Liên hoan sân khấu về hình tượng người chiến sĩ CAND

Những góc nhìn đa chiều

Chủ Nhật, 12/07/2015, 11:43
Có thể nói, nhiều vở diễn tham gia Liên hoan Sân khấu về hình tượng người chiến sĩ công an lần này đã thoát khỏi sự khô cứng, hạn hẹp của đề tài, để chạm tới những vấn đề nóng của đời sống. Đó không chỉ là câu chuyện của những chiến công, những vinh quang, mà đằng sau là những cay đắng, là sự hy sinh thầm lặng của họ.

Đạo diễn Bùi Như Lai - Nhà hát Tuổi trẻ lần đầu tiên tham gia Liên hoan Sân khấu với vai trò là đạo diễn hào hứng chia sẻ: Vở "Cho cuộc đời bình yên" sẽ là một luồng gió mới trong hội diễn sân khấu lần này, vì nó chạm tới những số phận, những góc khuất trong đời sống của các chiến sĩ công an.

Trên trận tuyến cam go đó, có những chiến công, những vinh quang. Nhưng đằng sau là sự hy sinh lặng thầm, là những mất mát, khổ đau, thậm chí đôi khi vì những chuyên án lớn mà phải đánh đổi cả hạnh phúc riêng tư. Nếu không có họ, liệu chúng ta có một ngày bình yên? "Tôi nghĩ, vở kịch của chúng tôi sẽ mang tới hội diễn một luồng gió mới, đó là góc nhìn sâu về công an, trước hết họ là con người với những buồn vui hạnh phúc của mình. Chiến công chỉ là thứ đến sau tất cả những điều đó".

Từ TP Hồ Chí Minh, đạo diễn Minh Béo của sân khấu Sao Minh Béo cũng mang đến hội diễn một vở kịch khá độc đáo, khắc họa hình ảnh những nữ Cảnh sát hình sự. Đây là một khía cạnh khai thác thú vị, mang đến cho khán giả một góc nhìn chân thực về những nữ cảnh sát hình sự, những hy sinh thầm lặng của họ phía sau chiến công.

Cảnh trong vở “Trong mưa giông thấy nắng”.

Lính hình sự vốn dĩ dạn dày sương gió, nhưng với nữ cảnh sát hình sự, thì sự hy sinh còn lớn hơn nhiều. Thậm chí họ phải đánh đổi cả hạnh phúc cá nhân để hoàn thành nhiệm vụ. Đó là hành trình thâm nhập vào động mại dâm, phải giả gái mại dâm để truy bắt tội phạm. Họ đã đứng trước sự lựa chọn, công việc và hạnh phúc. Những giọt nước mắt phía sau chuyên án.

"Tôi nghĩ, khi xem xong Kẻ máu lạnh, người dân sẽ có cái nhìn thiện cảm hơn với công an, hiểu hơn những mất mát, hy sinh  của họ trên những trận tuyến thầm lặng để giữ cho cuộc sống bình yên. Đặc biệt, với những nữ Cảnh sát hình sự, thì sự hy sinh đó đáng được tôn vinh hơn tất cả, bởi họ đã phải đánh đổi quá nhiều, mất mát quá nhiều. Chúng ta chỉ nhìn thấy những tiêu cực trong ngành Công an, nhưng tôi nghĩ, đó chỉ là những con sâu làm rầu nồi canh. Bởi sự hy sinh thầm lặng của họ không mấy ai biết đến. Những hình ảnh đó rất xúc động", Đạo diễn Minh Béo chia sẻ.

Nhiều vở kịch, ở các loại hình khác nhau, kịch nói, chèo, cải lương tham gia Liên hoan Sân khấu lần này đều khắc họa đậm nét hình tượng người chiến sĩ công an dưới góc nhìn đa chiều như "Ai là thủ phạm" của đạo diễn Chí Trung, "Phía sau tội ác" của đạo diễn Nguyễn Thành Chánh Trực, "Vào hang hùm" của đạo diễn Huy Thục, "Người đàn bà uống rượu" của đạo diễn Quốc Thảo... Đó là một luồng gió mới của hội diễn lần này, góp phần đưa sân khấu đến gần hơn với đời sống.

Có thể nói, từ trước đến nay, đề tài hình tượng người chiến sĩ Công an vẫn luôn bị hạn hẹp trong cái nhìn một chiều. Hình như chúng ta đã quen với việc lý tưởng hóa hình tượng người chiến sĩ công an, bó hẹp họ trong những chiến công, những khuôn mẫu cứng nhắc. Phải chăng vì thế, sân khấu về hình tượng người chiến sĩ Công an có những lúc, chưa thực sự đi vào đời sống.

Xung quanh vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với NSƯT Anh Tú, Phó Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam. Anh là đạo diễn của vở kịch "Trong mưa giông thấy nắng" tham gia hội diễn lần này.

- Tôi thấy vở "Trong mưa giông thấy nắng" có suất diễn liên tục ở nhà hát. Một vở diễn về đề tài công an làm sao để có thể ra với công chúng và được công chúng đón nhận như thế?

- "Trong mưa giông thấy nắng" là câu chuyện kể về cuộc sống của các phạm nhân đang cải tạo trong trại giam, nơi mà họ đang thi hành bản án để trả giá cho những tội ác mình gây ra. Câu chuyện không chỉ dừng lại ở việc ngợi ca những người biết hy sinh hạnh phúc riêng tư để làm tốt công việc "đặc biệt" của xã hội, mà còn phản ánh đa chiều những số phận con người, những con người dù ở nơi tăm tối nhất của cuộc đời nhưng vẫn có những tia nắng mặt trời lấp lánh để họ hy vọng một ngày mai tốt đẹp hơn. Tôi nghĩ, chúng ta hãy dựng thật chân thật, đừng cường điệu, lên gân lên cốt, khán giả tin được họ sẽ thích. Ở đây tôi không hình tượng hóa hình ảnh công an. Bởi họ trước hết là một con người, có khi bị phản bội, bị ngoại tình, phải trá giá, chứ không chỉ là câu chuyện trấn áp tội phạm.

NSƯT Anh Tú.

- Vậy theo anh, điều gì làm nên sự hấp dẫn của đề tài hình tượng người chiến sĩ công an trên sân khấu?

- Chẳng hạn với "Trong cơn rông thấy nắng", tôi dựng đã được một năm và đi diễn rất nhiều, khán giả thích, tối nào chúng tôi cũng phải dành 15 phút để giao lưu với khán giả. Tác giả đã vẽ nên hình tượng người chiến sĩ công an là những quản giáo trại giam rất con người. Có những tình huống như một giám thị trại giam, rất oách, nhưng con gái không dám nói với bạn bố là giám thị vì sợ định kiến, rồi có những quản giáo nữ đi biền biệt trên trại, khi về nhà thì chạm phải một sự thật cay đắng, chồng dẫn gái về nhà. Những tình huống nghiệt ngã nhưng họ vẫn phải vượt qua. Tất nhiên không thể thiếu được sự dũng cảm quyết liệt của họ để cho cuộc sống bình yên, bởi điều quan trọng nhất tôi nghĩ, các chiến sĩ công an đã làm được, đó là giữ sự bình yên trong chính tâm hồn mỗi con người. Phải "đời" như thế, phải có số phận như thế, mới hấp dẫn khán giả được.

- Rõ ràng hình tượng người chiến sĩ công an là một đề tài hay, rộng lớn cho sân khấu, thế nhưng chúng ta vẫn thiếu những tác phẩm tầm cỡ, chạm tới trái tim người xem. Theo anh, nguyên do vì đâu?

- Tôi phải khẳng định rằng đây là một đề tài tầm vóc, rất hay. Bản thân việc truy tìm tội phạm, lôi được tội phạm ra ánh sáng đã hấp dẫn rồi, nhưng chúng ta có quá ít người viết, ít người dựng, hoặc có mà chưa hay. Kịch bản chúng ta rất thiếu. Trở đi trở lại chỉ có anh Lê Chí Trung, nhà văn Hữu Ước... Nói chung là thiếu kịch bản hay. Đây vẫn là đề tài còn nhiều khoảng trống. Hơn nữa, quan trọng là góc nhìn về công an. Công an, trước hết họ là con người. Phải nhìn vào khía cạnh con người của họ chứ. Rất nhiều vụ án lớn, hấp dẫn, nếu đưa được lên sân khấu sẽ lôi cuốn khán giả. Tôi khẳng định, đây là một mỏ vàng để sân khấu khai thác.

- Nhưng từ trước đến nay chúng ta vẫn giữ cái nhìn một chiều, ngợi ca mà né tránh những vấn đề tiêu cực, khiến người dân thấy thiếu thuyết phục?

- Tôi nghĩ ngợi khen là đúng chứ. Đến bây giờ xã hội bình yên rồi mà bao chiến sĩ công an vẫn hy sinh vì lâm tặc, vì cuộc chiến với bọn buôn ma túy. Vấn đề là khen phải thật, để thuyết phục khán giả. Đừng khen một chiều, bởi công an cũng là con người, nên có góc nhìn đa chiều trong một con người đó. Để có những chiến công, họ phải hy sinh quá nhiều thứ. Họ phải úp bát mỳ ăn để đi đánh án, đó là chuyện có thật. Đừng nhìn một vài cá nhân tham nhũng, ăn hối lộ, tiêu cực trong ngành công an mà nghĩ về họ xấu. Làm sao có sự bình yên của cuộc sống nếu không có những hy sinh thầm lặng của họ. Những người đôi khi phải ngậm đắng cay quên mình để giữ bình yên cho cuộc sống. Điều này rất đáng được tôn vinh.

Cảnh trong vở “Cho cuộc đời bình yên”.

- Nhưng sân khấu đang né tránh những tiêu cực trong ngành Công an?

- Tôi nghĩ, sân khấu không né tránh việc đề cập đến những tiêu cực trong ngành Công an, bởi cũng đã có nhiều tác phẩm viết về vấn đề này như "Vòng xoáy" của nhà văn Hữu Ước. Vấn đề là chưa đậm đặc, chưa đến gần với công chúng, nên họ còn thấy xa lạ.

- Vậy theo anh, làm thế nào đưa hình ảnh công an gần với đời sống hơn và những vở kịch về công an có thể đi vào cuộc sống rộng rãi, chứ không chỉ dựng để tham gia hội diễn?

- Chúng ta phải xây dựng được hình tượng người chiến sĩ công an của thời đại hôm nay, tôi muốn nhấn mạnh, trước hết họ là những con người, sau đó mới đến chức phận của họ. Đừng áp đặt họ vào những khuôn mẫu. Vấn đề là phải gần gụi, phải thật, phải đi vào đời sống. Tôi nghĩ, chúng ta cần để những tác phẩm về  hình tượng người chiến sĩ công an tiếp cận nhiều với khán giả, để đi vào đời sống, qua đó giúp người dân có cái nhìn thấu hiểu hơn, nhân văn hơn về những chiến sĩ công an.

- Cảm ơn cuộc trò chuyện của anh.

Việt Hà
.
.
.