Nhạc Việt: Ngược dòng

Thứ Năm, 24/08/2017, 14:07
Dễ nhận thấy trong thời gian qua, nhạc Việt diễn ra một cuộc dịch chuyển theo hướng tích cực. Thay vì ra album, ra show rồi mới đi lưu diễn như trước, một số nghệ sỹ đã chọn con đường… “ngược”.

Trước đây, các nghệ sỹ thường dựa vào truyền thông, báo chí để “bán” nhạc. Con đường đi thường theo công thức: phòng thu + khán giả + liveshow. Tuy nhiên, trong thời gian qua, công thức này đã bị đảo lộn ít nhiều bởi một số ca sỹ trong giới nhạc dù đó là underground hay overground (hiểu nôm na, overground là thị trường Vpop hiện tại với những ca sĩ/nhạc sĩ ra mắt công chúng trực tiếp bằng album dạng truyền thống; được đại đa số công chúng biết đến. Underground thì ngược lại – PV).

Đáng nhắc đến nhất trong thời gian gần đây là trường hợp ca sỹ Hà Anh Tuấn với See Sing Share. Đây là một dự án âm nhạc đặc biệt của Viet Vision và nam ca sỹ, được sản xuất dưới định dạng“youtube live acoustic music show”. Ở đó, tất cả những bài hát đều được biểu diễn và thu “live” (trực tiếp – PV) cùng vớimột ban nhạc acoustic.  

Ngay từ đầu, với acoustic và một dàn nhạc cổ điển tối giản, thậm chí chỉ với một cây guitar và một giọng hát, Tuấn đã chọn một không gian âm nhạc “nguyên chất”, khác với việc sử dụng nhạc cụ điện tử trong các bản nhạc hoặc ca khúc điện tử đang làm mưa làm gió trên các bảng xếp hạng âm nhạc hiện nay.

Cộng với các câu chuyện âm nhạc được kể thủ thỉ, mộc mạc qua từng số, See Sing Share nhanh chóng nhận được sự hưởng ứng cũng như sự quan tâm của cộng đồng những người yêu nhạc.

Sau thành công ngoài mong đợi của “See Sing Share mùa 1” trong phòng thu, để đánh dấu chặng đường 10 năm ca hát, nam ca sỹ sinh năm 1984 quyết định làm 2 concert đình đámtrong năm 2016, đó là “Nâu nóng & Sữa đá” hồi cuối năm 2016 và nhận được nhiều lời khen ngợi từ khán giả lẫn giới chuyên môn.

Trên đà đó, Viet Vision và Hà Anh Tuấn công bố tiếp “See Sing Share mùa 2” với chủ đề “The love land”. Lần này, thay vì thu live trong phòng thu, Tuấn đã mang toàn bộ e-kip của mình lên Đà Lạt. Để rồi, 11 ca khúc mang màu sắc ballad được Tuấn lần lượt hé lộ vào tối thứ 2 hằng tuần, bắt đầu từ 29-5 năm nay.

Hà Anh Tuấn.

Ngay sau “See Sing Share mùa 2” kết thúc, Tuấn lại công bố tiếp “Fragile concert” được diễn ra vào ngày 9 và 10-9 tới tại Hà Nội, hé lộ nhiều điều mới mẻ khác. Sau khi mở bán 2 tiếng đồng hồ, toàn bộ vé của 2 đêm diễn đã được bán hết sạch.     

Hà Anh Tuấn không phải là ca sỹ Việt Nam đầu tiên làm “youtube live acoustic music show”. Trước Tuấn, năm 2016, ca sỹ Mỹ Linh và POPS Worldwideđã từng công bố dự án “Hợp âm gió” với số chủ đề đầu tiên là chùm 4 ca khúc về biển, bao gồm "Biển khát", "Lời biển hát", "Trưa vắng", "Lắng nghe mùa xuân về", được phối lại theo phong cách acoustic đậm chất mộc, được ghi hình trực tiếp tại vịnh Hạ Long.

Tuy nhiên, dự án này được công bố trên kênh POPS Music, dù nhận được sự yêu thích của công chúng nhưng lại nhanh chóng lọt thỏm vào một nồi lẩu thập cẩm âm nhạc khác bên cạnh bolero remix, phim ca nhạc... rồi im hơi.

Vì thế, với See Sing Share được phát hành một cách bài bản, Hà Anh Tuấn là ca sĩ đầu tiên tại Việt Nam tạo ra và sở hữu một format live acoustic riêng dành cho mình trên kênh online. See sing sharetrở thành một thương hiệu âm nhạc gắn liền với tên tuổi Hà Anh Tuấn trong giới nhạc hiện nay.

Bên cạnh Hà Anh Tuấn, phải nhắc đến Lê Cát Trọng Lý với hành trình đi từ sáng vào tối, ra sáng rồi lại vào tối… Nghe thì có vẻ hơi rắc rối nhưng thực ra rất dễ hiểu. Lê Cát Trọng Lý là nghệ sỹ được định danh bởi overground sau sân chơi Bài hát Việt 2007.

Lý tham gia hát tại festival, nhiều chương trình, nhiều sân khấu lớn nhỏ khác nhau. Năm 2011, Lý được trao giải thưởng Âm nhạc cống hiến ở hạng mục “Nhạc sỹ của năm”. Nhưng mấy năm qua, với những dự án nghệ thuật không rình rang trên báo, đài, Lý dường như đi từ “sáng” vào “tối”, chọn cho mình một hướng đi dị biệt, chẳng giống ai trong việc giới thiệu tác phẩm mới, dự án mới của mình...

Mở đầu cho khúc cua này, có lẽ, phải kể đến chuyến lưu diễn xuyên Việt trong năm 2011 với chủ đề“Lê Cát Trọng Lý - Vui Tour”với thời gian gần 2 tháng. Để rồi, 2 năm sau đó, Lý giới thiệu đến những người yêu nhạc của mình bộ album “Dreamer”gồm 3 đĩa liên tiếp với chủ đề“Vui Tour”,“Live in Church”và“Những kẻ mộng mơ”. Album như một cuốn tuyển tập nhật ký âm nhạc trong suốt 4 năm làm việc từ năm 2011 (Vui Tour) đến năm 2015 (Live in Church) của Lê Cát Trọng Lý với phần âm thanh không qua xử lý để giữ nguyên những khoảnh khắc chia sẻ cùng khán giả.

Album được phát hành dưới dạng khay gỗ đặc biệt, số lượng in hạn chế. Lý cũng không tổ chức họp báo để giới thiệu sản phẩm âm nhạc mới của mình vì Lý cho rằng, cô không thể tự mình khoe một món đồ mà người ta không quan tâm được.

Tất cả những việc Lý làm là âm thầm sáng tác, âm thầm hát, âm thầm tung sản phẩm một cách lặng lẽ trên… trang fanpage của mình. Và album mới nào của Lê Cát Trọng Lý cũng “hot”, đêm nhạc nào đứng tên Lý cũng “cháy vé” rất nhanh sau đó. 

Lê Cát Trọng Lý.

Sau “Dreamer”, Lý cùng những người bạn của mình lên đường với “Khù khờ Tour” khắp mọi miền đất nước. Khác những lần trước, Lý không hát nhạc dành cho người lớn, mà chuyển soạn các ca khúc thiếu nhi kinh điển của Việt Nam và viết thêm một số ca khúc thiếu nhi mới để sinh hoạt văn nghệ trong quá trình đi tour.

Trên đường đi, đoàn sẽ kết hợp biểu diễn văn nghệ với các công tác từ thiện, sinh hoạt cộng đồng. Âm nhạc của Lý vang lên khắp nơi, giữa hàng ngàn sinh viên, ở một góc quán café nào đó, hát miễn phí ở bệnh viện, nhà chùa, trên rừng, trên đường, ở một góc vừa đủ ven đường Sa Pa, hát vừa đủ để cho những người bán hàng xung quanh nghe, rồi kết thúc hành trình ở Hà Nội, ở Trung tâm Văn hóa Pháp với một chiếc ôtô cũ kĩ.

Rồi mới đây, về thăm nhà, Lý vẫn kịp chào fan của mình bằng album “Không sao về bắt đầu”, gồm 10 ca khúc được Lý sáng tác và được chơi theo phong cách cổ điển – dân gian bởi dàn nhạc 12 người với ngũ tấu dây, tứ tấu kèn gỗ và bộ gõ. Album được thu âm theo hình thức live in studio” (trực tiếp tại phòng thu, không qua xử lí hậu kì - PV) và được phát hành với 2 phiên bản: Tre và Sơn mài. Riêng phiên bản Sơn mài là phiên bản giới hạn, có nhiều mẫu vẽ được sản xuất, và cho vào bao lụa ngẫu nhiên, ngay cả người sản xuất cũng không biết được bên trong là mẫu nào.

Trả lời câu hỏi về việc chẳng giống ai của mình trong một bài phỏng vấn, Lý nói rằng dù nhiều người bảo Lý điên khùng thì cô vẫn làm vì nghĩ mọi người sẽ vui. Lý cũng vui vì điều đó. Cảm giác đó rất mới lạ, đầy thích thú và có thể, biết đâu được, mình chỉ có thể làm lần này thôi, mà không có lần thứ hai. 

Một “ca” lạ nữa là trường hợp ca sỹ Trần Thu Hà với dự án âm nhạc “Bản nguyên”. Album “Bản nguyên” theo phong cách rock và indie rock này được phát hành vào đầu năm 2016 nhưng đã được rục rịch trước đó hơn 10 năm trời.

Với dự án này, Hà Trần được “sống trần trụi với khát vọng âm nhạc, được hóa thân trọn vẹn với cốt lõi tinh thần”. Hà nói: “Đó là hành trình đi tìm bản thể, bản sắc riêng trong con người tôi, đi đến tận cùng con người tôi!'.

 So với hướng đi truyền thống là phòng thu – khán giả - liveshow, dự án này của Hà Trần là một “quy trình ngược” khi đem những tác phẩm mới, đong đếm sự đón nhận của công chúng tại những Lễ hội âm nhạc lớn như Monsoon Music Festival, Rock Storm… để rồi sau đó hoàn thiện, giới thiệu đĩa nhạc. “Bản nguyên”sau khi công bố đã nhận được sự yêu thích của công chúng. Tại lễ traogiải Giải thưởng Âm nhạc cống hiếnlần thứ 12 năm 2017, album “Bản nguyên” được bình chọn là "Album của năm" với hơn 50% phiếu bầu.

Nếu Hà Anh Tuấn, Lê Cát Trọng Lý, Trần Thu Hà là 3 ví dụ về dịch chuyển… ngược dòng trong giới overground thì Ngọt Band và Da Lab là hai “gương mặt” đã được định vị trong giới nhạc underground hiện nay, đã ở trong dòng “ngược”.

Mới đây, Da Lab kỉ niệm hành trình 10 năm của mình, bằng một đêm nhạc với gần 3000 vé được tung ra và bán hết sạch trong 1 tuần. Ngọt Band, ban nhạc indie nổi tiếng của Hà Nội cũng đang rục rịch cho buổi liveshow “Ngbthg” diễn ra cuối tháng 9 tới. 

Các chàng trai Ngọt Band.

Bên cạnh một không gian âm nhạc VPop đang khiến khán thính giả bội thực bởi scandal, những bản hit “sáng tung chiều tàn” cũng như những sắc màu hào nhoáng của trang phục, những màn vũ đạo bốc lửa, một Lê Cát Trọng Lý “xù xì”, thô mộc đi ngược, một Hà Trần “bản nguyên” đi ngược, một Hà Anh Tuấn lịch lãm, sang trọng đi ngược… đã mở ra những không gian âm nhạc khác. Mới mẻ, cá tính, và càng ngày càng tiệm cận “bản nguyên” của âm nhạc.

Đậu Dung
.
.
.