Kỷ niệm 71 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2018)

Những ký ức còn xanh

Thứ Sáu, 27/07/2018, 10:16
Dù tuổi đời không còn trẻ, mái đầu không còn xanh, thậm chí có người đã ra đi, nhưng họ vẫn luôn là biểu tượng văn nghệ của một thời đất nước gian nan, đã dùng lời ca tiếng hát, dùng nghệ thuật để động viên đồng bào chiến sĩ, thương bệnh binh dù ở hậu phương hay chiến trường. Họ góp phần không nhỏ vào chiến thắng chung của toàn dân tộc.


NSND Thanh Hoa: Nhớ một thời khốc liệt

NSND Thanh Hoa đã quá nổi tiếng. Tên tuổi bà gắn với nhiều ca khúc sáng tác trong thời kỳ chiến tranh. Bà là một người nghệ sĩ- chiến sĩ, với những ký ức không thể nào quên về những năm tháng cống hiến tài năng của mình để phục vụ bộ đội. 

Chương trình nghệ thuật kỷ niệm 50 năm chiến thắng Đồng Lộc vừa diễn ra tại Hà Tĩnh.

Gia nhập vào đội ngũ nghệ sĩ của Đài Phát thanh Giải phóng từ khi tuổi chưa tròn đôi mươi, Thanh Hoa đã cùng với nhiều anh em văn nghệ có mặt trong đoàn quân vào Trường Sơn. Bà đã biểu diễn nhiều ngày đêm phục vụ bộ đội chiến sĩ ta trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

Với giọng hát đẹp, truyền cảm, Thanh Hoa đã truyền đến những người lính bộ đội Cụ Hồ nơi đạn bom gian khổ khốc liệt một tình yêu với cuộc sống cũng như niềm tin tưởng vào chiến thắng cuối cùng của dân tộc.

Những lần được gặp Thanh Hoa, nghe bà ôn lại kỷ niệm những năm tháng xúc động ở chiến trường mới thấu hiểu tinh thần công dân của một người nghệ sĩ trong hoàn cảnh đất nước nguy nan thời đó.

Thanh Hoa kể, bà đã nhiều lần hát giữa chiến trường, trong khoảnh khắc bình yên hiếm hoi giữa hai trận đánh. Sân khấu có thể là ụ pháo, là một khoảng đất đủ rộng để chiến sĩ có thể ngồi xung quanh.

NSND Thanh Hoa thời trẻ.

Người ca sĩ không có quần áo đẹp, không phấn son trang điểm, và ánh đèn sân khấu chỉ là đèn pin rọi của bộ đội, cùng với đèn của chiếc xe ôtô tải ngụy trang đầy lá cây trở vũ khí vào chiến trường, nhưng khi tiếng hát cất lên hàng trăm hàng ngàn trái tim người lính phải lay động.

Đôi khi một bài hát phải ngắt giữa chừng, vì tiếng ì ì của máy bay địch từ xa vọng tới. Bộ đội cầm súng chiến đấu, còn nghệ sĩ phải tạm lánh xuống hầm. Cảm động nhất là những giờ phút biểu diễn cho thương bệnh binh nơi lán trại dã chiến. “Chúng tôi cứ đi giữa những người lính ấy, họ đang phải nằm lại để điều trị các vết thương chiến tranh.

Cơ thể họ đau đớn, nhức buốt. Rất nhiều đồng chí đã phải mất một phần thân thể. Chúng tôi hát để các anh quên đi nỗi đau đang phải gánh chịu. Chúng tôi nắm tay các anh mà hát, vừa hát vừa khóc, vì thương các anh quá chừng”.

NSND Thanh Hoa nói rằng, cuộc đời và sự nghiệp của bà được làm nên từ những ký ức đẹp và không kém phần khốc liệt như vậy trong tuổi trẻ. Bà đã hiểu thấu giá trị của cái sống và cái chết, của hòa bình và chiến tranh. Khát vọng hòa bình lúc đó đã là lý tưởng sống của tất cả những người trẻ tuổi, trong đó có Thanh Hoa. Bây giờ ngồi nhớ lại những năm tháng gian khổ đó, NSND Thanh Hoa vẫn không khỏi bồi hồi xúc động.

Nghệ sĩ Quang Hưng: Những lần hát đầu tiên

Ông là người nghệ sĩ đầu tiên hát hai ca khúc nổi tiếng trong hai thời điểm vĩ đại của dân tộc, qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Trong chống Pháp, ông là người đầu tiên hát vang bài ca “Trận Him Lam” của nhạc sĩ Đỗ Nhuận.

Nghệ sĩ Quang Hưng thể hiện ca khúc “Tiến về Sài Gòn”.

Trong chống Mỹ, ông là người đầu tiên hát ca khúc “Tiến về Sài Gòn” của nhạc sĩ Lưu Hữu Phước trên làn sóng đài phát thanh năm 1967, và cũng chính là giọng hát của ông với “Tiến về Sài Gòn” vang lên trên làn sóng phát thanh Thủ đô và làn sóng điện Sài Gòn buổi trưa ngày 30/4/1975 lịch sử.

Quang Hưng sinh ra và lớn lên tại Hà Nội. 13 tuổi cậu bé Quang Hưng đã tham gia kháng chiến và được mọi người gọi là chú bé “ga-vơ-rốt” của Trung đoàn Thủ đô. Làm giao liên liên lạc, chú bé đã đi lại như con thoi giữa các chiến lũy trên thành phố. Không chỉ thế, chú còn là một người yêu ca hát.

Vừa đưa thông tin chiến trận cho bộ đội Thủ đô, chú vừa say mê hát cho bộ đội nghe. Những nghệ sĩ cùng thời với Quang Hưng kể lại, khi đó nhiều người truyền tai nhau câu chuyện một cậu bé can trường vừa chạy truyền thông tin trên chiến hào giữa các làn đạn như mưa của kẻ thù mà vẫn hát vang những bài hát cách mạng.

Chú bé nghệ sĩ ấy hát bất cứ khi nào có thể, nơi các anh bộ đội nghỉ ngơi giữa hai trận đánh, hay đang phải chịu đau đớn vì những ca mổ không có thuốc mê.

Trong suốt thời kỳ chiến tranh chống Pháp rồi chống Mỹ, nghệ sĩ Quang Hưng đã mang lời ca tiếng hát của mình phục vụ cách mạng. Ông chính là người được chọn để thu âm 2 bản ca khúc Tiến về Sài Gòn ngay từ năm 1967, thời điểm bài hát ra đời, 1 bản thu tiếng miền Bắc và 1 bản thu tiếng miền Nam.

Mong ước “Tiến về Sài Gòn” là mong ước cháy bỏng của cả dân tộc khi đó. Năm 1968, ca khúc này đã vang lên trên làn sóng phát thanh trong đợt Tổng tiến công Mậu Thân. “Tiến về Sài Gòn” cũng theo nghệ sĩ Quang Hưng đến với bạn bè quốc tế. Ông đã đến Cuba tham dự festival ca hát phản kháng (Xăng xông Protesta) và hát vang bài hát này trước hàng triệu nhân dân Cuba và thế giới, kể về ước mong hòa bình của nhân dân Việt Nam.

Nghệ sĩ Quang Hưng từng kể lại không khí ngày giải phóng 30/4/1975: “Cả sáng hôm đó tôi bám chặt 2 chiếc đài bán dẫn (đài Hà Nội và đài Sài Gòn). Sóng đài Sài Gòn vừa chấm dứt lời đầu hàng của Dương Văn Minh bỗng nổi lên khúc nhạc oai hùng quen thuộc.

Ca khúc “Tiến về Sài Gòn” do tôi hát bằng giọng Nam vang lên. Ngay lúc đó, Đài Truyền thanh Hà Nội cũng phát đi ca khúc “Tiến về Sài Gòn” do tôi hát bằng giọng Bắc. Tôi sung sướng muốn hét lên. Xung quanh tôi Hà Nội ồn ào náo nhiệt, tiếng hò reo dậy trời. Trên gương mặt tôi, hai hàng nước mắt ròng ròng chảy.

Giây phút hanh phúc đó tôi hiểu rằng, tiếng hát của tôi đã mang một sứ mệnh lịch sử, như một hồi kèn báo hiệu miền Nam đã hoàn toàn giải phóng, đất nước từ nay được hòa bình”.

Sinh thời, nghệ sĩ Quang Hưng luôn đau đáu một tình cảm lớn với quê hương, đất nước, với những người đồng đội đã hy sinh trong các cuộc chiến tranh chống xâm lược bảo vệ Tổ quốc. Chứng kiến nhiều mất mát, hy sinh của đồng đội, ông luôn tâm nguyện sẽ lao động nghệ thuật hết mình để xứng đáng với những hy sinh ấy.

Không có một chương trình nghệ thuật có ý nghĩa nào, để tri âm các anh hùng liệt sĩ mà ông vắng mặt, ngay cả những năm ông đã tuổi cao, bệnh nặng. Ông chỉ nhận mình là một người nghệ sĩ- chiến sĩ, ngoài ra không thích được mọi người gọi bằng một danh xưng nào khác.

Nghệ sĩ Tô Lan Phương: Cả một đại đội mang tên người nghệ sĩ

Trong cuộc đời đi làm báo của mình, có nhiều nhân vật tôi đã gặp, nhưng nghệ sĩ Tô Lan Phương có lẽ là một nữ nghệ sĩ để lại trong tôi niềm cảm phục lớn lao nhất. Với những người thế hệ sau không biết mùi chiến tranh như chúng tôi, phải đọc nhật ký của một người nghệ sĩ thời đó mới thấu hết những khó khăn gian khổ mà họ đã vượt qua, để cống hiến tài năng, tuổi trẻ của mình cho kháng chiến, cho hòa bình của dân tộc.

Nghệ sĩ Tô Lan Phương trong một lần biểu diễn.

Và đây là những dòng nhật ký của Tô Lan Phương những ngày đầu tiên vào chiến trường: “Nhớ cảnh vai đeo bồng nặng trĩu với cây đàn trên vai, lưng ướt đẫm mồ hôi, hành quân suốt đêm giữa rừng tối sẫm, chân giẫm lên lá mục và đàn kiến bọ nhọt chạy rào rào.

Đêm khuya tiếng vượn hú, sự tĩnh mịch xen lẫn tiếng đại bác đâu đó, chúng tôi nằm thu gọn người trên chiếc võng được cột vào hai cái cây nghe mưa rơi lộp độp trên mái che ni lông, thấm thía cái lạnh của rừng...”.

Người con gái Hà Nội 19 tuổi năm ấy gia nhập Đoàn Văn công giải phóng tình nguyện đi vào chiến trường Nam Bộ. Suốt 7 năm trời, cho đến ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, Tô Lan Phương đã băng rừng lội suối mang tiếng hát của mình phục vụ khắp các chiến trường miền Đông Nam Bộ.

Một khoảnh cây rừng chặt vội, một đỉnh dốc cao hay một mô đất ven đường cũng đủ làm một sân khấu dã chiến. Phông màn là những mảnh dù pháo sáng. Những người nghệ sĩ không xiêm áo cầu kỳ, không son phấn, không thiết bị âm thanh hỗ trợ, chỉ có tiếng hát vút bay từ đáy lòng mình gửi đến những người lính.

Vì hâm mộ tiếng hát trong ngần của người nữ ca sĩ bé nhỏ, một đại đội đã lấy tên Tô Lan Phương làm tên cho đại đội mình, trước giờ xung kích về Sài Gòn. Tên một người ca sĩ đã trở thành tên của một đại đội, biểu tượng cho tinh thần yêu nước và say mê cái đẹp, niềm khát khao hòa bình.

Chiến tranh ác liệt, hầu hết những người lính của đại đội anh hùng mang tên Tô Lan Phương đã ngã xuống vì mảnh đất miền Nam ruột thịt. Họ đã hy sinh cho lý tưởng cao đẹp của mình, cho niềm ước mơ về những giọng hát sẽ được tiếp tục ngân vang, ngân xa.

Ngày hòa bình, nghệ sĩ Tô Lan Phương trở về cánh  rừng năm xưa, nơi đoàn quân đứng nghe chị hát, để thắp những nén nhang tưởng nhớ và hát cho các anh nghe, như các anh vẫn còn đâu đây.

Đất nước gian lao có được ngày bình yên hôm nay được đổi bằng máu xương của hàng ngàn, hàng vạn chiến sĩ, bộ đội. Họ đã cống hiến đời mình, tuổi trẻ mình cho Tổ quốc mà không hề nuối tiếc.

Với những người nghệ sĩ đã trở về với đời thường hôm nay, những năm tháng tuổi trẻ gắn với chiến trường chính là một phần đời mãi xanh, dù cho họ phải trải qua rất nhiều vất vả, gian truân, có những lúc cận kề cái chết. Họ là những tấm gương, nhắc nhở những thế hệ nghệ sĩ trẻ hôm nay ý thức nhiều hơn nữa về trách nhiệm của mình trước các vấn đề lớn liên quan đến số phận của đất nước, vận mệnh của dân tộc.

Hội Quân
.
.
.