Những khoảng trống của múa

Thứ Tư, 21/10/2020, 07:16
Trong khi múa ballet và múa đương đại lên ngôi, với nhiều tiết mục ấn tượng, được dàn dựng công phu thì múa dân gian truyền thống, một mảng múa quan trọng thể hiện bản sắc của Việt Nam lại thiếu vắng những tài năng.


Biên đạo múa Tuyết Minh phải dùng hai từ "báo động" khi nói về chất lượng của mảng múa quan trọng này.

1.Cuộc thi "Tài năng múa toàn quốc-2020" khai mạc tối 9-10 tại Nhà hát Quân đội (TP Hồ Chí Minh) và tối 12-10 tại Nhà hát Âu Cơ (Hà Nội) do Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch phối hợp với Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam tổ chức nhằm tìm kiếm các Tài năng múa Việt Nam năm 2020. Cuộc thi quy tụ hơn 100 diễn viên múa tại các đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp; học sinh, sinh viên theo học chuyên ngành múa và các thí sinh tự do từ 16 tuổi trở lên tham gia tranh giải ở 4 bảng thi với 4 phong cách múa: Ballet, đương đại, dân gian và hiện đại.

Tại thành phố Hồ Chí Minh, cuộc thi đã diễn ra trong hai ngày 9 và ngày 10 với các tiết mục biểu diễn của hơn 30 thí sinh đến từ các đoàn nghệ thuật như Đoàn Nghệ thuật Ca múa nhạc tổng hợp Đam San, Đoàn Ca múa nhạc Hải Đăng, Nhà hát Ca múa nhạc Dân tộc Bông Sen, Trường Trung cấp Múa TP. Hồ Chí Minh, Công ty cổ phần Sài gòn SCBC Việt Nam, Vũ Đoàn Sen Việt, Đoàn Bình Phước, Vĩnh Long và các thí sinh tự do.

Thứ trưởng Tạ Quang Đông trao giải Nhất cho 6 thí sinh.

Tại Hà Nội, cuộc thi diễn ra trong các ngày, 12, 13, 14, 15 với sự tham gia của gần 60 thí sinh đến từ các đoàn như Nhà hát Nhạc Vũ kịch Việt Nam, Học viện Múa Việt Nam, Trường Đại học Văn hóa - nghệ thuật Quân đội, Trường Đại học Sân khấu điện ảnh Hà Nội, Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam, Nhà hát Ca múa nhạc Quân đội, Nhà hát Ca múa kịch Lam sơn, G- Performance CN Quảng Nam và nhiều thí sinh tự do cũng tham dự.

Đánh giá về cuộc thi, TS.NSND Phạm Anh Phương, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng giám khảo, cho rằng nét mới của cuộc thi là việc Ban Tổ chức đã xây dựng theo từng dòng, chia làm 4 bảng. Bảng A: Ballet cổ điển châu Âu và Ballet hiện đại; Bảng B: Đương đại; Bảng C: Dân gian dân tộc, Dân gian đương đại và truyền thống; Bảng D: Phong cách múa sử dụng các ngôn ngữ, kỹ thuật, kỹ xảo của các thể loại nhảy múa đương đại như: Hiphop, Popping, Breakdance, Loocking, Wacking…

Mỗi bảng có những phong cách riêng để tạo điều kiện thí sinh được tự do lựa chọn, thỏa sức phát huy thế mạnh, sở trường của tiết mục biểu diễn. Việc mở rộng các đối tượng tham dự cuộc thi là những diễn viên múa đang công tác tại các đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp công lập và ngoài công lập, học sinh, sinh viên theo học chuyên ngành múa tại các cơ sở đào tạo văn hoá nghệ thuật trong toàn quốc và các thí sinh tự do cũng đã thu hút các thí sinh từ nhiều vùng miền, đem đến sự phong phú của nhiều phong cách, nhiều chủ đề đa dạng.

Cuộc thi năm nay, ngoài bà Trần Ly Ly (Giám đốc Nhà hát Vũ kịch Việt Nam) và biên đạo múa Alexander Tú, ban tổ chức đã mời đạo diễn sân khấu - biên đạo múa người Hà Lan Arthur Kuggeleyn tham gia ban giám khảo. Cuộc thi đã tìm ra những gương mặt múa xuất sắc, với nhiều tiết mục được dàn dựng công phu, mới mẻ. TS.NSND Phạm Anh Phương cũng đã khẳng định chất lượng vượt trội của các thí sinh tham gia và điều này đã được thể hiện bằng các giải thưởng mà Ban giám khảo đã chấm, chọn.

Những khoảng trống của múa

Qua cuộc thi "Tài năng múa toàn quốc- 2020" hé lộ nhiều tài năng múa còn trẻ và đam mê cống hiến với nghề. Tuy nhiên, qua cuộc thi này, lần đầu tiên có sự phân mảng 4 hình thức múa cũng hé lộ những bất cập. Đó là khoảng trống của múa dân gian truyền thống.

NSƯT, biên đạo múa Tuyết Minh nhấn mạnh hai từ "báo động" của nghệ thuật múa dân gian truyền thống. Theo chị, không phải các em không có tài năng, nhưng để làm cho ra chất dân gian truyền thống trong dòng chảy đương đại, các em cần hiểu sâu hơn về các giá trị văn hóa cốt lõi. "Vẫn có hiện tượng lắp ghép một cách sống sượng và sơ sài các yếu tố truyền thống vào tác phẩm. Không phải cứ áo the, váy đụp là thành dân gian đâu. Đây là một mảng múa quan trọng để chúng ta có thể khoe với thế giới về những giá trị bản sắc của Việt Nam nên tôi nghĩ trong thời gian tới, Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam cần có sự đầu tư kỹ lưỡng hơn cho nghệ thuật múa dân gian truyền thống". 

Từ cuộc thi này có một vấn đề cần đặt ra, đó là các tài năng sẽ đi về đâu nếu không có những chính sách đãi ngộ và trọng dụng. Múa vốn là một bộ môn gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận khán giả, sân chơi dành cho múa cũng không nhiều. Cuộc sống mưu sinh chật vật vì thu nhập thấp. Vì thế, nhiều năm qua, một số tài năng được phát hiện qua cuộc thi đã bỏ ngang. Hiện tượng "chảy máu chất xám" trong các ngành nghệ thuật biểu diễn, đặc biệt là múa rất đáng báo động.

Một tiết mục múa tại cuộc thi.

Thứ trưởng Bộ Văn hóa- Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông nhấn mạnh rằng, cuộc thi nhằm tìm kiếm tài năng và cũng là cơ hội cho các nghệ sĩ thể hiện sự sáng tạo, tài năng của mình trong nghệ thuật múa, từ đó sẽ tích lũy được nhiều kinh nghiệm, kỹ năng nghề nghiệp và gặt hái cho mình những thành công trong tương lai để góp phần thúc đẩy sự phát triển nền nghệ thuật múa Việt Nam. Mục đích cuộc thi rất rõ ràng, nhưng không ít người băn khoăn đặt câu hỏi, những tài năng múa được vinh danh từ cuộc thi sẽ về đâu. Liệu các em có thể "bay cao, bay xa" trên đôi cánh nghệ thuật để góp phần đưa nghệ thuật múa Việt Nam vươn xa trong khu vực và trên thế giới? Đây cũng là câu hỏi rất khó trả lời vì phát triển tài năng múa và nghệ thuật múa nước nhà là bài toán chưa có lời giải thỏa đáng. Cơ chế, chế độ chính sách đãi ngộ với nghệ sĩ múa, phát triển nhân tài còn nhiều bất cập.

"Chúng tôi làm nghề chỉ bằng tình yêu và đam mê", nghệ sĩ Ballet Thu Huệ - người đóng vai trò quan trọng làm nên cơn sốt "Hồ Thiên Nga" năm 2019 khẳng định. Nhưng nếu chỉ có đam mê và tình yêu mà không đảm bảo cuộc sống, nghệ sĩ còn phải chật vật mưu sinh, làm sao họ tận tâm và trọn vẹn được với múa. Phát hiện tài năng quan trọng, nhưng đào tạo và bồi dưỡng tài năng, tạo điều kiện cho tài năng đó phát huy khả năng của mình và đi đường dài với múa cũng quan trọng không kém. Chúng ta mới chỉ làm tốt vế đầu mà thôi.

Đã đến lúc cần một cơ chế, chính sách quyết liệt từ nhà nước để giúp các tài năng múa tỏa sáng và cống hiến với nghề, đưa nghệ thuật múa Việt Nam vươn ra khu vực và thế giới. Sức trẻ, tài năng chúng ta không thiếu, nhưng chúng ta cần những người truyền lửa và giữ vững ngọn lửa đam mê, cần sự đầu tư thích đáng để các tài năng có thể đi đường dài với múa. 

Tổng kết cuộc thi "Tài năng múa toàn quốc-2020", Ban Tổ chức đã trao 42 giải Nhất, Nhì, Ba, Khuyến khích và 2 giải xuất sắc cho các thí sinh. Cụ thể, 6 giải Nhất đã được trao cho các thí sinh: Nguyễn Đức Hiếu, Phạm Thế Phương, Nguyễn Hữu Khang, Trần Lệ Thanh, Nguyễn Thạch Sang, Nguyễn Toàn Trung. 14 giải Nhì đã được trao cho các thí sinh như Thạch Hiểu Lăng, Nguyễn Trà My, Đặng Bùi Minh Hiếu, nhóm Life Dance Team… và 16 giải Ba, 6 giải Khuyến khích. 2 giải Xuất sắc được trao cho Biên đạo xuất sắc, NSƯT Nguyễn Thị Thúy Hằng và Huấn luyện xuất sắc  Đào Phương Duy...

Nhiều tiết mục của các thí sinh gây ấn tượng, được đầu tư kỹ lưỡng thể hiện tình yêu với múa- một trong những bộ môn nghệ thuật khắc nghiệt đòi hỏi sự khổ luyện và tài năng. Đặc biệt tiết mục múa ballet "Lưỡng cực" của thí sinh Đặng Bùi Minh Hiếu (Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam) do chính anh biên đạo đã đem đến cho khán giả nhiều cung bậc cảm xúc. Hay Nguyễn Trang Linh đến từ Học viện Múa Việt Nam cũng nhận được nhiều sự cổ vũ với phần biểu diễn tác phẩm "Not alone" (biên đạo múa NSƯT Nguyễn Thúy Hằng, âm nhạc Max Richter Sarjevo, diễn viên phụ trợ Nguyễn Đức Hiếu). Phan Thu Phương đến từ Trường Đại học Văn hóa- nghệ thuật Quân đội gây ấn tượng mạnh đến thị giác với trang phục độc đáo và tạo hình đầy nghệ thuật...

Bảo Linh
.
.
.