Những đêm nhạc ru tình

Thứ Tư, 01/04/2015, 15:30
Không hẹn mà gặp, hàng năm vào ngày giỗ Trịnh Công Sơn, luôn có nhiều hoạt động âm nhạc tưởng nhớ một con người mà âm nhạc là nguồn cội, là lý lẽ để hát lên những "giấc mơ đời"...

Nhạc sĩ tài hoa Trịnh Công Sơn đã về với cát bụi hơn 1 thập kỷ nay. Hình hài của ông đã lẫn vào cây cỏ. Nhưng âm nhạc của ông, trải qua thời gian, chưa bao giờ vắng bóng trong cuộc đời, trong lòng người, trong tình người. Những ca khúc như vỗ về an ủi đời sống con người để vượt qua những gian nan, thương khó vẫn luôn được cất lên âm thầm, như mạch nguồn trong trẻo.

Không hẹn mà gặp, hàng năm vào ngày giỗ Trịnh Công Sơn, luôn có nhiều hoạt động âm nhạc tưởng nhớ một con người mà âm nhạc là nguồn cội, là lý lẽ để hát lên những "giấc mơ đời".

Giang Trang chìm đắm với Hạ Huyền

Người hát hay nhạc Trịnh Công Sơn rất nhiều. Người ta thường nhắc đến những cái tên như Khánh Ly, Hồng Nhung, Cẩm Vân, Trịnh Vĩnh Trinh, Lô Thủy... Và Giang Trang, cô gái nhỏ, giống như một góc khuất trong đời sống nhạc Trịnh. Không xuất hiện trên truyền thông nhiều, tên tuổi không được phủ sóng như một ca sĩ nổi tiếng, nhưng Giang Trang là cái tên được người yêu mến nhạc Trịnh biết đến từ lâu. Cô là một người hát nhạc Trịnh và khai phá nhạc Trịnh theo một cách riêng, có thể nói là khác hẳn với các ca sĩ hát thành công nhạc Trịnh khác.

Kỷ niệm 14 năm ngày mất của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, Giang Trang phát hành album mới “Hạ Huyền” và cùng với bạn bè tổ chức đêm nhạc Hạ Huyền tại không gian di sản Heritage Space. Cô và những người bạn của mình đã mang đến cho người nghe những cảm xúc tuyệt đẹp về nhạc Trịnh. Khán phòng chật kín chỗ ngồi. Một sân khấu nhỏ, nhẹ nhàng chỉ có tiếng hát Giang Trang cùng những nhạc cụ mộc, đơn sơ mà có sức hút mạnh mẽ với người nghe. Những khán giả của Giang Trang, họ là những người xem nhạc Trịnh là một phần không thể thiếu trong tâm hồn.

Ca sĩ Giang Trang.

Giang Trang hát nhạc Trịnh trong trẻo mà u hoài. Chất u hoài ấy trở nên thôi miên bên cạnh chất đồng dao mà chính Giang Trang khai phá từ nhạc Trịnh. Nhạc sĩ Thanh Phương, người phối khí cho album của Giang Trang và cô đều thừa nhận rằng âm nhạc Trịnh Công Sơn có sự kết hợp giữa phương Đông và phương Tây.

Sử dụng âm thanh của tiếng sáo, bên cạnh tiếng đàn piano, Giang Trang đã ru hồn người nghe vào cõi Trịnh theo một cách rất riêng biệt của mình. Riêng biệt mà vẫn khiến người nghe vốn đã quá thuộc nằm lòng những ca khúc của Trịnh Công Sơn, đã quá bị thôi miên bởi giọng hát Khánh Ly hay ám ảnh bởi giọng hát Cẩm Vân, vẫn tự nguyện một cách tự nhiên, dành cho giọng hát Giang Trang một chỗ đứng trong tình cảm của mình.

Với tuổi trẻ của mình, Giang Trang thổi vào nhạc Trịnh một tinh thần mới. Nhẹ hơn, an nhiên hơn, bình thản hơn, không làm người nghe nặng nề hay mệt mỏi. Một sự vỗ về yên ủi đủ làm người nghe thấy yêu thêm cuộc đời này. Như chút mây, chút nắng vô thường của ngày đang qua, đang tới, thả trôi trong tiếng sáo dặt dìu, tha thiết, quyện với giọng hát sâu u hoài mà thênh thênh như không vướng bận bụi trần gian. Giang Trang - không còn nghi ngờ gì nữa, là một trong những ca sĩ hát hay nhạc Trịnh.

Ở Giang Trang có một thứ văn hóa hát đặc biệt, phù hợp với tinh thần nhạc Trịnh. Với những khám phá của riêng mình trong nhạc Trịnh, cô luôn được cộng đồng yêu nhạc Trịnh đón nhận và yêu mến.

Cẩm Vân, Đức Tuấn tưởng nhớ Trịnh

Một đêm duy nhất, mùng 4/4, tại Cung Văn hóa Hữu nghị Việt Xô sẽ là đêm nhạc tưởng nhớ 14 năm ngày mất của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.  Hai nghệ sĩ thuộc hai thế hệ khác nhau sẽ cùng đứng trên một sân khấu lớn, kể với khán giả về một tình yêu rất lớn trong cuộc đời ca hát của họ: tình yêu dành cho nhạc Trịnh. Cẩm Vân thì đã quá quen thuộc với khán giả qua nhiều ca khúc nhạc Trịnh mà chị đã thể hiện.

Với chất giọng trữ tình, giàu tự sự, Cẩm Vân hát Trịnh bằng cả nỗi lòng của một người đã trải nghiệm cuộc đời sâu sắc. Không rườm rà, thậm chí là tiết chế, giản dị, hát như kể chuyện, là cách Cẩm Vân đến với âm nhạc của Trịnh.

Ca sĩ Cẩm Vân.

Chị nói, dù không chuyên hát nhạc Trịnh, nhưng đối với chị, nhạc Trịnh luôn chiếm một góc lớn trong tâm hồn. Những bài hát của Trịnh không phải chỉ để trình diễn với công chúng, mà thực sự đó là những lời vàng đá của trái tim, của tình cảm, xoa dịu và an ủi, dẫn dắt người nghệ sĩ vượt qua những thăng trầm của cuộc đời để ngồi lại trong nghệ thuật, an lòng trong nghệ thuật, mà yêu thương cống hiến. Với cách nhìn như thế về nhạc Trịnh, nên dù hát nhạc Trịnh không nhiều, Cẩm Vân vẫn luôn là khách mời đặc biệt trong mỗi chương trình liên quan đến âm nhạc Trịnh Công Sơn.

Đức Tuấn, anh chàng trẻ tuổi nhưng có một lựa chọn rất riêng trong âm nhạc, là hát những ca khúc xưa, những ca khúc cổ điển, cũng là một người nặng tình với nhạc Trịnh. Chất giọng của Đức Tuấn có một sự phù hợp đặc biệt với chất nhạc của Trịnh. Đấy là yếu tố đầu tiên để anh dấn thân tìm mình trong nhạc Trịnh, nơi đã có quá nhiều tên tuổi nổi tiếng khắc ghi dấu ấn trước đó rồi. 

Với ưu điểm là giọng hát truyền cảm, mượt mà, giàu tâm sự, Đức Tuấn không khó khăn để chinh phục người nghe nhạc Trịnh. Anh đã từng phát hành một album hát nhạc Phạm Duy - Trịnh Công Sơn và được khán giả đón nhận.

Để hát hay nhạc Trịnh, ngoài chất giọng phù hợp, người ca sĩ còn cần phải có một vốn sống, vốn trải nghiệm sâu sắc. Đức Tuấn là một ca sĩ trẻ, nhưng anh dường như có đủ những yếu tố này. Nghe Đức Tuấn hát nhạc Trịnh, cảm thấy như anh đã sống nhiều hơn tuổi trẻ của mình. Tài sản quý ấy Đức Tuấn có được vì anh là người chịu đọc, chịu suy ngẫm, lại được học hành bài bản. Một người trẻ không bị hấp dẫn bởi những lấp lánh hào quang đầy rẫy trong showbiz.

Ca sĩ Đức Tuấn.

Một người tự biết nhìn sâu vào chính mình, tìm kiếm trong chính mình để chắt lọc, dồn nén những gì tinh túy nhất mà làm nghệ thuật. Có lần Đức Tuấn chia sẻ, chính những ca từ trong các ca khúc của Trịnh đã nuôi dưỡng tâm hồn anh, làm anh lớn lên, giàu có hơn.

Sinh thời, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn từng viết: "Có người đi đến với cuộc đời và ngẫm nghĩ: nếu đời sống vắng bóng âm nhạc và tiếng hát thì ta sẽ như thế nào đây? Ở đâu có con người, ở đó có tiếng hát. Trên mặt đất, trần gian này tiếng hát nhắc nhở ta một điều giản dị, tôi hát là tôi hiện hữu. Tôi tồn tại có nghĩa là tôi sẽ mất đi. Tôi mất đi, mọi người cũng sẽ mất đi, nhưng tiếng hát còn ở lại. Ở lại như chiến tích vừa buồn bã vừa huy hoàng của một cõi đời. 

Tiếng hát thường làm nhớ nhung con người. Nhớ một con người là nhớ cả một trần gian. Cái thân thể mĩ miều của trần gian này nọ đã từng vạch ra những lối đi mờ ảo, hoang đường trong bể dâu của cuộc sống. Thân thể ấy bỗng tự thân đã biến thành thánh địa cho cuộc chiêm ngưỡng tình yêu. Âm nhạc và tiếng hát ra đời để ca tụng một gót chân, một bàn tay, những môi, mắt, má, và đôi khi một mái tóc trầm hương và sau đó là nụ cười, nước mắt của một đời người".

Và bởi vậy, người viết ra những bài hát có thể thiên thu hình hài, nhưng tiếng hát thì còn lại mãi với đời, mãi tươi xanh như cỏ, an ủi những bàn chân còn hiện hữu trong hôm nay và trong tương lai. Như 14 năm đã qua, nhạc Trịnh vẫn vẹn nguyên ý nghĩa ấy, trong lòng công chúng yêu âm nhạc...

Hội Quân
.
.
.