Nhà báo thể thao phát minh công nghệ "vạch sơn tự hủy" được dùng lần đầu tiên ở World Cup 2014:

Nhằm giảm thiểu những gian lận và tranh cãi trên sân cỏ

Thứ Bảy, 19/07/2014, 17:02

World Cup 2014 có nhiều điều mới: cho phép dừng nhiều lần giữa trận đấu, công nghệ vạch vôi điện tử đã được sử dụng… và đặc biệt "vạch sơn tự hủy" cũng được áp dụng lần đầu tiên. Chính vì thế, nhiều người ví, World Cup 2014 là giải đấu của những công nghệ mới vì thế nó cũng đắt đỏ nhất trong lịch sử World Cup với chi phí gần 16 tỷ USD, gấp 4 lần World Cup 2010 ở Nam Phi.

Những nghệ sĩ vẽ graffiti

Trong trận đấu khai mạc World Cup 2014 giữa đội chủ nhà BrazilCroatia, trọng tài người Nhật Bản Yuichi Nishimura đã sử dụng công cụ hỗ trợ đặc biệt để trợ giúp quá trình cầm cân nảy mực. Khi Brazil được hưởng quả phạt trực tiếp trong hiệp 1, ông "vua sân cỏ" đã sử dụng một bình phun bọt sơn đặc biệt để xác định vị trí hàng rào của đội Croatia.

"Vua áo đen" Yuichi Nishimura tạo ra một vạch bọt sơn màu trắng ở cách vị trí đá phạt khoảng 10m, ngăn các cầu thủ Croatia xâm phạm. Hành động của vị trọng tài FIFA khiến nhiều người ngạc nhiên và liên tưởng điều này đến những nghệ sĩ vẽ graffiti. Tuy nhiên, vạch sơn này sẽ biến mất sau khoảng một phút và không làm ảnh hưởng tới chất lượng mặt sân.

Giải quyết vấn đề nhức nhối

Trên thực tế, hành động thủ công này đã giải quyết một trong những vấn đề nhức nhối trên sân cỏ, khi các cầu thủ thường cố tình đứng gần vị trí đá phạt của đối phương hơn so với quy định. Ở vị trí gần hơn giúp họ gia tăng khả năng cản phá cú đá phạt của hàng rào. Đây được xem là hành vi gian lận đơn giản nhưng lại rất khó thổi phạt.

Công nghệ dùng bình xịt sơn trắng tự hủy xuống sân để xác định vị trí lập hàng rào trước khi xuất hiện ở World Cup 2014 thì nó đã được sử dụng thử nghiệm ở một số giải đấu quan trọng như Copa Sudamericana (Cúp các nước nói tiếng Bồ Đào Nha), Copa Libertadores (Cúp các CLB ở Nam Mỹ), Copa America (Cúp vô địch các quốc gia Nam Mỹ), các giải đấu ở Mỹ, Canada và Champions League.

Trọng tài dùng "sơn tự hủy" trận Brazil và Croatia.

Trận đấu đầu tiên áp dụng công nghệ "vạch sơn tự hủy" là màn so tài giữa Chacarita và Atletico Rafaela (giải hạng 2 Argentina) diễn ra vào năm 2008. 6 tháng sau, giải hạng nhất Argentina cũng đưa công nghệ mới vào thực tế.

Công nghệ được phát minh bởi nhà báo thể thao người Argentina, Pablo Silva. Ý tưởng của Paul Silva được bắt nguồn từ việc ông từng bị đuổi khỏi sân trong một trận đấu do tranh cãi với trọng tài. Pablo Silva phản đối trọng tài do đội bạn đã lập hàng rào gần hơn điểm đá phạt tới 3m so với khoảng cách quy định (9,15m).

Trả lời phỏng vấn trên Reuters, ông Silva chia sẻ: "Ý tưởng này nảy sinh 7 hoặc 8 năm trước, khi tôi tham dự một giải đấu dành cho các cựu sinh viên. Phút thứ 88 trận đấu, chúng tôi được hưởng một quả đá phạt trực tiếp khi đang bị dẫn trước 1-0. Tuy nhiên, đối phương lập hàng rào gần hơn 3m so với quy định trong khi trọng tài không rút thẻ cảnh cáo. Chúng tôi thua và ra về trong hậm hực nên tôi quyết định phải làm gì đó để ngăn chặn những gian lận ấy".

Đó là hoàn cảnh vạch sơn thần kỳ ra đời. Nhà sáng chế gọi nó là 9:15 Fairplay (Hàng rào 9m15).

 Khi áp dụng công nghệ "vạch sơn tự hủy", IFAB hướng tới 4 mục tiêu:

- Đảm bảo các cầu thủ lập hàng rào giữ đúng khoảng cách 9,15 m so với điểm đá phạt như quy định.

- Tối ưu hóa thời gian diễn ra trận đấu, cụ thể là giúp các trận đấu không cần quá nhiều thời gian đá bù phát sinh do những tình huống dàn xếp đá phạt.

- Giúp giảm thiểu tối đa những tranh cãi liên quan đến việc hàng rào đã được lập đúng hay chưa. Những cầu thủ thiếu tinh thần fair-play không có đất diễn khi bị công nghệ "vạch sơn tự hủy" kiểm soát.

- Công nghệ "vạch sơn tự hủy" được kỳ vọng sẽ được áp dụng rộng rãi trên toàn thế giới do chi phí sử dụng bình xịt là khá rẻ.

Sử dụng công nghệ "vạch vôi điện tử"

Nếu tại World Cup 2010, cú sút đã qua vạch vôi của Lampard trong trận Anh gặp ĐT Đức (vòng 16 đội) không được trọng tài công nhận thì tại kỳ World Cup năm nay, công nghệ vạch vôi điện tử đã được sử dụng. Với 14 camera công nghệ cao được lắp xung quanh SVĐ và chiếu thẳng vào 2 khung thành, không một bàn thắng gây tranh cãi nào có thể xuất hiện tại ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh

Trường Minh
.
.
.