Những "nghi án" đạo nhạc tại Việt Nam 2014

Thứ Sáu, 07/03/2014, 16:30

Tuần qua, nhạc sỹ trẻ Phạm Hồng Phước bị chỉ trích dữ dội vì ca khúc "Khi chúng ta già" có phần lời bị ảnh hưởng bởi bài thơ của tác giả Việt Hà. Và khi ấy, những người làm nghề mới chợt nhận ra, nhạc trẻ Việt Nam còn rất nhiều "án nóng", tuy nhiên vì nó được "đạo" từ những nền âm nhạc ngoại lai khác, nên gần như được giấu nhẹm trong im lặng. Hãy cùng chúng tôi điểm mặt những nhân vật của nghi án trong chuyên mục "nhân vật HOT" tuần này.

1. Phạm Hồng Phước

"…Khi chúng ta già
Con cháu chúng ta đã lớn
Chúng thuộc về đám đông
Di chuyển rất nhanh về phía trước
Chân chúng mình run... chúng mình không kịp bước
Mình nương tựa vào nhau
Nuôi gà
Trồng rau
Và gói cả thế gian vào lòng bàn tay."

Đó là những câu trải lòng trong bài thơ "Khi chúng ta già" của tác giả Việt Hà, những lời tâm sự đúc kết dành tặng cho người đàn ông của chị đã được Phạm Hồng Phước phổ nhạc và đưa vào ca khúc cùng tên phát hành dịp Valentine 2014. Thế nhưng nếu khách quan mà nhận định, những câu thơ gần gũi và đậm chất trải nghiệm mộc mạc của cuộc sống như thế này, rất dễ dàng bắt gặp ở trong một status được người dùng đăng tải trên facebook mà có cố gắng lắm, người ta cũng không thể thấy được tên tác giả ở đó. Đây cũng chính là điều có thể lý giải cho việc Phạm Hồng Phước phổ nhạc bài thơ trên mà không xin phép tác giả, một lỗi sai có thể dễ dàng hiểu được và tha thứ.

Thế nhưng sự chỉ trích gay gắt, những bài viết nhận định, đả kích ghê gớm một chàng ca sĩ trẻ đang nỗ lực hết mình để tìm chỗ đứng suốt một thời gian dài vừa qua, gạt đi những thành quả mà anh đã tạo dựng được, liệu có đang đi quá xa? Trong khi đó, đại đa số nghệ sĩ, nhạc sĩ và lẫn khán giả nghe nhạc đang hình thành sự dễ dãi và chấp nhận những thứ âm nhạc lai tạp, vay mượn giai điệu, lời ca, tiếng hát từ những sản phẩm nước ngoài một cách thô thiển lại gần như được bỏ ngoài tai ?

2. Sơn Tùng M-TP.

Đã từ rất lâu, nhạc Việt đã hình thành tác phong sáng tác nhạc cẩu thả bằng cách lấy phần âm nhạc của một ca khúc quốc tế, uốn nắn giai điệu cho khác đi ít nhiều sau đó thả vào một chút kiến thức nhạc lý cơ bản để cho ra đời một ca khúc mới với nhãn mác "hàng Việt Nam chất lượng cao", thế nhưng nếu như bạn là một tai nghe nhạc sành sỏi, biết chọn lựa và nhận ra được vấn đề này, hàng "đủ chuẩn" đó ngay lập tức được xem như một chiếc quần jean hiệu được đem đi cắt xé cẩu thả và hợp thức hóa là của người khác, một người có "style".

Dẫn đầu trong trào lưu "xé quần" này, chúng ta phải nói ngay đến chàng hot boy đang được tôn thờ bởi những tai nghe nhạc có tên gọi "cư dân mạng": Sơn Tùng M-TP, với thành công vượt trội của hàng loạt bài hát được xem như cuộc cách mạng âm thanh của V-Pop như "Cơn mưa ngang qua", "Nắng ấm xa dần" và gần đây nhất là "Em của ngày hôm qua". Đọc đến đây, nếu bạn đang ngồi trước máy tính có thể vào youtube và gõ tìm kiếm ngay những từ khóa sau và tìm cho mình câu trả lời thích đáng: nhóm nhạc Hàn Namolla Family JW và ca khúc "Sarangi Mareul Deutjianha", ca khúc "Every Night" của nhóm Exid và ca khúc "Monologue" của nhóm nhạc As One.

Cả ba ca khúc trên đều có phần nhạc nền giống đến 90% những gì M-TP Sơn Tùng mang vào các sáng tác của mình. Với xuất phát điểm là một nghệ sĩ underground không qua đào tạo bài bản chuyên nghiệp, thì đây là hình thức sáng tác vô cùng quen thuộc đã ăn sâu vào tác phong làm việc và sáng tạo của Tùng, chưa thể một sớm một chiều có thể thay đổi ngay được. Điều đáng buồn ở đây là những người hâm mộ quá khích của Tùng đã đi ngược tiêu chí "im lặng là vàng" của chàng trai khi liên tục bới móc, đả kích thậm chí phê phán những ca khúc gốc mà Sơn Tùng đã vay mượn, họ tung hô rằng Sơn Tùng là số một, Sơn Tùng làm cho ca khúc Hàn đó nổi trội hơn, nhạc Việt đáng tự hào có những người sáng tạo như Sơn Tùng, nhưng họ không nhận ra rằng chính họ đang làm cho thần tượng của mình đáng hổ thẹn. Và bộ phận người hâm mộ thiếu chọn lọc đó đã khiến Sơn Tùng ngủ say trong vỏ bọc sáng tác vay mượn của mình quá lâu.

3. Khắc Việt

Tương tự với Sơn Tùng M-TP, một trong những nhạc sĩ hàng đầu trong dòng nhạc thị trường - Khắc Việt cũng đang dần trở nên cẩu thả trong âm nhạc của mình. Với hàng loạt những bài hit được giới khán giả bình dân yêu thích như "Tìm lại bầu trời", "Anh khác hay em khác", "Quên"…, Khắc Việt đang vẫn loay hoay trong chính giai điệu của mình như không có lối ra, những sáng tác sau này của anh bị rập khuôn và nhợt nhạt với một mầu sắc.

Sau tuyệt chiêu "thỉnh giáo" âm nhạc Đỗ Bảo trong ca khúc "Anh muốn quay lại" để "làm mới" bản thân, Khắc Việt tiếp tục cho ra mắt ca khúc "Đơn giản ta yêu nhau", vốn là đời lai F1 của ca khúc hit toàn cầu của danh ca Ronan Keating - "When you say nothing at all". Từ phần giai điệu cho đến nội dung ca khúc, cả hai bài hát đều có một sự tương đồng rõ rệt, dù Khắc Việt đã khôn khéo nhào nặn cho ca khúc "Anh muốn quay lại" khác đi chút đỉnh để không vướng phải rắc rối một cách có thể truy cứu trách nhiệm. Chính vì thế mà sau khi ca khúc tung ra cùng sự ồn ào dư luận, Khắc Việt tiếp tục "bơm" độ nóng cho bài hát bằng cách tung hô sẽ thưởng 500 triệu cho người nào chỉ ra được anh đạo nhạc Ronan Keating như thế nào, điều mà đại đa số khán giả nghe nhạc đại chúng chẳng mấy thiết tha.

4. Only C

Đình đám trong thời gian vừa qua, nhạc sĩ Only C và ca khúc "Anh không đòi quà" đã tạo nên một cơn sốt rất lớn trong cộng đồng mạng bởi nội dung mang tính chất thời đại, trào phúng, phần MV thực hiện khá khiêu khích và bắt mắt, thế nhưng đáng buồn thay, sau hàng loạt ca khúc sáng tác cho nhóm 365, Mi-A, với bản hit của chính mình, OnlyC đã không đủ tự tin khi mượn tạm tinh thần ca khúc "My Love" của Lee Seung Chul để cho ra đời "Anh không đòi quà".

Thông tin về sự "trùng ý tưởng" này tràn lan trên internet và những trang mạng xã hội, thế nhưng lại một lần nữa , những khán giả nghe nhạc dễ dãi đã chấp nhận ca khúc này một cách nhanh chóng, đưa Karik và OnlyC lên một tầm cao mới của nghệ sĩ mà vô tình làm cho họ tự hào về sự vay mượn không xin phép lẫn ngày hoàn trả của mình. Trước đây, OnlyC cũng từng dính vào vết nhơ đạo nhạc khi trao cho Chí Thiện ca khúc "Tia nắng đầu tiên", một sản phẩm ăn theo Wedding dress của nam ca sĩ Tae Yang.

5. Và nhiều nhân vật khác

Một trong số những nhạc sĩ trẻ đang được yêu thích hiện nay bởi hàng loạt bài hát được sáng tác cho Hồ Ngọc Hà, Đào Bá Lộc, V.Music…, Châu Đăng Khoa đang say trong men chiến thắng và hiện tại của mình. Tuy nhiên, ca khúc "Saigon Saigon" do Châu Đăng Khoa sáng tác dành riêng cho V. Music trong dự án âm nhạc cộng đồng "Saigon trong tôi" vốn dĩ là một sự nhào nặn giai điệu và hòa âm từ ca khúc "Tease Me" của nam ca sĩ Hàn Quốc Seo In Guk. Sau đó, khi được phát hiện về sự "vay mượn" âm nhạc tại buổi ra mắt MV, phía V. music yêu cầu phải thay đổi phần hòa âm cho khác với bản gốc, Châu Đăng Khoa đã nhanh chóng thoát được án "ăn cắp". May hơn nữa là khi ấy tên tuổi Seo In Guk ở Việt Nam chưa thực sự phổ biến và được yêu thích. Chỉ hơi xui xẻo cho V. music, vì MV đầu tư tiền rất lớn, nhưng lại không dám quảng bá mạnh mẽ vì sợ gặp sự cố vì âm nhạc.

Cùng chung "tinh thần vay mượn" âm nhạc quốc tế với Châu Đăng Khoa, M-TP... còn có rất rất nhiều những bài hit vẫn đang được khán giả yêu thích một cách bừa bãi như "Chờ ngày mưa tan" của Vũ Trung Đức, sáng tác cho giọng ca Noo Phước Thịnh, được nhào nặn trên bản gốc ca khúc "On a rainy day" của nhóm nhạc Beast, chàng ca sỹ đánh bạn gái giữa phố Hà Nội Yanbi cũng không nằm ngoài vụ việc khi cho ra đời ca khúc "Vu vơ" dành cho giọng ca Hoàng Hải, ca khúc đậm mùi "I stay in love" của nữ diva Mariah Carey.

Có những ranh giới rõ rệt giữa đạo nhạc và học hỏi âm nhạc, nếu những cái tên được nêu lên bên trên làm phiền lòng những giá trị âm nhạc đích thực và nghiêm túc, thì rất may mắn âm nhạc Việt Nam vẫn còn những nhân tài hoạt động nghệ thuật đúng nghĩa, có những học hỏi để bắt kịp xu hướng quốc tế nhưng vẫn nằm trong khuôn khổ cho phép và cho thấy được sự sáng tạo cao như Đỗ Bảo, Nguyễn Hải Phong, Dương Khắc Linh...

Bên cạnh những nhân tài làm nhạc nghiêm túc, có lẽ người nghe nhạc có ý thức cũng là một trong những thử thách mà showbiz Việt cần phải có trong thời gian tới, sẵn sàng nói không với những tác phẩm chưa đủ chất lượng, đừng mù quáng tung hô thần tượng của mình mà làm nhạt đi sự sáng tạo của những người khác. Đến bao giờ, V-Pop sẽ trở nên nghiêm túc để có thể phát triển, vượt ra khỏi biên giới quốc gia và đến với bạn bè quốc tế như Hàn, Trung, Thái, Singapore, câu trả lời nằm trong tay những người làm nhạc nghiêm túc và cả những tai nghe nhạc có ý thức…

Trần Quang Huy
.
.
.