El Clasico: Barcelona – Real Madrid

Những âm mưu sau một trận đấu

Thứ Ba, 31/03/2015, 08:00
Năm 1937, FIFA chấp nhận Liên đoàn Bóng đá Tây Ba Nha (RFEF) dưới chế độ Franco như một sự khẳng định cho quyền lực của chế độ độc tài. Chỉ 1 năm sau, Franco cho ra đời tờ báo thể thao lớn nhất Tây Ban Nha mang tên Marca. Trong số đầu tiên phát hành ngay trước Giáng sinh năm 1938, trang bìa của tạp chí có in hình một cô nàng tóc vàng với kiểu chào Phát xít và dòng tít: "Dành cho tất cả người Tây Ban Nha, dù là nam hay nữ!".

1.Một trong những bài báo đầu tiên được dành viết về Santiago Bernabeu, người đã chạy trốn chế độ cộng hòa sống lưu vong vào năm 1936, sau đó trở lại Tây Ban Nha năm 1937 và gia nhập quân đội Franco tại Irun. Sự kiện quan trọng dẫn đến câu chuyện lịch sử của Real Madrid xảy ra vào tháng 3/1939, khi quân đội của Franco tiến vào chiếm Madird. Sân vận động Chamartin rơi lại vào tay Franco.

Thành phố Madrid trở thành đống tro tàn, đổ nát. Những khán đài của Chamartin vỡ vụn, xám xịt màu khói súng. Chủ tịch câu lạc bộ, Ortega bị bắt giữ cùng 100.000 người khác và bị tra tấn trong trại giam, nơi có tới 35.000 người đã phải chết. Sanchez Guerre cũng bị cầm tù và bị giết chết. Phó chủ tịch câu lạc bộ Valero Rivera cũng bị bắt và sau đó bị ám sát.

Trận El Clasico ngày 23/3 vừa qua (Barca-Real: 2-1).

Tây Ban Nha nằm dưới quyền cai trị của chế độ độc tài Franco và bóng đá trở thành đối tượng của luật lệ Franco. Giải Copa del Rey được đổi tên thành Copa del Generalisimo. Và năm 1941, Franco tập trung thâu tóm toàn bộ tổ chức, định hướng thể thao nội địa, dĩ nhiên là kiểm soát luôn cả Liên đoàn Bóng đá Tây Ban Nha. Chính mối liên hệ với phát xít và những xung đột chính trị với chế độ xã hội chủ nghĩa từ Liên Xô đã khiến Franco quyết định bỏ giải EURO 1960 khi họ phải thi đấu với Liên Xô trên sân khách.

Ở Barcelona, câu lạc bộ này bị quản thúc một cách hà khắc và nghiệt ngã nhất. Ngày 26/1/1939, Franco đưa quân vào thành phố Barcelona. Sự sụp đổ của thành phố có ý nghĩa chính trị rất lớn và chính câu lạc bộ Barcelona trở thành công cụ để Franco dàn xếp quyền tự chủ trong khu vực này. Franco hy vọng sẽ làm bẽ mặt câu lạc bộ và cố gắng để phơi bày rằng tính dân tộc Catalan chỉ là một hệ tư tưởng thảm hại và chống phá Tây Ban Nha.

Cuối năm 1939, theo lệnh của Tướng Moscardo, sân vận động Les Corts trở thành nơi cư ngụ của phát xít, quyền tự chủ và bản sắc xứ Catalonia bị đàn áp. Đến năm 1942, Franco đã đánh dấu quyền lực của mình khi chế ngự cả câu lạc bộ lẫn đội tuyển đại diện của xứ Catalonia. Đỉnh điểm là cuộc biểu dương lực lượng diễu hành ngay tại sân Les Corts với 1.000 con chim bồ câu cùng 24.000 tay sai. Tại đây, một buổi lễ phát xít đã được thực hiện như một dịp để "xua đuổi những linh hồn ác quỷ ly khai của câu lạc bộ".

Ngoài bóng đá, Franco còn điều chỉnh những quan hệ lao động, cấm sử dụng ngôn ngữ Catalonia trong đời sống công cộng, văn học, nghi lễ tôn giáo và hệ thống pháp luật…

Di Stefano, nhân vật quan trọng trong mối quan hệ Barca-Real.

Barcelona bị đổi Chủ tịch khi Franco đích thân cử Marquis de la Mesa de Asta làm Chủ tịch câu lạc bộ. Mặc dù bị đàn áp, vây hãm từ chính phủ Franco, cấm kinh doanh, nhưng Barcelona vẫn thi đấu và điều đáng nói là việc họ đoạt chức vô địch Copa del Generalisimo năm 1942. Tuy nhiên, đó chính là điều Franco muốn. Franco muốn Barcelona vô địch như một phần của chính sách thu phục vùng đất này. Dẫu sao thì sự "hào phóng" của chế độ Franco cũng không đi quá giới hạn. Họ có thể thắng một danh hiệu nhưng không thể thắng cả một đế chế.

2.Trận bán kết Copa del Generalisimo năm 1943, Barca gặp Real Madrid. Trận đấu lượt đi diễn ra trên sân Les Corts và chủ nhà Barca thắng 3-0, trong khi đám đông đã la ó, huýt sáo và chửi bới họ trong trận đấu tại Madrid. Trong bài viết về trận đấu này của cựu thủ môn Real Madrid, Eduardo Teus, sau đó là phóng viên của tờ báo hàng ngày Ya!, đã viết rằng, đó là sự ô nhục quốc thể. Các cổ động viên Real đã được phát còi miễn phí ở trận lượt về.

Angel Mur, nhân viên vật lý trị liệu của Barcelona nhớ lại: "Đêm trước trận đấu, chúng tôi phải thay đổi khách sạn và sau đó không ai dám ra khỏi phòng bởi tất cả đều biết chắc rằng, nếu bước ra khỏi cửa sẽ bị hành hình ngay lập tức. Trong suốt cả trận đấu, thủ môn của chúng tôi như hóa đá trước sự tấn công từ khán đài. Chúng tôi không thể thi đấu mà chỉ có thể đứng đó hứng chịu cơn cuồng nộ từ khắp các cổ động viên và từ các cầu thủ Real Madrid".

Tuy nhiên, sự kiện chính là diễn ra trong thời gian nghỉ giữa hai hiệp. Các cầu thủ Barca đã nhận được một cuộc viếng thăm bất ngờ trong phòng thay đồ, đó là nhân vật nổi tiếng hung hãn, Bộ trưởng An ninh, Jose Escriva de Romani. Ông đã có cuộc nói chuyện cực kỳ ý nhị với lời đề nghị rằng: muốn có một trận đấu sạch sẽ và an toàn nhất. Kết quả, Barca thất bại trước Real Madrid với tỷ số 1-11.

Sự bất công quá đáng đó đã tạo nên làn sóng phản đối dữ dội. Báo chí trung lập và một bộ phận ngôn luận khác đã liên tục lên án trận đấu. Chế độ không cho phép sự hỗn loạn xã hội nặng nề như vậy mà không thể kiểm soát nổi. Kết cục là cả hai câu lạc bộ cùng nhận hình phạt kỳ lạ phải thi đấu hàng loạt trận trong mùa đông, đồng thời Chủ tịch của cả Real Madrid và Barcelona cùng bị sa thải. Chủ tịch của Barca là một người địa phương, còn Chủ tịch của Real Madrid được chọn chính là nhân vật đã làm thay đổi lịch sử của câu lạc bộ: Santiago Bernabeu (tháng 9/1943).

Công việc đầu tiên Santiago Bernabeu làm khi nắm quyền tại Real Madrid là xây dựng cho đội bóng một sân vận động mới, khi mà Chamartin đã quá cũ kỹ, không sử dụng được nữa. Trong điều kiện kinh tế suy thoái (1944), không có nhiều cơ hội để xin được tiền đầu tư từ chính phủ, thế nhưng Bernabeu đã làm được cái việc không tưởng đó. Sân vận động Chamartin mới được hình thành, mà sau đó được lấy tên của chính ông, sân Santiago Bernabeu nổi tiếng đến ngày nay.

Đỉnh cao thành công của đế chế Franco tại Real Madrid chính là 5 chức vô địch cúp C1 liên tiếp mà Real Madrid nhận được từ năm 1956 đến 1960.

Thành công của Real Madrid được coi như thành công trên chính trường của Franco. Khi đó, Real Madrid càng được lòng Franco khi Chủ tịch Santiago Bernabeu có câu nói nổi tiếng: "Bóng đá đã thực hiện nghĩa vụ với đất nước!".

Trong một xã hội mà về cơ bản luôn chống lại chế độ độc tài, Barcelona trở thành đội bóng của người dân, còn Real Madrid thuộc về một chế độ hoàn toàn khác, đối lập với phần lớn dân chúng.

3.Sau thời gian dài nội chiến, Tây Ban Nha cũng thoát khỏi khói lửa bom đạn. Giai đoạn từ 1948 đến 1953, Barcelona là đội bóng mạnh nhất Tây Ban Nha. Trong thời gian đó, Barcelona đoạt 4 chức vô địch quốc gia, 3 Copa del Generalisimo và 2 cúp Latina. Nhưng thành công đó không thể giúp Barcelona tiến ra đấu trường châu Âu, bởi vào năm 1955, họ bắt đầu bị đánh tuột, thay vào đó là Real Madrid, thế lực thực sự của Tây Ban Nha và của cả châu Âu. Real Madrid được hưởng lợi khá nhiều: được đặc quyền nhập khẩu xe hơi từ nước ngoài cho các cầu thủ, được cất giữ một lượng ngoại tệ và cho phép kiếm lợi nhuận. Ngoài ra họ còn hưởng lợi từ một thứ quyền lực khác.

Vị Chủ tịch huyền thoại của Real Madrid, Santiago Bernabeu (trái).

Ngay từ lúc này, bóng đá Tây Ban Nha đã tiếp nhận học thuyết âm mưu. Real Madrid là nhân vật chính trong trò chơi của học thuyết đó. Họ nhận được sự giúp đỡ từ trọng tài và các nhân vật có thế lực. Cụ thể là sự giúp đỡ ngấm ngầm mà công khai của Franco, với mục tiêu xây dựng một hình tượng mang tính biểu trưng cho chế độ độc tài trên trường quốc tế. Trong thời điểm đó, một nhân vật khác xuất hiện làm thay đổi Real Madrid một lần nữa, đưa đội bóng sang một trang mới. Đó là Alfredo di Stefano.

Thương vụ mua Di Stefano làm hằn lên mối quan hệ vốn đã rất xích mích giữa Real và Barca. Và khi Real nhận được phán quyết có lợi, giành được quyền sở hữu Di Stefano, một kỉ nguyên mới mở ra với CLB này.

Với Di Stefano, Real nhanh chóng độc chiếm vị trí số 1 châu Âu chứ không chỉ là ở Tây Ban Nha, với 5 năm liên tiếp vô địch cúp C1 (từ 1955 đến 1960). Và đây cũng chính là một trong những nguyên nhân khiến El Clasico trở thành trận đấu khốc liệt nhất thế giới, với đầy đủ những mâu thuẫn, những âm mưu chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, và cả mối quan hệ sở hữu.

Tại sao Di Stefano thuộc về Real Madrid?

Năm 1953, cả Barcelona và Real Madrid cùng nhảy vào cuộc đua tranh tìm kiếm sự phục vụ của Di Stefano từ CLB Club Deportivo Los Millonarios (Bogota). Họ cùng tuyên bố quyền sở hữu Di Stefano khi khẳng định đã có hợp đồng. Cuộc tranh giành quyết liệt đến mức, đại diện FIFA đã phải vào cuộc phân tranh. Munoz Calero, một giáo sư, tiến sĩ y khoa, một nhân vật đình đám và nổi tiếng trong lịch sử bóng đá Tây Ban Nha (nắm giữ chức Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Tây Ban Nha từ 1947 đến 1950) được cử đến giải quyết như đại diện của FIFA. Munoz Calero là một cựu chiến binh từng tham gia Thế chiến 2 và là người tích cực hoạt động chính trị trong chính phủ Franco.

Munoz Caleron đã đưa ra quyết định rằng Barcelona và Real Madrid sẽ chia sẻ quyền sở hữu Di Stefano. Tuy nhiên, chỉ vài giờ sau khi đưa ra phán quyết, Munoz Caleron đã phải tiếp một vị khách. Đó chính là Franco. Trong cuộc gặp gỡ kéo dài 2 giờ đồng hồ, nội dung chính chỉ xoay quanh câu chuyện về Di Stefano. Ngày hôm sau, Munoz Caleron đã quay ngược phán quyết của mình khi tuyên bố Di Stefano sẽ thuộc quyền sở hữu của riêng Real Madrid. Lý do được đưa ra vô cùng kỳ lạ: Barcelona đã tự nguyện xin rút khỏi cuộc đua. Phía Real Madrid đương nhiên rất chờ đợi kết cục này.

Phán quyết ấy đã làm thay đổi hoàn toàn bộ mặt của Real Madrid, dẫn họ đi vào một kỷ nguyên thành công rực rỡ, bao trùm quyền lực lên nền bóng đá Tây Ban Nha và cả châu Âu. Và chính vinh quang của Real Madrid có được cùng Di Stefano là bệ phóng cho quyền lực và chế độ của Franco.

Lê Giang
.
.
.