Nhìn lại một năm nhạc Việt

Thứ Hai, 25/12/2017, 08:00
Nhạc Việt năm 2017 sôi động với những MV ca nhạc triệu view, những ca khúc “hit” thống lĩnh các trang nhạc trực tuyến. Đây cũng là năm định hình những gương mặt mới của thị trường âm nhạc giải trí Việt Nam. Đi cùng với đó là tiếng thở dài, những cuộc tranh cãi chưa có hồi kết về các giá trị…


Nhạc indie lên ngôi

Có thể coi năm 2017 là năm của indie khi nhiều ban nhạc, nghệ sỹ theo đuổi xu hướng này có “đất diễn”. Hay nói chính xác hơn, sau thời gian “ẩn” mình trong giới underground với một bộ phận khán giả nhất định, nhờ mạng xã hội phát triển và các trang nghe nhạc trực tuyến lên ngôi, những nghệ sỹ độc lập được nhiều người biết đến hơn. Công nghệ số đã mang họ lại gần với công chúng. Họ không còn là những người chơi nhạc đơn thuần trong bóng tối nữa.

Ở thời điểm hiện tại, ta có thể kể ra đây những “đại gia indie” như các ban nhạc Ngọt, Da Lab, Cá hồi hoang... Hay những nghệ sỹ độc lập như Lê Cát Trọng Lý, Đen, Vũ, Thái Đinh, Cam, Trang, Sương, Doãn Hoài Nam… Số người hâm mộ họ không hề thua kém bất cứ ngôi sao âm nhạc giải trí nào.

Hot girl Chi Pu đi hát và cuộc tranh cãi xung quanh câu chuyện giá trị.

Thậm chí, như trường hợp nhạc sỹ - ca sỹ Lê Cát Trọng Lý, cô ấy “hot” chẳng khác gì một hiện tượng âm nhạc đại chúng. Hay như ban nhạc Ngọt, sau vài giờ tung vé show “Ngbthg” đã hết sạch. Trường hợp “Gap Tour” từ Bắc vào Nam của Cá hồi hoang cũng tương tự. Facebook cá nhân, kênh Youtube của nghệ sỹ độc lập nhận được sự quan tâm, theo dõi của đông đảo người hâm mộ. 

Đặc trưng của dòng nhạc này là sự sáng tạo của những cái “Tôi” người nghệ sỹ. Những nghệ sỹ độc lập không chạy theo trào lưu. Họ cũng không đóng khung mình vào một thể loại nhạc nhất định. Họ chơi đa dạng phong cách thể loại hơn bất cứ nghệ sỹ đại chúng nào.

Họ có đầy đủ kĩ năng của một người làm nhạc hiện đại: tự viết lời, chơi nhạc, tự giới thiệu mình. Và họ vẫn giữ được chất indie của mình, điều đó thể hiện trong âm nhạc, cách biểu đạt âm thanh, cách đưa những sản phẩm của họ tới khán giả.

Mùa Lễ hội âm nhạc quốc tế Gió Mùa Monsoon 2017 vừa qua, Ngọt và Da Lab là hai nhóm nhạc indie được lựa chọn vào danh sách nghệ sỹ khách mời. Nhạc sỹ Quốc Trung, cha đẻ của lễ hội âm nhạc này ví họ như “những luồng gió mới, không chỉ cho Gió Mùa, mà cho cả đời sống âm nhạc”.

Sự phát triển của dòng nhạc indie trong năm qua đã mở ra một không khí, tinh thần tươi trẻ và dân chủ trong âm nhạc Việt; là một trong những điểm sáng đáng kể khi tổng kết chặng đường âm nhạc trong năm qua.

Nghi án "đạo", "nhái", vi phạm bản quyền

Năm 2017 cũng là năm ồn ào của hàng loạt nghi án đạo, nhái, vi phạm bản quyền. Chỉ nửa đầu năm, hàng loạt cái tên đình đám của VPOP đã dính nghi án đạo nhạc ngoại: Sơn Tùng M-TP với “Nơi này có anh”, “Bình yên những phút giây”; Đông Nhi với “Love me too”, “Có nơi đó chờ em”; Only C với “Yêu là tha thu”; Lưu Hương Giang với “Đừng buông tay”, Khắc Hưng với “Đâu chỉ riêng mình em”, “Ghen”, “Ánh nắng của anh”…

Ngay cả một người trước giờ nổi tiếng là cẩn thận và “kĩ” như Mỹ Tâm, cũng khiến người hâm mộ thất vọng khi bị nhạc sỹ Vũ Xuân Hùng tố Mỹ Tâm hát “Anh thì không” – một ca khúc ngoại do ông viết lời Việt - mà không xin phép. Thực trạng nói chung này khiến một độc giả phải thốt lên: “Hễ triệu view là bị tố đạo nhạc”.

Câu chuyện này đến nửa cuối năm 2017 cũng chẳng có gì khá hơn. Bằng chứng là, chỉ còn chưa đầy nửa tháng nữa là hết năm nhưng người nghe nhạc lại tiếp tục bị “bội thực” bởi thông tin đạo nhái, vi phạm bản quyền tràn lan trên các mặt báo.

MV hơn 30 triệu view "Chạm khẽ tim anh một chút thôi" của Noo Phước Thịnh bất ngờ bị "bốc hơi" khỏi Youtube vì lí do bản quyền. Phía ekip sản xuất MV này vì không hiểu rõ về luật nên đã sử dụng một đoạn nhạc ngắn cho phân đoạn chiếc xe hơi bốc cháy ở cuối MV khi chưa xin phép đơn vị giữ bản quyền.

Sau đó không lâu, MV hơn 40 triệu view “Sống xa anh chẳng dễ dàng” của Bảo Anh cũng đứng trước nguy cơ bị xóa khỏi Youtube vì đoạn nhạc nền được lấy từ 2 bản hòa âm của một nhà soạn nhạc nước ngoài mà không phép.

Để bảo vệ MV 41 triệu view, ê-kip của Bảo Anh đã phải “móc hầu bao” ra 100 triệu đồng để mua lại bản quyền đoạn nhạc nền đó. Để thấy, ý thức bản quyền vẫn còn “trời ơi đất hỡi”, chưa được quan tâm đúng mực ở thị trường giải trí Việt Nam và “xài chùa” vẫn là thói quen chưa bỏ được.

Tùng Dương và Thanh Lam “gây bão” sau phát ngôn về bolero.

Một bộ phận ca khúc, MV gắn mác sáng tạo của nghệ sỹ nhưng khi tung ra, lại dính những sai phạm, những nghi án. Thậm chí, có những cái tên như Sơn Tùng M-TP hay Only C chẳng hạn, hễ ra sản phẩm mới, lại dính nghi án đạo nhái.

Phải chăng, đạo nhái cũng được xem là công cụ chiêu trò để câu view, hút like? Nếu vậy, thì từ bao giờ, một hành vi không đúng của nghệ sỹ lại tiếp tay cho sự nổi tiếng? Và dù không muốn thừa nhận nhưng ai cũng dễ dàng thấy một nghịch lý thế này: Ở VPOP, càng dính nghi án đạo nhạc, càng “hot”, càng kiếm được tiền!

Càng rên rỉ, càng ngôn tình, càng hot  

Nhờ kết hợp được cả phần âm thanh lẫn phần hình, MV ca nhạc đang là xu hướng trong năm qua. Khoan bàn tới câu chuyện chất lượng, chính điều kiện thuận tiện về mặt công cụ, máy móc nên ai cũng có thể tự mình sản xuất MV được. Chính điều đó làm cho bức tranh thị trường nhạc Việt trong năm 2017 có ít nhiều xáo trộn bởi sự lên ngôi và chiếm lĩnh của thể loại này. Song, nở rộ rất nhiều nhưng đọng lại được bao nhiêu?

Bên cạnh một số những MV thú vị, nhạc Việt 2017 chứng kiến sự nở rộ của các MV “ăn xổi”, dễ dãi, những ca khúc với phần lời cũng như kịch bản sến sẩm, não tình, lâm li bi đát. Thậm chí nửa cuối năm, sến sẩm có vẻ lên ngôi khi hàng loạt ca khúc dạng này ra đời dồn dập. Có thể kể ra đây một số trường hợp như “Em gái mưa”, “Xin đừng lặng yên”, “Sống xa anh chẳng dễ dàng”, “Chạm khẽ tim anh một chút thôi”, “Đừng hỏi em”, “Cả một trời thương nhớ”…

Hai MV của Noo Phước Thịnh và Bảo Anh.

Những tác phẩm dạng này thường không mấy đặc sắc về nhạc lý nhưng có nội dung đánh trúng tâm lý của giới trẻ, đặc biệt là phái nữ, đang chìm đắm trong bầu không khí “thanh xuân” thường thấy ở các sản phẩm giải trí đầy tính ngôn tình.

Nhất là khi những người thực hiện nó, từ nhạc sỹ cho tới ca sỹ, đều là những người sở hữu lượng fan đông đảo. Chẳng có gì khó hiểu khi sản phẩm dạng này sau một thời gian ra mắt rất ngắn, đã leo tới đỉnh chóp của các bảng xếp hạng âm nhạc trực tuyến.

Những cuộc tranh cãi chưa có hồi kết

Trong khi đó, bolero thêm một lần nữa trở thành dòng nhạc gây tranh cãi. Tùng Dương nói: “Bolero chỉ có giá trị về mặt hoài niệm và nếu người già, trẻ, lớn, bé đều đắm đuối với dòng nhạc này thì đó thực sự là sự thụt lùi trong âm nhạc”. Thanh Lam cũng đồng quan điểm khi cho rằng: “Bolero ngày nay như cái mỏ, các ca sỹ nhảy vào khai thác hết rồi, khiến nó bị bào mòn.

Như vậy nó không đem đến vẻ đẹp đích thực của âm nhạc nữa, đó là sự biến tướng”. Sau phát ngôn của Tùng Dương và Thanh Lam, trước đó là Quốc Trung,… về nhạc bolero, cuộc “nhạc chiến” bùng nổ giữa hai miền Nam – Bắc. Thế nào là âm nhạc đích thực – câu hỏi này một lần nữa được đặt ra.

Cuộc tranh cãi này không phải lần đầu nhưng lần nào nổ ra, cũng tốn không biết bao nhiêu bút mực báo giới. Những người phát ngôn trở thành “tội đồ”, thành những kẻ “ngạo mạn” trong mắt nhiều người.

Trong khi đó, nhạc bolero vẫn thống lĩnh các gameshow phát trên sóng truyền hình. Hễ mở tivi ra lại gặp hàng chục chương trình truyền hình thực tế về bolero gối nhau như “Solo cùng bolero”, “Tình bolero”, “Kịch cùng bolero”, “Thần tượng bolero”, “Người hát tình ca”, “Tuyệt đỉnh song ca”… Các ca sỹ nhí, tuổi đời còn nhỏ cũng cầm míc hát bolero như người lớn.

Ban nhạc Ngọt.

Sau câu chuyện bolero, là câu chuyện hot girl Chi Pu đi hát. Mặc dù bị gọi là giọng ca “thảm họa”, người đẹp này vẫn liên tiếp ra các sản phẩm âm nhạc, nhằm mục đích dấn thân vào nghiệp ca sỹ. Cô gái 9x này tuyên bố: “Từ hôm nay, hãy gọi tôi là ca sỹ”.

Xung quanh hiện tượng này, nhiều tranh luận nổ ra. Trong đó “Thế nào là ca sỹ”? - câu chuyện về giá trị một lần nữa lại được đưa ra mổ xẻ. Cách định vị một ngôi sao giải trí phải chăng chỉ cần đẹp, chiêu trò, gây sốc?

Nhìn chung, nhạc Việt trong 2017 sôi động với nhiều ca sỹ trẻ xuất hiện. Nhiều “hit” mới thay nhau thổi tung “hit” cũ trên các bảng xếp hạng. Những MV chục triệu view, áp đảo. Nhưng nhìn chung, vẫn là những bước đi ngắn, những cuộc chơi “ăn xổi” nhằm lấp đầy túi tiền của nghệ sỹ. Công chúng vẫn còn dễ bị hút vào bởi những giá trị giải trí mà quên mất, vẫn có những giá trị nghệ thuật khác đang tồn tại xung quanh đó. Nhạc Việt 2017, những nghệ sỹ văn minh vẫn còn cô đơn trong lựa chọn đi ngược số đông của mình.

Du Nguyên
.
.
.