Những bài ca đi cùng năm tháng

Thứ Bảy, 06/02/2016, 08:00
Từ những năm chiến tranh gian khổ, nhạc sĩ Phạm Tuyên đã viết về người chiến sĩ Cảnh sát giao thông như thế này: "Và trên ngã tư này đây/ Dẫu nắng mưa hay đêm ngày/ Thân thiết dáng hình của người chiến sĩ giữ trật tự an ninh/ Bảo vệ hạnh phúc cho câu ca rộn rã lúc bình minh/ Trái tim ai hòa nhịp cuộc sống trên ngã tư thân yêu" (ca khúc "Từ một ngã tư đường phố")… Những câu hát giản dị với nhịp điệu vui đã vẽ lên hình ảnh người chiến sĩ Cảnh sát giao thông lặng thầm làm việc, giữ sự bình yên cho cuộc sống.


Đằng sau sự vất vả, nhọc nhằn đó là những hình ảnh rất nên thơ. "Từ một ngã tư đường phố" đã trở thành bài hát quen thuộc, nó vượt ra khỏi một bài ngành ca để chạm vào trái tim nhiều người bởi sự giản dị, chân tình đó. Hơn 40 năm nay, bài hát đã trở nên quen thuộc với mỗi người Việt vì được chọn làm nhạc hiệu cho chương trình An toàn giao thông của Đài Tiếng nói Việt Nam. 

Nhạc sĩ Phạm Tuyên nhớ lại những tháng ngày kỷ niệm đó. Ông cùng với một số nhạc sĩ như Cầm Phong, Lưu Cầu cùng công tác ở Đài Tiếng nói Việt Nam được Bộ Nội vụ (khi ấy bao gồm cả lực lượng Công an nhân dân vũ trang, nay là Bộ đội Biên phòng) mời đi thực tế ở nhiều nơi để sáng tác các ca khúc về mặt trận an ninh. Các nhạc sĩ được một anh Đại úy dẫn đi thực tế các đồn biên phòng ở Quân khu 4 như Hà Tĩnh, Quảng Bình rồi lại vòng ra các đơn vị Công an vũ trang ở phía Bắc. Khi ấy, giặc Mỹ đang đánh phá ác liệt ở khu 4 nên các nhạc sĩ rất khâm phục ý chí của các chiến sĩ Công an vũ trang bám trụ địa bàn chiến đấu.

Nhạc sĩ Phạm Tuyên.

Nhạc sĩ Phạm Tuyên kể rằng, lúc đó ông tự nhủ sẽ viết một bài về "Công an xanh", tức là lực lượng Công an vũ trang và một bài về "Công an vàng", tức là lực lượng Cảnh sát. Và bài hát "Từ một ngã tư đường phố" ra đời. Lúc đó nhạc sĩ vừa đi thực tế ở khu 4 ra. 

"Rồi tình cờ một lần đi lên cơ quan, qua một ngã tư tôi thấy có mấy cột đèn, giao thông mới được dựng. Cạnh đấy là anh Cảnh sát giao thông đang đứng chỉ đạo và hướng dẫn người đi đường đi theo tín hiệu đèn giao thông, chịu đựng khói xe, tiếng ồn, chịu đựng cái nắng đổ khiến mồ hôi nhễ nhại. Có lẽ đó là những cột đèn tín hiệu đầu tiên xuất hiện ở Hà Nội, cũng là lần đầu tiên tôi chứng kiến cảnh tượng Cảnh sát giao thông vất vả như thế nào", ông kể. 

Và những nốt nhạc vui tươi, đầy hứng khởi đã đến với ông. Hình ảnh người chiến sĩ Cảnh sát giao thông chỉ xuất hiện rất ngắn ở cuối bài, nhưng đó chính là điều đọng lại. Sự lặng lẽ âm thầm làm việc của họ để giữ sự bình yên cho cuộc sống này. "Về đến Hà Nội, tự nhiên thấy một nhịp sống hoàn toàn khác. Hết sức bình yên và tươi vui. Tôi muốn đem cái bình yên này vào bài hát để làm dịu bớt "sức nóng" nơi trận tuyến".

Ngay từ khi ra đời, "Từ một ngã tư đường phố" đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt liệt của thính giả. Đài Tiếng nói Việt Nam nhận được nhiều thư yêu cầu gửi về nên bài hát được phát liên tục. Nhạc sĩ Phạm Tuyên cũng nhận được nhiều thư chia sẻ của thính giả, trong đó có các em nhỏ ở Hải Phòng, Thái Bình gửi về hỏi: "Bác Phạm Tuyên ơi, cái ngã tư bác viết bài hát ấy là cái ngã tư nào mà đẹp thế, lại có cả đèn xanh, đèn đỏ?".

Trong thư trả lời các em, nhạc sĩ Phạm Tuyên viết: "Đó là ngã tư Cửa Nam, nơi bác thường đi làm qua; là ngã tư Bà Triệu ngay gần cơ quan bác; là bất kỳ một ngã tư nào của Hà Nội… Và ở chỗ các cháu, chắc cũng sắp có các ngã tư có đèn xanh, đèn đỏ như thế đấy!".

Nhạc sĩ Phạm Tuyên luôn coi bài hát "Từ một ngã tư đường phố" như một món quà quý giá trong cuộc đời sáng tác âm nhạc của mình. Ông nói: "Tôi viết với tư cách một người dân "viết về" người chiến sĩ Cảnh sát giao thông chứ không phải "viết cho" họ nên cảm xúc rất chân thực, tự nhiên, dễ thuộc, dễ nhớ, lại sử dụng nhiều quãng 7 nên âm điệu rất tươi vui, phù hợp với tiếng Việt. Tôi viết bài hát cho đủ các ngành, nhưng không phải bài nào cũng vượt qua thời gian như trường hợp của "Từ một ngã tư đường phố" đâu".

Bài hát đã hơn 40 năm, nhưng hàng ngày nó vẫn vang lên, bởi ở đó, có vẻ đẹp thanh bình của một Hà Nội xưa. Ở đó, có cả sự lặng thầm hy sinh của những chiến sĩ Cảnh sát giao thông. Tôi hỏi nhạc sĩ Phạm Tuyên, hình tượng người chiến sĩ Cảnh sát giao thông trong bài hát của ông có khác xa bây giờ nhiều không, khi có những câu chuyện tiêu cực đang diễn ra hàng ngày. Ông cười, có lẽ đó là "con sâu làm rầu nồi canh mà thôi, bởi vẫn còn đó rất nhiều người, hàng ngày âm thầm làm việc, âm thầm hy sinh để giữ bình yên cho cuộc sống".

Nếu "Từ một ngã tư đường phố" nổi tiếng và có độ phủ sóng rộng rãi thì dường như bài "Nơi anh đứng" của nhạc sĩ Đỗ Bằng phổ thơ Hữu Thanh có phần lặng lẽ hơn. Nhưng bài hát giản dị, với những ca từ tình cảm, tha thiết đã mang đến một góc nhìn khác về người chiến sĩ Cảnh sát giao thông. Họ đẹp không chỉ trong mắt người dân mà đẹp cả trong chính trái tim người yêu của mình. "Em không nói da anh màu đen/ Mà em nói da anh nhiều ánh nắng/ Em nào chê áo anh bụi bặm/ Bởi áo anh vương lắm hạt tình đời/ Em nào trách, em nào trách một chiều vui khi em ngóng đợi/ Em nào trách, em nào trách cuộc dạo chơi khi anh hẹn lỡ/ Một ngã tư, mạch máu giao thông đang cần anh đứng đó/ Ở ngã tư, nhịp sống êm trôi, anh ngày đêm thao thức".

Bài hát “Nơi anh đứng” gắn với giọng ca của NSND Tuyết Thanh.

NSND Tuyết Thanh, sau hơn 40 năm, khi nhắc đến bài hát này, vẫn xúc động. Bà hát lại cho tôi nghe. Giọng không còn trong như ngày xưa, nhưng tình cảm vẫn còn tha thiết lắm. Bà kể: "Ngày đó khi "Nơi anh đứng" phát trên Đài Tiếng nói Việt Nam, rất nhiều khán giả yêu cầu được nghe đi nghe lại". Đó cũng chỉ là một bài trong kho tàng 600 bài bà đã hát trong những năm tháng chiến tranh khói lửa ấy, nhưng bà vẫn nhớ, vì đó là một bài ca chân tình về những người chiến sĩ Cảnh sát giao thông. 

"Tôi yêu bài hát này vì nó gợi lên hình ảnh đẹp gần gụi về người chiến sĩ Cảnh sát giao thông. Những chiến công của họ rất thầm lặng, nhưng họ đã góp phần giữ bình yên cho cuộc sống hôm nay. Bài hát không ngợi ca, hô hào mà trữ tình, sâu lắng, thậm chí rất tình". 

Bà kể một kỷ niệm vui. Có lần bà đi qua một ngã tư, xe ôm chở bà đi bị vi phạm lỗi buộc phải dừng lại. Bà đến gần chú Cảnh sát giao thông, nói rằng, tôi chính là người đã hát bài hát ngợi ca các chú đấy. Thế rồi, mấy người lính trẻ yêu cầu bà hát lại bài hát ngày xưa. Lần đó, đứng giữa một góc phố, bà đã hát "Nơi anh đứng" của nhạc sĩ Đỗ Bằng, bài hát không hẳn được nhiều người biết đến. 

Một thời, với giọng hát vàng của nghệ sĩ Tuyết Thanh, bài hát đã trở thành ký ức, thành kỷ niệm của nhiều người. Bác Nguyễn Văn Mùi ở Hà Nội chia sẻ: "Bài hát "Nơi anh đứng" rất hay, ca ngợi những chiến sĩ Cảnh sát giao thông chẳng quản nắng mưa gió bão, đường phố đầy bụi khói gian nan vẫn đảm đương công việc cho cuộc sống trôi theo đúng nhịp. Giọng hát nghệ sĩ Tuyết Thanh đúng thật là mẫu mực. Vẫn biết để đứng chân trong Đoàn Ca nhạc Đài Tiếng nói Việt Nam, giọng nói và giọng hát phải rất chuẩn, âm sắc rõ ràng khúc chiết, giọng phải là giọng Hà Nội mềm mại. Thế nhưng rõ ràng nghe giọng bà vẫn thấy một sự sang trọng, không trùng lặp với bất cứ giọng hát của nữ nghệ sĩ nào".

Những bài hát đã vượt ra khỏi khuôn khổ một bài ngành ca, chạm tới trái tim hàng triệu người, bởi giai điệu gần gụi, bởi những lời ca đẹp mang đến một góc nhìn khác về những người lính mặc áo vàng. Họ đang âm thầm, lặng lẽ gìn giữ bình yên cho cuộc sống hôm nay.

Hạnh Nguyên
.
.
.