World Cup - Chi nhiều, lãi lớn?

Nhiều nguồn thu - Kỳ 2

Thứ Năm, 12/07/2018, 10:51
Chi phí tổ chức World Cup không hề rẻ, nhưng bù lại giải đấu 4 năm một lần cũng tạo ra rất nhiều cơ hội để mang lại nguồn thu cho nước chủ nhà cũng như Liên đoàn Bóng đá Quốc tế (FIFA). Bên cạnh đó, nước chủ nhà còn có thể được lợi ích “phi vật chất”, chẳng hạn như tên tuổi và uy tín.


Quyền phát sóng và tài trợ

Cho đến nay, FIFA vẫn chưa công bố con số chính xác về tổng doanh thu tiền bản quyền truyền hình của World Cup 2018. Tuy nhiên, một số thống kê đơn lẻ cho biết tiền bản quyền kỳ World Cup năm nay và năm 2022 có thể tăng gần 100%. 

Cụ thể, chỉ riêng các gói bản quyền cho 3 hãng truyền thông hàng đầu gồm Fox, Telemundo và Futbol de Primera Radio đã lên đến 1,2 tỷ USD. Riêng với Fox, hãng này đã chi số tiền gấp 8 lần kỳ World Cup trước, từ 50 USD lên 400 triệu USD, để mua quyền phát sóng 2 kỳ World Cup 2018-2022. 

Nếu tính thêm SBS của Australia, Bell Media của Canada và IMC ở khu vực Caribbean, tổng số tiền quyền phát sóng được nâng lên là 1,85 tỷ USD. 

Ngoài ra, với việc bán các gói bản quyền sang Trung Đông, một phần khu vực châu Á và khu vực Mỹ Latinh, cũng đã mang về thêm cho hầu bao của FIFA số tiền lên đến 1,7 tỷ USD. 

Như vậy, chỉ riêng với một số nhà đài này, FIFA đã thu về tiền bản quyền truyền hình “đậm” hơn nhiều so với các gói bản quyền của 2 kỳ giải trước đó.

Đây là những khoản tiền đáng kể, nhưng các công ty truyền hình cũng kiếm được rất nhiều tiền quảng cáo nhờ việc phát sóng FIFA World Cup. Theo FIFA, hơn 26 tỷ lượt khán giả đã xem World Cup năm 2006. Kevin Alavy, nhà phân tích của Initiative Futures Sport + Entertainment, cho biết: “Không có sự kiện truyền thông nào khác mang lại sức hút mãnh liệt đối với khán giả, ngày này qua ngày khác và kéo dài cả tháng, giống như World Cup”.

Tại kỳ World Cup 2014, kênh ITV (kênh truyền hình phát sóng World Cup tại Anh) chào mức giá 500.000 USD đối với 30 giây quảng cáo phát sóng trong thời gian diễn ra các trận đấu. Mức giá quảng cáo trong các trận đấu World Cup tại Ấn Độ rơi vào khoảng 60.000 USD/10 giây. 

Còn tại Brazil, 8 "ông trùm" đã mạnh tay chi 600 triệu USD để quảng cáo trên kênh truyền hình Globo. Quyền lợi trả lại cho các doanh nghiệp lớn là được xuất hiện 1.120 lần trên truyền hình. Bên cạnh 64 trận đấu World Cup được phát sóng đầy đủ, kênh truyền hình Globo còn sản xuất một loạt các chương trình truyền hình "ăn theo" World Cup và giá bán quảng cáo cũng không hề kém cạnh để tăng thêm doanh thu.

Trong giai đoạn 2010-2014, FIFA đã bán quyền tài trợ chính cho 6 công ty blue-chip gồm: Adidas, Coca-Cola, Hyundai, Emirates, Sony và Visa. Theo IEG, một công ty nghiên cứu của Mỹ chuyên theo dõi chi tiêu tài trợ, trong giai đoạn này FIFA đã thu về 1,6 tỷ USD tiền tài trợ. Theo BBC, bình quân mỗi nhà tài trợ trong nhóm 6 nhà tài trợ chính phải trả cho FIFA tới 30 triệu USD/năm.

Doanh thu bán vé

Ngoài các quyền được đem bán, tiền bán vé cũng thu về cho FIFA một khoản tiền không nhỏ. Theo BBC, năm 2014 FIFA đã thu được 527 triệu USD tiền bán vé, từ 3.141.908 người hâm mộ. World Cup năm nay, FIFA ước tính  tổng cộng sẽ có 2,5 triệu vé được bán cho người hâm mộ đến xem toàn bộ 64 trận đấu diễn ra ở 11 thành phố khác nhau tại nước Nga. 

Ở đợt bán đầu, FIFA bán gần 750.000 vé ở lượt trận đầu vòng bảng với giá vé chia thành 3 loại dựa trên vị trí xem gồm: 211USD, 165USD và 105USD dành cho các CĐV nước ngoài, trong khi CĐV Nga mua vé chỉ có 22USD. Từ lượt thứ 2 vòng bảng giá vé thấp nhất từ 105USD cho đến cao nhất là trận chung kết có giá tới 1.107 USD/vé. 

Dù giá vé World Cup 2018 được xem là đắt nhất lịch sử các kỳ World Cup, nhưng vẫn có rất đông người hâm mộ trên thế giới đăng ký mua. Cụ thể như giá vé xem trận chung kết World Cup 2018 hiện cao hơn 200USD so với giá vé trận chung kết World Cup 2014 tại Brazil.

Ngoài ra, sẽ còn một đợt bán nữa được FIFA gọi là “giờ cuối” từ ngày 18-4 đến 15-7-2018, chỉ 1 ngày trước trận chung kết World Cup diễn ra để người hâm mộ thoải mái có thời gian mua vé xem. 

Người đứng đầu Ủy ban bán vé World Cup 2018 của FIFA, ông Falk Eller cho biết: “Việc bán vé diễn ra trôi chảy và FIFA rất hài lòng với tiến độ bán vé, dù có không ít lo ngại giá vé cao thì người hâm mộ sẽ không mặn mà mua vé xem. Tuy nhiên, đến nay lượng người mua rất đông cả những CĐV nước ngoài lẫn chủ nhà Nga. Cho thấy, kỳ World Cup 2018 chắc chắn sẽ rất hào hứng”.

Sẽ mang về 31 tỷ USD?

Báo cáo về tác động kinh tế của World Cup do Nga phát hành cho biết tăng trưởng GDP của đất nước có thể lên tới 1,62 nghìn tỷ rúp (26 tỷ USD) và 1,92 nghìn tỷ rúp (30,8 tỷ USD) trong 10 năm từ năm 2013 đến 2023. Đây là kết quả của lượng khách du lịch đổ đến Nga ngày càng tăng, cộng với các hiệu ứng tích cực sau đó từ các khoản đầu tư của chính phủ. 

Báo cáo thậm chí còn cho thấy World Cup sẽ khuyến khích người Nga tập thể dục nhiều hơn, vì vậy họ sẽ có ít ngày bị bệnh hơn và chính phủ sẽ tốn ít tiền cho chi phí bảo hiểm y tế hơn. World Cup "có một hiệu quả kinh tế đáng kể", cựu Phó Thủ tướng Arkady Dvorkovich viết trong báo cáo. 

"Giải đấu đã thúc đẩy sự phát triển kinh tế của các khu vực chủ nhà và sẽ tiếp tục có tác động kinh tế tích cực lâu dài". Báo cáo cho biết khoảng 220.000 việc làm đã được tạo ra.

Nhưng các nhà kinh tế đã “tạt nước lạnh” vào những khát vọng này, nói rằng sự kiện kéo dài một tháng sẽ ít có lợi cho nền kinh tế trong ngắn hạn, mặc dù những cải tiến liên quan đến cơ sở hạ tầng và đầu tư vào du lịch có thể làm tăng tiềm năng tăng trưởng của nó. 

"Chúng tôi thấy tác động kinh tế rất hạn chế ở cấp quốc gia trong thời gian giới hạn của World Cup và quy mô rất lớn của nền kinh tế của đất nước", các nhà phân tích tại cơ quan xếp hạng tín dụng Moody nói hôm 31-5. 

Dự kiến có khoảng 570.000 người hâm mộ nước ngoài và 700.000 người Nga sẽ tham dự các trận đấu World Cup, theo báo cáo của Nga. Tuy nhiên, Moody’s cho rằng "trong khi du lịch gia tăng sẽ mang lại lợi ích cho nền kinh tế Nga đang trên đà hồi phục, những tác động hỗ trợ bổ sung có thể sẽ tồn tại trong thời gian ngắn". 

Ngoài các sân vận động mới ở các thành phố như Samara, Saransk và Nizhny Novgorod, Nga đang sử dụng World Cup làm chất xúc tác cho những thay đổi kinh tế và xã hội rộng lớn hơn từ tạo việc làm đến việc lắp đặt thêm camera giám sát.

Hầu hết các quan chức chính phủ đã miễn cưỡng chia sẻ đánh giá của họ về tác động kinh tế của World Cup. Nhưng cựu Phó Thủ tướng Arkady Dvorkovich đã khẳng định mạnh mẽ vào tháng 4 rằng nước Nga sẽ không có tăng trưởng kinh tế nếu không có công tác chuẩn bị cho giải đấu. 

Các nhà kinh tế giải thích tuyên bố của Dvorkovich về các khoản đầu tư vào World Cup như là một minh chứng cho tăng trưởng kinh tế trong quá khứ chứ không phải là lý do đằng sau tăng trưởng của năm nay, ở khoảng 1,5-2%. 

Các dự án xây dựng khổng lồ được thực hiện tại các thành phố chủ nhà World Cup có tác động lớn nhất đến nền kinh tế trong năm 2016 và 2017, theo Alexei Zabotkin, người đứng đầu chiến lược đầu tư tại VTB Capital. Nga hiện đang trên đà tăng trưởng tiêu dùng và du lịch trong quý II và III của năm, ông nói.

Văn Cường
.
.
.