Nở rộ trào lưu thí sinh tự sáng tác ca khúc: Nên hay không?

Thứ Ba, 17/11/2015, 14:00
Cuộc thi Giọng hát Việt (The Voice) vừa khép lại, với kết quả vừa lòng đa số các khán giả, tất cả diễn ra đúng như những dự đoán và cả kết quả từ tin nhắn bình chọn, nhưng cũng không thiếu những ồn ào của dư luận.

Chàng trai 18 tuổi nhút nhát nhưng có giọng hát rất hay Đức Phúc đã đoạt giải quán quân. Một mùa Giọng hát Việt nữa đã qua đi, người ta thấy một giọng hát Việt phong phú hơn về mọi mặt, ấn tượng chương trình, sự cá tính của ban giám khảo, và các thí sinh cũng đa di năng hơn: hát, vũ đạo và cả khả năng tự sáng tác. Nhưng khả năng tự sáng tác của thí sinh, vẫn có điều gì đó chưa ổn?

Trong đêm thi chung kết,  Hoàng Dũng của đội huấn luyện viên Thu Phương đã trình bày một ca khúc do chính Dũng viết mang tên "Đường đêm". Nội dung ca khúc này kể về hành trình chàng trai đi tìm cô gái yêu thương trong đêm mưa Hà Nội. Khi hai người còn có quá nhiều điều để nói, để giải thích thì cô đã đi xa chàng trai. Qua bài hát này, Hoàng Dũng muốn chia sẻ thêm một trong những cung bậc cảm xúc của tình yêu mà bất cứ ai cũng đều gặp phải, để cùng đồng cảm và thấu hiểu hơn ý nghĩa tình yêu cũng như những niềm đau khi đánh mất nó.

Hoàng Dũng đã chia sẻ: "Ca khúc này em sáng tác vào khoảng nửa năm trước. Trước đây, em cũng đã từng sáng tác nhiều ca khúc với nhiều thể loại khác nhau, tuy nhiên, chưa có điều kiện để thu âm cũng như sản xuất. Trong quá trình đưa ra ý tưởng, cô Thu Phương đã góp ý để em có thể hoàn thiện hơn về cách hát, cũng như sửa đôi chút về phần lời sao cho hợp lý hơn. Cô tiếp thêm cho em động lực để em tự tin hơn ở sáng tác đầu tay này".

Cũng như vậy, Yến Lê của đội Tuấn Hưng, sau cuộc thi Giọng hát Việt, người ta thấy ở Yến Lê hội tụ đủ yếu tố để trở thành một ca sĩ giải trí: giọng hát khỏe, sự cá tính, ngoại hình sáng sân khấu; ngoài ra Yến Lê còn nổi tiếng ở lĩnh vực sáng tác ca khúc. Yến Lê đã từng hơn 2 lần biểu diễn ca khúc mình tự sáng tác ở The Voice năm nay và cô muốn tiếp tục thể hiện khả năng vừa hát vừa sáng tác của mình qua từng vòng thi.

Ca khúc Yến Lê trình bày ở đêm chung kết, cô viết về người cha đã khuất của mình mang tên "Cho con được thay cha" . Tuy nhiên, nhiều người đánh giá ca khúc của Yến Lê chưa có gì đặc biệt. Cảm xúc của người viết có thể dạt dào, nhưng để người nghe, hiểu và cảm nhận được trọn vẹn, không phải là một điều dễ dàng, nhất là khi việc viết ca khúc chỉ như một cách ghi lại cảm xúc?

Có thể nói, việc thí sinh tự hát ca khúc mình, nhất là ca khúc mới trình làng lần đầu sẽ là rất khó khăn và mạo hiểm. Ở các chương trình này, thí sinh tham gia chỉ là tham gia cuộc thi hát, điều đó thấy rõ rằng, chính thí sinh cũng đánh giá khả năng hát của mình trội hơn khả năng tự sáng tác. Vả chăng, nếu có tác phẩm, chủ yếu là viết về một số cảm xúc mà thí sinh trải qua, chứ ít có khả năng viết về những cảm xúc vượt lên cảm xúc cá nhân như những nhạc sĩ chuyên nghiệp.

Huấn luyện viên Tuấn Hưng biểu diễn cùng học trò Yến Lê.

Và ca khúc cũng chỉ được biểu diễn ở chính chủ nhân của bài hát ấy; còn những ca sĩ khác, thí sinh khác, khi họ chọn bài hát đi thi, họ sẽ chỉ chọn những bài hát đã nổi tiếng của những nhạc sĩ nổi tiếng. Những bài hát thí sinh tự sáng tác sẽ đi về đâu, khi chính tác giả của nó, sau cuộc thi, cũng chưa phải ai cũng đã thành danh? Và thị trường âm nhạc sẽ đi về đâu khi có rất nhiều ca khúc mới được sáng tác mà nội dung thì làng nhàng không dấu ấn?

Việc thí sinh tự sáng tác, nếu chỉ viết lại những cảm xúc thông thường, thiết nghĩ các nhà tổ chức, các ban giám khảo cũng không nên khuyến khích. Sáng tác không phải câu chuyện dễ như làm bánh để ai cũng có thể thử nghiệm, nhất là khi sự thử nghiệm đó "hành hạ" hàng triệu cái tai nghe của công chúng truyền hình. Thực tế, sự tự sáng tác mang đến rủi ro cao cho thí sinh nếu phần thi của họ quá mờ nhạt, quá vô thưởng vô phạt hay tệ hơn, chất lượng ca khúc quá tồi.

Những ca khúc "mì ăn liền", với ca từ ngây ngô cũng là lí do khiến những ca khúc được sáng tác bởi những nhạc sĩ - ca sĩ trẻ không được đánh giá cao. Những trường hợp tự sáng tác tự biểu diễn trong ca sĩ trẻ tạo được sức hút đám đông như như  Sơn Tùng M-TP là rất hiếm. Đi lên từ một ca sĩ vô danh, Sơn Tùng bất ngờ thành hiện tượng với "Em của ngày hôm qua", Sơn Tùng tiếp tục làm nên chuyện với “Chắc ai đó sẽ về”.

Không phải ai cũng sở hữu được giọng hát hay, mà không có giọng hát hay, nếu muốn nổi tiếng thì các ca sĩ phải có chiêu trò, nổi tiếng bằng nhiều cách, bằng sự đa dạng của chính mình. Điều đó là động lực để những thí sinh muốn trở thành nghệ sĩ chuyên nghiệp qua các cuộc thi cố gắng. Nhưng thiết nghĩ, sáng tác không hay thì đừng đưa sáng tác đó lên sân khấu để thi thố, vì đó là "lợi bất cập hại".

Thí sinh khôn ngoan để khoe giọng hát của mình, hãy lựa chọn những bài hát hay phù hợp với chất giọng. Thực tế, trong một cuộc thi hát, giám khảo chỉ chấm giọng hát. Còn khả năng sáng tác chỉ là điểm cộng. Nhưng chỉ là khi ca khúc đó hay, còn nếu dở, thì chắc chắn chỉ là điểm trừ…

Ngô Chuyên
.
.
.