Nhạc gì cũng cần sáng tạo

Thứ Ba, 29/08/2017, 14:26
Ca sĩ Tùng Dương gây sốc khi nói về việc dòng nhạc gọi là Bolero đang trở lại trên sân khấu ca nhạc Việt: "Già trẻ, lớn bé mà đều đắm đuối với Bolero thì đúng là một sự thụt lùi". Ngay lập tức Tùng Dương phải hứng chịu nhiều sự phản đối từ phía già trẻ, lớn bé.


Ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng nhắn: "Còn nhiều lời để nói lắm em út ơi. Em đang tự ảo tưởng cho mình là ai đó ghê gớm lắm. Tui biết không chỉ một mình em đâu! Cả một chùm lận! Nhưng cuối cùng thì cái "chùm" đó đã làm được cái gì rồi?”.

NSND Trung Kiên cho rằng việc phát triển mạnh Bolero trong thời đại này là không nên vì nó không mang đến những quan điểm, suy nghĩ và cảm xúc tích cực cho khán giả.

NSND Trung Kiên cũng không hiểu tại sao lại gọi đó là Bolero. Theo ông đấy là một biến tướng của nhạc vàng, loại nhạc có thời kỳ nước ta phải hạn chế vì nó mang lại những tình cảm ủy mị.

Quả thực, cái tên Bolero mới xuất hiện gần đây chứ thời dòng nhạc này thịnh hành thì chẳng ai gọi nó với cái tên Bolero cả. Nếu người ở quê hương Bolero là Tây Ban Nha nghe cuộc tranh luận này thì họ chẳng hiểu mô tê gì. 

Vì cuộc tranh luận này không nhằm vào vũ điệu Bolero của triều đình Tây Ban Nha vào thế kỷ thứ 18 hay điệu nhạc Bolero có nguồn gốc Cuba vào cuối thế kỷ 19. Bản giao hưởng mang tên Bolero của nhà soạn nhạc người Pháp nổi tiếng Maurice Ravel cũng chẳng liên quan gì đến dòng Bolero Việt Nam.

Minh họa của Lê Tiến Vượng.

Dòng nhạc Bolero của Việt Nam xuất hiện từ khoảng thập niên 50- 60 của thế kỷ 20. Tùy cách gọi nhưng có dấu hiệu nhận biết là hay được đệm bởi tiết tấu của điệu Bolero của người Cuba hoặc Slow Rock. Lời ca thường than khóc về than phận tình yêu. Sau này thường gọi là nhạc tình, cũng gọi là nhạc vàng, do tính chất ủy mị nỉ non.

Nhu cầu được hát về thân phận riêng tư là một nhu cầu rộng và bình dân nên dòng nhạc này được lan truyền như lẽ tự nhiên. Cách viết cũng đơn giản. Giai điệu, ca từ không cần có sự khám phá gì đáng kể. Tất nhiên sự tồn tại ở khuôn đúc bình dân thì không ai gọi đó là sự phát triển hay sáng tạo.

Dòng nhạc vàng của Việt Nam bị ảnh hưởng từ Bolero từ Cuba vào cuối thế kỷ 19. Cha đẻ của dòng nhạc Bolero Cuba là nhạc sĩ José Sánchez mà nhiều người gọi một cách thân mật là Pepe Sánchez.

Bản nhạc Bolero đầu tiên ra đời vào năm 1883 của Pepe Sánchez sáng tác là "Tristezas". Dòng Bolero sau đó đã nhanh chóng lan tỏa và bén rễ tại Nam Mỹ và ở vùng biển Caribe. Sau đó nổi tiếng toàn cầu là "Besame Mucho" của Consuelo Velázquez. Bản này gọi là ca khúc thế kỷ, đúng là già trẻ lớn bé ai cũng từng biết.

Giả tưởng, Pepe Sánchez và Consuelo Velázquez đột nhiên sống lại theo dõi cuộc tranh luận về Bolero vừa qua ở Việt Nam, chắc họ sẽ khóc ra tiếng Mán vì chẳng thể nào nhận thấy mặt mũi con đẻ của mình đã được thẩm mỹ đến thế nào. Nó đã được "Nâng mũi, gọt cằm, xăm mí" đến nỗi không thể nhận ra được chân dung nữa.

Vậy thì không nên tranh cãi với cái tên Bolero vốn không liên quan gì đến cha đẻ của nó. Nhạc Việt Nam dù thích hay không thích hãy gọi tên Việt Nam. Nhạc có nhiều dòng, nước sông không phạm nước giếng. Nhưng nhạc đã định hình và tiêu chuẩn hóa cho đại trà thì không thể là nhạc thể nghiệm, tiền phong hãy sáng tạo mới được.

Những gì đi trước thời gian chỉ dành cho "phòng thí nghiệm". Giống như ẩm thực. Ai thích món mới thì sáng tạo. Ai muốn an toàn thì ăn cơm. Không nhất thiết tự ái nếu dòng nhạc mình yêu được coi là không sáng tạo. Nhiều loại hình nghệ thuật cũng chỉ tồn tại trong bảo tàng đấy thôi. Vậy có gì phải sôi nổi tặng "đá" cho nhau.

Còn bạn, nếu tất cả đã đều đi về phía trước, mà bạn đứng yên thì bạn đang tiến bộ hay thụt lùi?

Lê Tâm
.
.
.