Nhạt nhòa giải thưởng âm nhạc

Thứ Ba, 23/04/2019, 20:39
Những chủ nhân mới của giải thưởng Cống hiến được xướng tên vừa qua đã khép lại hành trình các giải thưởng âm nhạc trong năm 2018. Song, nhìn đi nhìn lại, ranh giới giữa các giải thưởng âm nhạc truyền thống và các giải nhạc số trở nên nhạt nhòa bởi sự phát triển như vũ bão của internet cũng như hàng loạt cái tên mới của làng nhạc Việt, phản ánh xu hướng nghe nhìn đã nhiều đổi khác.


Giải thưởng cũng lắm dấu hỏi

Được khởi xướng từ năm 2005, tới nay, Cống hiến - giải thưởng uy tín và có quy mô lớn của nhạc Việt, đã đi một chặng đường 14 năm. Các hạng mục giải thưởng được đặt ra nhằm ghi nhận những thành tựu xuất sắc của âm nhạc trong năm của các ca sĩ, nhạc sĩ, nhà sản xuất âm nhạc, đạo diễn và các công ty truyền thông giải trí qua cuộc bỏ phiếu kín của những phóng viên mảng văn hóa nghệ thuật đến từ các tờ báo tiêu biểu trên toàn quốc. 

Một trong những khác biệt của giải thưởng truyền thống này so với nhiều giải thưởng khác nằm ở chỗ nó có những khám phá, sáng tạo đóng góp thiết thực vào sự phong phú và phát triển của đời sống âm nhạc đại chúng. Tiêu chí lựa chọn dựa trên 2 yếu tố là “công luận” và “phát hiện”. Thế nhưng, nhìn lại Cống hiến trong vài năm trở lại đây, có người đặt ra câu hỏi, phải chăng Cống hiến đã mất “thiêng”? 

Sau khi kết quả giải thưởng công bố, khán giả băn khoăn về hai chữ “cống hiến”, không hiểu nghệ sĩ đó đã đóng góp được gì vào đời sống âm nhạc đại chúng? Đành rằng, lắm fan lắm “xô chậu”, đành rằng hoạt động sôi động, nhưng điều đó liệu có đồng nghĩa với “cống hiến”?

Đông Nhi đoạt giải Cống hiến khiến không ít người cảm thấy thiếu thuyết phục dù đây là một cái tên sở hữu lượng fan đông đảo.

Trong tổng số 9 hạng mục được trao tại Cống hiến năm thứ 14, ngoại trừ chiến thắng ở hạng mục “Album của năm” thuộc về ca sĩ Mỹ Linh với album “Chat với Mozart II”, thì đều thuộc về những cái tên trẻ sở hữu lượng fan đông đảo và có vị trí cao tại các bảng xếp hạng online; những nhân tố lạ, thú vị… gần như bị bỏ lọt. 

Ngoài ra, có lẽ chưa năm nào, giải thưởng này lại “thưa thớt” như năm nay khi nhiều nghệ sĩ thậm chí đã bỏ về giữa chừng trong lễ trao giải. Đến phút cuối, chỉ còn lại một số gương mặt nghệ sĩ còn ngồi lại. Có đến 4 hạng mục trao giải mà người thắng giải không có mặt để nhận giải. Đó là các hạng mục: “Nhà sản xuất của năm”, “Album của năm”, “Chương trình của năm”, “Chuỗi chương trình của năm”.

Cách đó không lâu, hai giải thưởng âm nhạc lớn là Zing Music Awards (ZMA) và Làn sóng xanh (LSX) không hẹn mà gặp đều trao giải cho ca khúc “Người lạ ơi” đang vướng mắc lùm xùm bản quyền, khiến dư luận bức xúc. 

Đành rằng giải thưởng nhạc số ZMA trao còn hiểu được, đến LSX - một giải thưởng âm nhạc thường niên, lâu đời có từ năm 1997 đến nay - cũng vinh danh ca khúc của một nhạc sĩ sử dụng thơ người khác mà không xin phép thì thực sự khó hiểu?! Thậm chí, phần lời của “Tình nhân ơi” - một ca khúc khác của nhạc sĩ này cũng "xào nấu" từ hai bài thơ người khác, còn được chọn làm ca khúc mở màn cho sự kiện được đánh giá là uy tín lâu nay của làng nhạc này.

Việc hai giải thưởng âm nhạc cùng vinh danh một ca khúc đang gặp vấn đề về bản quyền đặt ra câu hỏi tính nghiêm túc, nghiêm cẩn và nghiêm khắc tối thiểu trong cách đánh giá, nhìn nhận giá trị một tác phẩm nghệ thuật của những người ngồi ghế hội đồng. Có người băn khoăn, một khi, việc sử dụng thơ của người khác không cần xin phép được tôn vinh một cách công khai, hợp thức hóa thế này, liệu có tạo ra một tiền lệ xấu nào đó?

Ở một vài giải thưởng nhạc số quan trọng khác, kết quả lại khiến công chúng nghi ngờ đây có phải là những giải thưởng “nội bộ”, mục đích “tri ân khách hàng” là chính? Nếu “Bùa yêu” giành được giải Ca khúc của năm lẫn MV của năm ở cả Keeng young awards (KYA) và LSX thì với ZMA, ca khúc này thậm chí còn không xuất hiện trong top 5 đề cử chung cuộc. 

Đây là ca khúc được ca sĩ Bích Phương và ê-kíp chọn phát hành độc quyền trên hệ thống nghe nhạc Keeng.vn, do đó, đối với ZMA - giải thưởng dựa vào số liệu từ bảng xếp hạng của hệ thống nghe nhạc trực tuyến Zing Mp3, phải chăng, ca khúc này không có… “cửa”? Ngược lại, nhiều ca khúc được phát hành độc quyền trên Zing Mp3 mà không có mặt trên Keeng, đương nhiên cũng không được KYA đưa vào các hạng mục giải thưởng.

“Bùa yêu” của Bích Phương.

"Khát" giải thưởng âm nhạc đúng nghĩa

Nhìn lại chục năm trở lại đây, có không ít giải thưởng âm nhạc, những cuộc thi ca hát đi được giữa đường đã phải… dừng lại. Những cuộc còn sót lại, rõ ràng, để trụ lại được trong thời buổi này không hề dễ dàng.

Năm 2016, sân chơi Bài hát Việt chính thức khép lại sau 11 năm cố gắng tôn vinh những sáng tác, chương trình giá trị để lại nhiều tiếc nuối cho khán giả yêu nhạc. 2016 cũng là năm chương trình Bài hát yêu thích tạm dừng sau bốn năm hoạt động, do không thu hút được lượng người xem như kỳ vọng. Tiếng hát Truyền hình TP Hồ Chí Minh - cuộc thi ca nhạc nổi tiếng một thời, không đấu nổi với các game show ca hát cũng đành lặng lẽ kết thúc… 

Trong khi đó, những giải thưởng âm nhạc mang tính truyền thống như Cống hiến, LSX; cuộc thi ca hát lâu năm như Sao Mai mới đây; hay cả những giải thưởng nhạc số lớn như ZMA, KYA đều phải thay đổi để thích ứng bằng cách đưa vào một số hạng mục mới, cũng như đổi mới cách thức trình diễn – trao giải để tồn tại, bám trụ.

Thế nhưng, với những kết quả được đưa ra, có thể thấy, ngay cả những giải thưởng, cuộc thi ca hát còn trụ lại được, cũng phải chật vật để khẳng định giá trị. Sao Mai - cuộc thi ca hát danh giá nhất nước, cũng vài phen lận đận, từng phải đổi thành Sao Mai điểm hẹn để đưa các ca sĩ Sao Mai ra đại chúng, sau chặng đường 9 năm, buộc phải rời kênh VTV3, chuyển sang kênh VTV6 và tới năm 2014 thì “tạm ngừng”, mới trở lại năm nay. 

Sau thời gian dài đánh mất dần khán giả, hồi tháng 7, Làn sóng xanh buộc phải công bố những thay đổi về format, được kỳ vọng là “bước nhảy” để tìm lại “tiếng nói”, vị thế của mình… Kể cả Cống hiến được ví như giải “Grammy” của nhạc Việt cũng phải chật vật hồi sinh. 

Thế nhưng, ngoại trừ kết quả chung cuộc của Sao Mai được công bố mới đây còn có thể khiến đa số khán giả tin vào sức nặng của giải thưởng âm nhạc, những giải thưởng còn lại gần như vẫn thiếu thuyết phục không ở yếu tố này thì yếu tố kia. Đặc biệt, các giải thưởng âm nhạc giờ đây chịu ảnh hưởng quá lớn từ các xếp hạng online, từ các live show đình đám trong năm, trong đó có cả Cống hiến.

Dù vướng lùm xùm vi phạm bản quyền, ca khúc của nhạc sĩ Châu Đăng Khoa (trái) vẫn được vinh danh tại ZMA lẫn làn sóng xanh.

Tất nhiên, các bảng xếp hạng online, các liveshow đình đám, cháy vé… cũng là một trong những tham số tham khảo quan trọng, phản ánh xu hướng cũng như đời sống âm nhạc theo từng năm. Việc đổi mới để thích ứng cũng là yếu tố cần và đủ nếu muốn tồn tại. Song, dù thay đổi như thế nào, sự nghiêm túc và chú trọng chuyên môn vẫn là xương sống làm nên sức nặng của những giải thưởng, cuộc thi ca nhạc dù đó là những giải “già” hay giải “trẻ”. 

Ngay cả những giải nhạc số, được cho là bám sát thị trường âm nhạc nhất, cũng hoàn toàn là một giải nhạc số thuyết phục nếu như đưa ra được những gương mặt âm nhạc đại chúng chất lượng. Thế nhưng, với những gì chúng ta chứng kiến, đã chứng minh ngược lại, những giá trị cốt lõi mang tính đóng góp cho đời sống âm nhạc phần nào đó đã bị bỏ qua, lép vế và rõ ràng, có không ít giải thưởng âm nhạc đã tự xóa đi chính tiêu chí của mình.

Thay đổi phương thức tiếp cận công chúng là điều quan trọng, nhưng để tồn tại mà vẫn giữ được bản sắc so với hàng loạt game show ca hát hoặc có yếu tố ca hát đang tung hoành hiện nay, với các cuộc thi, giải thưởng âm nhạc nghiêm túc là yêu cầu khó, nếu không muốn nói là quá khó. Thị trường âm nhạc vẫn “khát” những giải thưởng âm nhạc, những cuộc thi ca hát chất lượng, thuyết phục được giới chuyên môn lẫn công chúng. 

Tháng Sáu
.
.
.