Những trạm trung chuyển túc cầu

Chủ Nhật, 28/09/2014, 18:30
Một năm trước, Monaco làm dậy sóng làng túc cầu khi tỷ phú Nga Rybolovlev trở thành cổ đông chính của đội bóng công quốc thiên đường thuế. Không ai hiểu nổi một đội bóng ở vùng đất bé nhỏ, với dân số chưa đầy 40 ngàn người (tức là không lấp đầy nổi một SVĐ trung bình ở châu Âu), sở hữu một SVĐ có sức chứa chưa tới 20 ngàn khán giả lại có thể bỏ cả núi tiền ra để mua về những ngôi sao tầm cỡ như Falcao, Rodriguez, Moutinho…

Ai cũng nghĩ Monaco sẽ thành đối trọng với PSG và giúp Ligue 1 tạo vị thế ở Champions League. Nhưng đến lúc này, tất cả đều ngỡ ngàng nhận ra rằng Monaco sẽ chẳng thể đua tranh ngôi vô địch với PSG và chuyện họ làm nên chuyện ở Champions League chỉ là một giấc mơ hão huyền.

Mùa hè năm nay, Monaco bán và cho mượn toàn bộ những ngôi sao lớn nhất mà họ đã mua về năm ngoái. Đầu tiên là Rodriguez, sang Real Madrid với giá 90 triệu euro. Ai cũng nghĩ Monaco đã làm tiền rất thành công khi bán cầu thủ người Colombia với giá bằng 200% giá mua. Và nhiều đồn đoán cho rằng họ sẽ bù đắp bằng một ngôi sao khác, rẻ hơn Rodriguez, để duy trì chất lượng đội bóng. Nhưng rốt cuộc, họ lại cho mượn nốt Falcao với điều khoản có thể bán đứt với giá 52 triệu bảng Anh và có thể sắp tới là bán luôn Moutinho, với một cái giá hời không kém.

Câu hỏi được đặt ra ở đây là "phải chăng Rybolovlev đã dùng Monaco để buôn cầu thủ?".

Câu hỏi đó đúng được nửa phần. Nửa còn lại, Monaco không phải là kẻ đi buôn chuyên nghiệp mà họ là kẻ biến mình thành trạm trung chuyển để lách luật của UEFA và từ đó, làm tiền nhờ bóng đá.

Mancheaster United bất ngờ được chữ ký của tiền đạo Falcao.

Một năm trước, khi Falcao muốn đi khỏi Atletico Madrid, ai cũng nghĩ anh sẽ tới Real Madrid. Nhưng thực tế, giữa hai CLB cùng thành phố đó có thỏa ước là không thôn tính cầu thủ của nhau. Thế nên, nhiều người cho rằng Monaco sẽ là bước đệm để Real lách thỏa ước và có được Falcao sau 1 năm chờ đợi. Nhưng Monaco lại chọn đối tác là M.U chứ không phải CLB hoàng gia Madrid. Và câu trả lời có lẽ đã hé lộ phần nào nhờ vào những phân tích dựa trên luật công bằng tài chính của UEFA.

Theo luật này, một CLB nếu lỗ quá mức quy định sẽ bị cấm chơi cúp châu Âu. Ngoài ra, nếu thâm hụt cán cân mua-bán của một CLB vượt quá 49 triệu euro, CLB đó cũng sẽ bị kỷ luật. Năm ngoái, M.U đã chi 82 triệu bảng Anh cho việc mua cầu thủ và họ không thể mua thêm ai nữa. Tương tự, Real cũng đã chi cả 100 triệu euro cho Gareth Bale. Chính vì thế, nếu muốn có Falcao, cả hai đội bóng ấy cần phải có một đợi chờ một mùa bóng. Nhưng người bán và cầu thủ cũng không ai đợi họ cả. Do đó, họ cần một trạm trung chuyển an toàn có thể giữ chân cầu thủ cho họ. Monaco thừa hiểu nhu cầu đó của các CLB như M.U và họ chỉ việc đầu cơ một ngôi sao trong vòng 1 mùa bóng là có thể bỏ túi rất, rất nhiều tiền. Tất nhiên, để làm được điều này, ông chủ Rybolovlev cần có một cánh tay đắc lực. Người ấy là Jorges Mendes, trùm chuyển nhượng thế giới hôm nay.

Việc Monaco bán Falcao, Riviere, Rodriguez và Moutinho cũng giống như Newcastle đã bán những ngôi sao như Cabaye, Debuchy… Điều đó cho thấy trong thế giới bóng đá hôm nay, khi việc thèm khát chi tiền tăng viện ngôi sao của các CLB lớn ngày càng mạnh mẽ hơn, sẽ có những CLB nhỏ sẵn sàng đứng ra làm dịch vụ để kiếm tiền chênh lệch. Và với những ông chủ giàu có, thông minh, am tường đang điều hành các CLB bóng đá hôm nay, dịch vụ ấy càng ngày càng hoàn thiện hơn, bất chấp những nỗ lực chống bội chi của UEFA để nhằm tạo nên sự công bằng trong thế giới bóng đá.

Và thế giới ấy đã không còn đơn thuần chỉ là nơi của tinh thần thể thao, của giải trí, của vui chơi nữa mà nó đã trở thành một mảnh đất màu mỡ để kiếm tiền với cơ hội dành cho tất cả mọi đẳng cấp CLB. CLB nhỏ thì đào tạo tài năng, CLB trung bình thì làm trạm trung chuyển cầu thủ và CLB lớn thì khai thác giá trị tăng thêm từ chính hình ảnh ngôi sao của những cầu thủ đã thành danh như Rodriguez, Falcao…

Hà Quang Minh
.
.
.