Những khoảng trống trong đào tạo biên kịch điện ảnh

Thứ Tư, 04/11/2020, 07:20
Ngành điện ảnh của ta những năm gần đây lại đang phải đối mặt với thực trạng thiếu kịch bản làm phim, đặc biệt là phim truyện. Nhìn lại việc đào tạo, sử dụng người có năng lực trong khâu kịch bản vẫn còn rất nhiều điều bất cập cần phải thay đổi.


Kịch bản là khâu đầu tiên, vô cùng quan trọng để tạo ra một tác phẩm điện ảnh. Sẽ là vô nghĩa nếu ước mong một nền điện ảnh tiên tiến, hội nhập cùng thế giới mà lại quên không chăm lo cho đội ngũ những người sáng tạo kịch bản. Đáng buồn là thực tế ngành điện ảnh của ta những năm gần đây lại đang phải đối mặt với thực trạng thiếu kịch bản làm phim, đặc biệt là phim truyện. Nhìn lại việc đào tạo, sử dụng người có năng lực trong khâu kịch bản vẫn còn rất nhiều điều bất cập cần phải thay đổi.

Khoảng trống kịch bản nội

Mới đây, Cục Điện ảnh đã tổ chức phát động cuộc thi sáng tác kịch bản phim truyện điện ảnh 2020. Trả lời báo chí, Cục trưởng Vi Kiến Thành cho biết, tình trạng thiếu kịch bản làm phim của điện ảnh Việt đã ở mức báo động. Thực tế trong những năm gần đây, một số đơn vị làm phim phải hóa giải bài toán thiếu kịch bản phim truyện điện ảnh bằng cách làm lại các phim ăn khách của các nước, lấy cốt truyện, nội dung kịch bản phim ngoại để Việt hóa cho phù hợp với thị hiếu, tâm lý người xem trong nước.

Cuộc thi Nhà biên kịch tài năng do CGV Việt Nam tổ chức nhằm phát hiện những cây bút có khả năng viết kịch bản.

 Nước ta hiện có khoảng 500 doanh nghiệp sản xuất phim, thị trường điện ảnh trên đà tăng trưởng mạnh. Theo Hiệp hội Điện ảnh Việt Nam, mỗi năm số lượng phim trong nước được sản xuất ra tăng từ 20% - 25%. Đây là một tín hiệu rất đáng khích lệ, cho thấy điện ảnh trong nước đang nỗ lực hội nhập với điện ảnh khu vực và thế giới. Nếu trung bình các năm từ 2015 đến 2017 số lượng phim được sản xuất từ 35-40 phim thì năm 2019 đã tăng vọt lên 70 phim. 

Năm 2020 điện ảnh chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch bệnh COVID-19 nhưng số lượng phim sản xuất ra đến thời điểm này cũng trên dưới 40 phim. Tuy nhiên, ngoài chuyện mừng vì số lượng phim sản xuất ngày càng nhiều lại có một nỗi lo là phần nhiều trong số các phim được sản xuất ra lại sử dụng kịch bản ngoại là chính. Thiếu kịch bản đang là vấn đề đau đầu đối với những người làm điện ảnh, đặc biệt là các nhà sản xuất phim và các đạo diễn.

Nhà văn Nguyễn Văn Thọ phát biểu trong lễ phát động cuộc thi sáng tác kịch bản phim truyện của Cục điện ảnh: "Tôi là người đam mê phim điện ảnh. Tôi cũng theo dõi tình hình của phim điện ảnh hiện nay, nhưng tôi thấy rằng, kịch bản phim điện ảnh yếu quá. Xu thế các phim điện ảnh trên thế giới hiện nay là có tình yêu, có những cảnh gợi cảm... Vậy chúng ta có nhiều kịch bản hay về tình yêu chưa? Nếu có kịch bản hay, Cục Điện ảnh có "dám" bắt tay với các đơn vị tư nhân không? Bởi vì phim điện ảnh muốn hay phải đầu tư kinh phí, cuộc chơi này có thể thành, có thể bại, nhưng chúng ta phải chấp nhận để đẩy nền điện ảnh đi lên".

Điện ảnh Việt trong quá khứ với nhiều tác phẩm xuất sắc nhờ những biên kịch được đào tạo tốt.

Kịch bản hay thì đơn vị làm phim nào cũng cần, đạo diễn nào cũng cần, nhưng để có kịch bản hay thì phải đồng bộ rất nhiều yếu tố, trong đó then chốt không gì có thể khác là yếu tố con người. Hay nói cách khác là phải có nhà biên kịch giỏi, những người có khả năng kể những câu chuyện hấp dẫn trên giấy, để từ đó đạo diễn và nhà sản xuất có thể kể lại bằng hình ảnh, kỹ thuật. Vậy chúng ta sẽ làm gì để có nguồn nhân lực chất lượng cao cho khâu điện ảnh, nâng tầm chất lượng khâu đầu tiên cho một bộ phim lên một thang bậc mới? Để khi làm quyết định làm phim, nhà sản xuất không phải đau đáu câu chuyện tìm đâu ra kịch bản đủ hay, đủ hấp dẫn mà không phải chạy vạy nơi nọ, nơi kia, tìm kiếm giải pháp bằng cách mang phim ngoại về để Việt hóa.

Bất cập trong đào tạo nhân lực

Đầu tiên phải nói đến khâu đào tạo. Không một ngành nghề nào phát triển chuyên nghiệp mà có thể bỏ qua khâu đào tạo con người. Biên kịch là một nghề đòi hỏi người viết rất nhiều kỹ năng, và phải rất chú trọng khâu đào tạo. Phải có những con người xuất sắc trong lĩnh vực này, những người có đủ kiến văn, hiểu biết về văn hóa, thấm nhuần đời sống tham gia vào công việc biên kịch.

Nhà biên kịch gạo cội Trịnh Thanh Nhã chia sẻ: "Yêu cầu đầu tiên đối với một người biên kịch là cần có trí tưởng tượng phong phú, có kỹ năng viết kịch bản tốt, đồng thời không lạc hậu với đời sống điện ảnh bằng cách luôn xem phim để không làm cái việc lặp lại những gì người khác đã làm". 

Theo bà Trịnh Thanh Nhã, có 3 điều kiện quan trọng tạo ra một nhà biên kịch giỏi. Đầu tiên phải tri thức, để họ không bị bế tắc vì thiếu hiểu biết. Hiện nay người viết, nhất là người viết trẻ thường lười đọc. Những kiến thức nền tảng của họ hời hợt, còn kiến thức ứng dụng rất nông cạn. Đó là lý do các kịch bản đôi khi có một ý tưởng lấp lánh nhưng lại không thể đi đến cùng để tạo nên một thành công, đạt được độ sâu sắc cần có. 

Tiếp theo là vấn đề kỹ thuật làm nên ngôn ngữ toàn cầu của văn bản, kịch bản với những yếu tố hành động gợi hình và phục vụ tốt cho công nghệ quay phim hiện đại. Điều này phải học, và thậm chí cần được học ở những trung tâm hiện đại nhất về điện ảnh thế giới. Có như vậy kịch bản của người viết mới dễ dàng tiếp cận được hệ thống sản xuất phim hiện đại.

Lễ phát động cuộc thi sáng tác kịch bản phim truyện điện ảnh 2020.

Đào tạo biên kịch hiện nay mới chỉ có ở vài trường Đại học Sân khấu Điện ảnh ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Số lượng tuyển sinh hằng năm không nhiều và số người theo học còn ít hơn nữa. Nguyên do là người theo học không cảm thấy an tâm khi ra trường kiếm việc làm. Bởi việc đào tạo biên kịch ở các trường mới chỉ là "cưỡi ngựa xem hoa", giáo trình lại không cập nhật cho phù hợp với công nghệ sản xuất phim hiện đại.

Trước đây điện  ảnh Việt cũng từng có "thế hệ vàng" các nhà biên kịch, họ được cử đi học ở Liên Xô, về nước từng tạo ra những tác phẩm kinh điển. Nhưng sau giai đoạn này, thì người ta làm điện ảnh theo kiểu truyền nghề là chính. Nói không hề quá là hiện nay nhân lực chủ yếu của điện ảnh Việt là từ nguồn Việt kiều, những người du học tự túc ở các nước trở về cùng với một số lượng không nhỏ những người từ những lĩnh vực nghệ thuật khác chuyển sang. 

Nhiều người nổi tiếng hiện nay làm điện ảnh là tay ngang, tự học qua thực tiễn công việc. Điều này cho thấy việc đào tạo ở ta còn nhiều bất cập. Mà để đi lâu dài, đi xa với điện ảnh, không thể nào bỏ qua đào tạo, nhất là khi điện ảnh đã phát triển trở thành một nền công nghiệp với những đòi hỏi rất chuyên nghiệp, khắt khe trong mọi khâu kể cả khâu biên kịch.

Phim Việt có nguy cơ mất bản sắc vì sử dụng quá nhiều kịch bản ngoại (Ảnh minh họa).

Ngày nay một người làm biên kịch không chỉ thể hiện nội dung câu chuyện trong phim mà phải hiểu rất rõ về quy trình làm phim, các kỹ thuật làm phim tiên tiến hiện đại thì mới có thể có được tiếng nói chung với nhà sản xuất và đạo diễn. 

Từng có dự thảo của ngành điện ảnh nêu vấn đề hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước và từ nguồn xã hội hóa đổi mới, nâng cao chất lượng giáo trình và cải tiến phương pháp giảng dạy tại các trường điện ảnh quốc gia song song với việc hỗ trợ cử sinh viên xuất sắc đi đào tạo ngắn hạn hoặc dài hạn ở các nước có nền điện ảnh phát triển, nhưng xem chừng dự thảo vẫn nằm ở trên giấy là chính, chưa được hiện thực hóa một cách mạnh mẽ, rốt ráo, trở thành một chương trình hành động mang lại hiệu quả rõ rệt cho điện ảnh.

Hiện nay nguồn nhân lực cho điện ảnh rất yếu, nhất là khâu biên kịch. Một trong những quốc gia có nền điện ảnh phát triển chúng ta có thể học tập là Hàn Quốc. 30 năm trước, Hàn Quốc đã xây dựng chiến lược quốc gia đưa sang Mỹ đào tạo cả một thế hệ từ đạo diễn, biên kịch, quay phim, dựng phim và bây giờ họ đã trở thành một "cường quốc" về điện ảnh. Vì thế, đã đến lúc Việt Nam cần phải có một chiến lược "trồng người" quy mô, đồng đều thì mới có thể phát triển bền vững nền điện ảnh.

Bảo Bình
.
.
.