Những người hùng lặng lẽ ở SEA Games

Thứ Ba, 10/12/2019, 13:58
Thành tích của đoàn thể thao Việt Nam tại SEA Games 30 vẫn đang tăng lên từng ngày. Trong số những tấm Huy chương Vàng (HCV) mà các vận động viên giành được tại Philippines, có những chiến công không ai ngờ đến hoặc mang những ý nghĩa đặc biệt. Bóng đá là môn thi đấu thu hút hầu hết sự quan tâm nhưng cùng với đó, ở các môn thể thao khác, những người hùng thầm lặng vẫn liên tục xuất hiện để mang về thêm những niềm tự hào cho Tổ quốc.


Tài xế Grab vô địch đi bộ

Phạm Thị Thu Trang là cái tên mà ngay cả những người theo dõi sát sao môn điền kinh cũng chưa mấy quan tâm trước khi SEA Games 30 khởi tranh. Đó là bởi ở nội dung đi bộ nữ trong môn điền kinh tại SEA Games, chỉ tiêu giành tấm HCV vàng từ nhiều năm nay đều đặt lên vai Nguyễn Thị Thanh Phúc. Phúc đã có 3 lần liên tiếp lên ngôi ở các kỳ SEA Games 2011, 2013, 2015. Vì thế không có gì khó hiểu khi tại SEA Games 30, Thanh Phúc vẫn là gương mặt được kỳ vọng nhất.

Trong môn đi bộ 10km sáng 8-12, Thanh Phúc cũng đã thi đấu rất tốt và cùng cô em Phạm Thị Thu Trang dẫn đầu suốt chặng đường đua. Sau 5km đầu, bộ đôi Việt Nam đã bỏ xa các đối thủ của Thái Lan, Malaysia, Myanmar… Nhiều người chứng kiến tin rằng cuộc cạnh tranh tấm HCV chỉ là chuyện nội bộ của Thanh Phúc và Thu Trang.

Phạm Thị Thu Trang – nhà vô địch SEA Games vẫn phải chạy Grab kiếm thêm.

Mặc dù vậy ở 2km cuối cùng, trong khi Thu Trang chỉ phạm lỗi 1 lần thì đàn chị Thanh Phúc lại phạm quy đến 3 lần và bị ban tổ chức phạt dừng thi đấu tới 2 phút. Chính vì thế sau khi trở lại đường đua, dù rất nỗ lực Thanh Phúc cũng chỉ cán đích ở vị trí thứ 4 với thành tích 5349”73. Thanh Phúc không bảo vệ được ngôi vương nhưng tấm HCV vẫn thuộc về đoàn điền kinh Việt Nam khi Thu Trang băng băng về đích để lần đầu tiên giành HCV SEA Games với thành tích 5259”45.

Đây là một kỳ tích với cô gái 21 tuổi khi Trang mới chỉ tập bộ môn chạy bộ 3 năm gần đây. “Em tập Điền kinh được 6 năm và mới chỉ chuyển sang tập chạy dài, độ bền được 3 năm. Em chỉ đặt mục tiêu về đích là thành công chứ không nghĩ lần đầu đấu SEA Games lại có huy chương vàng”, Thu Trang cho biết.

Đặc biệt, suất đến dự SEA Games của Trang cũng chỉ là “vé vớt”, thế chỗ vận động viên Phạm Thị Bích Hà, sau khi đã giành tấm Huy chương Bạc giải vô địch quốc gia cũng ở nội dung đi bộ 10km nữ.

Sau khi về đích, Thu Trang đã không thể giấu được sự xúc động của mình. Để theo đuổi nghiệp vận động viên, cô gái sinh năm 1998 quê Ứng Hòa đã phải trải qua rất nhiều gian truân. Hàng ngày, cô vẫn phải chạy grab khoảng 2 tiếng để phụ giúp gia đình.

“Do hoàn cảnh gia đình khó khăn, nên mỗi ngày em vẫn tranh thủ chạy grab vào những lúc rảnh để có tiền phụ giúp gia đình. Em chỉ chạy sau giờ tập luyện thôi, không ảnh hưởng gì đến chuyên môn. Hy vọng sau này khi em có thành tích tốt hơn và có điều kiện để giúp đỡ bố mẹ nhiều hơn thì sẽ không chạy xe nữa”, Thu Trang chia sẻ với giới phóng viên sau chiến công của mình.

Với thành tích đạt được tại SEA Games 30, cô gái 21 tuổi có lẽ sẽ được biết đến nhiều hơn và hy vọng, những khó khăn của Trang sẽ được san sẻ bớt để cô có thể tập trung vào chuyên môn bởi không ai xứng đáng hơn Phạm Thị Thu Trang để thay thế Nguyễn Thị Thanh Phúc tiếp tục thống trị nội dung đi bộ trong khu vực.

Người dập tắt giấc mơ "phù thủy"

Giới hâm mộ Billards thế giới không ai không biết đến cái tên Efren “Bata” Reyes, người được mệnh danh là “Phù thủy” vì những đường cơ ảo diệu trong bộ môn pool. Reyes được hầu hết các đồng nghiệp thừa nhận là tay cơ vĩ đại nhất trong lịch sử bởi những thành tích mà ông có được trong sự nghiệp hiển hách của mình.

Reyes năm nay đã 65 tuổi (ông sinh năm 1954) và đã “rửa tay gác kiếm” ở bộ môn pool sở trường vài năm nay. Nhưng trong kỳ SEA Games 30 tổ chức tại quê nhà Philippines, người ta lại thấy “Phù thủy” xách cơ đi thi đấu. Ngoài lý do là điểm tựa tinh thần cho các tay cơ trẻ đồng hương, Efren Reyes còn muốn chinh phục tấm HCV SEA Games mà ông chưa thể bổ sung vào bộ sưu tập danh hiệu đã quá đồ sộ của mình.

Điều đặc biệt ở Reyes là dù thành danh ở môn pool nhưng đi thi SEA Games, ông lại chọn môn caroom 1 băng để thi đấu. “Phù thủy” người Philippines từng giành 3 tấm Huy chương Bạc caroom 1 băng ở các kỳ SEA Games 2011, 2013 và 2015. Lần này, với lợi thế sân nhà cùng sự cổ vũ từ các cổ động viên đã sẵn lòng ái mộ, ông tràn đầy quyết tâm sẽ đổi màu tấm huy chương. Đó cũng là mục tiêu cuối cùng giúp Reyes “an lòng” giải nghệ.

Nhưng rồi giấc mơ ấy lại bị dập tắt ở trận bán kết, khi mà đối thủ của ông là tay cơ Ngô Đình Nại, mệnh danh “vua cơ điên” của Việt Nam. Chỉ sau khoảng hơn 1 giờ thi đấu, cơ thủ Ngô Đình Nại của Việt Nam đã giành thắng lợi cách biệt 100-14 trước "huyền thoại Philippines để giành vé vào chơi chung kết và sau đó lên ngôi vô địch. Dừng bước ở bán kết, "Phù thủy" Reyes chỉ mang về tấm Huy chương Đồng cho đoàn chủ nhà. Có lẽ, Reyes sẽ phải gác lại giấc mơ vàng SEA Games.

Trong trận chung kết ngày 8-12, Ngô Đình Nại đã gặp khó khăn hơn rất nhiều trước đồng hương Phạm Cảnh Chúc. Bị dẫn trước khá sâu nhưng “vua cơ điên” đã đi một lượt cơ đến 47 điểm để lội ngược dòng giành thắng lợi 100-92 và giành tấm HCV. Thành tích này đã bổ sung thêm vào chiến công Đình Nại thu được trong hơn 10 năm sự nghiệp của mình như 2 lần vô địch caroom 1 băng châu Á, một lần đứng thứ 3 caroom 1 băng thế giớ.

Ngô Đình Nại, người khiến nỗi ám ảnh vàng SEA Games của Reyes nối dài.

Ngô Đình Nại đang là một trong những vận động viên xuất sắc nhất của billards Việt Nam, nhưng không phải ai cũng biết rằng đam mê của anh lại là bóng đá. Sinh năm 1981 tại Bình Định, Ngô Đình Nại theo gia đình vào Sài Gòn từ nhỏ. Khi còn ở tuổi thiếu niên, anh đã để lại dấu ấn không nhỏ tại các giải bóng đá học sinh, sinh viên. Nại đá tốt đến mức anh nhanh chóng lọt vào mắt xanh của các tuyển trạch viên câu lạc bộ chuyên nghiệp. Nhà vô địch SEA Games sau này gia nhập đội bóng huyền thoại thời bấy giờ là Cảng Sài Gòn khi vừa bước sang tuổi 18. Khi đó, ai cũng nghĩ rằng cuộc đời anh sẽ gắn chặt với quả bóng tròn.

Nhưng sau một thời gian luyện tập, Ngô Đình Nại nhận ra mình không đủ khả năng và đam mê để tiếp tục theo nghiệp cầu thủ. Đúng lúc ấy, trong một lần tình cờ đi chơi, Nại làm quen với môn billard caroom. Cùng với năng khiếu trời cho và sự chăm chỉ, cơ thủ sinh năm 1981 nhanh chóng thống trị các giải phong trào trước khi được HLV Trần Đình Hòa phát hiện và đưa vào đội tuyển TP. Hồ Chí Minh. Năm 2008, Ngô Đình Nại đã là vận động viên hàng đầu Việt Nam ở nội dung caroom 3 băng và đến thời điểm này, anh là người hiếm hoi trong làng billards Việt chơi tốt như nhau ở cả 2 nội dung caroom 1 băng và caroom 3 băng.

Những nhà vô địch đặc biệt

Đô cử Lại Gia Thành là người đem về tấm HCV cho đoàn Việt Nam ở nội dung cử tạ hạng 55kg.

Gia Thành là người duy nhất trong 6 đô cử dự thi thực hiện thành công cả 3 lần cử giật, với lần lượt các mức 116 kg, 120 kg rồi 122 kg. Sang phần thi cử đẩy, Gia Thành thành công lần cử đầu tiên với mức tạ 138kg. Dù không thành công ở mức tạ 142kg ở lần thứ hai nhưng đến lần thứ ba, anh đã đẩy được mức tạ đã đăng ký trước đó. Sau 2 phần thi, anh đạt tổng cử 264kg. Đây cũng là kỷ lục mới được xác lập ở hạng 55kg môn cử tạ.

Để có được thành công hôm nay, Gia Thành từng trải qua nỗi thất vọng lớn và suýt chút nữa không tiếp tục theo nghiệp thể thao. Đam mê điền kinh nhưng vì chiều cao hạn chế, Gia Thành đã chuyển sang môn cử tạ cách đây 7 năm.

“Vì chiều cao của tôi khiêm tốn nên không thể đáp ứng cho điền kinh. Khi ấy, có người đã giới thiệu tôi sang thử môn cử tạ bởi cử tạ không đòi hỏi chiều cao. Thay vào đó, bộ môn này yêu cầu nhiều hơn ở sự cân bằng. Từ lúc bắt đầu bộ môn này đến thời điểm hiện tại, tôi đã là đô cử được 7 năm”, nhà vô địch SEA Games chia sẻ.

Nếu như Lại Gia Thành là trường hợp “bẻ lái” hợp lý thì vận động viên bóng bàn Nguyễn Anh Tú, người vừa cùng với đồng đội Đoàn Bá Tuấn Anh đem về tấm HCV đôi nam bóng bàn sau 10 năm chờ đợi, lại là một trường hợp đi lên từ thể thao phong trào thành công.

Tay vợt sinh năm 1993 không phải là “con nhà nòi” và chỉ được bố mẹ cho đi tập bóng bàn để rèn luyện sức khỏe. Nhưng năng khiếu của Tú “mẩu” đã lọt vào mắt xanh của HLV Lê Huy đoàn Hà Nội và ông đã thuyết phục thành công gia đình cho Tú đi theo con đường chuyên nghiệp.

Đơn Ca
.
.
.