỹ và vòng loại cuối cùng của môn boxing Olympic Tokyo sẽ bị hoãn vô thời hạn.

Thông báo từ IOC cũng cho biết BTF sẽ tiếp tục theo dõi tình hình dịch bệnh và đặt mục tiêu là kết thúc vòng loại Boxing của Olympic Tokyo 2020 trong tháng 5 và 6.

Đơn Ca
.
.
.