Những thước phim chạm tới trái tim khán giả

Chủ Nhật, 29/10/2017, 16:11
Những ai có mặt trong buổi công chiếu phim “Truyền thông thu hẹp khoảng cách” diễn ra vào ngày 21-10 vừa qua đều không khỏi xúc động. Bởi đó là những bộ phim kể về cuộc sống, tâm tư của những người khuyết tật và do chính những người khuyết tật dàn dựng. Nó là những thước phim đời nhất, thực nhất, đặc biệt nó đã mang tới cho cộng đồng một góc nhìn rất mới về người khuyết tật.


Truyền thông thu hẹp khoảng cách

Có được những thành quả ấy là sáng kiến của Trung tâm Nghị lực sống và Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP). Dự án “Truyền thông thu hẹp khoảng cách” được triển khai từ tháng 5-2017 với các học viên là người khuyết tật.

Mục tiêu của Dự án nhằm giúp các bạn khuyết tật có những kỹ năng truyền thông cơ bản, tự tạo những sản phẩm truyền thông để qua đó phản ánh góc nhìn và quan điểm của mình về những câu chuyện, vấn đề của chính cộng đồng mình cũng như thế giới xung quanh.

Với thân hình nhỏ bé việc quay phim là điều không hề dễ dàng đối với Hùng.

Để dựng được một phim, dù là phim ngắn đối với một người bình thường đã khó. Đối với những học viên khuyết tật còn khó hơn rất nhiều. Người được đánh giá là năng nổ nhất, đóng vai trò đạo diễn trong ê kíp làm phim là anh Nguyễn Văn Hùng cho rằng, để thực hiện một bộ phim ngắn, ê kíp thường phải có ít nhất là 3 đến 4 người.

Tuy nhiên mỗi người lại có những khiếm khuyết khác nhau. Vì vậy phải dựa vào những ưu khuyết điểm của mỗi người để phân chia công việc trong ê kíp. Người bị chân tay run thì không thể đảm đương vai trò quay phim được.

Bởi khi ấy những thước phim sẽ khiến người xem chóng mặt vì độ rung lắc. Bản thân anh Hùng dù đã gần 30 tuổi nhưng do chiều cao chỉ bằng một học sinh lớp 2 (1m17) muốn có góc quay chuẩn, anh thường xuyên phải bắc ghế để thực hiện.

“Chính vì chiều cao của tôi quá khiêm tốn nên tôi rất khó khăn để cầm máy quay phỏng vấn trực tiếp. Như tôi thường đảm nhận vai trò đạo diễn, viết kịch bản thay vì cầm máy quay. Người ta thường nói dựa vào điểm mạnh để giao việc nhưng ở đoàn làm phim này thì phải dựa vào điểm yếu của từng người để họ đảm nhiệm vai trò sao cho phù hợp” - anh Hùng cho biết thêm.

Một điều đặc biệt, những thành viên của khóa học lại chính là nhân vật trong bộ phim của mình. Những thước phim về người khuyết tật không phải là hiếm, tuy nhiên đó không phải là do chính người khuyết tật làm. Những thước phim được trình chiếu tại buổi tốt nghiệp còn có những hạn chế về kỹ thuật quay, dựng nhưng thực sự đã chạm đến tận cùng cảm xúc của người xem.

Đơn giản vì chính họ được kể về cuộc đời mình, được nói ra những điều mà bấy lâu nay họ không muốn chia sẻ. “Thực sự qua khóa học làm phim này, qua những bộ phim mà chúng mình tự dàn dựng sẽ thu hẹp khoảng cách giữa những người bình thường và người khuyết tật” – chị Mai Anh chia sẻ.

Bên cạnh khó khăn về những khiếm khuyết của cơ thể, các bạn còn phải đối mặt với những khó khăn về thiết bị kỹ thuật. Khi tham gia khóa học, cụ thể là trên lớp  học viên sẽ được Trung tâm thuê cho máy quay. Nhưng khi về nhà thực hành và làm phim thì các học viên phải tự mình đi thuê máy quay, thuê mic cài.

“Ban đầu chúng em làm theo bản năng, có máy quay là vác đi quay, nhưng cũng không biết ý tưởng là gì. Khi về lắp ghép không thể thành một thước phim hoàn chỉnh, logic. Sau khi được các thầy hướng dẫn, bọn em đã biết lên ý tưởng, từ ý tưởng đó sẽ làm kịch bản chi tiết. Khi có kịch bản chi tiết thì việc quay và dựng lại hết sức đơn giản. Dù gặp phải những khó khăn từ điều kiện khách quan hay chủ quan nhưng tất cả nhóm đã có những trải nghiệm hết sức thú vị. Được nói những điều không phải ai cũng dám nói, được sống thực với tận cùng của cảm xúc” – một học viên của khóa học “Truyền thông thu hẹp khoảng cách” chia sẻ.

Những sản phẩm đặc biệt

Sau 3 tháng miệt mài học tập, cuối cùng khóa học cũng đã kết thúc, rất nhiều tác phẩm được ra đời. Một trong 4 bộ phim được đánh giá xuất sắc nhất của dự án “Truyền thông thu hẹp khoảng cách” là “Nhật ký mẹ và con”. Bộ phim ngắn lấy nhiều nước mắt của người xem này kể về cuộc sống thường nhật của một bà mẹ khuyết tật đơn thân.

Chị đã cố gắng làm mọi việc có thể để cho con một cuộc sống bình thường. Nhưng đến tuổi đi học, con gái của chị vẫn bị bạn bè trêu trọc vì có một người mẹ “không bình thường”. Những câu hỏi ngây thơ của con, đại loại: “Mẹ ơi, sao các bạn con bảo nhìn mẹ không giống những người khác?”; “Mẹ ơi, sao mẹ lại thấp thế?” lại khiến người mẹ rơi nước mắt vì tủi thân.

Ở đoàn làm phim đặc biệt này phải dựa vào khuyết điểm để giao nhiệm vụ từng người.

Trước giờ, truyền thông đối với người khuyết tật thường làm về nghị lực vươn lên hoặc người này nghèo khổ, người kia khó khăn. Tham gia khóa học, các học viên muốn góp một tiếng nói riêng, muốn mọi người nhìn người khuyết tật ở một góc độ khác.

Trong bộ phim ngắn “Trải nghiệm xe lăn”, nhóm tác giả muốn gửi thông điệp đến người xem rằng việc đi xe lăn chưa bao giờ dễ dàng. Một người bình thường thử ngồi lên chiếc xe lăn, cảm giác ban đầu có khi là thích thú. Nhưng cảm giác đó qua đi rất nhanh, sau đó họ phải đối mặt với rất nhiều khó khăn chẳng hạn như ngồi lâu sẽ rất mỏi.

Không chỉ ngồi không mà người khuyết tật còn phải di chuyển nó trên nhiều địa hình khác nhau. Mọi sinh hoạt của họ đều phải diễn ra trên chiếc xe lăn ấy. Đó là một thử thách chưa bao giờ dễ dàng đối với những người khuyết tật. Tác giả chính của phim ngắn “Trải nghiệm xe lăn” là một cô gái còn rất trẻ nhưng vì một tai nạn thương tâm khiến cô phải ngồi xe lăn đến hết phần đời còn lại.

Một phim ngắn khác cũng gây được xúc động đối với người xem là “Hôm nay em thế nào”. Phim kể về một người đàn ông suốt ngày chỉ quanh quẩn trong 4 bức tường. Trước đó, anh cũng là một người bình thường, đã từng học đại học và từng làm việc tại một ngân hàng. Tương lai đang phơi phới thì bỗng một ngày anh phát hiện mình bị mắc chứng viêm tủy. Bệnh ngày một nặng hơn khiến anh phải ngồi xe lăn. 

Tự kỷ trước tình cảnh của mình nên ngày này qua tháng khác, anh giam mình trong một căn phòng nhỏ. Trong lúc cảm thấy cuộc sống buồn tẻ và vô vị, anh vô tình kết nối và trở thành thành viên trong Câu lạc bộ “Niềm tin chiến thắng”.

Chính sự giao lưu này đã giúp anh có cái nhìn lạc quan hơn về cuộc sống. Cảnh cuối của phim là hình ảnh người đàn ông khoác chiếc áo trắng, ngồi trên chiếc xe ba bánh hòa nhập vào dòng người hối hả. Bộ phim phần nào thể hiện khát vọng được sống có ích như một người bình thường của những con người chẳng may khiếm khuyết một phần cơ thể.

Nếu như 3 phim ngắn nói trên, mỗi phim đều chỉ lấy một người khuyết tật làm nhân vật chính thì phim ngắn “Thức dậy trên mái nhà” lại có tới 4 nhân vật. Họ mặc dù có những khiếm khuyết khác nhau nhưng đều có một điểm chung là nghị lực vươn lên trong cuộc sống. Mai Anh – một cô gái trẻ trung, xinh xắn bị liệt hai chân nhưng không muốn mình thành người vô dụng. Mai Anh đã học tập rất chăm chỉ để trở thành một người trang điểm giỏi.

Không chỉ thế, cô gái này còn tự làm vlog chia sẻ về những trải nghiệm trong cuộc sống của mình. Người thứ 2 là Gia Bảo. Bảo bị cụt một chân nhưng vẫn hằng ngày trượt patanh và bơi lội như bao người bình thường khác.

Với những người khuyết tật, đây là những trải nghiệm tuyệt vời.

Với Bảo, cuộc sống lúc nào cũng vui tươi và ý nghĩa. Nhân vật thứ 3 là một người đàn ông bị mắc chứng khô khớp, chân tay bị co lại nhưng vẫn luôn cố gắng để trở thành chỗ dựa cho vợ và 2 con gái của mình. Hằng ngày anh vẫn tự tay mình chải mái tóc dài và tết cho con gái út. Nhân vật thứ 4 trong phim cũng để lại cho người xem những ấn tượng sâu sắc.

Anh là Nguyễn Văn Hùng, 29 tuổi (biệt danh Hùng còi). Học đến lớp 2 là chiều cao của anh Hùng không thể phát triển được nữa. Mang hình hài của một đứa trẻ nhưng ý chí của người đàn ông này lại thật phi thường. Học hết lớp 12, anh Hùng thi đỗ vào trường trung cấp tin học tại TP Hồ Chí Minh rồi sau đó ra Hà Nội lập nghiệp. Hiện anh đang là thầy giáo dạy tin học của Trung tâm Nghị lực sống có trụ sở tại Linh Đàm (Hà Nội).

Phó Giám đốc quốc gia của UNDP tại Việt Nam, bà Akiko Fujii cho biết: “Tôi rất ấn tượng với các tác phẩm của học viên. Mỗi tác phẩm là một lần nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đảm bảo quyền tiếp cận thông tin và tham gia của người khuyết tật vào công tác truyền thông. Vượt lên trên hết những kỹ thuật, kỹ năng là thông điệp “Thu hẹp khoảng cách” giữa người khuyết tật và người bình thường họ muốn gửi đến cộng đồng”.

Còn theo chị Thảo Vân, Chủ tịch Hội đồng sáng lập Trung tâm Nghị lực sống cho hay: “Khóa học đã đạt được những mục tiêu ngoài mong đợi. Sau khóa học có nhiều bạn đã nhận ra mình có năng khiếu hơn là mình nghĩ. Điều đó thật tuyệt vời vì chỉ từ một khóa học ngắn hạn mà giúp các bạn khám phá được bản thân mình một cách tích cực như vậy.

Không phải ai cũng đủ khả năng, đủ kỹ thuật để tự kể câu chuyện của mình. Nhưng nếu câu chuyện của mình mà để người khác kể, đặc biệt là trong vấn đề của người khuyết tật thì có nhiều điều không được chính xác. Có thể mục đích của họ là để xóa bỏ rào cản, nhưng nếu làm không chính xác lại có tác dụng ngược, làm tăng rào cản giữa người khuyết tật với cộng đồng”.

Song Anh
.
.
.