Nhà viết kịch Thượng Luyến: Viết từ “Đơn đặt hàng” của... xã hội

Thứ Bảy, 15/08/2020, 14:43
Trong số hàng chục vở diễn ở các thể loại từ kịch nói đến chèo, cải lương, dân ca kịch... tham dự Liên hoan Nghệ thuật sân khấu toàn quốc về “Hình tượng người chiến sĩ Công an nhân dân” lần thứ IV - 2020 vừa được tổ chức tại Hà Nội, tôi khá ấn tượng với vở kịch nói “Chuyên án Z5” của Nhà hát Công an nhân dân.

Ấn tượng không chỉ bởi kết cấu của vở kịch dù không mới nhưng khá lô-gic và nói đúng, nói trúng, nói thẳng vào vấn đề thời sự hiện nay là tham nhũng, cũng không phải bởi ê-kíp thực hiện khá hùng hậu, bên cạnh Nhà hát của lực lượng Công an thì vở diễn này còn được NSND Trần Ngọc Giàu (TP. Hồ Chí Minh) tham gia đồng đạo diễn với NSƯT Lê Thị Thúy Nga, mà bởi một cái tên khá lạ với công chúng: Thượng Luyến.

Một cảnh trong vở “Chuyên án Z5” - Nhà hát CAND.

Thượng Luyến là nghệ danh, tên đầy đủ của ông là Nguyễn Thượng Luyến. Từng là Trưởng khoa Sân khấu, trường Trung cấp Văn hoá nghệ thuật Hà Bắc, rồi Trưởng phòng Đào tạo trường Trung cấp Văn hoá nghệ thuật Bắc Ninh. Nhưng phạm vi hoạt động của ông mà tôi biết là tỉnh Hà Bắc trước đây, và Bắc Ninh sau này khi tách tỉnh. Vậy mà một ngày đẹp trời, nhìn kịch mục dự thi tôi thấy cái tên quen, đang ngờ ngợ thì nhận được điện thoại từ vị tác giả kịch bản đã ở tuổi 77 mời tới dự buổi công diễn dự thi. Và đó cũng là lý do để tôi có cuộc trò chuyện này với ông.

- Khá bất ngờ, lý do nào mà một tác giả tỉnh lẻ, 77 tuổi, đã nghỉ hưu từ lâu lại có một kịch bản được một nhà hát Trung ương chọn dựng và đem đi dự thi một liên hoan cấp toàn quốc của chính ngành mình, thưa ông?

- Cũng là cái duyên. Tôi viết kịch bản “Chuyên án Z5” ở Trại sáng tác kịch bản sân khấu về “Hình tượng người chiến sĩ CAND và bình yên cuộc sống”, lần thứ II - 2019 do Bộ Công an tổ chức. Đúng ra là tôi viết “Chuyên án Z5” từ quý IV-2018 và cơ duyên tham dự trại sáng tác là thời điểm để tôi hoàn thiện kịch bản này. Tổng kết trại viết sáng tác kịch bản sân khấu của Bộ Công an, “Chuyên án Z5” đoạt giải Khuyến khích.

Ngay sau buổi tổng kết trại sáng tác, tôi được đồng chí Đại tá, NSND Nguyễn Công Bảy - Phó Cục trưởng Cục Công tác Đảng và công tác chính trị Bộ Công an và đồng chí Trung tá, NSND Nguyễn Thị Thúy Hiền - Giám đốc Nhà hát CAND yêu cầu về gửi ngay kịch bản để Nhà hát xem xét dàn dựng. Thế là niềm vui đã đến với tôi.

- Ông viết kịch bản “Chuyên án Z5” ở Trại sáng tác kịch bản sân khấu về “Hình tượng người chiến sĩ CAND và bình yên cuộc sống”, lần thứ II- 2019 do Bộ Công an tổ chức, lại thêm một thông tin với tôi khá thú vị!

- (Cười) Tôi tham dự trại cũng khá đặc biệt. Năm 2019, Bộ Công an tổ chức Trại sáng tác kịch bản sân khấu về “Hình tượng người chiến sĩ CAND và bình yên cuộc sống”, lần thứ II- 2019, có công bố trên các phương tiện truyền thông, kêu gọi các tác giả gửi đề cương chi tiết kịch bản để Ban tổ chức xem xét chất lượng tác phẩm, mời tác giả dự trại. Có điều, hạn cuối cùng nộp là ngày 15-3-2019 thì mãi 4 ngày sau, ngày 19-3 tôi mới biết và gửi. Hẳn thấy nội dung kịch bản trúng mục đích của trại nên Ban tổ chức “chiếu cố” cho trường hợp của tôi.

- Vâng! Như thế "Chuyên án Z5" không hẳn là kịch bản viết theo “đặt hàng” từ trại sáng tác?

- Không, không có bất kỳ đặt hàng nào, mà nếu có thì là do xã hội đặt hàng. Nghĩa là, những hiện tượng bức xúc trong đời sống xã hội, thôi thúc tôi cầm bút sáng tạo kịch bản, góp phần gạn đục khơi trong, những mong cuộc sống bình yên. Đó chính là trách nhiệm xã hội của người cầm bút. Và qua đây, từ trường hợp của tôi, tôi cũng muốn nhắn với các tác giả kịch bản cả nước, đặc biệt là các tác giả bán chuyên nghiệp và nghiệp dư rằng hãy cứ mạnh dạn gửi kịch bản tham dự các lễ phát động của các đơn vị, tổ chức thuộc lực lượng CAND, cơ hội sẽ đến với mọi người một cách công bằng, điều quan trọng nhất là chất lượng của kịch bản.

Tác giả kịch bản Thượng Luyến.

- Có thể nói "Chuyên án Z5" vừa mang tính thời sự, vừa mang ý nghĩa xã hội khi tham nhũng và lợi ích nhóm được phơi bày trên ánh đèn sân khấu...

- “Chuyên án Z5” xoay quanh gia đình  quan chức: ông Trần Hải - Phó Chủ tịch tỉnh. Vợ ông- bà Trịnh Thủy, nguyên Phó Giám đốc Sở Tài chính, đã nghỉ hưu, về làm kế toán trưởng Công ty DACOXA. Tổng Giám đốc Công ty DACOXA - Trịnh Quyển, lại là em ruột vợ Phó Chủ tịch tỉnh. Trần Sơn - con trai ông Trần Hải - Phó Chủ tịch tỉnh, làm Phó Giám đốc Sở Công thương... “Liên minh xảo quyệt” này đã sử dụng bọn xã hội đen để trục lợi và núp dưới ô dù Phó Chủ tịch tỉnh, thực hiện hàng loạt công trình trúng thầu, làm ăn gian dối, để đục khoét công quỹ nhà nước. Song “Lưới trời thưa mà khó lọt”, những việc làm mờ ám của bà Trịnh Thủy cùng đồng bọn đã không qua được tai mắt của phong trào an ninh nhân dân, bị quần chúng phát hiện, tố giác và “ rơi vào  tầm ngắm” của lực lượng Công an.

Vở diễn ca ngợi người chiến sĩ Công an nhân dân, vượt mọi khó khăn, trở ngại, kiên quyết đấu tranh không vùng cấm, trên mặt trận chống tham nhũng, thiết thực mang lại sự bình yên cho cuộc sống.

- Kịch bản “Chuyên án Z5”, ông viết trên cơ sở vụ án nào?

- Không từ vụ án nào và cán bộ tỉnh nào cả. Tôi xem qua báo chí, thấy xử các vụ án kinh tế  kể cả cán bộ cao cấp đương chức cũng như người về hưu và bọn xã hội đen cũng như lợi ích nhóm. Đồng thời, cũng thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, tôi cũng biết được lực lượng CAND đang quyết tâm phá được nhiều vụ án lớn và phức tạp. Những điều này đã chạm đến lòng đam mê của tôi, thôi thúc tôi phải cầm bút viết.

Poster “Chuyên án Z5”.

NSƯT Vũ Hồng Tuấn, người thể hiện vai Trịnh Quyển - Tổng Giám đốc Công ty DACOXA nói với tôi:  Chú viết kịch bản “Chuyên án Z5” từ năm trước, chứ viết bây giờ thì đúng là viết về vụ án Đường Nhuệ ở Thái Bình. Có người lại bảo giống hiện tượng quan chức ở tỉnh này, tỉnh kia... Tôi trả lời rằng, kịch bản ra đời, mà nơi này, nơi kia đều cảm thấy câu chuyện ấy, tình tiết ấy, nhân vật ấy có ở nơi này, nơi kia, chính là sự thành công trong kịch bản của tôi.

- Ông gửi gắm điều gì thông qua vở kịch này?

- Tham nhũng, lợi ích nhóm đang làm suy yếu nền kinh tế và giảm lòng tin của nhân dân. Do đó tôi hư cấu kịch bản mang hơi thở cuộc sống đang cần, kéo hồi chuông cảnh tỉnh, cho “lò lửa” thêm hồng, thiêu cháy sạch giặc nội xâm, củng cố niếm tin của dân với Đảng và Nhà nước.

Với tôi, điều quan trọng là kịch bản phải được dàn dựng phục vụ công chúng, để được góp tiếng nói trong trận chiến phòng chống tham nhũng.

- Xin cảm ơn ông!

Nguyễn Quang Long (thực hiện)
.
.
.