Những ca chấn thương tốn tiền tỉ và chuyện bảo hiểm cho cầu thủ

Thứ Năm, 27/06/2019, 14:24
Sau 3 tuần kể từ khi gặp chấn thương, trung vệ Trần Đình Trọng đã lên đường sang Singapore để phẫu thuật. Tuy nhiên trong quá khứ, không phải cầu thủ nào cũng được hỗ trợ đầy đủ, kịp thời như Đình Trọng.

Chi phí tốn kém

Cuối tháng trước, Đình Trọng bất ngờ gặp chấn thương nặng khi đang thi đấu tại V.League. Anh được đưa thẳng đến bệnh viện sau đó để chẩn đoán mức độ nghiêm trọng của chấn thương. Cuối cùng, các bác sĩ kết luận Đình Trọng bị đứt dây chằng chéo trước chân trái, qua đó sẽ phải nghỉ thi đấu ít nhất 6 tháng. Ngoài ra để điều trị dứt điểm, Đình Trọng cần tiến hành phẫu thuật trong thời gian càng sớm càng tốt.

Trước tình hình đó, đội bóng chủ quản của Đình Trọng là CLB Hà Nội đã sớm tiến hành những thủ tục cần thiết để giúp anh sớm trở lại sân cỏ. Họ đặt lịch phẫu thuật tại Singapore, với người thực hiện ca mổ là bác sĩ Tan Jee Lim - chuyên gia hàng đầu châu Á từng điều trị chấn thương đứt dây chằng cho rất nhiều vận động viên. Chỉ trong vòng một tháng kể từ lúc gặp chấn thương, Đình Trọng đã lên bàn mổ và có thể tập hồi phục sớm hơn dự kiến.

Theo ước tính, ca phẫu thuật của Đình Trọng tiêu tốn đến gần 1 tỷ đồng. Riêng khoản phí phẫu thuật cho cầu thủ này đã lên tới 30.000 USD, bên cạnh những chi phí khác phát sinh như tiền vé máy bay sang Singapore, chi phí lưu trú tại khách sạn của Đình Trọng cùng bác sĩ CLB Hà Nội. Ban đầu, số tiền này do đội bóng chủ quản của Đình Trọng chi trả, nhưng khoản kinh phí này sẽ được hỗ trợ một phần nhờ bảo hiểm.

Kể từ V.League 2016, Công ty CP Bóng đá Chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) đã mua gói bảo hiểm cho toàn bộ cầu thủ thi đấu tại V.League, giải Hạng nhất quốc gia và Cúp Quốc gia. 

Việc này nhằm giúp các CLB có điều kiện kịp thời đưa cầu thủ của mình điều trị. Ít ngày sau khi Đình Trọng gặp chấn thương nặng, đại diện từ Bảo hiểm Bưu điện (PTI) đã gửi tiền tạm ứng bồi thường cho Đình Trọng. Ngoài ra, trong mùa giải năm nay, PTI cũng đã chi trả phí điều trị cho một cầu thủ khác là Văn Đức.

Ca phẫu thuật của Đình Trọng tốn gần 1 tỷ đồng.

Câu chuyện buồn của Anh Khoa

Trên thực tế, những cầu thủ như Đình Trọng hay Văn Đức rất may mắn khi được hỗ trợ kinh phí điều trị chấn thương kịp thời. Nguyên nhân khiến VPF mới chỉ tiến hành mua bảo hiểm cho các cầu thủ kể từ 3 năm trước xuất phát từ một bản án gây tranh cãi, với người trong cuộc là 2 cầu thủ: Quế Ngọc Hải và Phạm Anh Khoa. Trong trận đấu giữa SLNA và SHB Đà Nẵng ở V.League 2015, Quế Ngọc Hải đã có một tình huống vào bóng thô bạo khiến Anh Khoa phải rời sân trên cáng.

Giống như Đình Trọng, Anh Khoa cũng bị đứt dây chằng đầu gối và phải sang Singapore điều trị. Tuy nhiên, thay vì được bảo hiểm và CLB chi trả, Anh Khoa và bố lại phải ngồi nhà... xoa dầu làm dịu vết thương vì không có tiền. 

Ủy ban Kỷ luật của VFF sau đó đưa ra án phạt rất nặng cho Quế Ngọc Hải. Ngoài việc bị treo giò, anh còn phải bồi thường toàn bộ chi phí điều trị chấn thương cho Anh Khoa. Quyết định này khiến Quế Ngọc Hải phải sững sờ bởi số tiền quá lớn - lên tới 830 triệu đồng.

Không có đủ khả năng bồi thường cho Anh Khoa, Quế Ngọc Hải đã phải nhận trợ giúp từ các Mạnh Thường Quân: Ngân hàng Bắc Á - nhà tài trợ cho CLB SLNA, Hội CĐV SLNA, và... bầu Đức. Tuy nhiên, câu chuyện tranh cãi giữa Quế Ngọc Hải và Anh Khoa chưa dừng lại ở đó. Sau khi phẫu thuật, Anh Khoa vẫn không thể trở lại thi đấu như trước, khiến anh phải giải nghệ sớm. 

Chấn thương của Anh Khoa là nguyên nhân khiến Quế Ngọc Hải bị chỉ trích trong thời gian dài. Xét về lý, Quế Ngọc Hải xứng đáng phải nhận án treo giò, nhưng việc yêu cầu anh bồi thường phí chữa trị lại không thực sự thỏa đáng.

Pha vào bóng khiến Quế Ngọc Hải phải bồi thường 830 triệu đồng cho Anh Khoa.

Trong ngày Quế Ngọc Hải đến nhà Anh Khoa bồi thường, đại diện CLB SLNA đã cầm theo khoản tiền mặt trị giá đúng 830 triệu đồng. Hai bên ngồi đếm tiền trực tiếp tại nhà của Anh Khoa, một việc làm khá phản cảm. 

Ngay sau khi thủ tục đếm tiền kết thúc, bố của Anh Khoa đã mừng rỡ cầm lấy chạy ngay đến ngân hàng, bởi ông đã rất khó khăn xoay xở tạm ứng tiền điều trị cho con trai trước đó. 2 CLB đều đổ lỗi cho nhau vì chậm trễ giải quyết trường hợp của Anh Khoa, dù bản thân 2 cầu thủ đã làm lành với nhau.

Quế Ngọc Hải dù là "thủ phạm" khiến Anh Khoa gặp chấn thương, nhưng cũng là "nạn nhân", bởi việc một cầu thủ phải bồi thường chi phí điều trị cho một cầu thủ khác là điều hiếm khi xảy ra trong bóng đá. 

Tại các CLB bóng đá chuyên nghiệp châu Âu, chi phí điều trị chấn thương của cầu thủ sẽ do CLB chủ quản chịu trách nhiệm. Họ sẽ chi trả toàn bộ, thay vì để bảo hiểm chi trả như các CLB Việt Nam.

Trở về vấn đề của các cầu thủ Việt Nam, họ được bảo hiểm cho đôi chân, nhưng cũng không có nghĩa là được chi trả toàn bộ phí điều trị. Với những ca chấn thương phải phẫu thuật ở nước ngoài như Đình Trọng, bảo hiểm chỉ có thể chi trả một phần kinh phí. 

Theo hợp đồng bảo hiểm của PTI, mỗi cầu thủ được bảo hiểm tối đa 300 triệu đồng. Với cá nhân Đình Trọng, anh được CLB Hà Nội tạo điều kiện để sớm phẫu thuật, nhưng trường hợp tương tự có thể sẽ không xảy ra với những cầu thủ khác ở một CLB khác.

Owen Hagreaves được M.U chi trả tiền điều trị chấn thương dù anh gần như không thi đấu trong 3 năm.

Hướng giải quyết?

Nguyên nhân gốc rễ khiến các CLB Việt Nam chưa sẵn sàng đáp ứng đầy đủ kinh phí điều trị cho cầu thủ xuất phát từ việc tất cả các đội bóng hiện tại đều chưa thể tự kiếm ra tiền. Thay vì tăng doanh thu bằng cách bán vé vào cửa, áo đấu, tài trợ quảng cáo... phần lớn tiền hoạt động của các CLB tại V.League vẫn đến từ các ông bầu. Chừng nào chưa thể tự nuôi sống bản thân, các CLB Việt Nam còn chần chừ trong việc điều trị chấn thương cho cầu thủ.

Không phải ai cũng được hỗ trợ đầy đủ như Văn Đức hay Đình Trọng, và trong trường hợp xấu nhất họ có thể trở thành Anh Khoa thứ hai. Điều này khiến VPF phải chịu thêm một phần trách nhiệm phát sinh: Vốn là đơn vị tổ chức giải đấu, nay VPF phải lo đảm bảo đôi chân cho cả các cầu thủ. Tuy nhiên, số tiền giới hạn ở mức 300 triệu đồng/cầu thủ cũng chỉ có tác dụng hỗ trợ một phần, và không thể đáp ứng đầy đủ với những ca chấn thương nặng, phức tạp.

Còn về phía các cầu thủ, chấn thương là điều không thể tránh khỏi trong môi trường thi đấu chuyên nghiệp. Tuy nhiên, phần lớn trong số họ phải thi đấu trong nỗi bất an vì không ai sẵn sàng đứng ra bảo vệ cho quyền lợi của mình. 

Những cầu thủ - đặc biệt là ngôi sao - được ví mang đôi chân tiền tỷ, nhưng số tiền bảo vệ cho họ lại chỉ gói gọn trong con số 300 triệu đồng. Trước khi có những giải pháp phù hợp hơn, họ cần phải biết tự bảo vệ bản thân và tránh vướng phải những chấn thương nghiêm trọng. 

Những cầu thủ chấn thương dài hạn ở châu Âu được hỗ trợ thế nào?

Năm 2007, Owen Hargreaves đầu quân cho M.U từ Bayern Munich. Tuy nhiên, anh chỉ có thể thi đấu trọn vẹn ở mùa giải đầu tiên, và liên tục làm bạn với chấn thương trong thời gian sau đó. 

3 năm liền, Hargreaves chỉ thi đấu được 5 trận, và dành phần lớn thời gian để tập hồi phục. Sau khi mãn hạn hợp đồng với M.U vào năm 2011, Hargreaves đầu quân cho Man City, nhưng cũng chỉ thi đấu thêm 4 trận rồi giải nghệ ở tuổi 31.

Trong 3 năm điều trị chấn thương tại M.U, Hargreaves vẫn hưởng lương đều đặn và được CLB chi trả phí điều trị chấn thương. Tuy nhiên sau khi rời CLB, anh từng quay lại chỉ trích M.U vì đã không làm hết khả năng để giúp anh có thể lành lặn trở lại sân cỏ. Trên thực tế, có cơ sở để chỉ ra Hargreaves vỗn rất mẫn cảm với chấn thương: Ở mùa giải cuối cùng gắn bó với Bayern, anh chỉ thi đấu 17 trận.

Sir Alex đã rất tức giận khi viết tin Hargreaves nói xấu đội bóng cũ. Ông thậm chí từng yêu cầu luật sư của CLB chuẩn bị đơn kiện cầu thủ này vì đưa ra thông tin sai sự thật, nhưng quyết định này sau đó được gác lại. 

Theo Sir Alex, Hargreaves chưa bao giờ có quyết tâm hồi phục hoàn toàn để trở lại chơi bóng thường xuyên, vậy nên anh thường xuyên gặp phải hết chấn thương này đến chấn thương khác.

Một trường hợp khác cũng phải giải nghệ sớm vì chấn thương dai dẳng là Abou Diaby. Tương tự Hargreaves, Diaby cũng phải giải nghệ ở tuổi 31 vì không thể bình phục hoàn toàn những chấn thương anh liên tiếp gặp phải. 

Trong 4 năm từ 2011 đến 2015, Diaby chỉ có thể thi đấu 22 trận cho Arsenal. Sau ngày đầu quân đến Marseille, anh cũng chỉ chơi thêm được 6 trận trong vòng 2 năm rồi phải giải nghệ sớm. Chấn thương đã khiến Diaby không thể chứng tỏ khả năng nhiều, dù anh từng được ví như "Vieira mới" ở Arsenal.

Đơn Ca
.
.
.