Vòng 2 Premier League

Nhờ Tottenham, Abramovich mới mua được… Chelsea

Thứ Sáu, 18/08/2017, 15:21
Sau vòng đấu đầu tiên giàu cảm xúc, Ngoại hạng Anh sẽ lại bắt đầu guồng quay quen thuộc vào cuối tuần này. Ngay ở vòng thứ 2, NHM sẽ có dịp chứng kiến một trận đấu giữa hai đội thuộc nhóm tốp 6: Tottenham gặp Chelsea, đương kim á quân chạm trán đương kim vô địch.


Sự trỗi dậy mạnh mẽ của Tottenham trong ba năm gần đây đã góp phần định hình ra khái niệm “Big 6” – một định nghĩa mở rộng của những CLB hàng đầu nước Anh. Năm ngoái, Tottenham là đội bóng duy nhất có thể cản bước tiến của Chelsea. Họ đã chấm dứt chuỗi 13 chiến thắng liên tiếp của thầy trò Conte và kiên quyết theo đuổi tới tận những vòng đấu cuối cùng.

Việc Tottenham không mua sắm quá mạnh mẽ nhưng lại xây dựng được một đội hình giàu chiều sâu trên nền tảng tài năng trẻ càng khiến những kết quả họ giành được đáng chú ý hơn. Phương pháp quản quân khoa học của Pochettino và chủ trương “không thỏa hiệp” của ban lãnh đạo CLB trước vấn nạn “kiêu binh” là hai yếu tố quyết định tới thành công bền vững của Tottenham.
Tottenham – Chelsea, trận cầu tâm điểm vòng 2 Ngoại hạng Anh.

Trong mùa hè 2017, Tottenham đã bán Kyle Walker cho Man City. Họ cũng chuẩn bị đẩy đi Danny Rose – người đã có những phát biểu chỉ trích Tottenham là CLB thiếu tham vọng. Như vậy, Tottenham coi như đã mất nguyên hai cánh. Nhưng Pochettino đã có sự chuẩn bị từ trước, với cặp Trippier – Davies được đưa vào thử nghiệm từ nửa cuối mùa giải trước.

Bây giờ, Tottenham và Chelsea đã ở cùng một đẳng cấp, dù số tiền các ông chủ bỏ vào hai đội bóng là không thể so sánh. Nhưng có một chi tiết thú vị là 14 năm trước, khi Abramovich hỏi mua Chelsea (để rồi sau đó, một đế chế bóng đá châu Âu mới ra đời), tỷ phú người Nga đã tìm tới Daniel Levy – chủ sở hữu Tottenham. Nói đúng hơn, ban đầu, Abramovich muốn thâu tóm… Tottenham.

Vào tháng 04/2003, Abramovich bay tới Manchester. Ông dự khán Old Trafford theo dõi trận tứ kết lượt về UEFA Champions League năm đó giữa M.U và Real Madrid.

Chuyến thăm đó không đơn thuần là thỏa mãn tình yêu bóng đá. Abramovich, thông qua tay cò môi giới khét tiếng Pini Zahavi người Israel, tới gặp Peter Kenyon – bấy giờ là Tổng Giám đốc điều hành M.U. Abramovich muốn mượn một đội bóng Anh làm bình phong giúp ông ta có thể tị nạn chính trị vô thời hạn trước cuộc truy đuổi giới oligarch (những kẻ giàu lên nhanh chóng nhờ quá trình tư hữu hóa tài sản sau sự sụp đổ của Liên Xô) của điện Kremlin. Nói cách khác, Abramovich sẽ mua một CLB bóng đá chuyên nghiệp để đổi lại tấm giấy nhập cảnh vào Anh.

Daniel Levy, chủ sở hữu tập đoàn đầu tư thể thao đình đám ENIC, là người Abramovich muốn tìm xin tư vấn. Levy sở hữu 29,9% cổ phần ở Tottenham và có rất nhiều kinh nghiệm trong thương mại thể thao. Abramovich thì muốn mọi chuyện diễn ra trơn tru và đúng tiến độ nên rất cần một bậc cao nhân trong ngành giới thiệu. Và thực ra, trong thâm tâm Abramovich, mua Tottenham với nền tảng quản lý cơ bản vẫn là lựa chọn an toàn hơn.

Telegraph cho hay, mượn tay Zahavi, Abramovich đã liên lạc với Levy – người đang tận hưởng tuần trăng mật. Điện thoại reo, Levy nhấc máy. Và câu đầu tiên ông ta được hỏi từ Zahavi là: “Tôi muốn hỏi xem có thể mua được Tottenham”.

Levy quá hiểu lai lịch của Zahavi. Một kẻ kiếm sống bằng nghề buôn nước bọt không thể gom tiền trong ngày một ngày hai rồi đi liên hệ giao dịch như những ngân hàng có nhu cầu rót vốn đầu tư được”.

Từ chối khéo là lựa chọn của Levy, vì ông vừa không muốn làm mọi việc trở nên căng thẳng nhưng cũng không muốn dây dưa với một người hành tung bí ẩn như Zahavi. 50 triệu bảng là cái giá Levy đưa ra để Zahavi tự động rút lui.

Giá trị của Tottenham lúc đấy khoảng 150 triệu bảng. Số cổ phiếu Levy nắm giữ có giá thực tế khoảng 20 triệu bảng do một cổ phiếu tại sàn giao dịch chứng khoán London có giá trị tương đương 18 điểm.
Abramovich từng tìm đến Levy để hỏi mua Tottenham cách đây 14 năm nhưng bị từ chối nên quay sang thâu tóm Chelsea.

Biết tin, Abramovich lập tức từ bỏ ý định mua Tottenham. Ông chuyển hướng sang Chelsea, tốn 60 triệu bảng hoàn tất giao dịch và thêm 150 triệu bảng trả nợ cho The Blues. Dù đắt hơn con số Levy đưa ra 10 triệu, nhưng Abramovich nhận lại một SVĐ có quy mô lớn hơn và 2 khách sạn thuộc tài sản cố định của CLB.

Một lý do khác tác động tới Levy khi chào giá 50 triệu bảng (ngoài chủ đích cắt liên lạc với Zahavi) là thỏa thuận trong việc đưa ENIC thành sở hữu tư nhân vào tháng 3/2003. Cụ thể, trong vòng hai năm tới, nếu Tottenham được bán lại với mức giá cao hơn định giá thị trường ở thời điểm nói, các cổ đông từng góp vốn vào ENIC sẽ nhận về cổ tức cao hơn lúc cổ phần hóa.

Mặt khác, cứ cho rằng Levy bật đèn xanh thì Abramovich vẫn sẽ phải bước vào một vòng đàm phán đầy thử thách khác mang tên Alan Sugar – nguyên chủ tịch Tottenham, nắm giữ 13,2% cổ phần. Chắc chắn, Sugar sẽ mặc cả để có thể đóng gói sản phẩm ở biên độ lợi nhuận cao nhất. Chelsea – với đống nợ tồn động – do đó là lựa chọn dễ dàng hơn nhiều.

Câu chuyện với Abramovich chưa từng được Levy mang ra các cuộc họp cổ đông. Bởi dù sao, Abramovich đã không hề đàm phán thẳng thắn và đàng hoàng. Với một người tốt nghiệp lại ưu cùng tấm bằng danh dự ĐH Cambridge như Levy, đó không phải kiểu giao dịch đáng coi trọng.

Cũng cần nói thêm tới bối cảnh năm ấy. Levy đã phải rất vất vả mới có thể ngồi vào ghế chủ tịch hội đồng quản tri Tottenham. Từ mùa thu 1998, Levy đã tìm tới Sugar và đặt vấn đề. Nhưng Levy đã quên mất Sugar là con cáo già luôn nhạy cảm thời cuộc để chọn thời điểm đàm phán.

Khi cả hai đang bước vào những thủ tục giao dịch cuối cùng, báo chí loan tin Sky Sport đang xúc tiến hỏi mua cổ phần của M.U. Nhiều nguồn tin thân cận của Telegraph tin rằng, chính Sugar đã trả tiền cho các tòa soạn báo đưa tin. Một tin đồn gắn với thương hiệu M.U cũng đồng nghĩa là hệ tham chiếu giá chuyển nhượng sẽ thay đổi. Dựa vào đặc thù đó, Sugar đòi nhiều hơn số tiền ban đầu, khiến kế hoạch thâu tóm của Levy thất bại.
Daniel Levy – chủ tịch Tottenham.

Cho tới mùa hè 2001, Sugar vẫn đòi 1 bảng/1 cổ phiếu. Sau rất nhiều nỗ lực, giá chuyển nhượng giảm xuống còn 0,8 bảng/1 cổ phiếu. Nhưng đó là mức giá bị lạm phát gấp 3 lần so với cùng kỳ ba năm trước. Đấy cũng là khi bong bóng kinh tế nổ, đẩy Levy vào trăm mối lo.

Nhận bàn giao công việc, Levy đã một mình xây dựng kế hoạch xây dựng trung tâm đào tạo bóng đá trẻ mô hình mới. Tuy nhiên, trong suốt một năm đầu tiên, tất cả các đề xuất mà Levy gửi lên Hội đồng quận Epping. Bên cạnh đó, lời hứa của chính quyền cho Levy sử dụng khu đất ở Abridge cũng bị “ngó lơ”. Rốt cuộc. Levy đã chi ra 1,2 triệu bảng để “bôi trơn” các quy trình hành chính, theo tiết lộ của chuyên trang điều tra Spiegel. Ông cũng được cho là đã chi ra 500.000 bảng xin giấy phép cải tạo sân White Hart Lane.

Rất nhiều tiền, công sức và tâm huyết của Levy đã bỏ ra. Ông sẽ không dễ dàng đánh đổi cơ nghiệp đời người cho một giao dịch mờ ám, thiếu minh bạch với Abramovich – một tài phiệt có những mối can hệ chồng chéo và chằng chịt với chính trị.

Bất lợi vì chuyển sân

Trận đấu tâm điểm đầu tiên của mùa giải mới rất có thể sẽ được định đoạt vì yếu tố sân bãi.

Mùa này, Tottenham sẽ rời sân nhà qua Wembley trong lúc sân White Hart Lane đang được xây mới. Nhưng diện tích ở Wembley lớn hơn tương đối so với White Hart Lane, cụ thể bề ngang rộng hơn 1m, bề dọc dài hơn 5m.

Việc phải chơi ở sân bóng có kích thước rộng hơn ảnh hưởng trực tiếp tới kết quả của Tottenham. Từ mùa trước, đội đã sử dụng Wembley làm sân nhà tại UEFA Champions League. Sau 10 trận đã chơi tại SVĐ quốc gia, Tottenham thua tới 6.

White Hart Lane chính là sân bóng có kích thước nhỏ nhất ở Premier League trong nhiều năm qua (100m x 67m). Họ là một trong 6 đội có sân thi đấu dưới tiêu chuẩn kích cỡ của Premier League (105m x 68m). Năm CLB còn lại là Everton (110,48m x 68m), Chelsea (103m x 67,5m), Huddersfield (106m x 66,9m), Crystal Palace và Liverpool (cùng kích cỡ 101m x 68m) với cùng lý do “giới hạn địa chất”.

HLV Pochettino đã nói, Tottenham cần phải thích ứng với cuộc chơi. Họ gặp vấn đề rất lớn trên các sân bóng có diện tích lớn hơn White Hart Lane. 50% số bàn thua Tottenham phải nhận mùa trước tới từ những lần thi đấu trên mặt sân tiêu chuẩn. Tại White Hart Lane, họ chỉ chịu 6,9 pha dứt điểm mỗi trận nhưng chuyển tới địa điểm khác, con số này tăng lên 10,3.

Sau thất bại trước Monaco tại Wembley mùa trước, Pochettino thừa nhận không chơi ở White Hart Lane là một bất lợi. “Chúng tôi không cảm nhận được bầu không khí quen thuộc ở Wembley”, Pochettino trả lời Sky Sports.

Đây sẽ là bài toán buộc chiến lược gia người Argentina phải tìm ra cách khắc phục, bởi Tottenham sẽ phải chơi 19 trận ở Premier League tại sân khấu mà họ không ưa thích chút nào.

Nhưng nếu nhìn nhận tích cực, sau khi White Hart Lane sửa chữa xong, Tottenham sẽ gắn bó trọn đời với sân bóng ấy, nhưng là ở kích cỡ tiêu chuẩn. Việc xây dựng sân bóng mới đi kèm với điều kiện tăng diện tích sân theo đề nghị của tiểu ban giám định Premier League. 9 tháng làm quen ở Wembley sẽ là cữ tập dượt cần thiết cho đội bóng Bắc London.

Đơn Ca
.
.
.