Đêm nhạc kỷ niệm 72 năm Cách mạng tháng Tám thành công và Quốc khánh 2-9 do Báo CAND phối hợp tổ chức:

Những âm vang còn mãi

Thứ Ba, 15/08/2017, 10:26
Hòa chung vào không khí cả nước kỷ niệm 72 năm ngày Cách mạng Tháng Tám thành công và Quốc khánh 2-9; 72 năm ngày truyền thống của lực lượng CAND, Báo CAND phối hợp với Truyền hình CAND và các đơn vị chức năng tổ chức đêm nhạc “Âm vang chiến công” nhằm ôn lại lịch sử hào hùng của ông cha và tôn vinh những chiến công, sự hy sinh thầm lặng của các chiến sĩ Công an.


Chia sẻ về chương trình nghệ thuật “Âm vang chiến công”, Thiếu tướng Phạm Văn Miên, Tổng Biên tập Báo CAND cho biết: “Chương trình là một trong những hoạt động thiết thực của Báo CAND nhằm tri ân, bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc với các anh hùng liệt sĩ, người có công với đất nước, đặc biệt là các thế hệ cán bộ chiến sĩ Công an trong các thời kỳ. Nội dung chương trình ca ngợi chiến thắng vĩ đại của toàn dân tộc trong cuộc Cách mạng Tháng Tám gắn liền với công lao to lớn của Đảng, của Bác Hồ và toàn dân tộc, trong đó có đóng góp to lớn và hết sức quan trọng của lực lượng CAND”.

Theo Thiếu tướng Phạm Văn Miên cho biết, cùng với những ca khúc cách mạng được các nghệ sĩ chuyển tải trong chương trình, cán bộ chiến sĩ và đông đảo khán giả trên cả nước có dịp ôn lại truyền thống 72 năm xây dựng và trưởng thành của lực lượng CAND.

Nhiều tiết mục được chọn lọc biểu diễn sẽ góp phần tôn vinh hình ảnh người chiến sĩ Công an dũng cảm, mưu trí, hết lòng tận tụy vì cuộc sống bình yên và hạnh phúc của nhân dân. Phẩm chất cách mạng và truyền thống vẻ vang của CAND, phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, góp phần xây dựng lực lượng CAND trong sạch, vững mạnh sẽ được chuyển tải sinh động, giàu cảm xúc và chân thực nhất đến công chúng…

Chương trình nghệ thuật “Âm vang chiến công” gồm 2 phần, đưa chúng ta trở về với những trang lịch sử của ông cha trong hành trình xây dựng và bảo vệ tổ quốc.

Phần 1 với chủ đề “Đất nước tình yêu” với những bài hát mang âm hưởng sâu lắng, da diết, tái hiện lại vẻ đẹp thanh bình của quê hương đất nước sau những năm tháng chiến tranh gian khổ, để thấy được ý nghĩa lớn lao, sự hi sinh của nhiều thế hệ để đem đến cuộc sống tươi đẹp như ngày hôm nay.

Sân khấu của đêm nhạc “Âm vang chiến công”.

Khán giả sẽ được thưởng thức những ca khúc như: “Thời hoa đỏ” của nhạc sĩ Nguyễn Đình Bảng (phổ thơ Thanh Tùng); “Đừng ví em là biển” của nhạc sĩ Trần Thanh Tùng; Khán giả sẽ được lắng nghe những bài ca lao động đầy tinh thần lạc quan như “Những ánh sao đêm” của nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu, “Tình ca Tây Bắc” của nhạc sĩ Bùi Đức Hạnh và “Nơi đảo xa” của nhạc sĩ Thế Song.

Và một phần không thể thiếu khi chúng ta nhìn lại lịch sử hào hùng của dân tộc, đó là hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bác Hồ đã trở thành nguồn cảm hứng cho rất nhiều nhạc sĩ và những bài hát về Người luôn khiến ta xúc động. “Lời ca dâng Bác”, “Thành phố mang tên Bác” do hai giọng ca Tân Nhàn và Đăng Dương thể hiện.

Phần hai của chương trình có tên gọi “Thành Đồng Tổ quốc”, dựng lên những hình tượng người chiến sĩ đã đi vào lịch sử, trở thành những biểu tượng của anh hùng, của ý chí không khuất phục trước kẻ thù. Những hình tượng ấy đã viết lên những trang sử hào hùng của dân tộc. “Anh đi bà con nhớ, anh ở bà con thương” - Những câu hát giản dị nhưng đã nói lên được vẻ đẹp của họ, những người đã mãi mãi nằm xuống cho bình yên của Tổ quốc. Với “Người chiến sĩ ấy”, nhạc sĩ Hoàng Vân đã khắc họa họ như một tượng đài nghệ thuật. Và trong sự đóng góp của rất nhiều lực lượng thì lực lượng Công an cũng đã góp một phần không nhỏ trong cuộc cuộc bảo vệ và xây dựng đất nước.

Từ lâu, hình tượng người chiến sĩ Công an đã trở thành một đề tài của văn học nghệ thuật. Ở đó, ta sẽ bắt gặp một góc nhìn khác về họ, gần gụi, nhân văn hơn. Và trong hành trình 72 năm xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, lực lượng Công an đã đóng một vai trò to lớn và quan trọng. Ta sẽ bắt gặp những vẻ đẹp anh hùng nhưng cũng “rất đời” ấy trong những bài hát đã trở thành truyền thống của lực lượng Công an như “Từ một ngã tư đường phố”, “Giữ trọn lời thề”...

Và chương trình khép lại với những giai điệu đẹp của bài ca "Tổ quốc gọi tên mình" của nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn, phổ thơ  Nguyễn Phan Quế Mai. “Âm vang chiến công” sẽ còn lại mãi trong các thế hệ, như một lời nhắc nhở chúng ta nhớ về nguồn cội, về những hy sinh thầm lặng của những người đi trước để chúng ta có cuộc sống bình yên hôm nay.

Ôn lại quá khứ hào hùng của ông cha, chúng ta cũng không lãng quên hiện tại. Chương trình “Âm vang chiến công” dành một khoảng lặng để tri ân những cán bộ Công an lão thành và cán bộ Công an các tỉnh biên giới có nhiều đóng góp trong việc xây dựng lực lượng CAND, đấu tranh phòng chống tội phạm và tích cực tham gia phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc cùng một số CBCS có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

Chương trình “Âm vang  chiến công” có thời lượng 90 phút, do NSƯT Quốc Hưng đạo diễn, với sự tham gia diễn xuất của rất nhiều nghệ sĩ nổi tiếng: NSƯT Quốc Hưng, NSƯT Đăng Dương, các ca sĩ Trọng Tấn, Tân Nhàn, Quán quân Sao Mai năm 2015 – ca sĩ Thu Hằng, giải nhì Sao Mai năm 2009 – ca sĩ Trần Hồng Nhung, ca sĩ Lan Anh, dàn hợp xướng Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, một số nghệ sĩ đến từ Trường Múa Việt Nam... Các tiết mục của chương trình được dàn dựng kỹ lưỡng, đảm bảo phần nghe và nhìn cho khán giả.

Các ca sĩ tham gia đêm nhạc.

Đạo diễn chương trình, NSƯT Quốc Hưng chia sẻ: “Đây không phải là lần đầu tiên tôi dàn dựng một chương trình lớn mang tính chất kỷ niệm. Nhưng với “Âm vang chiến công”  tôi vẫn có rất nhiều cảm xúc. Trong những bài hát về truyền thống, về lịch sử, có nhiều bài hát về hình tượng người chiến sĩ Công an rất đẹp, chẳng hạn như bài “Thời hoa đỏ”, tái hiện lại vẻ đẹp một thời, trong đó có hình ảnh người chiến sĩ Công an.

Đây không phải là một chương trình tri ân mang tính “cúng cụ” mà đó thực sự là một chương trình nghệ thuật. Kho tàng những bài hát cách mạng của chúng ta rất nhiều bài hay, sâu sắc, đó là một lợi thế cho người dàn dựng. Tôi muốn khán giả dần dần phá bỏ định kiến đối với những chương trình mang tính chất kỷ niệm, bởi với “Âm vang chiến công”, tách ra khỏi ý nghĩa chính trị, đó là một chương trình nghệ thuật độc lập, quy tụ nhiều ngôi sao tên tuổi của dòng nhạc chính thống này.

Và càng nghe, chúng ta càng hiểu vì sao những bài hát truyền thống vẫn trường tồn qua thời gian. Tôi không chọn nhiều những bản anh hùng ca, ca ngợi trực diện những chiến công mà đi vào khai thác chất trữ tình sâu lắng của những bài hát, những vẻ đẹp ẩn sau trong từng lời ca nhưng vẫn tái hiện được không khí hào sảng của một thời”.

Ca sĩ Lan Anh là người thủy chung với dòng nhạc truyền thống, mặc dù các ca sĩ nổi tiếng thế hệ chị đều đã thay đổi, hát đa dạng nhiều dòng nhạc. Lan Anh là ca sĩ “đinh” trong những đêm nhạc truyền thống. Với “Âm vang chiến công”, chị sẽ hát “Tình ca Tây Bắc” của nhạc sĩ Bùi Đức Hạnh và “Khát vọng” của Phạm Minh Tuấn. Lan Anh nói, chị muốn chuyển tải tình yêu, sự lạc quan đến người nghe, dù hát những bài hát về chiến tranh thì tâm thế của chị, một người con lớn lên trong hòa bình sẽ mang một âm hưởng khác.

Thoạt nghe cái tên “Âm vang chiến công”, khán giả sẽ nhầm tưởng ở đó chỉ là những bản anh hùng ca kể về những chiến công. Nhưng, đó sẽ là một không gian âm nhạc sâu lắng, trữ tình, đi sâu vào khai thác vẻ đẹp tiềm ẩn đằng sau những bản anh hùng ca, vẻ đẹp của đất nước, của những chiến sĩ CAND... Những vẻ đẹp còn lại với thời gian. 

Chương trình “Âm vang chiến công” diễn ra vào 20h ngày 18-8 tại Trung tâm Nghệ thuật Âu Cơ, số 8 Huỳnh Thúc Kháng, Hà Nội, được truyền hình trực tiếp trên Truyền hình CAND. Chương trình có sự đồng hành của các nhà tài trợ: Ngân hàng Thương mại cổ phần Công thương Việt Nam (VietinBank), PetroVietNam Gas, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Đạm Cà Mau, Bia Sài Gòn.

Lan Tường
.
.
.