Những "Người thợ lò" ở tuyển bóng đá

Thứ Ba, 02/07/2013, 15:44

Ở cả đội tuyển U23 nam và tuyển nữ hiện nay đều có những cầu thủ người Quảng Ninh tài năng mang trong mình phẩm chất cần mẫn, máu lửa giống như những người thợ lò đất mỏ luôn nhiệt huyết, tận tâm lao động, để mang về những "tài nguyên" quý giá. Họ chính là những người đang tìm lại truyền thống và thời hoàng kim của bóng đá vùng Than.

Thành công chậm chạp nhưng chắc chắn của bóng đá Quảng Ninh cũng nhắc nhở rất nhiều người rằng, khi người ta vẫn biết chăm bón cho phần gốc rễ của bóng đá là con người thì ngày được hưởng trái ngọt chắc chắn sẽ đến.

Tài nguyên mới

Bàn thắng mở hàng của U23 Việt Nam trong đợt tập trung đầu tiên dưới triều đại HLV Hoàng Văn Phúc là một bàn thắng đẳng cấp. Người tạo ra cú sút phạt siêu đẳng ấy là một tiền vệ quê Quảng Ninh - Vũ Minh Tuấn. Cũng như Tuấn, nhiều cầu thủ Quảng Ninh khác chưa phải ngôi sao, chưa có nhiều kinh nghiệm, thậm chí ngay cả việc đang chơi cho một CLB hạng Nhất chứ không phải V-League, cũng bị coi là bất lợi của "quân Quảng Ninh". Thế nhưng, "quân Quảng Ninh" giờ qua mặt cả "quân Hà Nội", "quân TP.HCM" và chỉ thua có "quân Sông Lam Nghệ An" về số lượng.

Tuyển U23 QG dưới thời HLV Hoàng Văn Phúc có 4 cầu thủ Quảng Ninh được triệu tập. Với một đội bóng hạng Nhất nhưng đóng góp cho tuyển chỉ thua đội dẫn đầu V-League rõ ràng là một hiện tượng. Dù vậy, những cầu thủ vùng mỏ như Huỳnh Tuấn Linh, Nguyễn Tiến Duy, Nguyễn Hải Huy, Vũ Minh Tuấn thì không còn là hiện tượng. Họ đã quá trình được rèn luyện ở các đội trẻ và việc được chọn vào bộ khung đầu tiên chuẩn bị cho SEA Games là một phần thưởng xứng đáng. Những "cánh chim lạ" quê Quảng Ninh ở đội tuyển giống như những "vỉa quặng" còn rất nhiều trầm tích tài năng chờ được khai phá.

Khi được hỏi lý do gọi nhiều cầu thủ của đội hạng Nhất Quảng Ninh, HLV trưởng Hoàng Văn Phúc nói: "Tôi đã làm việc với những cầu thủ người Quảng Ninh này từ khi họ là cầu thủ U19, U21 rồi U22. Họ không phải là phát hiện mới mẻ nữa nhưng khi đã ở trong đội U23 tôi vẫn muốn họ chứng tỏ thêm rất nhiều". Tiền vệ Hải Huy được xem là người có kinh nghiệm nhất trong số các gương mặt đất mỏ trên tuyển U23. Cầu thủ sinh năm 1991 tâm sự: "Cơ hội chia đều cho tất cả, riêng tôi không phân biệt cầu thủ quê ở đâu, thi đấu cho CLB nào vì khi đã được gọi lên tuyển chúng tôi đều là đồng đội chung màu cờ sắc áo". Nếu như Hải Huy và Minh Tuấn đã có cơ hội nhất định để chứng tỏ thì thủ thành Tuấn Linh và hậu vệ Tiến Duy được ông Phúc đánh giá là trưởng thành rõ rệt sau chỉ một đợt tập trung. 

Cánh chim đầu đàn tuyển nữ

Tiền vệ Lê Thị Thương của đội tuyển nữ vừa giành vé dự VCK Asian cup 2014 là một cô gái gốc Quảng Ninh. Ở tuyển nữ hiện tại chỉ có ba cầu thủ người Quảng Ninh là Vũ Thị Ngân, Lê Thị Thương và Nguyễn Thị Mai, con số khiêm tốn nếu so với quân số đông đảo của TP.HCM hay Hà Nội. Tuy vậy, tiền vệ Lê Thị Thương lại là cầu thủ quan trọng bậc nhất của HLV Trần Vân Phát.

Không chỉ đơn giản là đội trưởng, một trong những cầu thủ giàu kinh nghiệm nhất của đội nữ, Thương còn là máy quét ở tuyến giữa, là người chị tinh thần trên sân của toàn đội. Năm nay đã bước sang tuổi 28, Lê Thị Thương vẫn miệt mài chạy theo trái bóng với giấc mơ cháy bỏng là thêm một lần đứng trên đỉnh vinh quang cùng đội tuyển nữ.

Lê Thị Thương, đội trưởng tuyển nữ Việt Nam mang phẩm chất cần mẫn, máu lửa đặc trưng của bóng đá Quảng Ninh.

"Tôi chưa dám nghĩ đến giấc mơ World cup. Trước mắt sẽ là SEA Games cuối năm nay và nếu còn đủ phong độ, được tin tưởng tôi muốn tiếp tục cùng đồng đội làm nên một điều gì đó kì diệu ở VCK Asian cup nữ 2014 trên sân nhà"- Thương chia sẻ.

Chịu nhiều thiệt thòi về tình cảm thời thơ ấu, đến với bóng đá, Thương mang theo bản lĩnh kiên cường, sự chịu đựng gian khổ từ chính đời sống để thi đấu và vượt qua chính mình. Hiếm cầu thủ nữ nào có thể lực và phong cách mạnh mẽ như đàn ông giống Thương. Được gọi lên tuyển nữ năm 2005 nhưng mãi đến năm 2009 Thương mới được biết đến nhiều khi vô địch SEA Games và gần đây là vô địch AFF cup 2012. Danh hiệu quả bóng bạc nữ Việt Nam năm 2012 chưa nói lên hết những cống hiến bền bỉ suốt 6-7 năm qua của Thương cho tuyển nữ nhưng Thương là vậy, cô đã quen nhận lại ít hơn những gì đã cho đi.

Sự trở lại của đất mỏ

Thực ra, trong quá khứ Quảng Ninh từng được biết đến là một trong những vùng đất giàu truyền thống bóng đá bậc nhất miền Bắc. HLV Đinh Cao Nghĩa, một cựu cầu thủ của Than Quảng Ninh giờ đang dẫn dắt đội chính bóng quê hương nói: "Hiếm có CLB nào có bề dày lịch sử hơn 50 năm như Quảng Ninh. Đó là tài sản lớn với chúng tôi cũng như bóng đá vùng mỏ". Khi bóng đá Việt Nam chuyển sang giai đoạn chuyên nghiệp, bóng đá Quảng Ninh chật vật trong nhiều mùa giải nhưng không thể thăng hạng. Nhưng suốt những năm các địa phương khác chạy theo mô hình bóng đá doanh nghiệp thì Quảng Ninh âm thầm phát triển bóng đá trẻ, chú trọng đào tạo những mầm non bóng đá sinh ra và lớn lên ở chính vùng than. Ông Nghĩa bảo rằng: "Thứ mà bóng đá Quảng Ninh có thể tự hào nhất lúc này chính là lớp trẻ mà chúng tôi dày công vun trồng những năm qua bắt đầu trưởng thành".

CLB Than Quảng Ninh đang dẫn đầu giải hạng Nhất và có nhiều cơ hội lên chơi V-League mùa sau.

Họ chính là những nhân tố quan trọng giúp Than Quảng Ninh dẫn đầu hạng Nhất và thênh thang cơ hội thăng hạng V-League ở mùa bóng tới. Dù vậy, theo HLV Đinh Cao Nghĩa dù có thăng hạng hay không thăng hạng thì bóng đá Quảng Ninh vẫn kiên trì con đường của mình: "Chúng tôi sẽ cố gắng hết sức để phát hiện những tài năng và vun trồng cho gốc rễ bóng đá tỉnh nhà".

Hiếm có địa phương nào lại phát triển và duy trì được cùng lúc cả hệ thống bóng đá nam và bóng đá nữ như Quảng Ninh. Sự kiên trì cộng với truyền thống cần cù, vượt khó đang giúp bóng đá Quảng Ninh tìm lại tên tuổi. Câu chuyện của Quảng Ninh có thể sẽ phải khiến những địa phương vốn có truyền thống hơn, nhiều tiềm lực hơn như Hà Nội hay TP.HCM phải giật mình. Sự góp mặt của 4 cầu thủ trên tuyển U23, bóng đá nam và nữ phát triển hài hoà, song hành chưa nói hết giá trị của chính sách đầu tư cho con người trước khi nghĩ đến thành tích của bóng đá Quảng Ninh. Về lâu dài, bóng đá Quảng Ninh sẽ không phải tốn tiền mua cầu thủ khi thăng hạng. Nguồn cung cầu thủ của họ lúc nào cũng có sẵn nên Quảng Ninh cũng được biết đến là một trong những đội ít dùng ngoại binh nhất ở hạng Nhất.

HLV Đinh Cao Nghĩa bảo rằng, ở Quảng Ninh cầu thủ không được trả những khoản lương khủng vài chục triệu mỗi tháng. Lương của cầu thủ "Than" chỉ ở mức 10-15 triệu đồng nhưng sự yên tâm và gắn bó với đội bóng lại rất khăng khít. Thế nên, rất nhiều CLB ở V-League muốn "vợt" cầu thủ của Quảng Ninh mà không được. Lý do chủ yếu là vì rất nhiều người được đảm bảo cả tương lai sau khi giải nghệ với những công việc trong các công ty của Tập đoàn Than-Khoáng sản. Than và bóng đá là hai thứ không thể tách rời ở đây. Có lẽ chính điều đó khiến bóng đá Quảng Ninh không phát triển nóng rồi "tắt lịm" mà lúc nào cũng giữ được lửa qua nhiều giai đoạn.

Tiếp lửa truyền thống

Than Quảng Ninh là một trong những CLB có hệ thống đào tạo trẻ tốt nhất cả nước với 5 tuyến trẻ phát triển đều. Nếu như các địa phương khác chỉ giành được khoảng 20% tổng số tiền đầu tư cho bóng đá để đào tạo trẻ thì Quảng Ninh giành tới 40% số tiền để chăm sóc các tài năng trẻ. Các cầu thủ chơi bóng cho Than Quảng Ninh đều đa phần là người gốc Quảng Ninh và trưởng thành chính từ lò đào tạo của CLB. Tuyển thủ U23 Vũ Minh Tuấn có cha cũng từng là cầu thủ của Than Quảng Ninh những năm 1970. Tuấn tâm sự: "Truyền thống bóng đá vùng mỏ có ảnh hưởng đến mỗi gia đình. Với những người được sinh ra trong một gia đình chơi bóng như tôi thì truyền thống ấy càng có một sức mạnh truyền lửa ghê gớm". Rất nhiều trung tâm bóng đá có truyền thống như Thanh Hoá hay Hải Phòng hay thậm chí là Hà Nội nơi có những CLB chơi ở V-League cứ mỗi dịp đến mùa tuyển quân là các HLV lại tìm đến Quảng Ninh "xem giò" những cầu thủ trẻ của lò đào tạo này. Đó là niềm tự hào mà không phải địa phương nào cũng có được nhưng cũng là lời nhắc nhở Quảng Ninh luôn quan tâm đến cái gốc con người.

Hải Minh
.
.
.