Nhịp cuối Hoàng Anh Tuấn...

Thứ Ba, 08/09/2015, 11:11
Chỉ một cái nhịp cuối ấy thôi là HLV Hoàng Anh Tuấn sẽ cùng Đội tuyển U.19 Việt Nam giật cúp vàng Đông Nam Á, và từ sâu thẳm lòng mình ông Tuấn tin vào chiếc cúp vàng ấy. Tin vào cái điều mà liên tiếp 2 năm trước, thế hệ U.19 của những Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường... chưa làm được. Thế nhưng sau cái nhịp cuối vỡ nặng 6 bàn thì ông Tuấn phải thừa nhận: "Thái Lan hơn chúng ta toàn diện". Cái nhịp cuối rất gần mà rất xa là vì thế.

Vài tháng trước đây, khi ông Tuấn được mời làm HLV trưởng ĐT U.19 Việt Nam thì không nhiều người sốc, bởi cùng với HLV Nguyễn Hữu Thắng, ông chính là một trong những thầy trẻ tài năng, nhiều bằng cấp nhất của bóng đá Việt Nam đang... rỗi việc. Ông rỗi việc kể từ đầu mùa V.League 2014, khi Hải Phòng quyết định dùng thầy ngoại Dylan Kerr - một trợ lý của ông kể từ ngày ông còn ngồi ghế HLV trưởng Khánh Hoà cho đến ngày Khánh Hoà được sáp nhập vào bóng đá Hải Phòng.

Năm 2012, khi ông Tuấn lên ĐTQG làm trợ lý cho HLV trưởng Phan Thanh Hùng thì Dylan Kerr cũng được mang theo, và vì thế ai cũng hiểu giữa Hoàng Anh Tuấn và Kerr tồn tại một mối quan hệ cá nhân gần gũi. Dạo ấy, hỏi ông Tuấn nghĩ sao khi người ngồi thay vị trí của mình ở Hải Phòng lại chính là người rất gần gũi, thân mật với mình thì ông cười tỉnh bơ: "Chuyện bình thường mà. Công việc là công việc".

Nhưng trong cuộc đời huấn luyện của ông Tuấn có một việc chắc chắn không bình thường chút nào, đó là khi HLV trưởng ĐT Việt Nam Phan Thanh Hùng rút lui, và ông được nhắm làm ứng cử viên thay thế số 1. Mà thực tế là không chỉ nhắm, đích thân PCT chuyên môn VFF lúc ấy là ông Phạm Văn Tuấn đã gặp gỡ, bàn bạc các kế hoạch cụ thể với ông, trong đó có cả việc: "nếu không làm HLV ĐT nữa, em sẽ giúp VFF đào tạo các HLV trẻ" - lời ông Phạm Văn Tuấn.

Cầu thủ U.19 Việt Nam (giữa) không thể đọ với Thái Lan.

Sau khi hai bên gật gù thống nhất thì chuyện ông Tuấn ngồi lên ghế thuyền trưởng ĐT chỉ còn là vấn đề thời gian. Thế nhưng đùng một cái, một vị PCT VFF khác là ông Lê Hùng Dũng lại đăng đàn công khai nghi ngờ năng lực của HLV Hoàng Anh Tuấn. Ông Dũng bảo: "Anh Tuấn xưa nay chỉ dẫn các CLB dự V.League, sao đủ kinh nghiệm cầm quân ĐTQG".

Thực tế thì trước khi cầm ĐTQG, HLV Phan Thanh Hùng cũng chỉ làm HLV trưởng các CLB V.League, và sau đó, người thay ông Hùng là ông Hoàng Văn Phúc cũng chỉ làm việc ở V.League cùng các đội bóng trẻ. Hồi ấy những người thạo việc đều hiểu lý lẽ của ông Lê Hùng Dũng không phải để hạ bệ HLV Hoàng Anh Tuấn, mà cái chính là để nhắm đến người đã mời ông Tuấn vào ĐT là Phó chủ tịch Phạm Văn Tuấn, vì ông Lê Hùng Dũng và  ông Phạm Văn Tuấn khi ấy chính là 2 ƯCV sáng giá chạy đua vào vị trí chủ tịch VFF nhiệm kỳ VII.

Hẳn nhiên, trong tư cách của một quân cờ trên bàn cờ, ông Hoàng Anh Tuấn ngửi ra điều này, nhưng là một người giàu lòng tự trọng ông cũng thấy bị tổn thương rất nhiều. Thế nên ngay sau khi những lý lẽ của ông Lê Hùng Dũng xuất hiện trên mặt báo, ông đã chủ động nhắn tin cho phần lớn các thành viên trong thường trực VFF, xin rút lui với lý do "bận việc gia đình"...

Thế rồi đùng một cái, ông tái xuất ở ĐT U.19 Quốc gia, và nói khách quan thì ông đã tạo được những dấu ấn không thể chối cãi ở cái ĐT được thành lập, chuẩn bị vội vàng cho giải U.19 Đông Nam Á năm nay. Nếu 2 năm liên tiếp trước đây, U.19 Việt Nam với nòng cốt là những cầu thủ của Học viện bóng đá Hoàng Anh Gia Lai JMG, là những con người đã "ăn cùng mâm - ngủ cùng giường" trong ròng rã 7 năm, những con người mà như đánh giá của HLV trưởng Guillaume Graechen là: "Có nhắm mắt lại, họ cũng hiểu đồng đội của mình đang di chuyển ở đâu, và phải nhận bóng như thế nào" thì ĐT U.19 năm nay lại là tập hợp những cầu thủ được tuyển chọn từ giải U.19 quốc gia, và chỉ có trên dưới một tháng hội quân trước khi đem chuông đi đánh xứ người.

Thế mà 3 trận vòng bảng và trận bán kết, cái chuông ấy đã đánh lên những âm thanh đầy ấn tượng. Sau trận bán kết thắng U.19 Lào 4-0, U.19 Việt Nam ghi cả thảy 14 bàn thắng, không để lọt lưới bàn nào. Tất cả những ai theo sát hành trình ĐT không thể không thừa nhận đấy là một đội bóng chơi với tư tưởng thực dụng, hiệu quả và đầy sức chiến đấu - đúng theo phong cách Hoàng Anh Tuấn.

Tiếc là ở nhịp cuối cùng với U.19 Thái Lan thì đội bóng lại vỡ, và nếu bảo cái vỡ ấy đến một phần từ HLV Hoàng Anh Tuấn cũng được (vì dẫu sao ông cũng là người cầm quân, người chịu trách nhiệm tối cao về mặt chuyên môn), mà bảo nó đến từ sự chênh lệch đẳng cấp quá lớn giữa bóng đá Việt Nam với bóng đá Thái Lan cũng không sai.

Cần nhắc lại, lứa U.19 của Công Phượng, Xuân Trường, Tuấn Anh... hai năm trước toàn thắng trước U.19 Thái, nhưng lứa U.19 của Công Phượng là một điểm sáng hiếm hoi loé lên trong lịch sử nền bóng đá, và không tựa vào chỉ một điểm sáng để nuôi hy vọng.

HLV Hoàng Anh Tuấn.

HLV Hoàng Anh Tuấn đã thua trong nhịp cuối cùng của một hành trình. Cái nhịp mà chính ông lúc đầu cũng nghĩ là có thể vượt qua nhưng bóng càng lăn, hai bên càng thi thố thì ông càng "ngộ" ra nó là một cái nhịp mênh mông với mình. Chắc chắn là ông sẽ buồn với cái nhịp cuối mênh mông không ngờ ấy, nhưng nếu tất cả chỉ dừng lại ở vai trò, trách nhiệm và cảm xúc của một ông thầy, mà không có những rút tỉa ở tầm vĩ mô thì chắc chắn khoảng cách ấy còn mênh mông hơn nữa.

Nhịp cuối lỡ làng của HLV Hoàng Anh Tuấn là điều mà các quan chức VFF, đặc biệt là PCT chuyên môn Trần Quốc Tuấn và chủ tịch Lê Hùng Dũng cần phải nhìn nhận, mổ xẻ nhiều chiều.

Tiến vào giải đấu châu lục

Sau giải U.19 Đông Nam Á, HLV Hoàng Anh Tuấn sẽ dẫn dắt ĐT U.19 Việt Nam dự vòng loại giải U.19 châu Á tại Myanmar từ ngày 28 tháng 9 đến ngày 6 tháng 10. Ngoài đội chủ nhà, đối thủ của Việt Nam tại vòng loại còn có Hồng Kông, Brunei, Timor Leste. Mục tiêu VFF giao cho thầy trò ông Hoàng Anh Tuấn là phải cố gắng đứng đầu bảng hoặc trở thành một trong 5 đội nhì bảng có thành tích xuất sắc nhất vòng loại để tham dự VCK U.19 châu Á vào năm sau. Đây là một mục tiêu khả thi bởi trong khi Hồng Kông, Brunei khá yếu thì cả Myanmar lẫn Timor Leste đều là bại tướng của Việt Nam ở giải U.19 Đông Nam Á vừa qua. 

No dồn đói góp

U-19 Thái Lan đều là những cầu thủ đang khoác áo CLB đá Thai-League. Chẳng hạn, vua phá lưới Worachit đang khoác áo đội 1 của CLB Chonburi. Chân sút Anon ghi cú đúp vào lưới U-19 Việt Nam ở trận chung kết đêm 4-9 đang khoác áo CLB mạnh Buriram, hay Ritthidet đang đá cho Phan Thong. Cầu thủ số 10 chơi nổi bật là Sasern đang khoác áo CLB BEC Tero là đồng đội của "Messi Thái" - Channatip. Adisak đang khoác áo Osotspa, thủ môn Chakhon đến từ Chonburi… Còn lại nhiều cầu thủ khác đến từ học viện của các CLB.

Chỉ cần những cầu thủ U-19 Thái Lan này nằm trong danh sách dự bị trong đội 1 nhưng sinh hoạt, tập luyện và ra sân "ghép" bên cạnh những đàn anh thì họ sẽ nhanh chóng tiến bộ.

Ngược lại, U-19 Việt Nam tham dự giải này, nòng cốt là lứa PVF vô địch U-19 quốc gia (tám cầu thủ) nhưng PVF chẳng có đội đá V-League. Ngay cả tiền đạo Đức Chinh có "chân tiền" rất hay mà khi chạm mặt cầu thủ Thái Lan thì mất hút.

Những khác biệt về cách thức đào tạo và thi đấu cầu thủ trẻ của hai nền bóng đá dẫn đến một kết quả đáng buồn cho thầy trò Hoàng Anh Tuấn.

Tấn Phước (báo Pháp Luật TP HCM)

Đuổi theo Thái Lan bằng cách nào?

Chúng ta lâu nay vẫn tự phong mình là nền bóng đá có những cầu thủ thiên về kỹ thuật, nhưng dường như đã có sự nhầm lẫn giữa khéo léo với kỹ thuật chuẩn mực của bóng đá đỉnh cao 11 người. Kỹ thuật của các cầu thủ Thái Lan được đo trên thang bậc của khả năng xử lý bóng bước một sao cho họ có thể xử lý tình huống tiếp theo nhanh nhất, hợp lý nhất; kỹ thuật kết hợp với tư duy sao cho nó phục vụ được ý đồ chiến thuật. Kỹ thuật của các cầu thủ Thái còn là khi cần sút xa thì nó không giống một đường chuyền bóng. Chúng ta dường như có thừa các cầu thủ được coi là "dị", còn Thái Lan thì không bao giờ thiếu các cầu thủ chơi đơn giản mà hiệu quả, không cần chăm chăm làm nên một pha bóng mang nặng tính biểu diễn mà làm sao để đạt được mục đích chung.

Phạm Tấn (báo Thể thao & Văn hoá) 

Đừng bao giờ trách các em

Bệnh hình thức khiến con người ta dễ dàng hài lòng với những hào nhoáng bề ngoài. Năm ngoái, đội U.19 đá tưng bừng, lãnh đạo chém gió tưng bừng nào là sẽ vô địch SEA Games năm 2017, nào là lên tầm châu lục, "đủ tuổi" lọt vào World Cup. Những lời nói có cánh ấy ru ngủ chính những nhà hoạch định bóng đá. Không thực chất và đúng bản chất của vấn đề.

Hai đội U.19 thực chất là được nuôi theo kiểu "gà nòi" chứ không phải là sản phẩm của một thứ công nghệ đào tạo bóng đá. Đã có những chuyên gia cảnh báo rằng chúng ta cần phải có 1.000 lò đào tạo như HA.GL, PVF thì may ra mới có một vài chục cầu thủ như Công Phượng.

U.19 Việt Nam thua và nhận sự chỉ trích. Không nên bắt các em chịu trách nhiệm hay đòi hỏi những điều quá lớn lao như "dân tộc, quốc gia", bởi đó chỉ là biểu hiện của căn bệnh sính hình thức. Bóng đá suy cho cùng chỉ là cuộc chơi và nếu có thất bại thì lại là câu chuyện của người lớn.

Chứ không phải ngồi rình rồi tính chuyện tranh công.

Song An (báo Thể thao 24h)

Diệp Xưa
.
.
.