Tuần lễ tưởng niệm 15 năm ngày mất của nhạc sỹ Trịnh Công Sơn (1/4/2001 – 1/4/2016)

Những đêm nhạc "nối tròn một vòng Việt Nam"

Thứ Sáu, 01/04/2016, 13:38
15 năm đã trôi qua kể từ ngày cố nhạc sỹ Trịnh Công Sơn về với cát bụi. Cũng từ đó, trong trí nhớ của nhiều người, có thêm một ngày Cá tháng Tư mang tên ông. Vào ngày này, ở đâu đó, có đôi ba người trầm lặng ngồi tụ bạ, cầm ghi ta mộc, cùng nhau cất lên những nhạc phẩm nhớ người nhạc sỹ tài hoa rời xa cõi tạm.


Ở những sân khấu lớn hơn, tên ông cũng được xướng lên trang trọng. Có lẽ, từ trước đến giờ, hiếm năm nào, “vòng tròn tưởng niệm” lại kéo liền một mạch xuyên suốt “một vòng Việt Nam” như năm nay.

Nhiều chương trình tưởng niệm diễn ra trong cả nước

Mặc dù 1-4 mới là ngày mất của nhạc sỹ Trịnh Công Sơn, nhưng những hoạt động tưởng niệm đã bắt đầu từ những ngày cuối tháng 3. Trong tuần lễ kỷ niệm ấy, bên cạnh các chương trình âm nhạc lớn nhỏ diễn ra ở nhiều nơi, đặc biệt là các thành phố lớn như TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Huế, Đà Nẵng, Hội An… còn có các chương trình khác liên quan.

Tuần lễ “Áo dài – Nhịp cầu văn hóa” với một số nội dung khác được tổ chức nhân dịp 15 năm ngày mất của nhạc sỹ Trịnh Công Sơn đã diễn ra tại đường sách TP Hồ Chí Minh (đường Nguyễn Văn Bình, quận 1) từ hôm 28-3. Ngoài trình diễn những mẫu áo dài quý hiếm do nhà thiết kế Trịnh Hoàng Diệu, em gái cố nhạc sỹ Trịnh Công Sơn thực hiện, lấy cảm hứng từ chính sáng tác của anh trai mình, tuần lễ tưởng niệm này còn trưng bày những tác phẩm hội họa cũng như những tư liệu quý về cuộc đời và sự nghiệp của cố nhạc sỹ Trịnh Công Sơn.

Cũng tại đây, ấn bản đặc biệt “Thư tình gửi một người”, cuốn sách tập hợp những lá thư viết tay và hình ảnh mà cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã gửi riêng cho một người là Ngô Vũ Dao Ánh -"nàng thơ"một thời của mình – cũng được giới thiệu. Tuần lễ đường sách TP Hồ Chí Minh, áo dài, nhạc Trịnh được chốt lại bằng đêm nhạc tưởng niệm diễn ra vào tối 1-4 theo phong cách đường phố mộc mạc, do gia đình và những người thân của cố nhạc sỹ Trịnh Công Sơn thực hiện.

Đêm nhạc “Nơi về nương náu” do nam ca sỹ sinh năm 1985 người Mỹ Kyo York khởi xướng nhằm tưởng nhớ nhạc sỹ họ Trịnh 15 năm du ca về miền thiên thu và gây quỹ từ thiện tại TP Hồ Chí Minh đã diễn ra vào tối 30-3 vừa qua. Tham gia đêm nhạc đặc biệt này, có ca sỹ Cẩm Vân, NSƯT Thành Lộc, Thái Hòa, Hồng Hạnh, nghệ sỹ ghita và harmonica Thế Vinh. Riêng Kyo York đã thể hiện các tình khúc Trịnh bằng song ngữ Anh - Việt.

Ở miền Trung, người dân Đà Nẵng đã tưởng niệm sớm 15 năm ngày mất của cố nhạc sỹ Trịnh Công Sơn bằng đêm nhạc với chủ đề “Ô chân mẹ về” vào ngày 27-3 vừa qua tại Nhà hát Trưng Vương. Những ca khúc hay viết về mẹ của nhạc sỹ như “Ca dao mẹ”, “Huyền thoại mẹ”, “Người mẹ Ô Lý”… lần lượt được các ca sỹ Hồng Nhung, Quang Dũng, nghệ sỹ ghi ta Thế Vinh, nghệ sỹ đàn tranh Hải Phượng… thể hiện.

Những ai chưa có dịp thưởng tranh, xem ảnh và nghe ca sỹ Giang Trang hát trong triển lãm “Khói trời mênh mông” diễn ra từ ngày 28-2, nhân dịp kỷ niệm 77 năm ngày sinh của cố nhạc sỹ Trịnh Công Sơn tại Hà Nội thì có cơ hội gặp lại tại phố cổ Hội An trong ngày tưởng niệm 15 năm ngày mất của ông. Lấy cảm hứng từ chính ca từ âm nhạc của người nhạc sỹ họ Trịnh, Gallery39, Hàng Da Galleria và Xứ Đàng Trong đã cho ra mắt công chúng triển lãm hội họa “Khói trời mênh mông” với gần 40 tác phẩm, ở hai địa điểm chính là Hà Nội và Hội An. 

Thời gian triển lãm tại phố cổ Hội An kéo dài cho tới hết ngày 10-4. Cũng tại triển lãm này, ca sỹ Giang Trang sẽ mang chất giọng mộc, gần như tối giản và an nhiên của mình từ Hà Nội vào, chắp cánh thêm không gian âm nhạc – hội họa – nhiếp ảnh bảng lảng “Khói trời mênh mông”. 

Đáng nói nhất là, các chương trình tưởng niệm ở đầu cầu Hà Nội năm nay diễn ra nhiều hơn so với những năm trước. Tại Cung Văn hóa Hữu nghị Hà Nội, tối 2-4, có đêm nhạc “Trịnh Công Sơn 15 năm – Đường xa vạn dặm” với sự tham gia của danh ca Khánh Ly, Hồng Nhung, Ánh Tuyết, Cẩm Vân – Khắc Triệu, Quang Dũng, “ca sỹ nhí” Huyền Trân. Trong khi đó, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, diễn ra 3 đêm nhạc tưởng niệm liên tục từ ngày 1 tới ngày 3-4 mang tên “Trịnh Công Sơn – Như cánh vạc bay” với sự góp mặt của 4 ca sỹ: Hồng Nhung, Thanh Lam, Quang Dũng, Tùng Dương.

Nhà thiết kế Trịnh Hoàng Diệu, ca sỹ Hồng Nhung và 2 con gái, ca sỹ Trịnh Vĩnh Trinh trong Tuần lễ “Áo dài – Nhịp cầu văn hóa”.

Ngoài các sự kiện lớn, tại Hà Nội, còn diễn ra các sinh hoạt nhỏ đầy ý nghĩa. Nhân kỷ niệm 15 năm ngày mất của người nhạc sỹ đã gắn bó với tâm hồn của nhiều thế hệ sinh viên, Khoa Viết văn – Báo chí, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội tổ chức buổi sinh hoạt phòng trà mang tên “Trịnh Công Sơn – Chiều trên quê hương tôi”, diễn ra vào tối 31-3 tại chính khuôn viên của Khoa. Sau phần nói chuyện của nhà văn, dịch giả Nguyễn Trương Quý, giới thiệu những nghiên cứu của GS. John C. Schafer về Trịnh Công Sơn, thầy trò trong Khoa cùng nhau hát mộc những ca khúc nổi tiếng của nhạc sỹ.

Trịnh FC – Cộng đồng các bạn trẻ yêu nhạc Trịnh nổi tiếng của đất Hà Nội cũng tổ chức đêm nhạc tưởng niệm theo kiểu 8x. Đêm nhạc “Thí dụ” với sự góp mặt của ca sỹ Lô Thủy, Tuấn Hiệp cùng các bạn trẻ của Trịnh FC diễn ra vào đúng ngày 1-4 tại Nhà văn hóa Học sinh – sinh viên TP Hà Nội. “Cách đây ngót 10 năm, trong cái không khí sôi nổi của tuổi trẻ Thủ đô ham mê siêu hình, chúng tôi đã bắt đầu ngồi rất gần nhau để hát nhạc Trịnh, để thổ lộ những buồn vui của tuổi 20…”, Đào Đại Dương, một thành viên của Trịnh FC cho biết.

Trong khi đó, các Câu lạc bộ Trịnh Công Sơn ở nhiều nơi khác đang chuẩn bị chương trình riêng tưởng nhớ cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn vào đúng ngày giỗ 1-4. Các nhóm người hâm mộ từ Pleiku, Huế, TP Hồ Chí Minh... sẽ cùng tổ chức “Đêm thao thức” cùng Trịnh tại mộ nhạc sĩ vào ngày 1-4.

Nhóm cộng đồng ở TP Hồ Chí Minh có chương trình thăm nhà tưởng niệm Trịnh Công Sơn, hành hương viếng mộ vào sáng 1-4 như hằng năm. Trong các nhóm thì có nhóm “Vì ta cần nhau” sẽ cùng nhau tổ chức một đêm nhạc ấm cúng vào tối 1-4 tại Phú Mỹ Hưng với chủ đề “Rừng xanh xanh mãi” để gây quỹ mua áo ấm và sách vở cho trẻ em miền núi.

Đêm nhạc tưởng niệm truyền thống sẽ dời sang ngày 22-4

Riêng tại TP Hồ Chí Minh, đêm nhạc truyền thống tưởng nhớ cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn tại khu hồ Bán Nguyệt - Phú Mỹ Hưng được dời đến ngày 22-4. Chương trình ở Phú Mỹ Hưng năm nay với chủ đề “Nối vòng tay lớn - Người đi hành hương” vẫn do Nguyễn Quang Dũng làm đạo diễn sân khấu và nghệ sĩ saxophone Trần Mạnh Tuấn làm đạo diễn âm nhạc.

Bên cạnh những chương trình lớn, có nhiều hoạt động nhỏ tưởng nhớ nhạc sỹ Trịnh Công Sơn.

Ông Nguyễn Trung Trực, em rể cố nhạc sỹ Trịnh Công Sơn cho biết, sở dĩ đêm nhạc ở khu hồ Bán Nguyệt dời tới tận ngày 22-4 vì năm nay, phát sinh chương trình dành riêng cho cố nhạc sỹ Trịnh Công Sơn nhân dịp Festival Huế vào ngày 1-5. Cùng một lúc chuẩn bị cho cả 2 đêm nhạc này, 2 thời điểm 1-4 và 1-5 cũng không gần nhau nên rất vất vả. Vì thế, gia đình quyết định kéo hai chương trình lại gần với nhau bằng sự kiện diễn ra vào ngày 22-4 tại TP Hồ Chí Minh và 1-5 tại Huế.

Ông Trực cũng nói thêm: “Những năm trước, cũng có các chương trình tưởng niệm ngày mất anh Sơn nhưng năm nay có nhiều hơn, nhất là ở Hà Nội. Gia đình rất ngạc nhiên về điều này. Trong bối cảnh kinh tế có nhiều khó khăn như hiện nay mà có đơn vị dám đứng ra tổ chức những đêm nhạc như thế, gia đình rất lấy làm cảm kích và hạnh phúc. Nói thế, để chúng ta thấy rằng, nhạc anh Sơn đến nay vẫn còn nguyên giá trị”.

Trong ca khúc “Hành hương trên đồi cao”, cố nhạc sỹ Trịnh Công Sơn viết: “Người đi hành hương/ Buồn đời viển vông/ Còn ai nhớ mong/ Còn ai nhớ mong”. 15 năm cát bụi, người ở lại vẫn nhớ một người buồn đời viển vông, người đã đến và dâng một nụ hoa tình cờ trong âm nhạc.

Điểm nhấn đêm nhạc "Người đi hành hương": Trịnh về lại quê nhà

Chương trình "Người đi hành hương" có một ý nghĩa đặc biệt ở Huế. Bởi vì, ở đâu khác, hành hương là đi. Ở đây, hành hương là về. Hành hương là anh Sơn về lại quê nhà. Come back to Soriento.

Chúng ta sẽ hát nhiều bài và chúng ta sẽ nói như anh Sơn đã từng nói: "Tôi là đứa con của Huế. Huế là người yêu của tôi, là giấc mộng của tôi". Anh đã nói rất rõ: Không có một chữ "Huế" nào trong lời hát, nhưng "tất cả các bài hát của tôi đều là Huế cả". Chúng ta cùng nói với anh: Tất cả mọi bài hát, không riêng một bài nào.

Tất cả. Bởi vì, dù anh rong chơi trong mọi lãnh địa, từ tình yêu đến thân phận con người, từ cõi hạn hẹp đến cõi vô biên, từ hận thù đến tha thứ, từ "môi hồng đào" đến "chiếc lá thu phai", từ bào thai đến chiếc nôi rồi từ chiếc nôi đến nấm mồ, đến hư vô, đến sương khói, dù anh rong chơi trong mọi ước mơ, dù anh rong chơi trong mọi ảo tưởng, dù anh là cánh chim bay đi biền biệt, cái bóng của nó vẫn bay theo. Và cái bóng đó là cái hồn của Huế, là âm điệu của Huế, là chất thơ của Huế, là cái nhẹ nhàng, êm ả của cảnh vật và của lòng người. Hồn của Huế trải ra trong tất cả các bài hát của anh, tất cả.

Nếu có ai hỏi tôi đưa ra một ví dụ, tôi sẽ nói: Cứ đếm bao nhiêu chữ "đi", cứ đếm bao nhiêu chữ "về" trong lời hát của anh Sơn, thì sẽ thấy bấy nhiêu bàn chân của Huế trong đó. (GS Cao Huy Thuần)

Đậu Dung
.
.
.