Nhạc sĩ Dương Cầm:

Một chương trình nghệ thuật đúng nghĩa thì phải đổi mới và sáng tạo

Thứ Ba, 13/11/2018, 15:52
Dương Cầm là một người trẻ không ngại va chạm, thậm chí anh có nhiều quan điểm gây bão dư luận vì sự thẳng thắn của mình. Không chạy theo trào lưu, không có những bản hit theo cách mà số đông hướng tới, nhưng Dương Cầm đang nỗ lực cùng những người đồng hành tạo ra các giá trị âm nhạc đích thực, góp phần cân bằng đời sống âm nhạc đang “hỗn loạn” hiện nay.


- Chúc mừng Dương Cầm với một dự án mới, đó là vở ca múa nhạc “Hà Nội, ngày, tháng, năm… Những thanh xuân rực rỡ” đang chuẩn bị công diễn tại Hà Nội. Anh có thể chia sẻ về tác phẩm của mình?

+ Đây là một vở diễn khác với các chương trình đang có trên thị trường Hà Nội hiện nay. “Hà Nội, ngày, tháng, năm… Những thanh xuân rực rỡ” như những trang nhật ký của từng con người, họ gắn kết với nhau bằng tình yêu Hà Nội, mỗi người có những kỷ niệm khác nhau, tạo thành một bức tranh kỷ niệm về Hà Nội. Người xem sẽ bắt gặp ký ức của mình trong đó. Còn những bạn trẻ cũng sẽ có cái nhìn xuyên suốt về Hà Nội từ trong chiến tranh và hôm nay, một cái nhìn đầy chất thơ.

- Được biết, vở diễn từng giành Huy chương Vàng tại Liên hoan Ca múa nhạc toàn quốc và anh cũng giành giải vàng cho phần âm nhạc. Hà Nội nổi tiếng với nhiều ca khúc đình đám, anh có chịu nhiều áp lực khi sáng tác toàn bộ ca khúc mới về Hà Nội cho vở diễn này?

+ Tôi không sinh ra ở Hà Nội nhưng đã sống gần 20 năm ở đây, có rất nhiều cảm xúc về Hà Nội. Tôi coi Hà Nội như quê hương của mình. Vở diễn này được giới chuyên môn đánh giá cao, tôi cũng nhận được sự chia sẻ của nhiều người con Hà Nội. Tôi hy vọng khán giả sẽ tìm thấy hình ảnh của mình trong đó. Điều đặc biệt là chúng tôi không sử dụng các tác phẩm cũ về Hà Nội. 

Những sáng tác mới là một thử thách, mạo hiểm của tôi và nhà hát. Tôi từng làm nhiều chương trình ca nhạc ở Hà Nội, mọi người đang đến và nghe những bài hát quen thuộc để tìm lại điều gì đó thân quen. Nhưng một chương trình nghệ thuật đúng nghĩa thì phải đổi mới và sáng tạo. 

Vì thế chương trình này là những tác phẩm mới, cách dàn dựng, thể hiện, ngôn ngữ âm nhạc hoàn toàn đương đại và mới mẻ. Những bài hát gắn kết với nhau trong một tổng thể, nó không hẳn là nhạc kịch vì ít lời thoại và kết nối với nhau bằng âm nhạc.

- Những ca khúc mới Dương Cầm sáng tác trong vở diễn này, anh có hy vọng chúng sẽ có đời sống riêng?

+ Những bài hát trong vở này đều là những bài hát độc lập. Vì thế tôi hy vọng, nó sẽ có đời sống riêng. Thực tế, hiện nay, một số ca khúc trong vở đã được nhiều bạn trẻ dùng để tham dự các cuộc thi. Bài hát tôi viết không hướng tới số đông và tôi sẽ có cách tiếp cận khán giả theo cách của mình để bài hát được lan tỏa. Bản song ca của Đông Hùng và Bảo Trâm là một điểm nhấn và có thể tôi sẽ làm MV bài hát này. 

Ê kíp thực hiện chương trình “Hà Nội, ngày, tháng, năm… Những thanh xuân rực rỡ”.

- Hà Nội đang mùa nở rộ live show, nhưng đời sống âm nhạc không vì thế mà phát triển, văn minh hơn. Nhạc sĩ Quốc Trung từng nói, âm nhạc Việt Nam đang luẩn quẩn trong cái ao của mình. Anh nghĩ sao?

+ Nhạc sĩ Quốc Trung nói hoàn toàn chính xác, những live show hiện nay trên thị trường chủ yếu nhằm mục đích chiều lòng khán giả, những bài hát quen thuộc, những ca sĩ và cách trình diễn quen thuộc. Khán giả đến để xem những ca sĩ mình yêu thích và nghe những bài hát mình thích. 

Có thể khán giả cũng không có nhu cầu thưởng thức những cái mới, nhưng với những người làm nghề chúng ta phải có trách nhiệm sáng tạo ra những tác phẩm mới, cách trình diễn mới để người xem được gợi mở, tiếp cận nhiều hơn với ngôn ngữ âm nhạc mới, đó là sứ mệnh của những người làm nghệ thuật. 

Ở Sài Gòn sự sôi động này đã diễn ra nhiều năm trước đây, bây giờ đang chững lại. Bolero, nhạc cổ điển đổ xô về Hà Nội, nhưng đôi ba năm nữa, khán giả cũng sẽ chán. Đến thời điểm hiện tại, theo quan sát của tôi, các show bán vé không chạy như trước nữa. 

Chúng tôi biết điều đó và tự tìm cho mình một hướng đi khác, đó là sáng tạo ra những tác phẩm mới và chất lượng nghệ thuật của các chương trình phải nâng cao hơn. Cho đến hiện tại con đường mà Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long đang đi là một thử thách, nhưng nếu chúng tôi thành công sẽ mở ra một con đường để các nhà hát khác sẽ  dám dấn thân hơn. Đây là một con đường mới và cũng là một mảnh đất màu mỡ để khán giả Hà Nội có thêm những lựa chọn khác. 

- Không chỉ live show mà bây giờ cũng là thời nở rộ của những MV ca nhạc? Nhưng những MV chất lượng thường bị chìm lấp bên cạnh những MV triệu view nhưng lại ồn ào, thậm chí nhảm nhí. Anh nghĩ gì về sự mất cân bằng đó?

+ Khi tôi hợp tác với các ca sĩ tôi luôn có một mục tiêu là chúng ta chỉ làm những sản phẩm chất lượng thôi và dần dần chúng ta sẽ có đối tượng khán giả riêng. Chúng ta không đánh vào số đông, vì mặt bằng khán giả bây giờ thấp. Tôi trông chờ vào sự thay đổi của nền giáo dục, ở các thế hệ khán giả tiếp theo được học hành bài bản hơn, có nền tảng hiểu biết về âm nhạc, họ sẽ nhìn nhận đúng hơn đâu là tác phẩm giải trí, đâu là nghệ thuật, lúc đó âm nhạc đích thực sẽ có chỗ đứng vững vàng hơn.

- Vậy những bản hit của giới trẻ bây giờ như “Như lời đồn”, “Hồng Kông 1” đang nói lên điều gì?

+ Nó chỉ phục vụ cho một đối tượng khán giả nhất định, nghe để vui thôi, chứ nó không nằm trong quan tâm của tôi. Đấy là một mảnh đất màu mỡ mà nhiều bạn trẻ đang khai thác, một phần vì sẽ nhanh nổi tiếng và nhanh kiếm được tiền. Tôi luôn mong muốn làm những sản phẩm âm nhạc có chiều sâu hơn để phục vụ khán giả, dù bây giờ chỉ là một cộng đồng nhỏ nhưng họ sẽ nghe đi nghe lại, ngẫm nghĩ và thưởng thức nó. 

Những bản hit nó không phản ánh một thị trường âm nhạc sôi động mà là hỗn loạn. Sự sôi động phải đồng nghĩa với việc có nhiều sản phẩm chất lượng, phát triển và càng ngày càng nâng cao, có sự tương đồng giữa âm nhạc giải trí và nghệ thuật. Còn chúng ta hiện tại đang mất cân bằng. Nhiều bài hát bây giờ không được đầu tư về ngôn ngữ, ca từ hời hợt. 

Các nhạc sĩ ngày xưa họ viết ca từ rất hay, mỗi bài hát như một bài thơ. Còn những bài hát gần đây thô thiển, thậm chí tục tĩu. Đấy là sự dễ dãi, khán giả cũng dễ dàng hùa theo. Chúng ta cứ biện hộ nó gần với đời sống nhưng tôi nghĩ, trong nghệ thuật phải đẹp, phải được thơ hóa. 

Nhạc sĩ phải thể hiện cá tính, màu sắc riêng của mình trong từng bài hát chứ không phải cho ra đời những sản phẩm na ná một bài hát đang hot nào đó, theo trào lưu, như thế chỉ ăn xổi thôi. Tác phẩm nghệ thuật đích thực phải là sự chắt chiu, đầu tư nhiều chất xám. Tuy nhiên, theo cảm quan của tôi, một thời gian không xa nữa sự cân bằng sẽ được lập.  

- Cơ sở nào cho niềm tin đó?

+ Tôi tin tưởng vào thế hệ tiếp theo bằng những con người nghe nhạc văn minh hơn, một thế hệ được học hành bài bản, biết đâu là giá trị đích thực. Khán giả đóng vai trò rất quan trọng quyết định thị trường âm nhạc, bởi nhạc sĩ làm ra sản phẩm nhưng không có môi trường đón nhận những sản phẩm đó thì không giải quyết được vấn đề. Họ sẽ nản. Hoặc chạy theo đám đông. Yếu tố quyết định vẫn là khán giả. Khán giả có tầm nhận thức khác thì môi trường âm nhạc Việt Nam mới tiến bộ được. 

- Nhưng ở một góc độ khác, tôi nghĩ, chính nhạc sĩ, rộng hơn là nghệ sĩ cũng là người tạo ra xu hướng, định hướng khán giả chứ?

+ Điều này rất khó. Chúng tôi không tự quyết định được. Tôi nghĩ, nhìn rộng ra, điều này thuộc trách nhiệm của những người lãnh đạo văn hóa. Chúng ta cần sự đầu tư giáo dục về âm nhạc như cử những nhân tài đi học trở về xây dựng và đóng góp cho nền âm nhạc, xiết chặt quản lý về mặt phát hành các sản phẩm âm nhạc, nhất là trên các trang mạng xã hội. 

Kết hợp cả giáo dục, đưa giáo dục âm nhạc vào nhà trường để nâng cao thẩm mỹ cho công chúng. Nâng cao thẩm mỹ trong giới trẻ là yếu tố quyết định. Chúng ta đang có quá nhiều vấn đề cần cày xới và thiết lập lại. Đất nước nào cũng phải trải qua những giai đoạn như vậy. 

Hiện tại chúng ta tưởng là chúng ta hay nhưng thực ra chúng ta đang đi tắt, phần cốt lõi chúng ta không có, chỉ đang học theo thôi. Những sản phẩm đang hot hit bây giờ chúng ta chỉ thấy bên ngoài hay và nhái theo thôi.

Một cảnh trong “Hà Nội, ngày, tháng, năm... Những thanh xuân rực rỡ”.

- Một người trẻ nhưng Dương Cầm khá già dặn và kiên định con đường của mình. Điều gì giúp anh có sự kiên định đó?

+ Tôi làm nghệ thuật nên trong sâu thẳm tôi vẫn muốn được chơi với âm nhạc, chơi với nghệ thuật. Đó là một nhu cầu nội tại, không vì cơm áo gạo tiền. 

Tôi nghĩ, mỗi người đều biết mình muốn gì, cần gì. Vợ tôi cũng ủng hộ quan điểm làm nghề của tôi. Chúng tôi đã từ chối nhiều show diễn có thể kiếm được nhiều tiền. Mình chỉ cần đủ trang trải một cuộc sống bình thường thôi. Còn lại dành thời gian để làm việc và sáng tạo. Những sản phẩm, kể cả làm kinh tế tôi cũng chọn những sản phẩm có chất lượng. Tôi luôn thích thử thách mình để tạo ra những sản phẩm âm nhạc mới mẻ. 

- Liệu có nhiều người trẻ như anh không?

+ Xung quanh tôi toàn là những người như vậy, họ không chạy theo bề nổi, họ âm thầm làm những bài hát thiếu nhi và làm rất hay, họ yêu những công việc đó, nhưng họ không nổi tiếng như nhạc sĩ Hoàng Anh Minh, nhạc sĩ Lưu Quang Minh… Lực lượng đó cũng không đông so với những gì mọi người thấy trên bề nổi thị trường hiện nay.

- Cảm ơn cuộc trò chuyện của Dương Cầm!

Việt Hà
.
.
.