Nhát dao giữa sân quần vợt và bị kịch của Monica Seles

Thứ Sáu, 21/06/2019, 19:03
Monica Seles giành chiến thắng đầu tiên trong giải “Grand Slam” ở tuổi 17. Hai năm sau, cô thực hiện cuộc lật đổ không tưởng, ngắt đứt mạch thắng của tay vợt người Đức Steffi Graf và trở thành ngôi sao tầm cỡ thế giới.


Nhà vô địch 9 lần giải “Grand Slam”, người trẻ nhất lịch sử chiến thắng giải “Roland Garros”, cây vợt số một thế giới Monica Seles một thời thường được người hâm mộ so sánh với những cái tên vĩ đại như Martina Navratilova, "Chris" Evert và đặc biệt là Steffi Graf – cuộc đua tranh với tay vợt này rất gay cấn, kết quả đã làm đứt đường danh vọng của cô.

Một tài năng hiếm có

Monica Seles sinh năm 1973 tại Nam Tư, có cha mẹ là người Hungary. Người cha quyết định cho cô phải trở thành tay vợt chuyên nghiệp nên bắt cô tập quần vợt từ sớm. Ông căng thừng làm lưới, tập luyện cho con theo hướng dẫn trong sách báo. Để tăng tính hấp dẫn, ông vẽ vào trái bóng hình chú chuột trong phim ''Tom và Jerry'' rồi bảo cô bé làm... mèo.

Monica Seles.

Thế cho nên mới 9 tuổi, Monica Seles đã thắng giải thiếu nhi Nam Tư, 10 tuổi thắng ở châu Âu, 13 tuổi lần đầu tiên ra thi đấu nước ngoài tại Florida (Mỹ). Ở đó, huấn luyện viên Nick Bollettieri thấy tốc độ chạy và tiếp nhận bóng của cô bé thật siêu thường nên khuyên cô vào Học viện của ông.

Tin lời huấn luyện viên, gia đình Monica Seles chuyển sang Mỹ và năm 1994, nhờ danh tiếng thế giới của Nick Bollettieri (huấn luyện cô và loạt ngôi sao quần vợt sau này như Martina Hingis, Anna Kournikova, Maria Sharapova, Venus Williams, Serena Williams...), Monica Seles được nhập quốc tịch Mỹ.

Năm 1989, thời kỳ đỉnh cao của Steffi Graf với 8 giải “Grand Slam”, chơi 86 trận mà chỉ thua có 2, Monica Seles bước vào thi đấu với người lớn nhưng không ai xếp cô vào nhóm hạt nhân khiến cô là người duy nhất tỏ vẻ không hài lòng. Tháng 5-1989, trong trận chung kết giải ở Houston, "Chris" Evert (từng 18 lần vô địch “Grand Slam”) chịu thua làm chấn động làng quần vợt.

Đầu tháng 6, lần đầu tiên tham dự “Roland Garros”, Monica Seles vào đến bán kết và chịu thua Steffi Graf tại giải Vô địch Wimbledon và Mỹ mở rộng cô vào đến vòng 1/8 và kết thúc mùa được Liên đoàn Quần vợt nữ thế giới (WTA) xếp ở vị trí thứ 6 – một thành công chưa từng có trước nay đối với người mới. Khi đó, Monica Seles chia tay Nick Bollettieri vì thấy ông không dành đủ thời gian cho mình và quay về núp vào đôi cánh người cha, nhưng không vì thế mà yếu đi.

Năm 1990, sau những lần thiếu tự tin ở giai đoạn xuất phát (giải ở Chicago, Washington và Boca Raton bị loại ngay từ vòng ngoài), Monica Seles giành được loạt chiến thắng xuất sắc không để cho đối thủ thắng một set nào.

Đến mùa Xuân thì cô giành chiến thắng đầu tiên trước Steffi Graf, và mùa hạ cô lặp lại thành tích ấy, để cho tay vợt nữ người Đức “trắng tay” ở “Roland Garros”. Như thế, cô gái 17 tuổi Monica Seles lên ngôi lần đầu tiên và trở thành nhà nữ vô địch trẻ nhất trong lịch sử. Quả thật, ở những giải đấu khác trong hệ “Grand Slam” năm 1990 thì Monica Seles không thể hiện được mình…

Tháng 3-1991, Monica Seles gạt được Steffi Graf khỏi dòng đầu tiên trên bảng xếp hạng thế giới. Trong năm ấy cô, chiến thắng tất cả các giải, ngoại trừ giải Vô địch Wimbledon mà cô không thể tham gia vì bị chấn thương. Năm 1992, cô vẫn giữ được ngôi đầu trong bảng xếp hạng sau khi giành chiến thắng tất cả các giải, ngoại trừ giải “Grand Slam” của Anh dẫu đã vào tới trận chung kết.

Ngã xuống vì bị đâm vào lưng giữa sân quần vợt.

Như vậy sau 4 mùa tham gia giải với người lớn, Monica Seles đã có 7 chức vô địch ở những cuộc thi quần vợt uy tín nhất thế giới. Người hâm mộ kỳ vọng tay vợt trẻ này không biết sợ ai và tiếp tục lấy thêm chiến thắng cho hành trang của mình, không ai có thể ngờ rằng đường vinh quang của cô đến đây là kết thúc.

Nhát dao đâm sau lưng và nỗi ám ảnh kéo dài

Năm 1993, Monica Seles ra sân và đã giành chiến thắng thứ 3 tại giải Úc mở rộng, ở trận chung kết cô không để cho kình địch Steffi Graf một chút cơ hội nào. Khi đó đã xuất hiện tin đồn rằng giữa cá nhân hai tay vợt này đang xích mích. Phái hâm mộ Steffi Graf đã không thể chấp nhận thất bại của chị nên quay sang nói xấu cô gái 19 tuổi Monica Seles.

Ngày 30-4-1993, trong trận đấu tại giải Hamburg (Đức) dành cho các tay vợt nữ giữa Monica Seles và Magdalena Maleeva người Bulgaria, những tín đồ quần vợt ở địa phương như phát cuồng, họ huýt sáo, hò hét ầm ĩ. Trọng tài ra sức trấn an, nhưng vô ích. Trên bảng điện tử hiện lên tỷ số 6:4 rồi 4:3 nghiêng về phía Monica Seles, và trước khi đổi sân, hai tay vợt có một thời gian để nghỉ, mỗi người lui về ghế của mình.

Trong một giây khắc nào đó, tất cả các ống kính đều đổ dồn về phía Monica Seles: ở đó một số người đàn ông đang cố đẩy một người đàn ông khác đang vùng vẫy và la hét, còn bản thân Monica Seles thì đứng sững rồi chệnh choạng bước đi, tay ôm lấy lưng mình. Cô có vẻ đau đớn lắm. Trọng tài chính, trọng tài phụ và bác sĩ vội chạy đến – họ đỡ lấy Monica Seles và đặt cô nằm vào cáng. Hình như cô đã bất tỉnh nhân sự, vẫn nhắm mắt, nhưng đột nhiên rùng mình và ngồi dậy.

Người ta nhanh chóng đưa Monica Seles vào bệnh viện vì có vết dao đâm vào lưng. Sự sống của Monica Seles không bị đe dọa gì: con dao chỉ đâm vào lưng cô với độ sâu  1,5cm và không chạm đến những bộ phận quan trọng sống còn. Bác sĩ Peter Wind điều trị cho Monica Seles nói với BBC News: “Cô ấy rất may, phổi, xương vai, tất cả đều không bận gì hết. Nhưng cô ấy sốc lắm”.

Mặc dù về thể chất Monica Seles hồi phục rất nhanh, nhưng cô không thể chữa khỏi vết thương tâm lý. Trên báo chí bắt đầu nổ ra những cuộc “buôn dưa” rằng vụ tấn công Monica Seles, người Hungary sinh ra tại Serbia, mang tính chất sắc tộc.

Giả thuyết này không được khẳng định khi chính kẻ tấn công cô khai báo trước tòa: Hắn là Günter Parche, sinh ngày 4-7-1954 (lúc đó 39 tuổi), trước đó có làm thợ mài cho một xưởng cơ khí, hiện đang thất nghiệp. Hắn khai rằng rắp tâm đâm Monica Seles để giúp tay vợt yêu thích của mình là Steffi Graf lấy lại danh hiệu số một thế giới. Hắn nhấn mạnh rằng hắn chỉ thực hiện hành vi đó có mỗi một lần, nhưng không thành công.

Điều lạ lùng nhất là đã không có ai gây cản trở gì cho Günter Parche khi hắn lao vào sân quần vợt. Một nhân chứng có kể lại là “hắn ta dùng cả hai tay đâm con dao vào lưng Monica Seles. Đó là con dao thái thịt bình thường, nhưng rất sắc”.

Hung khí của vụ giết người không thành được đưa ra tòa: Con dao dài 25cm mà hắn nhả ra sau khi bị bẻ tay. Günter Parche bị tòa phán quyết “do trạng thái tâm thần bệnh hoạn và không có năng lực chịu trách nhiệm về hành vi của mình” nên phải lĩnh án 2 năm tù treo, nhưng bắt buộc phải vào bệnh viện tâm thần điều trị. 

Còn Monica Seles từ chối mọi lời mời trở lại thi đấu và bắt đầu xa lánh mọi người. “Cô ấy rất sợ, hay khóc và rất căng thẳng thần kinh, khó ngủ, khi ngủ hay gặp ác mộng. Cô ấy vẫn lo rằng Günter Parche sẽ còn đâm cô nữa”, bác sĩ kể. Monica Seles sống khép kín ở Saratosa, bang Florida, trong nhà riêng của mình có hàng rào rất cao bao quanh, được lắp đặt những thiết bị báo động và camera theo dõi.

Cô bắt đầu mắc chứng háu ăn tâm thần, phát phì nhanh, do đó các hãng quảng cáo phải ngừng cộng tác. Nhiều năm sau, Monica Seles nhớ lại, nhà tài trợ gặp cô và thảng thốt: Thượng đế ơi, cô ngắm mình đi nào, chuyện gì xảy ra thế? Cô lặng đi nhưng trong lòng thầm trả lời: Vâng, tôi vẫn là con người ấy mà, có gì khác đâu”. 

Giúp Monica Seles trở lại đấu trường là vận động viên quyền Anh huyền thoại người Mỹ Muhammad Ali. Khi đang phải đấu tranh với căn bệnh Parkinson, ông mời cô gặp và hai người trò chuyện rất lâu. Một thời gian sau thì Monica Seles quyết định nối lại sự nghiệp thể thao: 28 tháng sau vụ tấn công, cô ra sân.

Hung thủ không bị ngồi tù một ngày nào.

Chủ tịch WTA khi đó là Martina Navratilova hết sức ủng hộ Monica Seles: bà đồng ý phối hợp tổ chức một trận giao hữu và đề nghị xếp Monica Seles là số một ngang bằng với Steffi Graf, khiến những tay vợt bị ảnh hưởng phản đối dữ dội. Và đến năm 1996, tất cả trở lại như cũ: Steffi Graf vẫn chiếm ngôi nhất trên bảng xếp hạng, còn Monica Seles tụt xuống thứ 10.

Từ khi trở lại, Monica Seles đã giành chiến thắng trong giải mở Úc, chung kết giải mở Mỹ - 1996, chung kết “Roland Garros - 1998”, huy chương Đồng Olympic Sydney và 3 cúp Liên đoàn. Với những người khác thì đấy đã là ước mơ, nhưng đối với Monica Seles thì không.

Việc đứng đầu bảng xếp hạng thế giới cũng như giải “Grand Slam” đã trở thành xa đối với cô. Tất cả đều nhận thấy Monica Seles không có đủ lửa trong ánh mắt như xưa, và không biết rằng cô phục hồi được bao nhiêu phần trăm của tay vợt tài năng nhất cuối thế kỷ XX?

Theo truyền thông Canada và Hungary, cô đã được nhập quốc tịch Hungary vào tháng 6-2007. Trong năm 2019, Monica Seles đã trả lời phỏng vấn của tờ The Telegraph: “Cuộc đời tôi chia ra làm “trước” và “sau”. Do nhát đâm đó rất khó chữa trị về thể chất và tinh thần, bởi vì đơn giản là tôi bị đâm khi đang tác nghiệp, vậy mà con người làm hành vi đó không phải một ngày nào trong tù”... 

Đăng Bẩy
.
.
.