Những vui buồn từ Giải Bóng chuyền Vô địch quốc gia 2020

Thứ Hai, 28/12/2020, 07:10
Bất chấp một năm chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch COVID-19, Giải Bóng chuyền VĐQG 2020 đã hoàn tất trong những ngày cuối cùng của năm. Rất nhiều tín hiệu tích cực xuất hiện, nhưng đi cùng với đó là không ít cái tên gây thất vọng với người hâm mộ.


Hiện tượng Hóa chất Đức Giang

Thành lập từ 4 năm trước với nòng cốt là những cầu thủ trẻ từ CLB Hà Nội, mô hình doanh nghiệp làm bóng chuyền của Hóa chất Đức Giang có lúc tưởng như đổ bể. Họ từng rơi xuống nhóm có nguy cơ xuống hạng và phải chiến đấu hết khả năng qua các lượt đấu play-off để tiếp tục trụ lại hạng đấu cao nhất. Nhưng năm 2020 đã chứng kiến một Hóa chất Đức Giang hoàn toàn khác, khi họ trở thành ngựa ô của giải.

Ở vòng 1 Giải Bóng chuyền VĐQG 2020, Hóa chất Đức Giang được xếp vào bảng B cùng các đối thủ mạnh như VTV Bình Điền Long An, Ngân hàng Công Thương, Hải Tiến Thanh Hóa và Kingphar Quảng Ninh. Từ vị thế của một kẻ lót đường, Hóa chất Đức Giang chơi bùng nổ với 4 chiến thắng liên tiếp, qua đó kết thúc vòng 1 ở vị trí nhất bảng. Phong độ đó tiếp tục được họ thể hiện ở vòng 2 với một kịch bản ít ai nghĩ đến.

CLB Hóa chất Đức Giang có mô hình tổ chức bài bản, chuyên nghiệp.

Tại vòng 2, Hóa chất Đức Giang một lần nữa đứng nhất bảng để thẳng tiến vào vòng bán kết. Họ tiếp tục biến Ngân hàng Công Thương thành bại tướng, qua đó bước vào trận đấu cuối cùng của mùa giải gặp Thông tin Liên Việt Postbank. Kết thúc giải với vị trí Á quân, Hóa chất Đức Giang thực sự trở thành một hiện tượng mới. Trước họ, đội bóng duy nhất không nằm trong nhóm "tam đại gia" của bóng chuyền nữ Việt Nam lọt vào trận chung kết là Vietsovpetro vào năm 2011.

Đâu là nhân tố giúp cho Hóa chất Đức Giang trở thành một đội bóng mạnh như hiện tại? Điều đầu tiên phải nhắc tới là việc họ đã chi rất nhiều tiền để xây dựng lực lượng trong thời gian qua. Trước thềm mùa giải 2020, CLB này chiêu mộ chủ công kỳ cựu Nguyễn Thị Xuân từ Ngân hàng Công Thương. Đến trước thềm giai đoạn 2, họ còn "rút ruột" thêm chủ công Trần Tú Linh với một bản hợp đồng có giá trị không hề nhỏ.

Chấp nhận chi tiền săn cầu thủ giỏi (cả Nguyễn Thị Xuân và Trần Tú Linh đều có thời gian khoác áo đội tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam), lãnh đạo Hóa chất Đức Giang còn hào phóng thưởng nóng không khác gì những ông bầu bóng đá. Kết thúc giai đoạn 1 với vị trí nhất bảng, cả đội giật mình trước thông tin được thưởng 1 tỷ đồng. Đây là số tiền rất lớn, bởi đội vô địch cũng chỉ được BTC trao tiền thưởng 150 triệu đồng. Nhưng thưởng nóng, vung tiền mua sao không có nghĩa đội bóng này chỉ ăn xổi, nghĩ đến thành tích trước mắt.

Hướng đi lâu dài

Không lâu sau khi thành lập đội bóng, việc đầu tiên những người làm bóng chuyền của Hóa chất Đức Giang thực hiện là đi xuyên Việt tìm kiếm VĐV năng khiếu. Danh sách những gương mặt tham dự giải bóng chuyền VĐQG trẻ toàn quốc 2017 của họ có 14 cái tên, và người trẻ nhất trong đội khi ấy cũng mới có 14 tuổi. 3 năm trôi qua, cô bé Vi Thị Yến Nhi ngày ấy đang là chuyền 2 xuất sắc nhất tại giải trẻ quốc gia 2020.

Không chỉ vung tiền chiêu mộ VĐV xuất sắc của Ngân hàng Công Thương, Hóa chất Đức Giang còn "rút ruột" cả những chuyên gia từ kỳ phùng địch thủ. Một trong số đó là HLV Nguyễn Thúy Oanh, người có nhiều năm kinh nghiệm trong việc huấn luyện và đào tạo lứa VĐV nòng cốt cho đội bóng Thủ đô. Hóa chất Đức Giang hiện nay còn thử nghiệm mời cả chuyên gia nước ngoài đến huấn luyện, đào tạo cho các HLV trong nước.

Với những cô bé nuôi ước mơ trở thành VĐV bóng chuyền chuyên nghiệp, Hóa chất Đức Giang cũng tạo điều kiện cho các em được phát triển toàn diện cả trong lẫn ngoài sân bóng. Để thuyết phục các bậc phụ huynh đồng ý cho con gái mình đầu quân cho Hóa chất Đức Giang thay vì các CLB tên tuổi khác, đội bóng này thực hiện nghiêm chỉnh các điều khoản đảm bảo quyền lợi cho VĐV trẻ. Ngoài chế độ đãi ngộ, VĐV được CLB hỗ trợ ăn học đến nơi đến chốn.

Nhưng nếu một vài VĐV cố gắng bám trụ lại ở tuyến trẻ Hóa chất Đức Giang mà không thể lên chơi chuyên nghiệp thì sao? Lúc đó doanh nghiệp sẽ hỗ trợ các em học hết chương trình phổ thông, và cả bậc đại học nếu có nguyện vọng. Sau khi tốt nghiệp, các em có thể vào làm việc ở công ty. Đó là cách tốt nhất để các VĐV trẻ toàn tâm toàn ý thi đấu, và cũng là điểm mạnh của mô hình doanh nghiệp làm thể thao như ở Thông tin Liên Việt Postbank, hay một vài CLB khác.

Tính đúng đắn của việc phát triển bóng chuyền theo hướng xã hội hóa, doanh nghiệp quản lý đội bóng được thể hiện rõ ràng ở thành tích của các đội trong năm 2020, đặc biệt ở nội dung nữ. Những CLB có thành tích cao đều mang tên doanh nghiệp, còn đội bóng nào vẫn giữ cơ chế tỉnh thành bao nuôi thường xuyên phải đối mặt với nguy cơ xuống hạng. "Nạn nhân" của giải nữ năm nay là Hải Dương, khi họ để thua Hải Tiến Thanh Hóa, đội bóng trao thưởng trận thắng play-off còn cao hơn thưởng cho nhà vô địch.

Thụt lùi vì... nghèo

Có một thời, Tây Nam Bộ là cái nôi của bóng chuyền Việt Nam, với không ít tuyển thủ quốc gia ở cả đội tuyển nam và nữ. Những VĐV tiêu biểu như Nguyễn Thị Ngọc Hoa, Trần Thị Thanh Thúy, Từ Thanh Thuận,... đều đến từ miền sông nước với lối chơi độc đáo, không thể đào tạo theo giáo trình cứng nhắc. Nhưng đến năm nay, bóng chuyền Tây Nam Bộ đã thụt lùi rất xa so với phần còn lại vì cảnh cơm áo gạo tiền.

Một mình Thanh Thúy không thể gồng gánh cho cả đội VTV Bình Điền Long An.

Trở lại thi đấu cho VTV Bình Điền Long An sau quãng thời gian xuất ngoại, Thanh Thúy vẫn là đầu tàu của đội bóng. Tuy vậy, một mình cô không thể gồng gánh cả một tập thể vốn không còn những VĐV xuất chúng như trước kia. Lần đầu tiên sau 6 năm, VTV Bình Điền Long An không thể lọt vào nhóm 4 đội mạnh nhất giải. Họ chỉ có thể kết thúc giai đoạn 2 ở vị trí khiêm tốn phía sau Hóa chất Đức Giang và Kinh Bắc Bắc Ninh.

Gây thất vọng hơn cả là CLB Xổ số kiến thiết (XSKT) Vĩnh Long. Thế lực một thời của bóng chuyền nam Việt Nam ngậm ngùi xuống hạng ở mùa giải năm nay. Đau đớn hơn cả là họ phải ngậm ngùi chứng kiến sản phẩm tốt nhất từ hệ thống đào tạo của mình, chủ công Từ Thanh Thuận lên ngôi vô địch cùng Sanest Khánh Hòa. Lý do khiến "máy đập bóng" của ĐT Việt Nam rời Vĩnh Long đầu quân cho đội bóng khác đơn giản xuất phát từ chuyện cơm áo gạo tiền.

Sớm áp dụng mô hình xã hội hóa, doanh nghiệp làm thể thao, nhưng các đội bóng phía Nam như VTV Bình Điền Long An hay XSKT Vĩnh Long lại dần thụt lùi lại so với các đối thủ theo thời gian. Không thể cạnh tranh cả về mặt tiền bạc cũng như các khoản đãi ngộ khác, những đội bóng này dần mất đi cầu thủ trụ cột trong khi không có lớp cầu thủ trẻ kế cận. Hậu quả là thành tích của họ dần thụt lùi theo thời gian, và chuyện đối mặt với nguy cơ xuống hạng là không thể tránh khỏi.

Những ngôi sao sân bóng chuyền "phủi", họ ở đâu?

Nổi tiếng nhất trong giới bóng chuyền "phủi" có lẽ là ông vua không ngai Phan Công Khanh, hay còn được biết đến dưới tên Khanh Supper. Chỉ cao 1,79m nhưng có thể bật đà đến 3,4m và nhảy chắn 3,15m, Khanh Supper thực sự là một quái kiệt trong giới bóng chuyền nghiệp dư. Khanh có một thời gian ngắn thi đấu chuyên nghiệp dưới màu áo CLB Bến Tre, nhưng đãi ngộ CLB này bỏ ra thực sự không hề xứng tầm với tài năng của anh.

Gia đình có điều kiện nên Khanh dường như chỉ chơi bóng chuyền "cho vui". Không được tạo điều kiện phát triển, cộng thêm chấn thương bất ngờ gặp phải khiến Khanh nhanh chóng nói lời từ giã với bóng chuyền chuyên nghiệp chỉ một thời gian ngắn sau khi xuất hiện. Không còn gắn bó với các sân bóng phủi nữa, giờ đây thú vui mới của Khanh là mua bán và sưu tầm siêu xe. Anh sở hữu cả một dàn xe tiền tỷ, không thua kém bất cứ đại gia nào.

Bên cạnh Phan Công Khanh, một vài ngôi sao khác của giới bóng chuyền "phủi" không thể lên chuyên nghiệp có thể kể đến Lương Tấn Tài, Ngô Văn Thạch... Trong số đó, trường hợp của Thạch "đen" có thể khiến người hâm mộ bóng chuyền Việt Nam khá nuối tiếc. Thạch kể anh có nhận được khá nhiều lời mời chơi bóng chuyên nghiệp, nhưng đều từ chối vì nghĩ mình không phù hợp với môi trường đó. Thay vì rèn luyện trong một CLB với những tiêu chuẩn khắt khe, Thạch thích nay đây mai đó đánh các giải hội làng hơn.

Nếu như bóng đá Việt Nam có không ít cầu thủ chuyên nghiệp đi lên từ các giải "phủi", thì điều đó lại không xảy ra ở môn bóng chuyền. Lý do sâu xa không hẳn vì các VĐV đánh "phủi" không đủ khả năng, mà xuất phát chính từ động cơ tài chính. Một tay đánh "phủi" như Thạch "đen" có thể nhận lời tham dự thi đấu ở một giải hội làng với số tiền tương đương lương tháng của một VĐV chuyên nghiệp, lại không có ràng buộc gì nên họ thích theo hướng đó hơn.

Đơn Ca
.
.
.