Premier League chuyện ngày khai mạc:

Những thuật toán siêu tinh vi

Thứ Ba, 19/08/2014, 11:00

Cuối tuần này, giải bóng đá Ngoại hạng Anh chính thức khai mạc, bước vào guồng quay mới đầy ma thuật, hấp dẫn và cuồng điên. Được coi là giải đấu hấp dẫn nhất thế giới, Ngoại hạng Anh đã mất gần 1 thế kỉ để hoàn thiện. Và bây giờ, nó đã trở thành ngành công nghiệp đỉnh cao. Từ tổ chức, các quy tắc, mô hình đến cả cách họ… xếp lịch thi đấu.

1. Nước Anh không phải nơi đầu tiên sử dụng quả bóng để chơi, nhưng là nơi sản sinh ra môn thể thao được gọi là bóng đá. Người Anh cũng là những người đi đầu trong việc cải tổ, định hướng bóng đá hiện đại. Họ lập ra những quy tắc cơ bản, những điều luật, và cả các hệ thống thi đấu. Đó là lí do tại sao Ngoại hạng Anh lại là giải đấu hay nhất, cuốn hút nhất và mang lại nhiều cảm xúc nhất.

Ngoài những yếu tố truyền thống, lịch sử, những người làm bóng đá Anh đã biến bóng đá trở thành một ngành công nghiệp và coi nó như một sản phẩm giải trí cao cấp, đắt giá. Để tương xứng với giá trị 1,2 tỷ bảng tiền bản quyền truyền hình mỗi mùa giải của Premier League, dịch vụ của giải đấu cũng phải ở mức tuyệt đối. Và đây cũng chính là vấn đề phức tạp nhất, khó khăn nhất nhưng cũng là yếu tố khẳng định đẳng cấp của Premier League.

Giải ngoại hạng Anh có thị trường trên toàn thế giới, vì thế họ phải "làm dâu trăm họ" một cách hoàn hảo. Vấn đề nan giải nhất không phải khâu tổ chức giải đấu như thế nào, không cần lễ khai mạc, chẳng cần lễ bế mạc, cũng chẳng cần thiết phải màu mè như World Cup hay EURO, mà là làm thế nào để phục vụ được tất cả các khách hàng. Đó chính là vấn đề lịch thi đấu, thời gian thi đấu.

Man Utd (trái) từng là kẻ phải chịu thiệt vì lịch thi đấu.

Với thị trường trải rộng, làm thế nào để các trận đấu được truyền trực tiếp vào thời gian thuận lợi cho toàn thế giới? Điều này bắt buộc Liên đoàn bóng đá Anh (FA) phải tính đến việc trải giờ thi đấu kéo dài, bắt đầu thi đấu từ giữa trưa kéo dài đến nửa đêm. Các trận đấu của các CLB lớn cũng được sắp xếp dàn trải tùy thuộc vào từng gói bản quyền, các trận đấu lớn cũng được tổ chức vào thời điểm thuận lợi nhất ở mọi châu lục. Chỉ tính riêng việc xếp khung thời gian thi đấu dựa trên các gói bản quyền truyền hình cũng đã phức tạp lắm rồi, nhưng khi tính đến chuyện xếp lịch thi đấu cho 38 vòng đấu mới thực sự hãi hùng.

Trước mỗi mùa giải, công việc tốn thời gian và được đầu tư nhiều nhất là việc xếp lịch thi đấu. Đó là một hệ thống vô cùng tinh vi, đòi hỏi sự chính xác tuyệt đối với rất nhiều dữ liệu được sử dụng. Từ trước đến nay, việc xếp lịch thi đấu tưởng như là kết quả từ những lễ bốc thăm ngẫu nhiên, nhưng thưc tế không phải vậy. Đó là sự kết hợp vô cùng phức tạp của tính toán cơ học và những thuật toán dựa trên phần mềm được thiết lập riêng.

2. Có những chuyện mà các CĐV, những người xem truyền hình không bao giờ để ý, như một CLB không bao giờ phải thi đấu xa sân nhà dịp Boxing day trong 3 năm liên tiếp; không có CLB nào ở cùng thành phố phải thi đấu 2 trận trong cùng 1 ngày… Việc xếp lịch thi đấu không thuộc về FA mà được thuê bởi Tập đoàn dịch vụ công nghệ thông tin quốc tế Atos Origin. Công ty này đã tổ chức xếp lịch thi đấu cho giải Ngoại hạng Anh từ ngày đầu thành lập (năm 1993).

Cách xếp lịch của họ dựa trên các dữ kiện quản lý theo chuỗi, với hàng loạt sự kiện khác nhau. Đầu tiên, họ sẽ gửi một bản đăng kí đến các CLB Anh thi đấu ở 4 hạng đấu chuyên nghiệp vào tháng 3, trong đó yêu cầu các đội bóng đăng kí ngày muốn thi đấu. Đây là dữ liệu đầu tiên để tránh việc các CLB cùng thành phố thi đấu trùng ngày, tránh cả các lễ hội địa phương. Tiếp đó là một bản đăng kí được gửi cho cảnh sát địa phương, đội cảnh sát giao thông đăng kí những ngày cao điểm nên tránh thi đấu, đảm bảo sự an toàn trong khâu tổ chức.

Lịch thi đấu của Premier League là một hệ thống vô cùng phức tạp.

Ở đây có một xung đột nữa là trong một thành phố có thể có nhiều CLB, ví dụ ở London có không dưới 12 đội bóng. Vậy làm thế nào để họ không phải thi đấu cùng ngày, tạo điều kiện cho CĐV xem được các trận đấu và tránh sự quá tải ở 1 nơi? Một dữ liệu nữa được quy định là khoảng cách giữa các SVĐ tùy theo từng địa phương.

Sau đó lại là những quy tắc riêng như: trong 5 trận liên tiếp, không CLB nào được phép thi đấu quá 3 trận sân nhà, không CLB nào được đá hơn 2 trận sân nhà liên tiếp. Đó mới chỉ là những nguyên tắc cơ bản và đi kèm với nó còn những điều kiện khác phụ thuộc vào 7 lịch thi đấu khác gồm: lịch thi đấu 4 giải chuyên nghiệp trong nước, lịch thi đấu Champions League, Europa League, lịch thi đấu của ĐTQG, lịch thi đấu các giải cúp trong nước, lịch thi đấu EURO hoặc World Cup (vào các năm chẵn), lịch các ngày lễ…

Các dữ liệu vẫn chưa hết. Do các trận đấu cúp (FA Cup và Carling Cup) có sự tham dự của tất cả các CLB chuyên nghiệp, nên việc ưu tiên các CLB nghèo cũng được tính sao cho họ không phải di chuyển sân khách. Rồi các tính toán để các CĐV không phải di chuyển quá nhiều để cỗ vũ đội nhà, tránh sự quá tải giao thông, bố trí thời gian hợp lí cho những ngày lễ lớn như Boxing day, Giáng sinh, năm mới…

Tất cả những dữ liệu trên được đưa vào hệ thống máy tính được xây dựng từ năm 1982 và liên tục cập nhật, nâng cấp hằng năm. Hệ thống này được đặt tại Wilmslow và được biên soạn bởi khoảng 50 lập trình viên. Năm ngày sau khi trận lượt về play-off lên hạng Premier League kết thúc, xác định đủ 20 CLB tham dự mùa giải mới, hệ thống này bắt đầu vận hành. Quá trình xếp lịch dựa trên các dữ liệu này chỉ được kéo dài trong 10 ngày. Sau khi máy tính đưa ra kết quả từ những dữ liệu đã được mã hóa thành thuật toán vi tính, lịch thi đấu này vẫn chưa hoàn chỉnh, thậm chí là rối loạn. Khi đó, người ta sẽ phải nhập lại bằng tay và tinh chỉnh nó.

Khi có được kết quả cuối cùng, đại diện Atos Origin sẽ đến trụ sở FA gặp đại diện FA, ban tổ chức Premier League, đại diện tất cả các CLB Anh, cơ quan an ninh, đại diện cảnh sát giao thông, các ban tổ chức địa phương. Tại đó lịch thi đấu sẽ được trình bày để tất cả các bên thảo luận. Atos Origin sẽ phải giải trình và thu thập thông tin từ các bên để chỉnh lại một lần nữa trước khi công bố chính thức.

Nhưng câu chuyện chưa dừng lại ở đây. Từng có vụ việc xảy ra ở giải hạng Tư, CLB Morecambe phải chơi trên sân Dagenham&Redbridge vào giữa tuần trong một trận đấu quyết định. Họ đã cố gắng để thay đổi trận đấu nhưng phát hiện ra nó sẽ tác động tiêu cực đến nhiều trận đấu khác. Và BTC đã quyết định đây là "sự lựa chọn ít tồi tệ nhất" và giữ nguyên lịch cũ. Sau đó, cũng lại ở giải hạng Tư này, Cheltenham từng kiến nghị đổi ngày vì chơi trên sân nhà đúng ngày diễn ra lễ hội đua ngựa truyền thống ở thành phố này, nhưng cũng bị từ chối vì ảnh hưởng đến 15 trận đấu khác.

3. Mùa giải năm ngoái, Manchester United cũng đã từng kiến nghị về lịch thi đấu của họ khi 5 vòng đấu liên tiếp đầu mùa giải họ phải gặp 4 đối thủ lớn là Chelsea, Liverpool, Man City. Kết quả là Man Utd chỉ có đúng 1 điểm sau 3 trận đó và bắt đầu quá trình suy sụp. Nhưng kiến nghị này cũng không được giải quyết bởi nó là lựa chọn tối ưu có thể.

Bên cạn đó, yếu tố thời tiết và các sự kiện phát sinh có thể tạo ra vô vàn điều phức tạp. Tại Anh, mùa Đông thường rất khắc nghiệt nhưng họ lại không có thời gian nghỉ Đông. Việc tuyết rơi dày phải hoãn trận đấu là điều thường xuyên xảy ra. Và Atos Origin cũng tính rằng, chỉ 1 trận đấu bị hoãn sẽ khiến họ phải điều chỉnh 7 hạng mục tổ chức, tiêu tốn ít nhất khoảng 2 triệu bảng chi phí liên quan (chưa kể tiền bán vé và các chi phí di chuyển...).

Chỉ với chuyện xếp lịch thi đấu thôi cũng đã đủ thấy Premier League được tổ chức cẩn thận, phức tạp và chi tiết đến thế nào. Chẳng thế mà giải đấu này lại danh giá và được coi là số 1 thế giới!

Vòng đầu kém hấp dẫn?

Lượt đấu đầu tiên của Premier League luôn là vòng đấu được chờ đợi nhất. Đó là những hình ảnh đầu tiên về một giải đấu, về các CLB với những sự thay đổi sau 3 tháng nghỉ hè. Số lượng khán giả xem trực tiếp trên truyền hình ở lượt đấu đầu tiên cao nhất trong 38 vòng đấu, tuy nhiên, theo thống kê chuyên môn thì đây lại là vòng đấu không thực sự hấp dẫn dựa trên các yếu tố: bàn thắng, tần suất cầu thủ hoạt động trên sân.

Kể từ mùa giải 2004-2005 đến nay, sau 10 mùa giải gần đây, tỷ lệ trung bình bàn thắng ở lượt đấu đầu là 2,6 bàn/trận, thấp hơn tỷ lệ bình quân 37 vòng còn lại (cũng trong 10 mùa giải) là 2,7 bàn/trận. Cũng trong 10 năm qua chỉ 4 vòng khai mạc có nhiều bàn hơn mức trung bình của phần còn lại mùa giải, đó là các mùa 2004-2005, 2006-2007, 2007-2008 và 2008-2009. Điều đó có nghĩa, trong 5 mùa giải vừa qua, các vòng 1 của Premier League luôn có số bàn thắng thấp hơn tỷ lệ bàn thắng trung bình cả mùa giải.

Tần suất hoạt động của các cầu thủ ở vòng 1 được thống kê giảm từ 5 đến 9% so với tần suất hoạt động trung bình cả mùa giải. Điều này được lí giải là do sức ì của cầu thủ sau một mùa hè được nghỉ ngơi, hoặc họ mệt mỏi trong giai đoạn có diễn ra EURO hoặc World Cup.

Lê Giang
.
.
.