Những tác động nhiều mặt đến thực tiễn đời sống văn học

Thứ Bảy, 29/12/2018, 09:58
Phải khẳng định ngay rằng, xã hội hóa hoạt động xuất bản là một chủ trương  đúng đắn, thể hiện tầm nhìn chiến lược của Ðảng và Nhà nước ta trong việc nỗ lực phát triển nền kinh tế tri thức, đáp ứng nhu cầu tiếp cận, nâng cao thẩm mỹ cũng như những giá trị tinh thần của nhân dân trong bối cảnh thế giới ngày một "phẳng".


Chủ trương xã hội hóa hoạt động xuất bản được nêu ra lần đầu tiên tại Chỉ thị 42-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa IX ngày 25-8-2004, một chỉ thị hết sức quan thiết đối với hoạt động xuất bản và cho đến hôm nay vẫn còn nguyên giá trị.

Hiện thực hóa chủ trương xã hội hóa hoạt động xuất bản, mô hình liên kết xuất bản ra đời và được quy định cụ thể ở Ðiều 20 Chương II Luật Xuất bản năm 2004 và được bổ sung, sửa đổi, hoàn thiện ở Điều 23 Chương II Luật Xuất bản 2012.

Theo đó, Luật Xuất bản cho phép các cá nhân, tổ chức (gọi chung là đối tác liên kết) được tham gia vào hoạt động xuất bản, được công khai tham gia vào quy trình xuất bản, được đứng tên chung với nhà xuất bản trên các xuất bản phẩm, chấm dứt tình trạng "mượn" tư cách pháp nhân của nhà xuất bản như trước đây.

Quang cảnh buổi Hội thảo khoa học “Nhìn lại quá trình xã hội hóa các hoạt động văn học nghệ thuật ở Việt Nam từ khi ban hành chủ trương đến nay” diễn ra ngày 19-12-2018. Ảnh Cảnh Vũ

Đây có thể coi là một cú hích đã làm tăng sự nhạy bén và tư duy cạnh tranh lành mạnh của các nhà xuất bản, tháo gỡ phần nào sự lúng túng, thậm chí là bế tắc trong hoạt động xuất bản, phát hành xuất bản phẩm của phần lớn các đơn vị xuất bản khi không còn được bao cấp. Số lượng sách xuất bản hàng năm tăng lên một cách rõ rệt, nội dung sách phong phú, đa dạng.

Hoạt động xuất bản ngày càng hướng đến tính chuyên nghiệp cao thể hiện qua việc đặt hàng, khai thác nguồn bản thảo, thực hiện nghiêm túc công ước quốc tế về bản quyền, giao dịch ký kết bản quyền, nghiên cứu tiếp cận thị trường và quá trình lưu thông đưa sản phẩm đến tay người đọc một cách hiệu quả nhất. Chất lượng sản phẩm ngày càng được nâng cao về mặt hình thức, thẩm mỹ.

Kỹ thuật in ấn đã tiệm cận với những công nghệ in tiên tiến, hiện đại của thế giới, xuất hiện nhiều loại hình xuất bản mới song song tồn tại với sách in truyền thống… Đã có nhiều tác phẩm văn học trong và ngoài nước giá trị được xuất bản thông  qua hình thức liên kết giữa các nhà xuất bản với các công ty sách tư nhân hoặc trực tiếp với các tác giả.

Trong đó phải kể đến mảng văn học dịch với những tinh hoa  văn học thế giới, những tác phẩm được giải thưởng Nobel, Goncourt, Booker, những tác phẩm best seller, chỉ trong một thời gian ngắn đã nhanh chóng được dịch và giới thiệu đến công chúng yêu văn học trong nước.

Rất nhiều tác phẩm văn học xuất bản dưới hình thức liên kết xuất bản đã được nhận những giải thưởng trong nước và quốc tế. Nhiều công ty sách tư nhân đã trở thành những thương hiệu có uy tín của thị trường sách văn học như Nhã Nam, Tao Đàn, Alphabook, Văn Lang, Bách Việt, Đông  Tây, Đông A, Đinh Tỵ, Phương Nam, Frist News, Thái Hà, Trí Việt, Skybooks, Huy Hoàng…

Cùng với sự năng động, nhanh nhạy của các công ty sách tư nhân, một biểu hiện rõ rệt của tính chuyên nghiệp trong hoạt động xuất bản sách văn học đã được đẩy mạnh và phát triển hết sức mạnh mẽ trong thời gian qua. Đó là việc đầu tư cho công đoạn tuyên truyền, quảng bá, PR cho các xuất bản phẩm. Các hình thức PR hết sức đa dạng, phong phú.

Từ những buổi họp báo, tọa đàm, bàn tròn, thảo luận lớn nhỏ cho đến giao lưu trực tiếp hoặc trực tuyến với tác giả, người đọc bình chọn, trình diễn tác phẩm… Nhiều sự kiện trong số đó đã trở thành những buổi sinh boạt văn hóa, văn học nghệ thuật chất lượng với hàm lượng tri thức cao.

Song hành với việc PR, quảng bá tác phẩm, việc lưu thông sản phẩm đến tay bạn đọc là một công đoạn trọng yếu luôn được các công ty sách tư nhân đặc biệt quan tâm với rất nhiều hình thức đa dạng, phong phú.

Từ những mô hình cửa hàng, siêu thị sách truyền thống cho đến các hình thức đặt mua sách qua điện thoại, website, facebook hay bán hàng trực tuyến, online… trên các trang thương mại điện tử. Đi kèm với đó là những chiến dịch, chiêu thức khuyến mãi, giảm giá, tặng quà, tặng thẻ khách hàng thân thiết… vô cùng sôi động, hấp dẫn.   

Tuy nhiên, liên kết xuất bản sau một thời gian thực hiện, bên cạnh những thành tựu không thể phủ nhận vẫn tồn tại không ít những hệ lụy, như một bức tranh nhiều mảng màu sáng tối tác động tiêu cực đến hoạt động xuất bản cũng như đời sống văn học trong nước.

Xét ở khía cạch sáng tạo văn học, việc chạy theo thị hiếu xuất phát từ nhu cầu giải trí nhất thời, đơn thuần của độc giả, cùng với việc đặt mục tiêu lợi nhuận lên hàng đầu của một bộ phận người viết và những nhà sản xuất, đang xuất hiện ngày một nhiều những thứ "hàng chợ", những cái gọi là tác phẩm văn chương mang nặng tính câu khách, giải trí rẻ tiền trong đời sống văn học Việt Nam.

Trong khi đó, những tác phẩm có giá trị thực sự, những thể loại văn học phục vụ hữu ích cho công tác nghiên cứu, cho việc bổ sung kiến thức và nâng cao dân trí dường như ngày một thưa thớt hơn. Sách văn học xuất bản ngày càng nhiều, nhưng để tìm được một cuốn sách hay không phải là điều dễ dàng. Số đầu sách nhiều nhưng lượng bản in lại khá khiêm tốn, một cuốn sách tiêu thụ được dăm ba ngàn bản đã được coi là một hiện tượng.

Tham dự buổi hội thảo về vấn đề xã hội hóa các hoạt động văn học nghệ thuật có đại diện lãnh đạo Đảng, Nhà nước, cán bộ, ban ngành Trung ương...

Những chiêu thức PR, quảng cáo, lăng xê rầm rộ thiếu trung thực, mang nặng tính câu khách đã đưa đến tình trạng nhiễu loạn trong hoạt động tiếp nhận văn học. Nhiều cuốn sách bán chạy hiện nay là thành quả của việc PR đánh vào sự hiếu kỳ, tò mò của độc giả, của hiệu ứng tâm lý đám đông.

Phê bình truyền thông đang ngày một lấn át phê bình hàn lâm, phê bình nghiên cứu văn học, một thể loại có ý nghĩa định hướng với tư cách là một ngành khoa học đích thực, đang rất thiếu trong đời sống văn học.

Và cũng bởi nhằm đáp ứng nhu cầu thị hiếu nhất thời, lẫn lộn giá trị, thậm chí lệch lạc của một bộ phận công chúng tiếp nhận thời kinh tế thị trường, nhiều tác giả đã hướng tác phẩm của mình vào những mảng đề tài dung tục, phi thẩm mỹ, trái với đạo lý và thuần phong mỹ tục, thậm chí là những đề tài "nhạy cảm". Không ít những ấn phẩm thuộc hàng phế phẩm, thậm chí là những sản phẩm văn hoá độc hại vẫn xuất hiện ngạo nghễ bên cạnh những tác phẩm văn chương đích thực trên các kệ sách.

Sự dễ dãi trong khâu biên tập, đọc duyệt bản thảo đã cho ra đời rất nhiều những tác phẩm văn chương kém chất lượng ở mảng liên kết sách tác giả. Đơn cử như tình trạng "lạm phát" thơ trong nhiều năm qua cũng đã ít nhiều làm ảnh hưởng, phương hại đến sự phát triển của văn học trong nước.

Đặc biệt, trong thời gian qua, đã có không ít những xuất bản phẩm mắc phải những sai sót nghiêm trọng về chính trị, văn hóa, lịch sử, tôn giáo, chủ quyền lãnh thổ của dân tộc, vi phạm đạo đức, thuần phong mỹ tục… đã được dư luận phát hiện và phê phán. Và hầu hết những cuốn sách mắc phải các sai sót này đều rơi vào những xuất bản phẩm liên kết.

Liên kết xuất bản trong cơ chế thị trường cũng đã mang lại sự mất cân đối trong việc lưu thông sách văn học. Các nhà sản xuất thường tập trung sản phẩm của mình vào những khu đô thị lớn, đông dân cư, có khả năng tiêu thụ và sức mua lớn. Các hình thức bán hàng phi truyền thống vẫn đang khiến các cơ quan chức năng gặp nhiều khó khăn trong việc giám sát, quản lý và điều hành.

Vấn nạn sách lậu, sách nối bản, sách giả… của một vài công ty sách tư nhân làm ăn thiếu nghiêm túc, chộp giật, coi thường pháp luật vẫn là một điểm đen trong hoạt động liên kết xuất bản thời gian qua. Nó ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín, quyền lợi của đội ngũ tác giả, của những nhà sản xuất nghiêm túc và của chính người đọc.

Rõ ràng, xã hội hóa hoạt động xuất bản với mô hình liên kết xuất bản là một xu thế tất yếu để giúp cho ngành xuất bản Việt Nam phát triển một cách toàn diện, bền vững. Và qua thực tế cho thấy, liên kết xuất bản đã, đang và sẽ còn tác động mạnh mẽ đến đời sống văn học đương đại.

Chủ trương này chắc chắn sẽ tiếp tục được Đảng, Nhà nước ủng hộ, tạo điều kiện để phát triển. Tuy nhiên, để ngăn chặn những lỗ hổng, những hệ lụy tiêu cực không mong muốn, chúng ta vẫn cần tập trung phải giải quyết một số vấn đề sau:

Trước mắt, cần phải có những cơ chế, chính sách đặc thù để hỗ trợ các nhà xuất bản với tư cách là những cơ quan hoạt động trong lĩnh vực tư tưởng, văn hóa có thể tồn tại một cách vững vàng, độc lập trong bối cảnh hiện tại, tránh việc bị chi phối, lệ thuộc, thậm chí bị coi như đi "làm thuê" cho đối tác liên kết hay còn gọi là hiện tượng sống bằng "bán giấy phép", bán thương hiệu. Đồng thời với đó là một chiến lược phát triển có tính chất dài hơi, bền vững cho ngành xuất bản.

Đối với các nhà xuất bản, cần xác định rõ vai trò chủ thể của mình trong hoạt động liên kết xuất bản, kiểm soát chặt chẽ quy trình biên tập, quy chế liên doanh liên kết để tránh tình trạng buông lỏng quản lý, dễ dãi trong việc thẩm định dẫn đến việc thả nổi, không giám sát được chất lượng nội dung xuất bản phẩm.

Đối với các công ty sách tư nhân, cần có những quy định cụ thể để tăng thêm ý thức, trách nhiệm của các đơn vị này trong hoạt động liên kết xuất bản. Gấp rút xây dựng, hoàn thiện chế tài xử lý mạnh mẽ, triệt để đối với vấn nạn sách lậu, sách nối bản, sách giả…

Đặc biệt, cần phải có một lộ trình, một cơ chế đầu tư đặt hàng sáng tác thích đáng, có chiều sâu, thiết thực, hiệu quả đối với đội ngũ sáng tác để đóng góp cho nền văn học nước nhà những tác phẩm thực sự chất lượng.

Bên cạnh đó, cũng cần có những cơ quan ngôn luận uy tín, nghiêm túc để định hướng, hướng dẫn đọc trong nhân dân, giới thiệu đến bạn đọc những tác phẩm văn học thực sự có giá trị.

Ngoài ra, cần tăng cường hơn nữa những đề án, dự án đặt hàng để đưa sách về nông thôn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo… giải quyết tình trạng mất cân bằng trong lưu thông, phân phối, phát hành sách hiện nay.

Giải quyết được những vấn đề này, chắc chắn sẽ xử lý dứt điểm được những tồn tại, bất cập trong hoạt động liên kết xuất bản thời gian qua, để chủ trương xã hội hóa hoạt động xuất bản thực sự là động lực cho sự phát triển toàn diện, bền vững của ngành xuất bản, cũng đồng thời góp phần quan trọng vào sự phát triển của nền văn học Việt Nam hiện tại và trong tương lai.

Nguyễn Anh Vũ
.
.
.