Nhìn từ cái chết của Cheick Tiote: Nỗi ám ảnh "tim mạch" của lục địa đen

Thứ Hai, 12/06/2017, 10:19
Như mọi ngày, Tiote khởi đầu tuần làm việc bằng buổi tập đầu tiên cùng Bắc Kinh Bát Hỷ, CLB đang chơi ở giải hạng nhất Trung Quốc. Nhưng Tiote cũng không thể biết rằng, ngày 5-6 định mệnh ấy đã cướp đi sinh mạng của mình. Anh là cầu thủ châu Phi thứ 3 tử nạn trong năm 2017 vì những cơn đột quỵ bất thường.


Cựu tiền vệ của Newcaslte đã đổ gục trên sân tập. Bệnh viện Quốc gia Bắc Kinh đã làm tất cả những gì có thể. Nhưng tử thần đã gọi tên tuyển thủ Bờ Biển Ngà. Ở tuổi 30, Tiote mãi mãi ra đi. Và đằng sau những tiếng khóc thương cho tiền vệ xấu số, người ta buộc phải đặt ra câu hỏi: Điều gì đã xảy ra với bóng đá châu Phi?

Trong một thống kê không chính thức, có 138 cầu thủ đã tử nạn vì những cơn trụy tim trên sân bóng. 30 trong số này tới từ lục địa đen. Tiote là nạn nhân thứ ba của cơn nhồi máu cơ tim cấp tính.

Marc-Vivien Foe tử nạn trên sân hồi 2003 sau một cơn đau tim.

Trước đó, vào tháng 4, Moise Brou Apanga – cựu tuyển thủ Gabon đã qua đời ở tuổi 35 khi đang tập cùng CLB địa phương FC 105 Libreville. Ugo Ehiogu, cựu cầu thủ của Aston Villa cũng từ trần ở tuổi 44 khi đang làm công tác huấn luyện tại trung tâm đào tạo trẻ Tottenham.

Bệnh lý của chủng tộc da màu

Tại giải vô địch U17 châu Phi tại Algeria, nhóm nghiên cứu y khoa của FIFA đã phát hiện ra rằng, những cầu thủ châu Phi có xu hướng mắc những chứng bệnh liên quan về tim mạch nhiều hơn những chủng tộc màu da khác trong cùng một điều kiện thi đấu.

Những chỉ dẫn hàn lâm khẳng định, việc ở gần vùng khí hậu khắc nghiệt tại hoang mạc Sahara đã dẫn đến mức huyết áp cao hơn mức bình thường của người châu Phi. Khả năng tổn thương, tức nguy cơ mắc bệnh tim mạch, của người châu Phi cao hơn tỷ lệ của người da vàng và da trắng lần lượt là 10% và 15%.

Kết luận tương tự cũng được đưa ra theo một nghiên cứu của Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ thông qua bài kiểm tra nhịp tim đập (SCA). Theo thống kê của thử nghiệm diện rộng, cứ 100.000 người da màu lại có 175 đàn ông và 90 phụ nữ có khả năng bị đột quỵ ở lứa tuổi trung niên, trong khi chỉ số này của người da trắng chỉ là 84 đàn ông và 40 phụ nữ.

“Quả tim to” – thuật lời của Tiến sỹ Pambo, chuyên gia hàng đầu thế giới về các vấn đề tim mạch – là bất lợi di truyền sinh học của người châu Phi, thường dẫn tới chứng rối loạn nhịp tim. Khi vận động mạnh, rõ ràng khả năng tử vong là rất cao.

Các nhà nghiên cứu ở Viện đại học Cornell cũng đã phát hiện những loại gen dị biến trong người châu Phi có liên quan trực tiếp tới tim mạch. Biến thể R145C – gần như không thể tìm thấy ở người da trắng hoặc da vàng – lại xuất hiện ở 12% người châu Phi.

Tiền vệ Cheick Tiote.

Một nhóm bác sỹ cấp cao ở Bắc Mỹ cho biết, cầu thủ châu Phi thường mắc phải hai dạng bệnh lý bất tỉnh là HA và CA. HA có nghĩa là nhồi máu cơ tim, khi máu cung cấp cho một phần cơ tim bị gián đoạn. CA là hiện tượng điện tim biến mất bất thình lình hoặc tim đập quá nhanh khiến cơ tim không theo kịp tín hiệu điện tim.

Vì vậy, có thể khẳng định, yếu tố thuần sinh học trong cấu tạo cơ thể người của các cầu thủ da màu đã là một yếu tố dẫn tới những cái chết bất đắc kỳ tử trên sân bóng.

Điều kiện tồi tàn và sự thờ ơ đáng trách

Là lục địa tập trung những quốc gia nghèo nhất thế giới, không ngạc nhiên khi châu Phi là “ổ bệnh dịch” nhức nhối. Điều kiện y tế ở đây thì chưa bao giờ được chú trọng, chủ yếu vì khó khăn kinh tế.

Đặc biệt, quan niệm về y học thể thao lại càng bị xem nhẹ, khi đám đông cho rằng, thể trạng vượt trội của cầu thủ châu Phi là quá thừa thãi để bận tâm tới những mối đe dọa tiềm ẩn.

Trong một bài phỏng vấn độc quyền với FIFA, Tiến sỹ Pambo bày tỏ quan điểm: “Thể thao châu Phi bỏ qua những bước sàng lọc sức khỏe cầu thủ từ trẻ”. Tại châu Âu, ngay từ năm 12 tuổi, các cầu thủ bắt buộc phải trải qua bài kiểm tra tổng quan. Nếu gặp phải bất kỳ vấn đề gì với tim mạch, cầu thủ đó sẽ buộc phải chấm dứt giấc mơ sân cỏ.

Thậm chí, xe cứu thương còn là phương tiện xa xỉ trong các sân bóng châu Phi. Như ở Đức, các CLB còn bố trí hẳn một phòng trợ tim trong khuôn viên SVĐ phòng ngừa bất trắc. Ở một số quốc gia khác như Italia, kiểm tra định kỳ tim mạch hằng năm là nghĩa vụ của các cầu thủ chuyên nghiệp theo văn bản khuyến cáo của FIFA.

Quan điểm khoa học cho hay, việc sàng lọc các yếu tố di truyền/bẩm sinh là không thể bỏ qua nếu muốn giảm thiểu những thảm kịch bóng đá. Và quan trọng hơn, là phải thực hiện quy trình ấy từ nhỏ. Rất nhiều cầu thủ châu Phi di cư sang châu Âu tử nhỏ, nhưng đã làm giả giấy tờ y tế hoặc tiêu hủy hồ sơ bệnh án để qua mặt các nhà tuyển dụng bóng đá.

Trường hợp của Fabrice Muamba là một ví dụ điển hình. Cựu tiền vệ này sinh ra ở Congo dưới cái tên Zaire, nhưng di cư đến Anh vào năm 11 tuổi. Vào thời điểm cầu thủ này bất tỉnh trong trận đấu giữa Tottenham và Bolton 5 năm trước (tim đã ngừng đập 78 phút), đội ngũ y tế của Bolton không tài nào tìm nổi hồ sơ gốc của Muamba. May mắn là Chúa đã mỉm cười với Muamba, để rồi sau này anh tiết lộ: “Nếu không phải ở Anh, có lẽ tôi đã chết”.

Kanu, cựu đội trưởng Nigeria và tiền đạo lừng danh một thời của Arsenal, thấm thía tầm quan trọng của y học thể thao hơn ai hết. Trong lễ ký hợp đồng với Inter Milan, Kanu được phát hiện là có một van động mạch chủ bất thường trong tim. Để giúp Kanu tiếp tục sự nghiệp quần đùi áo số, CLB thành Milan đã đưa Kanu sang Mỹ làm đại phẫu.

Công tác y tế thể thao ở châu Phi còn bị xem nhẹ.

Adama Niambele và Yussouf Kone, hai danh thủ Bờ Biển Ngà đã buộc phải từ bỏ giấc mơ Serie A vì sở hữu quả tim to bất thường, đẩy tốc độ truyền máu tới mạch tim tăng nhanh ngoài kiểm soát.

Với những người “cố tình” bỏ qua những lời khuyên từ các chuyên gia thì kết cục sẽ ra sao? Hãy nhìn lại câu chuyện của Khalilou Fadiga, thành viên dự tuyển World Cup 2002 của Senegal.

Anh chuyển tới Inter từ Auxerre, nhưng bị phát hiện là nhịp tim nhanh bất thường. Các bác sỹ Inter đã khuyên Fadiga từ bỏ sự nghiệp, nhưng anh ta vẫn cố chấp. Tới Bolton, Fadiga hy vọng sẽ qua mắt được các nhà tuyển dụng.

Nhưng đi ngược quy luật tự nhiên là điều tối kỵ. Fadiga ngã quỵ trên đường tới… văn phòng ký hợp đồng. Vẫn may là nền y học thể thao ở Anh quá phát triển, nhưng đổi lại, Fadiga phải đeo máy trợ tim suốt đời.

Điều kiện y tế ở châu Phi chưa bao giờ đáp ứng những yêu cầu cơ bản của thể thao thế giới. Nhưng ngay cả khi đã chuyển tới châu Âu và tiếp cận giá trị tinh hoa của nhân loại, nhiều cầu thủ châu Phi vẫn thờ ơ với những lời khuyên. Ý thức về sức khỏe vẫn còn là hạn chế rất lớn của các cầu thủ da màu.

Những nạn nhân đầu tiên

Bên ngoài cổng SVĐ Quốc gia ở quận Surulere, Thủ đô Lagos, Nigeria có đặt một bức tượng trên một tấm bệ lớn: Sam Okwaraji, cầu thủ châu Phi đầu tiên qua đời vì suy tim trên sân.

Vào một buổi chiều nóng bức năm 1989, thuộc khuôn khổ vòng loại cuối cùng World Cup 1990 giữa Nigeria và Angola, Okwaraji đã ngã gục vào phút 77. Anh lên cơn co giật, mắt trợn ngược và rơi vào trạng thái vô thức. Những nỗ lực ngay sau đó chỉ giúp Okwaraji lấy lại ý niệm trên xe cứu thương tới bệnh viện. Tuy nhiên, anh đã trút hơi thở cuối cùng khi các bác sỹ chuẩn bị tiến hành phẫu thuật.

Okwaraji là một nhân vật đặc biệt. Anh đá bóng giỏi, được mời tới Croatia, Áo chơi bóng nhưng lại chuyển sang Đức khi đang có tất cả chỉ vì lý do: Muốn theo học nghề luật hình sự. Theo những ghi chép quá khứ, Okwaraji bị ám ảnh bởi nạn cướp giật và ma túy tại quê nhà.

Trong thời gian theo học luật tại Đức, Okwaraji cũng được phát hiện hở van tim. Nhiều người khuyên anh bỏ bóng đá, nhưng Okwaraji lại cứng đầu quả quyết, khi nào học xong bằng luật mới dám bỏ nghề vì sợ mất thu nhập.

Sau cái chết của Okwaraji, còn 4 cựu tuyển thủ Nigeria khác bỏ mạng trên sân bóng. Họ là Amir Angwe, John Ikoroma, Bobsam Elejieko và Endurance Idaho. Thống kê của một số quốc gia khác như Bờ Biển Ngà là 2 (Tiote và Apanga), Cameroon 2, CH Chad 1 và Liberia 1.

Ngoài ra, Ghana là quốc gia chịu nhiều tổn hại về người nhất, với số ca tử vong vì các vấn đề tim mạch đã lên tới 9. Xét rộng hơn, bên ngoài phạm vi bóng đá, thể thao Ghana từng chứng kiến hai vụ đột quỵ. Là các trường hợp của VĐV nhảy rào vĩ đại Francis Mantey trên đường đua đại hội điền kinh châu Phi (vòng 2) và Asante Kotoko tại vòng 18 giải VĐQG bóng ném Ghana. Cả hai VĐV này đều may mắn qua khỏi nhờ sự cứu giúp tận tình của trung tâm tim mạch thể thao thế giới GFA, với người trực tiếp phẫu thuật là Tiến sỹ Pambo.

Đơn Ca
.
.
.