Nhiều vẻ đẹp của lễ hội đang bị che lấp

Chủ Nhật, 17/02/2019, 08:28
Bắt đầu chụp ảnh các lễ hội từ năm 2006, đến nay, nhiếp ảnh gia Lê Bích đã sở hữu hàng ngàn tác phẩm về lễ hội. Anh đã đi hầu khắp các lễ hội, đặc biệt là các lễ hội ở miền Bắc, tìm hiểu, ghi lại những khoảnh khắc đẹp của các hoạt động văn hóa độc đáo này


Lê Bích cho rằng các lễ hội đều mang một ý nghĩa vô cùng tốt đẹp, tuy nhiên ngày nay con người đã làm cho nhiều lễ hội bị sai lệch, biến tướng. Nhiều vẻ đẹp thực sự của lễ hội đang bị che lấp....

- Có những lễ hội nào ấn tượng với anh nhất mà năm nào anh cũng tới chụp ảnh?

+ Đầu tiên là lễ hội Đồng Kỵ vào mùng 3 Tết, không chỉ tôi và gần như các phóng viên nhiếp ảnh đều tới. Vì đó là lễ hội đầu tiên ở miền Bắc đầu xuân, lại gần thủ đô Hà Nội, và có nhiều hoạt động đẹp về mặt thị giác.

Tất nhiên từ khi Nhà nước có chủ trương cấm pháo thì làng pháo Đồng Kỵ không còn hình ảnh nổ pháo nữa, nhưng lễ rước pháo truyền thống vẫn vô cùng hấp dẫn. Quả pháo khổng lồ để rước xưa kia là pháo thật, sau đó là quả pháo gỗ đơn sơ, nay thì là quả pháo hết sức cầu kỳ, được sơn thếp vàng thật, chạm trổ long ly quy phượng rất đẹp mắt.

Nhiếp ảnh gia Lê Bích.

Cuộc sống khá giả lên, con người cũng mang đến lễ hội những vật phẩm đẹp hơn, quý hơn. Ở Hà Nội, tôi còn thích những lễ hội vùng ven đô ở các làng La Khê, La Cà, La Phù nữa. Đây là 3 ngôi làng rất đẹp.

La Khê thì có lễ hội đánh hổ. Lễ hội này chỉ diễn ra vào ban đêm, tái hiện lại tích Thành hoàng làng đánh hổ cứu dân rất thú vị. Đây là một lễ hội thể hiện tinh thần thượng võ và tính hồn nhiên của người Việt. Lễ hội này cho đến nay gần như vẫn giữ được vẻ đẹp nguyên bản của nó nên xem rất thích. Làng La Phù thì có lễ hội rước lợn, cũng hấp dẫn không kém.

Tôi ấn tượng nhất ở phần lễ rước lợn của các họ trong làng. Người ta trang trí "ông Lợn" vô cùng đẹp mắt. Ông lợn sau khi hiến sinh đã được thiêng hóa, và trở thành nhân vật trung tâm trong lễ rước. Các hoạt động âm nhạc như múa, hát, diễn tích chèo trong các ngôi đình cổ rất hay. Đây là lễ hội mà tôi thấy còn giữ được đúng chất Bắc Bộ.

- Việc giết mổ, hiến sinh trong các lễ hội một số năm gần đây bị cho là phản cảm, có nhiều ý kiến nên bỏ. Rồi hình ảnh tranh cướp lộc trong các lễ hội cũng được cho là bạo lực, phản cảm...Theo dõi các lễ hội trong nhiều năm, ý kiến của anh về vấn đề này như thế nào?

+ Tôi nghĩ thế này, việc hiến sinh các con vật trong lễ hội nên được coi là một tập tục cổ. Ví dụ như ở lễ hội rước lợn ở La Khê, người làng thường mổ lợn trong vườn của họ, sau đó con vật được thiêng hóa lên, trở thành một nhân vật chính của lễ hội.

Hay như ở lễ hội  làng Ném Thượng ở Bắc Ninh, tôi tham dự từ lúc chỉ có người địa phương thực hành với nhau, chưa được truyền thông quan tâm nhiều như hiện nay. Ban đầu, chứng kiến nghi lễ chém lợn, tôi cũng thấy hơi ghê, nhưng sau khi hỏi các cụ cao niên thì biết lễ hội được phục dựng theo lối cổ, tưởng nhớ vị tướng Đoàn Thượng thời Lý chém lợn khao quân.

Lễ hội rước lợn ở làng La Phù Hoài Đức, Hà Nội.

Lợn được nuôi một cách thành kính, trước khi thực hiện nghi lễ, họ đưa vào kiệu đi rước khắp làng. Sau khi nghi lễ chém lợn diễn ra, thịt được chia đều cho mọi người. Người miền Bắc có quan niệm "một miếng lộc Thánh hơn một gánh lộc trần", con lợn là ước vọng của cả làng, nuôi bằng thức ăn đặc biệt, được thiêng hóa, nên việc chia lộc ấy đều cho làng cũng là tập tục đẹp.

Từng có ý kiến phản đối lễ hội này, nhưng tôi thấy rằng, nếu chỉ xoáy vào nghi lễ ấy, thì lễ hội chưa được nhìn nhận đúng. Những năm gần đây, làng không thực hiện nghi lễ ở giữa sân đình, mà quây bạt kín, đó là sự thay đổi dung hòa được việc thực hành lễ hội, giữ bản sắc và không phát tán hình ảnh phản cảm, bạo lực.

Quan điểm của cá nhân tôi trong chụp ảnh các lễ hội là cố gắng tôn vinh những cái đẹp của lễ hội, như một cách để người xem nhìn nhận đúng về giá trị của lễ hội trong đời sống. Khi có cái hiểu đúng về lễ hội con người sẽ có những hành xử đúng với nó.

- Sau nhiều năm chụp ảnh lễ hội, và là một trong những nhiếp ảnh gia có nhiều bộ ảnh độc đáo nhất về lễ hội được đăng tải trên các ấn phẩm báo chí, kinh nghiệm của anh là gì?

Nghi lễ xin nước giếng về cúng thánh ở hội làng Diềm-Bắc Ninh.

+ Ban đầu khi mới chụp ảnh lễ hội, tôi chụp hồn nhiên lắm, gặp gì chụp nấy. Tuy nhiên, cùng với thời gian, tôi nhận ra mình phải chuyên nghiệp lên. Vấn đề không phải chụp một số bức ảnh đẹp, mà quan trọng là phải làm sao thể hiện được cả tinh thần, vẻ đẹp của lễ hội.

Trước đây tôi chụp ảnh xong là xong, nhưng sau tôi nhận thấy, đó mới chỉ là nửa phần công việc. Ảnh về lễ hội nếu chỉ ảnh không thì chưa giá trị gì nhiều. Quan trọng là phải ghi chép về lễ hội. Hay nói khác đi, mỗi bức ảnh phải có những "caption" (ghi chú) những thông tin về lễ hội.

Tôi đi chụp ảnh, nhưng luôn có bút, sổ, máy ghi âm theo người. Tôi ghi chép từng câu chuyện, từng khoảnh khắc tôi ấn tượng. Tôi ghi âm lời nói của các nhân vật tôi gặp, các ông chủ tế trong các lễ hội để có những thông tin chuẩn xác nhất về lễ hội. Những khoảnh khắc đẹp của lễ hội phải đi kèm với những ghi chú đầy đủ thì mới có ý nghĩa.

- Theo anh ý nghĩa thực sự của lễ hội là gì và vì sao nó thường được diễn ra trong thời điểm đầu năm mới?

+ Văn hóa của người Việt mình có cội nguồn là văn hóa dân gian, gắn với nông nghiệp, với làng. Các lễ hội đều xuất phát từ các ngôi làng, nó đơn giản là một hoạt động cộng đồng nhằm tạ ơn Thành hoàng làng, những người mở cõi. Mùa xuân là thời điểm khởi đầu cho một năm mới, phù hợp để bày tỏ, tri ân, cầu mong no ấm, mưa thuận gió hòa cho cả một năm sắp đến.

Xô kiệu trong lễ hội làng Cự Khối-Gia Lâm-Hà Nội.

- Xem lại hàng ngàn bức ảnh lễ hội đã chụp về lễ hội, đặc biệt là những bức ảnh về một lễ hội được chụp trong nhiều năm, anh thấy đâu là những thay đổi đặc biệt nhất của các lễ hội?

+ Lễ hội thì bao giờ cũng có 2 phần, phần lễ và phần hội. Tôi nghĩ phần lớn các lễ hội hiện nay vẫn giữ được 2 phần đó, không biến tướng, thay đổi trình tự. Phần lễ bao giờ cũng rất đầy đủ, quy trình khá bài bản. Đi nhiều lễ hội và xem đi xem lại một lễ hội trong nhiều năm, tôi thấy phần lễ ở các lễ hội là ít thay đổi nhất.

Nó cơ bản vẫn giữ được đúng tính chất như ban đầu, có lẽ vì các quy định trong phần lễ này rất quan trọng, nó nằm trong hương ước của làng và được các ông "chủ tế", là những người hiểu biết giữ gìn, lan tỏa qua các thế hệ.

Những thay đổi của lễ hội phần lớn diễn ra ở phần hội. Ví dụ trò chơi trọi gà trong các lễ hội chẳng hạn. Xem các tư liệu về lễ hội ngày xưa, thấy có chọi gà, nhưng ít thôi và nó mang tinh thần thượng võ, chứ không nhiều và ăn thua theo kiểu cờ bạc như bây giờ. Thậm chí ở nhiều lễ hội hiện nay tôi gặp, cả một cái sân to sau đình toàn cảnh chọi gà ăn tiền rất lộn xộn.

Rồi tình trạng cờ bạc, tôm cua cá, xóc đĩa trong các lễ hội cũng đang là một vấn nạn. Đây không còn là những nét đẹp văn hóa nữa, nó đã trở thành những trò đỏ đen, ăn thua. Trong các lễ hội bây giờ, hàng quán nhiều quá, ăn uống xô bồ, lộn xộn, bừa bộn. Con người hành xử với lễ hội cũng tự do chủ nghĩa, ít tính tôn nghiêm đi.

- Theo anh nguyên nhân do đâu?

+ Tôi nghĩ có nhiều nguyên nhân lắm, nhưng có thể nói ngắn gọn trong một vài điểm như thế này. Đầu tiên là người ta chưa có một sự hiểu đúng về lễ hội. Thậm chí càng ngày người ta càng hiểu sai về lễ hội.

Người trong một làng, nhất là thế hệ trẻ cũng không hiểu chính xác về lễ hội của làng mình, đâu là ý nghĩa đích thực của lễ hội, cần phải gìn giữ, tin vinh các nét đẹp văn hóa trong lễ hội làng mình như thế nào. Vì không hiểu nên người làng tham gia vào các lễ hội khá bản năng, không có ý thức lan tỏa các vẻ đẹp của lễ hội, không có ứng xử chuẩn mực.

Múa sềnh tiền trong lễ hội La Phù.

Trong khi đó, lễ hội xưa vốn trong phạm vi hẹp một cái làng, chủ yếu gắn với đời sống tinh thần của người làng đó, thì nay cùng với sự phát triển của truyền thông, nó đang được mở rộng ra vượt tầm kiểm soát. Khách thập phương đổ về các lễ hội ngày càng nhiều, trong khi Ban tổ chức không thể kiểm soát được các hoạt động, gây ra những sự xô bồ, nhiễu loạn.

Họ để cho nhiều hoạt động bị biến tướng trong lễ hội gây ra sự phản cảm, khó chịu. Trong khi đó, những vẻ đẹp thực sự của lễ hội thì không mấy người tìm hiểu. Tâm thế người đến lễ hội qua loa, vội vàng, thực dụng, tạo ra nhiều sự xấu xí. Trong khi đó vai trò của quản lý nhà nước trong các lễ hội chưa nhiều. Khi có vấn đề gì xảy ra, các cơ quan quản lý thường vào cuộc chậm chạp, và có khi rất áp đặt.

- Xin cảm ơn nhiếp ảnh gia Lê Bích!

Hội Vũ (thực hiện)
.
.
.